Kỳ 67.
ĐỘT PHÁ VÒNG VÂY
Ngày 20 tháng 9 năm 1970, mười tám giờ, hoàng hôn đang tắt dần trên Vịnh Hạ Long, bóng đêm nhuộm thẫm màu trên một không gian rộng lớn. Những hình thù kì dị của các đảo trên vịnh càng trở nên huyền hoặc hơn, đen kịt nhấp nhô cao thấp khi trên mặt vịnh cũng đang nhuốm màu đen. Gió đêm thu lạnh lẽo thổi lồng lộng lắc lư những con thuyền, những con tàu đánh cá với những ánh đèn le lói vàng vọt như những bóng ma trơi trên mặt biển.
Đêm đó, từ hang Bầu (Vịnh Hạ Long), tàu 121 do thuyền trưởng Dương Tấn Kịch, Nguyễn Xuân Thơm thuyền phó 1, Phí thuyền phó 2, Vũ Hữu Suông thuyền phó 3, Danh chính trị viên 1, Mười Tiến chính trị viên 2 cùng các thủy thủ xuất phát rời vịnh. Tàu 121 chở 40 tấn vũ khí đạn dược tiếp tế cho chiến trường Bến Tre. Từ Vịnh Hạ Long tàu 121 hành trình qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu 121 hóa trang thành tàu đánh cá, khéo léo đánh lạc hướng máy bay do thám, các tàu chiến Mĩ và các tàu hải quân Sài Gòn, đi vào vùng biển Bến Tre.
Đêm 12-1, tàu 121 hướng mũi đi vào vùng biển Cồn Lợi, khôn khéo tránh được tàu địch kiểm soát ở Khâu Băng, theo thuyền dẫn đường của chiến sĩ Tư Sơn (người của căn cứ) vào rạch Cây Dừa. Gọi là Bến Tre nhưng trên những mái nhà thôn ấp kênh rạch bát ngát rợp trời là màu xanh của dừa. Đã mấy năm rồi sau vụ Vũng Rô, do sự phong tỏa gắt gao của tàu địch, Bến Tre không nhận được tiếp tế của tàu hải đoàn 125. Hôm nay lại nhận được 40 tấn vũ khí đạn dược do tàu 121 đem vào, quân dân Bến Tre vô cùng phấn khởi, sung sướng vì lại có vũ khí để tiêu diệt địch, không cho chúng làm mưa, làm gió trên chiến trường. Tại rạch Cây Dừa, đúng như tên gọi, dừa đã che chở cho tàu 121 an toàn trong những ngày ở lại căn cứ để bộ đội du kích bốc chuyển “hàng”. Tàu 121 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phải lên đường ra Bắc.
Tàu vào được bến đã khó nhưng tàu ra được càng khó hơn vì khi vào rạch Cây Dừa tàu 121 đã bị lộ. Có lẽ bây giờ tàu của Hạm đội VII Mĩ và tàu của Hải quân Sài Gòn đã và đang giăng một mẻ lưới ngoài khơi để tiêu diệt hoặc bắt sống tàu 121.
Tàu 121 ở lại căn cứa Cây Dừa hai ngày hai đêm. Hai mươi mốt giờ đêm của ngày thứ ba tàu được lệnh dời bến Cây Dừa. Đêm tối mịt mùng. Người ở lại tiễn đưa người ra về. Trong đêm tối những bàn tay vẫy những bàn tay. Những chiếc khăn rằn của các cô du kích Bến Tre vẫy lên tung bay trong đêm một màu trắng lo âu thương nhớ. Tàu 121 giảm âm thanh, tắt đèn, con tàu như con cá voi lặng lẽ trườn khỏi rạch Cây Dừa ra biển. Từ trong bờ thuyền trưởng Dương Tấn Kịch đã quan sát thấy hàng chục tàu Mĩ và tàu hải quân Sài Gòn đang dàn thế trận vòng cung ngoài xa xa chờ đợi. Trong một phút suy nghĩ thuyền trưởng Dương Tấn Kịch quyết định lợi dụng yếu tố bất ngờ, gây sợ hãi cho tàu địch phá vòng vây chạy ra hải phận quốc tế. Thuyền trưởng Kịch ra lệnh:
- Tắt hết đèn, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu!
Tàu 121 lùi lũi tiến về phía các tàu địch với một tốc độ không nhanh lắm. Điều này gây ra sự tò mò chú ý của các tàu địch. Tàu địch không hiểu tàu lạ đang định làm gì? Đó là tàu Bắc Việt hay tàu đánh cá? Tàu Bắc Việt không thể đi chậm mà xông lại phía tàu Mĩ và tàu HQ Sài Gòn được? Có lẽ là tàu đánh cá. Khi tàu 121 tới gần, các tàu địch ra sức đánh tín hiệu hỏi tàu 121:
- Tàu nào vậy?
- Tàu đánh cá.
Khi gần ngang với vòng vây các tàu địch, thuyền trưởng Kịch ra lệnh:
- Hết tốc độ chạy ra hải phận quốc tế!
Tàu 121 rồ máy lao như tên bắn trong đêm. Sóng chồm lên phủ kín con tàu. Tàu 121 nhè đúng vào khe hở của hai tàu chiến ngụy. Tàu HQ Sài Sòn còn đang lúng túng thì tàu 121 đã vượt ra ngoài vòng vây, thoát ra hải phận quốc tế. Hàng chục tàu ngụy và tàu Mĩ vội bật đèn sáng trưng lên thì không thấy bóng dáng tàu lạ đâu nữa. Con tàu “ma” (theo cách gọi của hải quân Mĩ) đã biến mất trên mặt biển mênh mông tối mịt mùng. Trong khi đó, tàu 121 đang thực hiện hành trình trên hải phận quốc tế , mũi tàu hướng 180 độ tiến ra Bắc.
Sau mấy năm từ vụ Vũng Rô, Bến Tre không được tiếp viện, vũ khí thiếu thốn. Địch đang ở thế áp đảo. Nay nhận được vũ khí của tàu 121, cách mạng lại sang thế tấn công. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, tàu121 bằng mưu trí táo bạo bất ngờ đã thành công vượt vòng vây dày đặc của tàu địch, về lại miền Bắc an toàn. Tàu 121 đã được Bộ Quốc phòng tuyên dương chiến công trong toàn lực lượng vũ trang. Tàu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có Trung tướng Lê Trọng Tấn tháp tùng xuống thăm. Bàn tay của vị tướng già kính yêu run run cảm động bắt chặt từng bàn tay chiến sĩ. Mắt của vị tướng già và của các chiến sĩ rơi lệ vì cảm động và sung sướng, vì đã đưa được 40 tấn vũ khí đạn dược cho Bến Tre lúc cách mạng đang cần vũ khí nhất.
TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Vào một ngày giữa tháng 4 năm 1972, trên mặt biển mênh mông thuộc hải phận quốc tế của biển Đông, một con tàu của Hải đoàn cảm tử giả dạng tàu đánh cá mang số hiệu 645 nhỏ bé đang lầm lũi hành trình về phương Nam với vận tốc 10 hải lí/giờ. Tàu do thuyền trưởng Lê Hà và chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy, chở 40 tấn vũ khí đạn dược vào cực nam Nam Bộ (Quân khu IX). Tàu 645 lùi lũi đi như con cá voi kiên trì vượt sóng.
Khoảng mười ngày mười đêm sau, tàu 645 đã hành trình trên một vùng biển chan hòa ánh nắng. Sóng vỗ quanh thân tàu xanh biếc, mây trên trời bồng bềnh trôi vô định, biến đổi liên tục theo gió tạo nên những hình thù kì ảo. Xa xa mờ mờ, một hòn đảo tạo nên một vệt xanh như nét gạch đen trên mặt biển, in đậm phía chân trời. Qua hải đồ, thuyền trưởng Lê Hà xác định tàu đang hành trình trên vùng biển đảo Phú Quốc, một đảo lớn thuộc tỉnh Kiên Giang. Tàu 645 đang định tiếp cận gần bờ. Đúng vào thời điểm đó, trên không phận vùng biển đảo Phú Quốc xuất hiện một máy bay do thám của Mĩ. Có lẽ nó thấy tàu 645 khả nghi nên đã báo về sở chỉ huy. Không lâu sau một tàu khu trục ngụy HQ4 từ Vịnh Thái Lan đang rẽ sóng đi tới. Tàu HQ4 đánh tín hiệu hỏi tàu 645:
- Tàu đi từ đâu đến?
Tín hiệu tàu 645 trả lời:
- Từ Trung Quốc.
Tàu HQ4 hỏi tiếp:
- Đi đâu?
- Đang bị lạc.
Tàu HQ4 lập tức bắn pháo sáng. Cả một vùng trời biển Phú Quốc sáng rực. Các chiến sĩ tàu 645 nhìn rõ thêm ba tàu địch đang lao tới. Tàu 645 mở hết tốc lực chạy ra hải phận quốc tế. Bốn tàu của hải quân Sài Gòn đuổi theo ráo riết có ý đồ bắt sống tàu 645. Năm chiếc tàu rẽ sóng như chạy đua. Sóng tung bọt trắng xóa, một vùng biển sôi sục tiếng động cơ. 6 giờ 30 phút sáng hôm sau ba tàu ngụy chỉ còn cách tàu 645 hai hải lí. Do tốc độ tàu HQ lớn hơn nên 7 giờ 45 phút cự li giữa tàu 645 với tàu ngụy rút ngắn. Bằng mắt thường địch cũng đã xác định được đây là tàu của Bắc Việt giả dạng tàu đánh cá. Tàu HQ 4 dùng loa kêu gọi tàu 645 đầu hàng. 8 giờ 5 phút, cự li rút ngắn dần. Lính ngụy trên các tàu HQ nhìn lên đài chỉ huy tàu 645 thấy có ba người. Tàu không treo cờ nước nào, đuôi tàu viết hai chữ FUZAN.
Thấy dụ hàng không được, tàu ngụy nhả đạn vào tàu 645. Các loạt đạn rơi trước mũi tàu 645 tạo nên những cột nước. Theo thông lệ của Hải đoàn khi chưa bị lộ thì tàu không được nổ súng, khi tàu chưa lộ thì không được hủy tàu vì nhiệm vụ của tàu không phải là chiến đấu tiêu diệt địch mà phải đem được vũ khí vào nơi cần đến. Nhưng trong hoàn cảnh này rõ ràng tàu 645 đã hoàn toàn bị lộ. Thuyền trưởng Lê Hà ra lệnh:
- Tất cả nổ súng vào tàu địch!
Các khẩu DKZ, B40, B41, hai khẩu pháo 12 li 7 ở đầu boong và boong sau, súng bộ binh AK nhất loạt khạc lửa vào tàu HQ4. Các tàu của hải quân Sài Gòn cũng tập trung hỏa lực nã đạn vào tàu 645. Lại một cuộc hải chiến không cân sức. Một số chiến sĩ ta đã hi sinh hoặc bị thương. Bánh lái của tàu 645 bị trúng đạn, tàu mất bánh lái không tiến lên được mà chỉ quay vòng tròn. Đã đến lúc phải cho hủy tàu. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị thuyền trưởng Lê Hà cùng các chiến sĩ rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa hủy tàu rồi sẽ rời tàu cuối cùng. Thuyền trưởng Lê Hà đồng ý và các chiến sĩ nhảy xuống biển. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu điểm hỏa, hẹn giờ ba mươi phút sau tàu sẽ nổ.
Nhưng khi sắp rời tàu thì Nguyễn Văn Hiệu phát hiện tàu quay vòng tròn nên lúc cự li xa đồng đội, lúc lại gần đồng đội. Nếu lúc tàu gần đồng đội nó phát nổ thì tất cả mười sáu chiến sĩ của anh sẽ hi sinh. Phải hi sinh mình để cứu các đồng chí của mình. Nguyễn Văn Hiệu quyết định ở lại con tàu và chọn lúc tàu quay cự li xa anh em nhất mới cho nổ. Nguyễn Văn Hiệu không xuống biển nữa. Anh nhìn biển trời mênh mông một lần cuối. Đang giữa trưa, trời xanh biếc, biển êm sóng nhẹ lăn tăn mênh mông bát ngát. Anh nhìn các chiến sĩ người lành lặn đang dìu người bị thương cố bơi vào bờ. Pháo từ các tàu địch vẫn nhả đạn tới tấp vào tàu 645. Nguyễn Văn Hiệu chờ cho tàu 645 khi quay cự li xa anh em nhất mới điểm hỏa. Một tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển vùng biển Phú Quốc, một cột lửa cao ngất bốc lên. Xung lực tiếng nổ làm biển rung động, sóng dạt cao như sóng thần. Các chiến sĩ bị sóng đánh mạnh nâng bổng ném lên và rơi xuống. Các tàu chiến ngụy cũng bị sóng xô đi cực mạnh như sắp đắm, lính ngụy kinh hoàng bạt vía. Khi khói lửa tan đi và sóng trở lại êm lặng, chúng định thần nhìn lại thì không còn bóng dáng con tàu 645. Tàu 645 và người anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã hòa cùng đại dương một cách oai hùng lẫm liệt. Sóng biển ca vang mãi bài ca, ru người con ưu tú của quê hương xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, người đã hi sinh thân mình vì đồng đội. Sau này, ngày 30 tháng 10 năm 1978 liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Mười sáu chiến sĩ còn lại của tàu 645 vì bờ quá xa chưa vào được thì bị tàu địch bắt, bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc. Mãi tới năm 1973 khi có Hiệp định Pari, các anh được trả lại tự do và về với quê hương. Các chiến sĩ tàu 645 đã không ít lần ra bờ biển đảo Phú Quốc nhìn ra biển, ngả mũ mặc niệm nhớ lại người chính trị viên yêu dấu của mình. Hình ảnh của người anh hùng cùng con tàu 645 như vẫn hiên ngang lẫm liệt giữa biển khơi, bất tử như thời gian và sóng biển.
(Còn Nữa)
CVL