Tôi kết bạn với em trắng tinh thông tin, ngoại trừ bức thư em viết gửi tôi, đề đạt nguyện vọng muốn làm biên tập viên tình nguyện cho dự án sách Thơ Bạn Thơ/ Văn Bạn Văn đã bước sang năm thứ hai. Linh cảm mách bảo tôi em là con chim lạ muốn đến vườn thơ cùng quần hùng hòa ca Thơ Là Thơ. Từ mách bảo ấy, tôi đồng ý (không một đắn đo) nhận em và giao em công việc đọc chọn thơ của các bạn thơ, trước hết là các người thơ Tuy Hòa Phú Yên, sau là từ từ tỏa ra các tỉnh miền Trung, và rồi lan tới các vùng miền khác. Công việc của chúng tôi thực chẳng có gì đáng phô khoe ầm ỹ. Thơ là tiếng lòng, như chim có giọng đẹp, mỗi ban mai lảnh lót chào bầy đàn. Em không ví mình là chim, em bảo minh là con tằm, thực lòng tôi không thích ví von này, vì sau khi nhả hết tơ tằm chỉ còn là con nhộng... nhắm. Nhưng em thích, đã chào sách "Con Tằm Rút Ruột Nhả Tơ.." tôi tôn trọng.
Tình bạn của chúng tôi, hai thế hệ cách nhau gần nửa thế kỷ, mà không lấy hai chữ Tôn Trọng làm đầu, làm nền tảng, làm bản chất thì không thể xây dựng được một tình bạn đúng nghĩa. Cả hai chúng tôi đều thấu đáo căn bản ấy, đều cố tìm một đồng cảm, một đồng điệu để chơi, để đàm một tình bạn. Đàm Tình yêu với lão ông ư? Không, buồn cười lắm. Hôn nhân ư? Không, làm gì có ai hiểu thấu chữ Duyên của trời. Gia đình ư? Không, tôi không thể là thầy của em trong khu vực này, bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cuộc nhân sinh ư? Không, vì tôi đã hưu nhàn từ 20 năm nay. Thế cuộc sự đời ư? Thưa không, tôi bản tính rất ghét dối trá và lường gạt và hình như Em cũng thế. Sau hết, tôi và em đều cùng chọn văn chương để kết duyên tình bạn. Kết duyên tình bạn văn chương là sao? Là tình Thơ Bạn Thơ/ Văn Bạn Văn, và chỉ trong khu vực ấy, giới hạn ấy. Chi tiết hơn, chúng tôi chọn thế tĩnh là đàm đạo văn chương, đàm đạo đến vỡ chuyện, ngấu chuyện. Em nhường nhịn tôi, luôn để tôi nói nhiều và nghe ít hơn em, Em ngược lại nói ít và nghe nhiều hơn tôi. Nhưng sau hết chúng tôi vẫn cười rất tươi bài song ca tình bạn. Chúng tôi chọn thế động (hành động) say mê, kiên trì, liên tục làm những điều lợi lạc, tốt đẹp cho gần là bầu bạn văn chương, xa hơn chút là cộng đồng văn chương, xa rộng hơn nữa là ước mơ góp phần bé nhỏ làm rạng rỡ nền văn chường Việt thời chúng tôi đang sống.
Chúng tôi đã đàm những gì về văn chương, mà dài suốt 10 năm nay vẫn còn say mê luận? Thưa ngay, chúng tôi đàm mọi chuyện, dù khởi từ đông tây nam bắc, hay đi ngang từ nước Tàu sang nước Mỹ, chỉ sau một nhím cà phê tại đại bản doanh Quán Cóc trước hẻm nhà... là chúng tôi quay về chủ đề đàm của mình. 10 năm, chuyện văn chương nhiều lắm, nhưng gom lại cũng chỉ trong ba khu vực: Thơ Là Thơ/ Tình Thơ Bạn Thơ/ Và Đò Đưa hay là Chém Gió muôn Mầu..
Tôi đã đúc kết ba khu vực ấy trong 4 câu lục bát, gọi là thơ cũng được, gọi là vè, là kệ cũng được, không buồn lòng. Cháy rôi cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương...
Và Nguyễn Văn Hòa đã thu hoạch (trong phạm vi văn chương) được đầy đủ, trọn vẹn ký thác của tôi tàng ẩn trong ba chữ Thơ Là Thơ, trong bốn chữ Tình Thơ Bạn Thơ, và trong hai chữ Đò Đưa mở rộng thành Chém Gió Muôn Màu. Mời đọc thu hoạch của Hòa sau nhiều năm tôi và em cùng đàm đạo văn chương.
Hòa Phú Yên:
"Tôi đọc đi dọc lại nhiều lần bài thơ Chân Hương của Nguyễn Nguyên Bảy. Càng đọc càng thấy hay và thầm cảm phục tài dùng chữ của ông. Bài thơ lục bát chỉ vỏn vẹn 28 chữ mà gói gọn và ẩn chứa trong đấy biết bao điều, bao nhiêu câu hỏi, buộc người đọc phải suy ngẫm.
Chân Hương nếu đọc lướt qua 1-2 lần thì người đọc sẽ không thấy có gì đặc biệt. Chỉ là chuyện cây hương đốt cháy. Qua thời gian mầu phẩm nhuộm ở chân hương phai đi và chân hương vẫn đứng trơ lỳ đấy trên lư hương... Và nếu hiểu đơn giản như vậy thì bài thơ quá đỗi bình thường. Nhưng tôi đọc lại lần thứ 3 rồi lần thứ tư mới phát hiện ra rằng Nguyễn Nguyên Bảy không phải viết đơn giản vậy.
Bằng sự trải nghiệm, sự hiểu biết, bằng vốn sống, vốn gowin99 của một nhà khoa học, một nhà báo, một nghệ sĩ, Nguyễn Nguyên Bảy rất nhạy và "tinh quái" trong việc dùng hình ảnh, câu chữ. Vì thế, câu chuyện cây hương, chân hương, mùi thơm của hương nó là câu chuyện của thời cuộc, của con người, của đời người, của quan và dân, của thế sự nhân sinh, của lịch sử, gowin99 dân tộc. Ông khéo và tài tình khi dùng hình ảnh cây hương cháy rồi, cháy hết phần thơm và chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi. Độc đáo bình thường lại hóa lạ. Việc đơn giản lại trở thành khò hiểu. Vật vô tri vô giác trở nên sống động, có hồn cốt. Lẽ tự nhiên, theo thời gian mầu phẩm nhuộm của chân hương sẽ phai nhưng chân hương vẫn cứ " bền bỉ" đứng, mặc cho bao biến thiên, vận động xung quanh. Từ Chân Hương lại mở ra những "chân trời" để con người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm triết lý về con người, cuộc đời thời cuộc..và về Thơ Là Thơ, Tình Thơ Bạn Thơ..Thậm chì cả việc Đò Đưa Thơ..
Viết sau nhiều đêm nghĩ nhân tình thế thái, 2017."
Suốt 10 năm ròng rã, tôi và Hòa đã đàm thơ phú với nhau trên ba căn bản nói trên, đàm nào cũng thân ái, không cưỡng bức và đều kết thúc băng sự thống nhất gần như tuyệt đối với đôi nụ cười hoa cỏ. Tôi thành thật cảm ơn Hòa về điều đó.
Suốt mười năm ròng rã, Hòa đã cùng vc tôi và một số bầu bạn cống hiến tận lực cho Dự án sách Thơ Bạn Thơ/ Văn Bạn Văn. Hai chục đầu sách khổ 20x20, dày 300 trang, gồm: 10 tập Thơ Bạn Thơ, 2 tập Văn Bạn Văn, 4 tập Chém Gió Muôn Màu, 3 tập Vườn Năm Nhà, 01 tập Tình Thơ Bạn Thơ. Hai mươi đầu sách ấy, hầu như không đầu sách nào không ghi dấu ấn Nguyễn Văn Hòa, khi với vai trò biên tập đọc chọn, khi với vai trò tác giả tham gia sách. Nhấn mạnh: 20 đầu sách x 300 trang là 6.000 trang sách, quá khủng cho một nhà văn trẻ. Vợ chồng tôi cảm ơn Hòa về đóng góp đó.
Tuy nhiên, tôi không cho hai kể trên là kỳ lạ. Bởi lẽ, trời không cho chúng tôi se duyên bạn với Hòa, thì cũng cho chúng tôi se duyên với một hoặc nhiều bạn khác. Việc Hòa làm được các bầu bạn khác cũng làm được. Chúng tôi trân trọng cuộc duyên với Hòa, nhưng, thật đấy, cuộc duyên này không lạ, mà lạ ở chỗ cuộc duyên này tràn ngập thử thách ở cả hai phía, mà mỗi bên đều phải cố gắng tu thân vượt lên chính mình đễ giữ gìn và tỏa sáng cuộc duyên.
Và điều này thì lạ lắm. Song song với việc biên tập đọc chọn Thơ Bạn Thơ "khủng" như nói trên, Hòa đã bộc lộ sức viết cũng rất "khủng" của mình. Em đã viết một hơi, trong mười năm, hàng trăm bài phê bình văn học (đò đưa) về hàng trăm các gương mặt thơ của nền thơ ca Việt. Hầu như Đò đưa nào cũng chỉn chu, khoa học và giầu cảm xúc. Em đã chọn in hai tập Đò đưa hoành tráng “Tình Thơ Bạn 1" và "Con tằm rút ruột nhả tơ", đang chuẩn bị in tập thứ ba thì vỡ dịch corona Vũ Hán, đành chờ..
Và điều này còn lạ hơn nữa, bảo là kỳ lạ không sợ lộng ngôn. Từ năm 2015, Hòa bắt đầu bệnh trọng, Hòa bí mật với vợ chồng tôi về nan bệnh của mình, lúc nào em cũng bảo sổ mũi nhức đầu ấy mà. Nhưng, thực ra bệnh của em đã khá nặng, vi rút đã tấn công răng, lợi và cổ của em. Bởi dù gặng hỏi cách nào em cũng nín lặng lảng sang chuyện khác. Em đi vào đi ra bằng xe đò Phú Yên Sài Gòn, Sài Gòn Phú Yên theo định kỳ khám chữa bệnh hàng tuần, hàng tháng, tuy theo tiến triển lành dữ của nan bệnh. Em đã hoàn toàn kiêng cơm, kể cả rau giá cá đậu ngon lành, em chỉ ăn khoai, hầu như cả ba bữa sáng, trưa, chiều và uống nhím chút mật ong rừng. Em thân thiết với Lý Phương Liên như hai mẹ con, nhưng mẹ chưa bao giờ đón được con bữa cơm rượu mỗi khi biết tin em vô Sài Gòn. Và tôi, tôi đã hơn một lần mở tiệc đón sách in xong, tiệc chào sách và tiệc cùng quần hùng chém gió... Tiệc nào cơ may có Em tham gia, trước mặt em bát trắng, đũa khô, miệng em dô dô theo sóng tiệc, em uống ực ực từng ngụm lớn trà bia. Mỗi lúc thế, gương mặt em hân hoan, thân thiện, nụ cười hơi lẽn, em hồn nhiên nhắm chúng tôi..
Nguyễn Văn Hòa, em thật kỳ lạ, sức tu thân cùa em đúng cốt cách một thầy giáo truyền thống, đúng bản chất một công dân liêm sỉ, và với riêng chúng tôi, sự cống hiến say mê, kiên trì, liên tục của em cho Dự án sách Thơ Bạn Thơ/ Văn Bạn Văn không có mùi danh tài, là một cống hiến mình vì mọi người, một cống hiến hy sinh đáng ngưỡng mộ và kinh trọng. Lão ông tôi xin ngả mũ trước Em..
Đầu tháng Giêng năm 2021, tôi đột ngột mổ tim, được cứu sống, được đọc tin nhắn của Hòa: "...Thầy ơi, con đã lâm trọng bệnh và con đã không chia sẻ với thầy cô, vì con không muốn thầy cô đã U80 còn lo thương tội nghiệp cho con. Con cầu xin ơn trên cho thầy vượt qua nạn ách này. Xin thầy đừng qụy xuống, để con còn được nghe thầy chỉ bảo điều hay, lẽ phải trong ba cõi tam tài Thiên - Địa - Nhân..."
Nguyễn Văn Hòa ơi, thầy chia sẻ (suông) nỗi tật ách con. Và thầy cũng cảm ơn nhưng lời chia sẻ nước mắt con trước họa ách của thầy. Này Hòa, nói thật đấy, lúc lên bàn mổ, tôi có nghĩ đến cái chết, và lúc ấy hiện ra trong hoang tưởng tôi nhiều lắm lắm luôn những gương mặt thân bằng quyến thuộc. Tôi chào họ với nụ cười. Nhưng đến khi em hiện ra, tôi nắm tay em bước lại dưới gốc cây bồ đề và tôi đã đàm với em (văn vần) về chuyện kết đời ta đi đâu, về đâu...
Nguyễn Văn Hòa ơi, bài đàm văn vần này tôi gói chữ Thơ Là Thơ vào đấy, gói chữ Tình Thơ Bạn Thơ vào đấy, gói chữ Đò Đưa, chữ Chém Gió Muôn Mầu vào đấy, và tuy những chữ ấy không xuất hiện trong bài đàm văn vần, nhưng tôi tin là Hòa đọc thấy, cảm được minh bạch rõ ràng tiếng lòng tôi, vì em là ruột thịt của tôi... Xin con trai đừng khóc, chúng ta chỉ đang đàm văn chương thôi mà. Tôi đọc thơ cho em nghe nhé!
ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU?
Gửi Hòa Phú Yên
Tôi hỏi Càn Khôn hư không/ Ta sẽ đi đâu, về đâu?/ Hư không thì thầm: Mổ tim
ra rồi biết/ Rồi Càn Khôn bỏ đi và tôi chìm vào giấc mê sâu..
/Trong mê tôi thấy vũ trụ tròn như trái cam/ Đông và Tây thay nhau sáng tối/ Sáng bên
Đông khi thì hiện ra Kinh Thành Cổ Tích, (*)/ Khi thì hiện ra Thành Phố Ngọc Ngà (*)
Sáng bên Tây khi thì hiện ra Seattle Washington, (*)/ Khi thì hiện ra Sugar Land Houston Texas (*)/ Vỗ ngực bốn nơi này đều là quê tôi/ Các thành phố bên Đông tôi sống thời trai trẻ/ Các thành phố bên Tây tôi ở lúc tuổi chiều..
/Trong mê, nhìn trời nơi nào tôi cũng thấy Mẹ tôi/ Đang cần mẫn gánh hoa mưa hoa nắng/ Lạy Mẹ, con sẽ đi đâu, về đâu ?/ Mẹ cười: Con bận tâm chuyện đó làm gì/ Phận nhà ta thường dân tử tế/ Không có cửa thăng lên thiên đường/ Cũng không có cửa giáng xuống địa ngục/ Mà ở bến luân hồi/ Nếu là hạt mưa con hãy xuôi ra biển/
Rồi thăng mây/ Mẹ sẽ cho con chen ngang mây mưa
Về lại đất làm người..
/Trong mê, nhìn đất dọc hai bờ sông Cái/ Nơi nào tôi cũng thấy Cha tôi/ Ngạo nghễ trên thuyền cỏ mật/ Chở đầy ắp những phù sa../ Lạy Cha, Con sẽ đi đâu, về đâu?
Cha đáp: Con có thấy những hạt phù sa trên thuyền cỏ của ta/ Đều là linh hồn người
cả đấy/ Phù sa đang hóa thân vào đất/ Trả ơn cho Đất/ Đất phì nhiêu mùa màng/
Con không cần xin ta chen ngang/ Mỗi năm mỗi lứa phù sa luân hồi..
Trái tim tôi về lại quê tôi/ Lồng ngực khâu vá lại/ Câu hỏi: Đi đâu về đâu đã có
lời đáp/ Tôi hớn hở làm người..
(*) Hà Nội, Sài Gòn, Hai thành phố nổi tiếng ở Việt Nam
Nguyễn Nguyên Bảy
Viết sau mổ tim tại Viện Tim Methodist
Sugaland Houston Texas Hoa Kỳ/ Tháng 3. 2021