Sáng 05-08, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt tác phẩm “Cảm tác ngày thường” thơ Trần Ngọc Ánh. Khai mạc buổi lễ, nhà văn Đào Bá Đoàn, Phó GĐ nhà xuất Bản, đã bày tỏ sự quan tâm tới tập thơ này, bởi lẽ đây là lần đầu tiên thơ của một thanh đồng gây được sự chú ý của nhà xuất bản và các nhà thơ.
Về mặt hình thức, hoạ sĩ - nhà thơ Trần Thắng vẽ bìa và trình bày tập thơ thật trang nhã, bắt mắt. Hình ảnh Chúa Tiên ảo mờ trên bìa 1 và bóng dáng ung dung tự tại của Đức Hoàng Mười trên bìa 4 gợi cảm một bầu trời thơ tiên. Ấy là hồn cốt của di sản văn hoá phi vật thể - văn hoá tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt.
Tham luận tại buổi ra mắt sách, nhà thơ - hoạ sĩ Trần Thắng phát biểu: “Cầm tập bản thảo “Cảm xúc ngày thường” trên tay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi một nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hoá tâm linh lại có một tâm hồn thơ đằm thắm, trong sáng đến bất ngờ...” Nhà thơ dẫn chứng sự đằm thắm, trong sáng ấy bằng nhiều câu thơ hay được chọn từ các bài trong tập.
Ghé vai gánh vác giang san
Vung tay thơ phú chảy tràn núi sông
Võ như sấm, văn như rồng
Hào hoa phong nhã nhất ông Hoàng
(Thơ dâng lên Đức Hoàng Mười)
Bằng lối viết cảm tác trước một cảnh đẹp thiên nhiên hay một sự kiện, tác giả có ngay những vần thơ rất tự nhiên, bình dị mà không cầu kỳ sắp đặt.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Vân đánh giá: “Khi đọc hết tập thơ, tôi thấy mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài thơ đều nghiêng về nguồn cội
Cái cây có gốc có cành
Con người có tổ mới thành tổ tiên....
Cội nguồn là văn hoá tín ngưỡng của người Việt. Là một nhà ngoại cảm đi về giữa hai thế giới đời thực và tâm linh, thơ Trần Ngọc Ánh rất thực mà ảo. Thực là đề tài không có gì to tát, cao sang mà nó diễn ra trong đời sống hàng ngày được ghi lại bằng thơ. Ảo là cảm giác cho người đọc những liên tưởng, những suy nghĩ đằng sau những con chữ mộc mạc...”
Sau nhiều bản tham luận, chúng tôi thấy bài “Ý nghĩ nhỏ về “Cảm tác ngày thường” của nhà thơ Đặng Huy Giang, nguyên là uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà Văn VN khoá 8, cựu Biên tập thơ tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm, là bản tham luận tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, đã tìm ra “cái lõi” của tập thơ, đó là màu sắc Thiền thi trong thơ Trần Ngọc Ánh.
Xin đăng toàn văn bản tham luận của nhà thơ Đặng Huy Giang để kết thúc bài viết này:
Ý NGHĨ NHỎ VỀ “CẢM TÁC NGÀY THƯỜNG”
Tập thơ “Cảm tác ngày thường” được nhà thơ Trần Ngọc Ánh viết đúng tinh thần của nhà văn hoá tâm linh và thuộc về văn hoá tâm linh. Thế giới thơ của chị đầy bí ẩn và khác lạ như điểm đi và điểm đến của thơ chị. Những trải nghiệm của chị rất đáng để chia sẻ và kết nối tới độc giả.
Trong “Cảm tác ngày thường” có hai điểm nhấn rất đáng lưu ý. Đó là bài thơ “Xuân Nhâm Dần” và “Hồng Liên”.
Bài thứ nhất
XUÂN NHÂM DẦN
Mùa Xuân không ở ngoài khung cửa
Thanh thản hoa đào mở trong tâm
Trầm hương một nén dâng Tiên Tổ
Bỗng thấy lòng mình khói lâng lâng
Bài thứ hai
HỒNG LIÊN
Hương Sen ngào ngạt một vùng
Hồn ta lạc giữa muôn trùng Hồng Liên
Nhẹ nhàng một cánh Sen lên
Lòng như buông hết ưu phiền trần gian.
Hai bài thơ này mang tinh thần Thiền, không vướng bận và chủ trương buông bỏ, là kết quả của một người có tu tập.
Với Xuân Nhâm Dần, mùa Xuân không ở ngoài ta mà luôn ở trong ta. Với “Hồng Liên” sự “buông hết ưu phiền Trần gian” là cách sống của người có đạo. Những câu thơ hay nhất của “Xuân Nhâm Dần” và “Hồng Liên” thuộc về “Mùa Xuân không ở ngoài khung cửa / Thanh thản hoa đào nở trong tâm” và “nhẹ nhàng một cánh sen lên / Lòng ta buông hết ưu phiền trần gian”.
Hình ảnh tại sự kiện: