Kỳ 57.
CHUYẾN ĐI MỞ ĐƯỜNG
Đêm ngày 11 tháng 10 năm 1962, đêm mùa đông tràn ngập bóng đen bao phủ khắp cửa biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Những ngọn đồi nhấp nhô, lồi lõm, uốn lượn thắt vào rồi lại nhô mình ra biển. Biển mênh mông trong đêm tối vẫn không quên ca bản nhạc rì rầm muôn thuở, đưa những đợt sóng khuya vào những chân đồi, tạo nên những làn sóng bạc lấp lánh. Ánh đèn điện yếu ớt trước bóng đêm ngả bóng vàng vọt lung linh xuống vùng eo biển. Một dãy đồi uốn quanh tạo nên một bờ vòng cung ôm lấy nước ba bề, còn một bề là biển. Trong biển nước hình vòng cung đó, một cầu cảng nổi lên, (bí số gọi là K15). Bên cầu cảng một con tàu gỗ đang neo đậu. Thân tàu nhấp nhô bởi sóng biển. Dưới thân tàu, những âm thanh ì oạp phát ra do nước cuốn dưới thân tàu. Đêm nay là đêm trọng đại của con tàu. Trong lòng con tàu giả là tàu đánh cá này chứa 30 tấn đạn dược, vũ khí sẽ mở đường tiếp viện cho Cà Mau. Tàu do thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, Bông Văn Dĩa, người anh hùng mở đường biển từ Miền Nam ra Miền Bắc xin Trung ương chi viện vũ khí cho Miền Nam làm chính trị viên. Ngoài ra còn mười một chiến sĩ là những cảm tử quân gang thép của Hải đoàn sẽ đi chuyến mở đường, đi chuyến thử nghiệm nên thành công của nó có ý nghĩa to lớn cho việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển, mở đầu trang lịch sử của Hải đoàn. Tàu mang bí số “Phương Đông I”.
Những nhân vật cấp cao xuống đưa chân con tàu cũng nói lên tầm quan trọng của chuyến đi gồm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tướng Trần Văn Trà thay mặt Quân Ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Sau những lời căn dặn, các đồng chí lãnh đạo bắt tay những cảm tử quân rất chặt. Tàu nổ máy rời quân cảng. Ba hồi còi dài của tàu chào quân cảng vang lên tha thiết rồi lao ra biển trong đêm.
Tháng 10 mùa đông, gió mùa đông bắc thổi thốc tháo trên biển mênh mông vì không bị một vật gì ngăn cản. Gió đập vào thành tàu kêu vo vo. Gió tạo nên sóng lừng muôn lớp cuồn cuộn. Chân vịt khua sóng đưa tàu chạy nhanh về phía trước. Đi trên con tàu gỗ này có thể gặp mọi bất trắc, có thể tàu hỏng máy do máy quá cũ kĩ, có thể tàu va phải đá ngầm vỏ gỗ sẽ vỡ tan tành. Nhưng mối đe dọa lớn nhất là có thể gặp tàu chiến tuần tiễu của Mĩ và ngụy. Nhiệm vụ của tàu không phải là đánh nhau rồi hi sinh với địch. Nhiệm vụ chính là phải đưa được 30 tấn vũ khí vào cho đồng bào, chiến sĩ Cà Mau đang thiếu vũ khí, súng đạn. Trong khi đó kẻ thù của cách mạng Miền Nam là ngụy quân được Hoa Kì trang bị tận răng với những phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại. Quy định khi gặp địch thì cố tránh, không giao chiến. Khi bất đắc dĩ phải giao chiến thì không để tàu và vũ khí lọt vào tay hải quân Mĩ và ngụy, phải điểm hỏa cho tất cả vũ khí trên tàu cùng nổ. Tàu địch nếu cập vào tàu ta sẽ nát vụn như cám, hòa vào nước đại dương. Trong phương án hành trình và chiến đấu phải nổ tàu là hạ sách, xóa được dấu vết nhưng về cơ bản con đường vận tải vũ khí trên biển không còn là điều bí mật nữa.
Máy trưởng của con tàu “Phường Đông I” này là người thợ máy già Huỳnh Văn Sao còn gọi là Năm Sao, người có nhiều kinh nghiệm máy móc và đi biển. Khi ở Đồ Sơn nhìn con tàu bằng gỗ sắp mục, Năm Sao lo lắng con tàu này có lẽ không đủ sức vượt qua một chặng đường hàng nghìn hải lí trên sóng to gió lớn của đại dương, nguy nan nhất là khi nó gặp bão tố. Nhưng nỗi lo lớn nhất của người máy trưởng già là sức khỏe của máy tàu. Trên một con tàu khi vận hành trên biển bộ phận nào cũng quan trọng nhưng máy móc là quan trọng nhất. Máy là trái tim của con tàu làm cho tàu chuyển động, cung cấp điện cho các bộ phận khác hoạt động. Những cảm tử quân trên tàu là quan trọng nhưng đó chỉ là những khả năng, máy móc và phương tiện của con tàu giúp cho họ biến khả năng thành hiện thực để hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế trừ hai bữa ăn còn lại bác Sao già đều ở gầm máy với người thợ trực máy.
Chúng ta hãy làm quen với tổ chức của một con tàu của Hải đoàn:
Một con tàu coi như một đại đội. Vài con tàu biên chế thành một tiểu đoàn. Trên tàu có các tổ chuyên môn biên chế ngang từng trung đội: như tổ máy do máy trưởng phụ trách, tổ hàng hải thường do thuyền phó hàng hải phụ trách có nhiệm vụ lái tàu, xác định tọa độ và đường đi cho tàu đi đúng hướng và an toàn. Tổ hàng hải còn bao gồm cả báo vụ viên, người phụ trách vô tuyến điện liên hệ với Tổng hành dinh ở Hải Phòng và Hà Nội: nhận lệnh và phát đi báo cáo của con tàu về nhà. Tổ này còn gồm một nhân viên cơ yếu, dịch mệnh lệnh từ Tổng hành dinh bằng mã số ra tiếng Việt cho thuyền trưởng đọc và mã hóa báo cáo của ban chỉ huy tàu để nhân viên báo vụ báo về nhà qua làn sóng điện.
Để bảo đảm an toàn cho con tàu, nhân viên báo vụ không biết mật mã và ngược lại nhân viên cơ yếu không biết và không được sử dụng vô tuyến điện. Tổ thứ ba là tổ pháo thủ do thủy thủ trưởng phụ trách với công việc chủ yếu là bảo quản vũ khí, phụ trách nhổ neo khi tàu khởi hành, thả neo khi tàu đậu trên biển gần hay trên sông, lau chùi và bảo quản tàu khi tàu vào bến, buộc cáp giữ tàu khi tàu cập cảng, mở cáp khi tàu rời cảng. Tuy phân công như vậy nhưng khi tàu hành trình trên biển dài ngày, trừ tổ máy trực máy còn tổ thủy thủ vẫn cùng tổ hàng hải lái tàu. Khi báo động chiến đấu trừ người lái tàu và người trực máy còn tất cả phải vào vị trí chiến đấu.
Gọi là một trung đội nhưng mỗi tổ chỉ có bốn đến năm người. Vũ khí của con tàu chỉ có hai khẩu 12,7 ly ở boong cuối tàu và boong đầu tàu luôn phủ bạt che đậy và phủ lưới đánh cá ngụy trang, còn lại là vũ khí bộ binh DKZ, B40, B41 một loại chống tăng tuyệt vời khi đó, lựu đạn và súng bộ binh AK. Nơi điểm hỏa con tàu cho nổ tung chỉ có máy trưởng, thuyền trưởng và chính trị viên được biết. Về nguyên tắc làm việc thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên họp thành Ban chỉ huy tàu nhưng thuyền trưởng là người có quyền quyết định cuối cùng và chịu hoàn toàn trách nhiệm về những quyết định của mình. Các chiến sĩ trên tàu đều chịu sự điều hành của kỉ luật quân đội, thân ái, đoàn kết nhưng rất khắt khe để bảo đảm sức chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ.
Gọi là Tàu không số nhưng thực ra tàu có số, tuy nhiên hành trình trên biển là số giả. Các chiến sĩ mặc thường phục. Tàu treo cờ nước nào, treo biển tàu nước nào là do lệnh của thuyền trưởng căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể trên vùng biển đó, cốt sao ngụy trang che mắt địch để con tàu được an toàn.
Nói về cuộc hành trình của tàu “Phương Đông I”, đúng như sự lo lắng của máy trưởng Năm Sao, máy cũ kĩ ngày càng tỏ ra ọc ạch ốm yếu, đến vùng biển cù lao Thu (tỉnh Ninh thuận) thì nó hoàn toàn tắt lịm. Tàu trôi trên biển vô định. Trôi trên biển vô định rất nguy hiểm vì tàu có thể mắc cạn hoặc va vào đá ngầm.
Suốt ngày máy trưởng Năm Sao cùng các thợ máy nằm dưới khoang máy nhoài người ra chữa máy. Đến ngày thứ tư, trái tim con tàu hoạt động trở lại. Tiếng máy nổ làm thân tàu rung lên cũng là lúc làm cho trái tim các chiến sĩ thở hắt ra nhẹ nhõm. Tàu lại lướt sóng đi về hướng Nam. Đến biển Cà Mau, hai tàu tuần tra HQ của hải quân Sài Gòn nom thấy tàu “Phương Đông I” nhưng chúng cho là tàu đánh cá nên bỏ đi. Và ngày 16 tháng 10 năm 1962, tàu của thuyền trưởng Lê Văn Một được thuyền của quân khu IX ra đón đưa vào rạch Chùm Gong. Quân và dân Cà Mau nhận được 30 tấn vũ khí đạn dược. Sức mạnh của quân dân Cà Mau được nhân lên gấp bội tiêu diệt kẻ thù bằng những đòn sấm sét.
Chuyến đi đầu tiên thử nghiệm của tàu “Phương Đông I” thành công mở ra một trang vẻ vang của Hải đoàn cảm tử, con đường vận tải vũ khí vào Nam đã trở thành hiện thực trên biển Đông với nhiều kì tích huyền thoại trong lịch sử bắt đầu.
VƯỢT QUA CỬA TỬ
Đêm 16 tháng 10 năm 1962, con tàu gỗ của Hải đoàn giả dạng tàu đánh cá mang bí số “Phương Đông II” cũng xuất phát từ quân cảng K15 - Đồ Sơn - Hải Phòng, nơi sáu ngày trước đó tàu “Phương Đông I” đã xuất phát và thành công. Màn đêm cùng với biển đen kịt, gió mùa đông bắc thổi mạnh, sóng gào rú lồng lộn xô vào vách núi. Những ngọn đèn điện ở quân cảng vàng vọt rung rinh theo sóng gió. Tất cả báo hiệu tàu “Phương Đông II” hành trình trong trạng thái thời tiết rất xấu. Nhưng không sao. Phương châm hành trình của các con tàu của Hải đoàn cảm tử là thời tiết trên biển càng xấu thì càng an toàn.
Mặt biển bình thường thì hiền lành với những làn sóng nhẹ mênh mông xanh thẳm dưới ánh nắng chan hòa của mặt trời tỏa xuống ban phát cho trần gian. Nhưng hôm nay biển tỏ ra hung dữ, trời biển một màu đen kịt. Khắp nơi sóng biển trùng trùng điệp điệp nổi cao như những trái núi đổ xuống con tàu bé nhỏ hết lớp này đến lớp khác. Tàu lắc 30 độ, nó nghiêng như sắp bị lật úp bên này rồi lại nghiêng như sắp lật úp phía kia. Nước liên tiếp làm ngập boong tàu.
Các phòng và giường thủy thủ xếp các hòm vũ khí. Sau khi xếp đầy hầm tàu, các chiến sĩ đã xếp cả vào phòng ngủ cho được nhiều súng đạn, thể công một chuyến đi. Cho nên các chiến sĩ nằm hết cả lên boong. Sóng dội hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ ướt sũng nước, người bị lật nghiêng lật ngửa, rồi lại bị lật nghiêng lật ngửa. Ban chỉ huy tàu nhắc các chiến sĩ phải bám vào một vật gì đó của tàu để không bị các làn sóng tử thần hất xuống biển. Thân thể các chiến sĩ bị sóng biển vầy vò như mèo vờn chuột. Các tử thần muốn thể hiện sức mạnh khủng khiếp của mình bằng cách bắt các chiến sĩ nôn thốc nôn tháo. Đầu tiên là cơm canh ăn gì ra nấy. Đợt hai là mửa ra nước vàng, đợt nôn thứ ba mửa ra loại nước màu xanh, đó là dịch vị của mật. Mửa xong, mồm ai cũng đắng nghét. Cuối cùng, khi bụng đã trống rỗng thì khi nôn người ta ụa khan, không ra một thứ gì. Khi đó, ruột gan đau như bị lộn lên và giũ tung ra. Có người nôn cả ra máu nếu như đau dạ dày, có người nôn cả ra giun. Boong tàu tràn đầy dịch vị hôi hám nhưng may có những cơn sóng biển dội qua nên boong tàu phút chốc sạch trơn. Những con sóng vẫn như những trái núi chồm lên phủ kín con tàu nhỏ bé và yếu ớt. Có nhiều lúc tưởng như con tàu bằng gỗ bị xé tan tành và chìm nghỉm. Thế mà con tàu “Phương Đông II” thật dẻo dai, nó vẫn đội sóng nhô lên, lại chìm nghỉm và lại đội sóng nhô lên. Tốc độ tàu bị sóng cản, mỗi giờ chỉ đi được một hải lí.
Hết lắc ngang con sóng lại lắc dọc thân tàu. Bây giờ, những con sóng tử thần từng đợt như núi đổ vào mũi và đít con tàu. Có lúc “Phương Đông II” bị sóng dựng đứng như con chiến mã chồm hai vó trước lên không trung. Các chiến sĩ say nằm trên mặt boong bị sóng đẩy dọc ngược lên đầu chạm vào phía ca bin tàu. Thân người như bị sóng cầm hai chân thúc ngược lên rồi lại cầm hai chân kéo dọc xuống như một trò chơi quái ác khó chịu và tàn khốc. Sức lực tất cả mọi người đều cạn kiệt. Đã thế lại không thể nấu được cơm ăn, thậm chí muốn ăn một thứ gì đó cũng không được. Các con sóng sẵn sàng đánh bật mọi thứ cầm trong tay xuống biển. Vả lại tay các chiến sĩ còn phải bám vào một thứ gì đó trên boong để không bị tử thần lôi xuống biển. Có lúc sóng lại chuyển sang đít con tàu nâng bổng đít tàu lên không trung, lộ cả bánh lái và chân vịt đang quay như chong chóng, xé gió vù vù.
Trong khi mọi người kiệt sức, tê dại và nằm cho tử thần đùa giỡn thì chỉ còn thuyền phó Hấn và thủy thủ trưởng Ngọc mửa ít nên còn sức lực. Hai người thay nhau lái trong trạng thái con tàu bị sóng đánh cho lồng lộn bất kham suốt bảy ngày bảy đêm. Ngồi đến mức chân thuyền phó Hấn dồn máu phù to ra tê dại. Mỗi lần đứng dậy khỏi ghế lái cho Ngọc thay thế là anh ngã vật xuống sàn buồng hàng hải. Các chiến sĩ nhìn thuyền phó Hấn tóc đã bạc hoa râm mà cảm phục tinh thần cương nghị của anh. Tất cả đều ứa nước mắt.
Dưới tay lái cương nghị của Hấn và Ngọc, tàu “Phương Đông II” vẫn quằn quại đội sóng lầm lũi thi gan với các tử thần hung dữ tiến về phương Nam. Trong đêm tối “Phương Đông II” đang tiến vào vùng biển Ô Cấp (Vũng Tàu). Thốt nhiên trên mặt biển tối om bỗng nổi bật lên những bóng đen và những ánh đèn pha xé rách màn đêm. Đó là đèn của những tàu tuần tra HQ của ngụy quyền Sài Gòn. Thuyền trưởng ra lệnh:
- Tất cả vào vị trí chiến đấu!
Các chiến sĩ đang nằm bỗng nhiên vùng dậy với một sức mạnh phi thường như chưa bao giờ say sóng, như chưa hề mửa đến kiệt sức, như chưa hề nhịn đói bảy ngày. Tất cả đã vào vị trí chiến đấu. Phía trong buồng thủy thủ và những góc khuất của tàu, trên tay các chiến sĩ đã lăm lăm DKZ, B40, B41, AK sẵn sàng nhả đạn vào tàu địch vì chúng là những tử thần còn khủng khiếp hơn cả sóng đại dương.
Thuyền trưởng khéo léo cho tàu vòng ngược lại tránh tàu địch. Tàu HQ Sài Gòn mất hút mục tiêu. Tàu “Phương Đông II” tiến vào vùng biển Cà Mau. Tàu treo lá cờ ba sọc của Việt Nam cộng hòa để ngụy trang và đánh lừa tàu và máy bay địch. Giữa ban ngày, tàu theo chiếc ghe dẫn đường của quân khu IX chạy thẳng vào rạch Kiến Vàng (Cà Mau). Rừng đước tươi xanh mọc trên rạch Kiến Vàng che chở cho con tàu khỏi sự nhòm ngó của máy bay do thám ngụy và Mĩ. Tàu “Phương Đông II” đã vượt qua tử thần để hoàn thành nhiệm vụ, đem vũ khí đầy sức mạnh cho quân dân miền Nam chiến thắng kẻ thù.
(Còn nữa)
CVL