Buổi sáng ngày chủ nhật đầu xuân Tân Sửu, vợ chồng tôi đang ngồi uống café ở phòng khách, có một cháu bé đến nhà xin gặp tôi, cháu nói: “có người nhờ cháu chuyển tới ông cái này”. Cháu đưa cho tôi rồi chạy đi luôn. Thấy chuyện lạ, tôi cầm phong thư vào mở ra xem. Thật bất ngờ, bản gốc bài thơ tôi viết từ tháng 4.1977 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, còn vẹn nguyên, chỉ thêm đề của bài thơ là chữ viết của người khác, đề là: THƠ TÌNH CỦA LÍNH. Tôi đang lờ mờ về một chuyện xảy ra đã lâu lắm thì lại nghe tiếng chuông, nhìn ra thấy hai người: một nam, một nữ chừng ngoài 60 tuổi. Người đàn ông đứng rất ngay ngắn, vẻ mặt nghiêm nghị, tôi nhìn có vẻ quen quen. Lúc sau, chừng như không thể giả bộ được nữa, ông ta lao vào ôm chầm lấy tôi:
- Anh Ba…anh Ba có nhận ra em?
- Tiến…phải không?
- Dạ, em là Tiến, còn đây là Tâm, vợ em.
Mời vợ chồng Tiến vào nhà, thấy vợ tôi lấy phích nước nóng, Tâm đỡ lấy:
- Chị để em, hôm nay vợ chồng em mời anh chị uống nước trà Bảo Lộc.
Chúng tôi cùng nhau vui vẻ uống trà và thưởng thức những sản vật mà vợ chồng Tiến mang từ Bảo Lộc ra. Tiến bảo: “Lâu quá rồi, sợ anh không nhận ra nên em nhờ cháu bé gởi trước tới anh bài thơ anh viết từ dạo ấy, để anh dễ nhớ lại”.
Dạo ấy là đầu năm 1977, đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ truy quyét phỉ Pul Ro ở cao nguyên Lâm Đồng, gần nông trường chè Bảo Lộc. Thời kỳ này, nông trường mới thành lập, có rất nhiều thanh niên từ các nơi được điều động đến, số đông là nữ. Các cô gái là cán bộ kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, hành chính, công nhân…đều trẻ, đẹp. Khi đó chưa có nhiều son phấn như bây giờ. Buổi sáng trên cao nguyên trời thường se lạnh, nhưng ở cái tuổi mười tám, đôi mươi, cô gái nào môi cũng đỏ, má cũng hồng khiến cánh lính nhà ta trông thấy thì thích lắm.
Khu vực đơn vị làm nhiệm vụ chỉ cách nông trường hơn 2 cây số, bọn phỉ PulRo thường hay phục kích hoặc gài mìn trên đường đi. Vì vậy cấp trên quán triệt, các đơn vị không cho bộ đội tự do ra nông trường chơi. Tuy nhiên, chỉ huy đơn vị cùng ban lãnh đạo nông trường đã có ký kết giao lưu, kết nghĩa để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tăng cường đời sống vật chất và tinh thần cho cả hai bên.
Một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 4.1977, có đoàn cán bộ, công nhân do chị phó giám đốc cùng 14 chị em của nông trường mang quà đến thăm, giao lưu với đơn vị. Sau những lời phát biểu chào hỏi, đến phần văn nghệ, cả hai bên đều sôi nổi tham gia, vui lắm. Bỗng nhiên, chị phó giám đốc đứng lên nói: “Chị em bên nông trường, nhất là những cô gái trẻ luôn ca ngợi các anh bộ đội: chiến đấu thì dũng cảm, công tác tốt, văn nghệ giỏi lại đẹp giai nữa…nhưng mà…hình như không biết yêu thì phải!?”. Bị chọc tức, anh em thông qua những bài hát, cầu vè để đối đáp lại. Cậu Tiến (văn thư, quân lực tiểu đoàn) nói nhỏ vào tai tôi: “anh Ba viết mấy câu thơ đi, phải ghi dấu ấn với chị em, mình không thể thua được!?”.
Thực tình tôi có biết làm thơ đâu, nhưng thôi cứ ghi lại cảm xúc lúc này. Nhìn một lượt khuôn mặt các cô gái, các chàng trai đang ngồi quanh đây, rồi cầm bút viết. Thấy tôi vừa viết xong, cậu Tiến hấp tấp đứng lên nói: “Tôi xin giới thiệu: anh Ba Lộc đọc một bài thơ do anh vừa sáng tác. Lời bài thơ này là tình cảm của tất cả chúng tôi gởi tới chị em bên nông trường”. Cậu ấy hấp tấp quá làm tôi cũng hơi bối rối. Nghĩ tới các chiến sĩ của đơn vị, các cô gái của nông trường, trong khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời, hăng hái làm nhiệm vụ, tôi tự tin đứng lên đọc:
Trời giá lạnh mà môi em vẫn đỏ
Má vẫn hồng, mắt sáng long lanh
Em yêu ơi, có hiểu thấu tình anh
Đang bùng cháy, sục sôi con tim nhỏ.
Còn giặc dã, tình ta dành để đó
Chờ đến ngày đất nước được bình yên
Đóa hoa tươi anh mang đến tặng em
Với nụ hôn nồng nàn thắm thiết.
Em hãy giữ gì là quý nhất
Để anh đi diệt hết FulRo.
Khi trở về, Anh sẽ đón em đi
Đưa em tới tận cùng nơi em muốn đến
Và khi đó, chúng ta cùng tận hưởng
Những ngọt bùi, êm dịu của Tình Yêu!
Tôi vừa đọc xong, tiếng vỗ tay kéo dài. Chị phó giám đốc đứng lên nói: “Thay mặt chị em bên nông trường, tôi xin đón nhận tình cảm của các anh bộ đội trong đơn vị, thông qua bài thơ của anh Ba Lộc. Lời bài thơ giản dị nhưng hàm chứa những tình cảm rất chân thành, thương yêu và hy vọng vào ngày mai tươi đẹp cho tất cả chúng ta, nhất là các cháng trai, cô gái của cả hai đơn vị. Anh Ba cho chúng tôi được nhận bài thơ anh viết với một lời hứa: Khi cô gái nào ở nông trường là người đầu tiên kết hôn với bộ đội của đơn vị, chúng tôi sẽ trao cho cặp đôi đó bài thơ này như trao một kỷ vật của tình yêu”. Tiếng vỗ tay lại vang lên, hai bên chuyện trò sôi nổi…Buổi giao lưu kết thúc, để lại dư âm tốt cho cả hai đơn vị.
Sau buổi giao lưu đó 5 tháng, đêm ngày 23.9.1977 quân PôlPôt (Căm Pu Chia) ngang nhiên xâm nhập biên giới nước ta. Chúng đốt phá nhà cửa, tàn sát dã man đồng bào ta ở khu vực Sa Mát, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ngay sáng hôm sau (24.9), đơn vị tôi nhận lệnh hành quân ngay tới Sa Mát để đánh đuổi bọn chúng, cùng chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ Quốc vô cùng gian khổ và ác liệt. Chiến đấu liên tục đến đầu năm 1979, quân ta tổng tiến công, đánh đuổi hết quân Pôl Pôt ra khỏi toàn tuyến biên giới tây nam. Theo lệnh của cấp trên, đơn vị tiếp tục hành quân sang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Căm Pu Chia. Tháng 4.1980, cậu Tiến bị thương khi đang làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng. Tiến được chuyển về điều trị tại quân y viện ở Xiêm Riệp. Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ đấy.
Tiến kể: sau khi điều trị xong, ra viện về đến sư đoàn, thấy sức khỏe của em không thể tiếp tục hành quân, sư đoàn cho em được phục viên. Em xin chuyển nghành về nông trường chè Bảo Lộc. Về đây em được nông trường tiếp nhận và giao việc ngay. Lãnh đạo nông trường bảo em thông báo cho các đồng đội biết, nông trường vẫn còn nhu cầu tuyển dụng một số bộ đội được đơn vị cho phục viên, chuyển nghành. Về nông trường được 8 tháng thì em cưới vợ. Cô gái xinh đẹp, hát hay mà dạo đó anh Ba cứ tấm tắc khen, anh nhớ không, chính là Tâm-vợ em đây. Chúng em sinh được hai cháu, vợ chồng em chăm lo cho các cháu được học hành tử tế, công việc ổn định, cưới vợ, gả chồng cho các cháu rồi. Đến nay vợ chồng em đã có một cháu nội và hai cháu ngoại. Tiến còn kể: từ khi em về đến năm 1989 đã có thêm 8 cậu nữa ở đơn vị mình chuyển nghành về và lấy vợ ở nông trường đó.
Ở nông trường (bây giờ là công ty), chúng em đều là nòng cốt trong mọi hoạt động, có đóng góp tích cực trong thành tích chung. Chi hội CCB chúng em rất có uy tín, được cấp trên và mọi người tin tưởng, tín nhiệm. Chỉ có điều, các chị em nhất là các vợ CCB cứ luôn nhắc tới câu thơ của anh Ba:
“ Khi trở về, anh sẽ đón em đi
Đưa em tới tận cùng nơi em muốn đến
Và khi đó, chúng ta cùng tận hưởng
Những ngọt bùi, êm dịu của Tình Yêu!”
Vậy mà đến nay em mới có điều kiện đưa vợ về thăm anh chị, đi thăm các danh thắng ở Thủ Đô. Còn những ngọt bùi, êm dịu …thì chúng em đã cùng nhau chia sẻ mấy chục năm nay rồi, không tin thì anh Ba cứ hỏi vợ em mà xem. Nhìn sang Tâm, thấy cô ấy nở nụ cười tươi, mặt ửng đỏ, dáng vẻ ngượng ngùng…Tôi hiểu, họ đang rất Hạnh Phúc
Ngày 20 tháng 2 năm 2021 - KVL
Theo Chuyện quê