Hè lại về, hoa phượng nở rực đỏ trên góc phố, trường học, gợi cho ta nhớ về những kỉ niệm êm đềm của tuổi học trò với những lưu luyến, bùi ngùi khi kết thúc một năm học để rồi bạn bè xa cách sau khi tập vở "lưu bút ngày xanh" khép lại cùng những cánh hoa phượng hồng ép vào trang vở.
Màu đỏ tươi sặc sỡ của hoa phượng gợi nhớ đến những lần cùng bạn bè trèo hái hoa phượng để chơi trò bán buôn, chọi gà, kết thành vương miện và trao cho người mình yêu thương dưới gốc phượng già.
Khi ngồi lại suy nghĩ, chúng ta đã lớn lên và trưởng thành qua mỗi mùa hoa phượng nở rực rỡ khắp sân trường. Màu hoa phượng vẫn cháy mãi như màu lửa nhiệt huyết của tuổi học trò, thắm đỏ cả một khung trời kỷ niệm và nhớ thương với "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu? hay "Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây/ Và mùa sau biết có còn gặp lại…?".
Trưa nay, tiếng ve râm ran đang gọi hè về, tôi nhanh chóng mở tủ sách để xem lại bài thơ "Nghỉ hè" của nhà thơ Xuân Tâm (đã đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ của báo "Bạn Đường" vào hè năm 1941) với những câu thơ đã làm rung động hàng triệu trái tim của học sinh, sinh viên và cả những thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh già trẻ đã từng ngồi dưới mái trường khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc...
Có lẽ, đối với các thế hệ học sinh hiện tại và tương lai, việc cảm nhận được những xúc cảm dạt dào, những bâng khuâng khó diễn tả thông qua những câu thơ như: "Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ / Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông / Trên đường làng 'huyết phượng' nở thành bông / Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt / Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót / Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui ..." là một điều khó khăn. Vào thời điểm đó, lũ học trò nhỏ bé của chúng tôi, dù ít hay nhiều, đã từng "thử thách" những cánh hoa phượng và cảm nhận được vị chua chát đặc trưng, khiến ai cũng yêu thích.
Nhớ lại ký ức tuổi học trò, khi tiếng ve ngân nga trên hàng phượng vĩ trước sân trường, báo hiệu kì nghỉ hè sắp tới, chúng tôi trao nhau những tập ghi chép "lưu bút ngày xanh" để lưu giữ kỷ niệm của một thời cắp sách đến trường. Bây giờ, khi nhìn thấy loài hoa phượng nở đỏ rực, gọi là "huyết phượng", không ai nghĩ rằng loài hoa này có thể được chế biến thành món đặc sản hấp dẫn và thú vị, với hương vị chua chát đặc trưng. Đó chính là món gỏi "huyết phượng nở thành bông".
Hôm nay, khi đi mua sắm các mặt hàng cần thiết tại chợ Túy Loan, tôi bất ngờ thấy cây phượng già ven ao nhà ai đang nở rộ những chùm hoa đỏ thắm. Tôi liền nghĩ đến món "huyết phượng" (của thi sĩ Xuân Tâm) và hái một ít cành hoa về để chế biến món ăn độc đáo này cùng với các loại rau, quả trong vườn.
Để chế biến món “gỏi huyết phượng”, trước hết, chuẩn bị một ít hoa (búp) chuối sứ xắt mỏng, một ít da lợn, thịt lợn ba chỉ hoặc tôm đất, rau càng cua, một quả xoài xanh bào sợi, khế chín xắt lát, bẹ môn tím và bẹ thiên niên kiện tước vỏ xắt mỏng, đậu phộng (lạc) rang vàng, bánh tráng nướng giòn. Và tất nhiên, sẽ kèm một nắm hoa phượng bỏ cuống, chỉ lấy phần cánh hoa và một ít rau thơm như: Ngò gai, rau húng, rau răm và ớt chín, dấm ăn hay chanh tươi.
Kế đến, da heo, thịt ba chỉ hay tôm đất lần lượt cho vào nồi luộc chín và vớt mỗi thứ ra dĩa và thái mỏng. Ngoài ra, muốn mâm gỏi hấp dẫn hơn, thêm trứng tráng xắt thành sợi mỏng vào. Nhớ là rau thơm (rau răm) xắt nhỏ cùng với đậu phộng rang đâm nhỏ, bánh tráng nướng bóp vụn để riêng mỗi thứ ra chén. Thế là, món gỏi “huyết phượng” cơ bản đã hoàn thành.
Bắt đầu bằng việc đặt chảo lên bếp và phi thơm củ nén hay tỏi với dầu ăn cho thơm, sau đó cho thịt lợn, da lợn, tôm luộc vào xào lăn. Nêm nếm gia vị như mì chính, nước mắm ngon, tiêu bột và đường cát vừa ăn, sau đó để nguội.
Tiếp theo, cho các nguyên liệu chính như cánh hoa phượng, đu đủ bào, rau càng cua, xoài xanh, bẹ môn tím, khế chín đã xắt cùng đậu phộng rang giả dập và bánh tráng bóp vụn vào chảo. Rắc rau thơm lên và sau cùng chan vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt, tiêu bột, mì chính rồi đảo đều, nhẹ tay trong khoảng 2 phút để tất cả các nguyên liệu ngấm đều nước trộn gỏi. Khi đã ngấm đều, đảo nhẹ để hoàn thiện món gỏi "huyết phượng".
Tuy nhiên, để làm món này thật ngon, không chỉ việc chế biến mà còn phải chú ý đến pha chế nước mắm. Nước mắm pha phải thật lạt (nhạt), đảm bảo vị ngọt, thơm của nước mắm, vị chua chua hấp dẫn của chanh, vị cay the nhưng không quá nồng của ớt, rau thơm và đặc biệt là sau khi ăn, ta muốn húp thêm một ít nước mắm "cho đã", mặc dù trong bụng vẫn còn thòm thèm muốn ăn tiếp chén thứ hai, thứ ba...
Đĩa gỏi "huyết phượng nở thành bông" trông rất bắt mắt với màu ngà của đu đủ, màu xanh lá cây của rau thơm, màu phớt tím của bẹ môn tím, điểm xuyết trên nền mâm gỏi là màu xanh lá mạ của rau thơm, màu đỏ của hoa phượng… Khi thưởng thức, món gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm, beo béo và giòn giòn của các nguyên liệu hòa quyện với vị ngọt của thịt và tôm, rất lạ miệng và thú vị.
Và mỗi năm cứ hè về được thưởng thức món gỏi “huyết phượng” lại nhớ đến bài thơ “Nghỉ hè” của nhà thơ Xuân Tâm mà 70 năm qua vẫn còn sống mãi với thế hệ của những học sinh khi kết thúc niên học, rời trường về quê nghỉ hè, nghỉ học hay ra “trường đời” tham gia ngành nghề để tương lai nuôi sống bản thân với tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc cho lứa tuổi học trò mà giờ đây gắn liền với món ăn “sắc hoa màu nhớ”./.