Người học trò Cao Thị Huệ nhỏ bé năm nào nay là giảng viên Trường Đại học Thủy lợi cũng vậy, chị mang trong mình những lời tri ân chất chứa nhờ những con chữ gửi đến Thầy Nguyễn Văn Thiều – người mà chị gọi là “đã thay cuộc đời tôi”. Có cơ duyên được tiếp xúc và làm việc với chị Cao Thị Huệ, chị chia sẻ nhiều hơn về người thầy của mình với sự xúc động da diết, với lòng biết ơn chạm tới trái tim thầy cô. Cùng lắng nghe những chia sẻ của cô học trò Cao Thị Huệ, Bí thư Lớp 12A, Khóa 1 (2000-2003), Trường THPT Dương Quảng Hàm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,
có hay bao mùa lá rơi
Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng,
sáng soi bước em trong cuộc đời
Thầy Nguyễn Văn Thiều và học trò Cao Thị Huệ tại Ngày Hội ngộ - Tri ân 20 năm ra trường
Ngồi đây, tại ngôi nhà thân yêu của mình, ngồi ngắm chiếc ảnh 2 thầy trò, tôi nhớ lại ngày hè của 20 năm trước. Tại thời điểm những năm 2000, tỉ lệ đỗ đại học không cao như bây giờ và thật may mắn, tôi đã đỗ cả 2 nguyện vọng là Khoa Sinh học – Trường Đại học Tổng hợp - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) (nguyện vọng 1) và Khoa Môi trường - Trường Đại học Nông nghiệp (ĐHNN) (nguyện vọng 2) (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Thay vì hạnh phúc, tôi tự nhốt mình trong phòng và khóc nguyên một tuần từ sau khi biết kết quả thi đại học. Tôi khóc bởi mình không tự đánh giá được đúng khả năng của mình, khóc bởi tiếc nuối do định hướng chưa tốt.
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trước tôi, ba chị gái đều nghỉ học sớm để hỗ trợ bố mẹ lao động. Sau khi biết kết quả thi đại học, bố mẹ tôi cũng tự hào lắm vì 12 năm tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, thi học sinh giỏi Toán và Sinh đạt giải cấp Tỉnh, thi đại học đạt kết quả cao. Sau khi thấy tâm trạng của con gái, bố mẹ tôi thực sự rất ngạc nhiên và khó hiểu.
Lúc đó thực sự tôi băn khoăn và cần lắm những lời khuyên, sự định hướng của một người có tầm nhìn. Dù tất cả mọi người đều khuyên theo học Đại học Tổng hợp Sinh, bởi đó là trường top 1, nhưng tôi vẫn không biết đó có phải là phương án phù hợp nhất với mình hay không nên tôi đã tìm đến Thầy Nguyễn Văn Thiều – một nhà giáo ưu tú, một hiệu trưởng uyên bác.
Buổi sáng hôm ấy, tôi và thằng em trai nhà cậu ruột tôi - Triệu Tú (cũng là người học cùng tôi 12 năm) lên nhà thầy chơi, tôi và Tú cũng chơi với Đức Thọ - con trai của Thầy. Hai thằng bạn kia đã đỗ đúng nguyện vọng của mình, còn tôi…tôi băn khoăn và không ngại ngùng chia sẻ mọi nỗi niềm với thầy: “Thầy ơi, em thực sự không cảm thấy vui khi biết kết quả Thầy ạ. Ban đầu, em muốn thi đa khoa vào Đại học Y Hà Nội, nhưng năm trước, Trường Đại học Y Hà Nội lấy điểm quá cao em sợ không đỗ. Thế rồi, để chọn phương án an toàn, em đăng kí Khoa Sinh ĐHQG và nguyện vọng 2 là Trường ĐHNN ngành Môi trường” (Tôi nhớ mùa xuân năm 2003, trên kênh truyền hình VTV3 chiếu bộ phim Hàn Quốc nói về một nữ sinh rất yêu môi trường, đồng thời đây là ngành mới mở nên rất nhiều học sinh đăng kí, trong đó có tôi).
Thầy đã lắng nghe từng lời tôi nói và dành cả một buổi sáng chỉ để phân tích ưu nhược điểm của mỗi trường cho tôi hiểu hơn. Thầy phân tích “Qua dạy Huệ nhiều năm, thầy thấy Huệ là học trò thông minh, em học Khoa Sinh học ĐHQG cũng rất tốt. Công nghệ Sinh học là ngành học của tương lai, có rất nhiều ứng dụng trong y dược, nông nghiệp, thực phẩm và môi trường. Tuy nhiên, Ngành Sinh học của Trường ĐHQG theo thầy biết thì tập trung rất nhiều “con nhà nòi”, đào tạo Sinh học theo hướng nghiên cứu sâu, sinh viên ra trường có thiên hướng làm việc nhiều hơn ở các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục, có thể trở thành giáo viên ở các trường trung học phổ thông”. Thầy nói thêm “Học sinh đã thi vào tổng hợp thì đa số đầu vào đều rất cao, và điểm như Huệ đạt được có thể chỉ ở top 2 trong Khoa” (thầy phân tích rất thực tế).
Đối với lựa chọn trường ĐHNN, thầy nói “Theo thầy được biết, ngành môi trường là ngành mới và hiện nay rất hót, theo xu hướng và nhu cầu của gowin99 . Đồng thời, khi vào trường ĐHNN, với khả năng của Huệ em sẽ ở trong top 1. Hàng năm, sau kì thi học kì 1, trường Nông nghiệp có rất nhiều xuất học bổng cho các em đi nước ngoài như Nhật, Israel, Nga, v.v. Cũng chính vì ngành mới, nên nếu em có kết quả học tập xuất sắc, thì cơ hội để được ở lại trường công tác cũng rất cao, mà cơ hội xin việc làm khi ra trường cũng rất nhiều, không kém gì so với ngành Sinh học ở nguyện vọng 1”. Cuối cùng thầy đưa ra lời khuyên cho tôi mà lời thầy nói chính là “vàng ngọc” đã cho tôi ngày hôm nay: “Quyết định là ở em, nhưng thầy khuyên em nên đi học Trường Đại học Nông nghiệp. Ở đó, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho em”.
Tôi hiểu, trong phân tích thầy đưa ra, thầy không hề phủ định giá trị của ĐHQG; và lời khuyên của thầy rõ ràng đều vì tương lai của học trò. Có lẽ, thầy nhìn ra được ý chí, nghị lực của tôi lúc bấy giờ, nhìn ra được cơ hội tốt đẹp hơn nếu tôi lựa chọn Đại học Nông nghiệp. Đến đây, tôi sẽ có chiều hướng phát triển tốt hơn.
Nhưng tôi lại đấu tranh tư tưởng trong đầu, trong khi cả gia đình, bạn bè đều mong muốn tôi đi học ĐHQG, ai cũng đánh giá thấp về các ngành nông nghiệp, có người còn bảo lựa chọn ĐHNN là ngốc nghếch, rồi học giỏi bao nhiêu năm như thế mà lại đi chọn trường ấy… Bản thân tôi cũng có mâu thuẫn về sự lựa chọn này: đỗ nguyện vọng 1 mà lại đi học nguyện vọng 2 liệu có kì không…
Tĩnh lặng lại một hồi và suy nghĩ kĩ phân tích của thầy, tôi nghĩ rằng cơ hội đôi khi chỉ đến một lần, nhưng biết nắm lấy cơ hội đó để phát triển bản thân còn khó hơn. Lời khuyên của Thầy không chỉ mang tính chất định hướng nghề nghiệp mà nó như một lời khiêu khích đến lòng quyết tâm và ý chí phấn đấu, ham học hỏi và mong muốn khám phá vùng đất mới, văn hoá mới nơi con người tôi.
Cuối cùng, không một chút băn khoăn nào nữa, tôi quyết định và nói lại với Thầy “Em sẽ nhập học Trường Đại học Nông nghiệp Thầy ạ”. Cũng rất may mắn cho tôi, theo quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo năm 2003, thí sinh có quyền nhập học nguyện vọng 1 hoặc 2. Còn những năm sau này, thí sinh chỉ được nhập học ở nguyện vọng đã đỗ đầu tiên.
Học trò Cao Thị Huệ nối nghiệp thầy Nguyễn Văn Thiều trở thành Nhà giáo
(Ảnh NVCC)
Ăn trưa xong, chúng tôi chào thầy và chị em tôi đi về. Tôi đã xin phép bố mẹ và sau những lần trách mắng, cùng với sự ủng hộ của Thầy Thiều, và của bác cả trong gia đình họ Cao nhà tôi thì bố mẹ tôi đồng ý với quyết định của tôi. Bố tôi bảo “Bố mẹ đồng ý, tương lai là của con và sau này sướng khổ là do con quyết định”.
Cũng như bao gia đình khác, mẹ tôi chuẩn bị cho tôi đồ đạc và bố tôi đưa tôi lên nhập học tại Trường ĐHNN. Tại ngôi trường mới, tôi là người đạt điểm cao thứ 2 của toàn trường (không tính 2 bạn thủ khoa khối A, B đã được đi du học Nhật Bản). Tôi nhớ như in lời thầy nói hôm tôi lên nhà thầy, nên đã rất quyết tâm và cố gắng với mong muốn học kì 1 đạt kết quả học tập cao nhất để có cơ hội đi nước ngoài.
Rồi một ngày tháng 11 năm 2003, khi tôi đang ở phòng trọ, một người bạn học cùng lớp MT48 của tôi chạy vào dãy nhà P tôi trọ và bảo “Mi ơi, ta thấy trên loa của trường có gọi tên mi liên quan đến vấn đề du học Nga đấy, mi lên phòng đào tạo đi”. Tôi chạy ngay vào Phòng Đào tạo gặp Thầy Dũng. Sau khi nghe thầy hỏi “Em có muốn đi Nga du học không?”. Tôi chẳng mảy may suy nghĩ và ngay lập tức gật đầu nói “Có ạ, có cơ hội em sẽ đi ạ”.
Ở thời điểm 20 năm trước, Nga vẫn là một nước rất đáng đến, tôi thực sự muốn khám phá và đến một đất nước khác với nền văn minh mới, và đơn giản bố mẹ tôi sẽ không phải nuôi tôi nữa. Chính tôi và Thầy có lẽ cũng không thể ngờ, cơ hội xuất ngoại đến nhanh thế. Sau một số vòng tuyển chọn, tôi được Bộ giáo dục cử đi du học Nga theo ngành “Công nghệ Sinh học Thực phẩm”.
TS Cao Thị Huệ tại Trường Đại học Tổng hợp Astrakhan, Liên bang Nga (Ảnh: NVCC)
Ngày 28 tháng 2 năm 2004, cô nữ sinh bé nhỏ lên đường sang Nga du học. Tháng 6 năm 2009, tôi tốt nghiệp bằng đỏ Hệ kỹ sư. Vào ngày 21 tháng 6 năm 2012, tôi bảo vệ Luận án Tiến sĩ với kết quả xuất sắc. Với tôi, nước Nga xinh đẹp là một trải nghiệm tuyệt vời. Được bồi dưỡng tâm hồn từ ngày học ở Trường THPT với giải thưởng Lý Tự Trọng cao quý, được học tập và tham gia công tác đoàn tại Liên bang Nga đã rèn tôi thành một con người chăm chỉ, nghị lực, không sợ khó, không sợ khổ.
Sau tất cả, tôi biết ơn Thầy! Tôi nghe em gái tôi kể, sau khi tôi đi Nga, nhiều lần trước buổi chào cờ của toàn trường, tôi vẫn được các thầy cô nhắc tên. Sau này, chúng tôi nhìn lại, đúng là tại thời điểm đó, chỉ có Thầy Thiều của chúng tôi mới có tầm nhìn và định hướng cho tôi như vậy.
Cô học trò Cao Thị Huệ tại ngày Kỷ niệm 20 năm ra trường (Ảnh: NVCC)
Ngày hôm nay, khi về trường, tôi gặp lại Thầy và các thầy cô khác: Thầy Chu Đức Nhuận, Thầy Nguyễn Văn Tạc (ông trẻ Tạc chủ nhiệm lớp 12A của tôi), Cô Vũ Thị Phiệu, Cô Nguyễn Hương Lan, Thầy Triệu Tâm, Thầy Nguyễn Văn Nhuần, Cô Lê Thị Quỳnh Sen, Thầy Lý Chí Hướng, Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Cô Hoàng Thị Hải Lý, …tất cả các thầy cô vẫn nhận ra tôi.
Bao bạn bè tôi học tập ở Việt Nam cũng rất thành công và có công việc, cuộc sống tốt đẹp, và rất nhiều bạn có điều kiện kinh tế vững chắc. Nhưng đối với tôi, việc đến với nước Nga có lẽ đó là một cái duyên. Và câu chuyện chưa kể, cũng vì đến với nước Nga, mà tôi gặp người bạn đời của tôi bây giờ. Tôi hài lòng và trân trọng cuộc sống hiện tại. Tôi có một gia đình hạnh phúc và một công việc yêu thích, được đem kiến thức của mình truyền đạt cho các em sinh viên, được chia sẻ những hiểu biết của mình về dinh dưỡng và sắc đẹp cho các mẹ khắp mọi miền đất nước. Tôi cũng rất tự hào, hạnh phúc, vì sau bao lựa chọn, tôi vẫn lựa chọn nghề “LÀM THẦY” giống như các thầy cô đáng kính của tôi.
Nếu như bố mẹ có công sinh thành, nuôi nấng để tạo ra hình hài thì người cha tạo nên cô giảng viên Cao Thị Huệ yêu đời, yêu nghề chính là Bố Thiều.
Con biết ơn Thầy Nguyễn Văn Thiều – lời khuyên đó của Thầy năm nào đã thay đổi cuộc đời con!
Hi vọng câu chuyện chị Cao Thị Huệ chia sẻ sẽ lan tỏa tình yêu và lòng biết ơn người Thầy đến tất cả thế hệ học sinh Việt Nam!