Thế nhưng nhiều độc giả không tin, và nghĩ rằng phía sau có âm mưu gì đó, và tôi sẽ viết tiếp câu chuyện. Tiếp theo sẽ thế nào, thì tôi chưa biết, vì tôi nghe họ nói chuyện, tôi chỉ kể lại những gì tôi nghe, vậy thôi.
Từ những comment nghi ngờ của các bạn, tôi viết bài "Trò đời". Thú thực, viết bài này tôi không thích tý nào, vì buồn quá, xấu quá. Cách đây khoảng một tháng, tôi viết bài "Xin phép", nói về một gia đình rất lễ phép khi chăm mẹ hơn 90 tuổi, luôn thưa gửi và xin phép với mẹ, mỗi khi vào phòng mẹ làm việc gì đó. Chuyện này cũng có thật.
Không hiểu từ bao giờ, những chuyện hiếu nghĩa lại trở thành chuyện khó tin, và không có thực, tác giả chỉ viết để câu like. Buồn thế. Cá nhân tôi vẫn tin, chuyện hiếu nghĩa vẫn là số nhiều, bất hiếu chỉ là số ít. Bất hiếu thì như bão lũ, ai cũng biết. Hiếu thuận thì bình lặng như một ngày nắng đẹp, nên ít người để ý. Bởi vậy, ta luôn bị ám ảnh những chuyện đau lòng, và ngộ nhận là số nhiều. Tôi nghĩ vậy.
Nhân đây, kể với các bạn một chuyện khác. Tin, hay không tin, là tùy các bạn.
VỀ QUÊ
Chị quê ở Miền trung, đã qua một đời chồng. Hiện tại, chị sống ở Sài Gòn với con trai, làm cho người Nhật, nên đời sống rất khá.Gần đây, sức khỏe bố mẹ chị rất yếu. Chỉ có hai ông bà ở quê sống với nhau, con cái thoát ly đi xa làm ăn hết cả. Có lần bố chị bị ngã ngoài sân vào buổi tối vì khó thở chóng mặt, may mà mẹ chị phát hiện kịp.
Mẹ chị người mỏng lét, sức khỏe cũng chẳng khá khẩm gì hơn, nay ốm, mai đau. Con cái bận bịu, về được mấy ngày rồi lại đi. Hai ông bà chỉ biết nương tựa, dựa vào nhau mà sống.
Một năm chị về thăm bố mẹ mấy lần, nhưng không yên tâm, nên chị quyết định bỏ tất cả để về quê, nơi chị được sinh ra, nơi có bố, có mẹ chị. Dù ở Sài Gòn, chị đang sống sung túc. Về quê chị chưa biết mình làm việc gì để sống. Nhưng bù lại, chị được ở gần bố mẹ, chăm sóc hàng ngày, nên tư tưởng yên tâm hơn...
Chuyện làng quê