Ngày 15/9/2023 (tức mồng 01 tháng 8 âm lịch) NNƯT Phùng Văn Thanh cùng NNƯT Đặng Ngọc Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, long trọng thành kính tổ chức đại lễ Khánh tán lạc thành đền Đông A Hiển Thánh tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 723 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1300 – 2023).
Về dự và chúc mừng chương trình có sự hiện diện của: Đại diện lãnh đạo Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam; Đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Lãnh đạo Hội nghệ sĩ sân khấu; Lãnh đạo tỉnh Hải Dương; BQL đền Kiếp Bạc (Hải Dương); Lãnh đạo huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; BQL di tích đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái); BQL Di tích phủ Tây Hồ (Hà Nội); cùng đông đảo nghệ nhân, thủ nhang, đồng đền, đồng điện, phật tử xa gần đã có mặt đông đủ thành tâm kính lễ.
Mở đầu chương trình, NNƯT Phùng Văn Thanh có bài phát biểu ngắn gọn, súc tích và chứa đựng tình cảm dạt dào. Theo đó, NNƯT Phùng Văn Thanh đã cảm ơn sự quan tâm của đại biểu khách quý, dành tâm, tình và mọi khả năng có được của mình để giúp đỡ NNƯT Đặng Ngọc Anh hoàn thành tâm nguyện. Trong không khí trang trọng và linh thiêng, với tư cách là người gắn bó với NNƯT Đặng Ngọc Anh hàng chục năm qua, NNƯT Phùng Văn Thanh không giấu được sự xúc động. NNƯT Phùng Văn Thanh cảm ơn NNƯT Đặng Ngọc Anh đã cho bản thân ông có cơ hội được giúp đỡ, xây dựng, kiến tạo những tư tưởng, tình cảm mà NNƯT Đặng Ngọc Anh ấp ủ. Thiên thời – địa lợi – nhân hoà, sau 7 năm, để đến nay 99% Đông A Hiển Thánh đã hoàn thành.
Ông nhấn mạnh: “NNƯT Đặng Ngọc Anh vừa là người em và cũng là người học trò gắn bó, xuất sắc nhất trong cả cuộc đời hành đạo của tôi.” NNƯT Phùng Văn Thanh là người xây dựng lên tư tưởng và truyền dạy các nghi lễ cho người học trò của mình.
Kết thúc bài phát biểu, NNƯT Phùng Văn Thanh không quên gửi lời chúc sức khoẻ tới đại biểu khách quý. Ông mong rằng mọi người sẽ luôn ủng hộ, giúp đỡ, động viên tinh thần, để bản thân ông cũng như NNƯT Đặng Ngọc Anh có nhiều điều toả sáng hơn nữa. Ông hi vọng NNƯT Đặng Ngọc Anh sẽ luôn phát huy tốt sứ mệnh của mình trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá tín ngưỡng nói chung.
Tiếp nối chương trình, NNƯT Đặng Ngọc Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam gửi lời cảm tạ tới toàn thể quý vị khách quý về chung vui và chúc mừng Đông A Hiển Thánh. NNƯT Đặng Ngọc Anh đã gửi lời tri ân đặc biệt, sự thành kính vô vàn tới người mẹ Đặng Thị Hoa và người thầy – người anh NNƯT Phùng Văn Thanh, đã tạo dựng, quan tâm đến Đông A Hiển Thánh trong suốt 7 năm xây dựng, khi mà NNƯT Đặng Ngọc Anh dành trọn thời gian vào việc Thánh. NNƯT Đặng Ngọc Anh cảm ơn chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân đã luôn tạo điều kiện, giúp đỡ để Đông A Hiển Thánh có ngày hôm nay. Ông hứa sẽ cố gắng nhiều hơn trong việc công đức, xây dựng các đền phủ của Việt Nam cũng như bảo tồn và phát triển đạo Mẫu – đạo của người Việt.
Bên cạnh đó, NNƯT Đặng Ngọc Anh cũng bật mí về việc khánh thành đền Mẫu Phố Cò tại tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới. Và gần nhất sẽ là sự kiện “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ của người Việt năm 2023” tại đền Kiếp Bạc, nhân 723 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, diễn ra vào ngày 07 – 08 tháng 8 âm lịch - Chương trình do chính NNƯT Đặng Ngọc Anh làm trưởng ban tổ chức.
Tại buổi lễ, NSND Trịnh Thuý Mùi – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, gửi lời chúc mừng đặc biệt tới NNƯT Phùng Văn Thanh và NNƯT Đặng Ngọc Anh. Bất ngờ trước sự uy linh, tố hảo của Đền Đông A Hiển Thánh, bà chia sẻ: “đây có lẽ là tâm huyết to lớn của NNƯT Phùng Văn Thanh và NNƯT Đặng Ngọc Anh, tôi nghĩ đây là một công trình kiến trúc và cũng là một công trình nghiên cứu, sưu tầm tất cả những giá trị tinh hoa văn hoá, để đem đến cho đời, và còn mãi với hậu thế. Công trình là sự tri ân công lao to lớn của Đức Thánh Trần. Tôi hi vọng thế hệ sau sẽ gìn giữ và trân trọng những gì mà NNƯT Phùng Văn Thanh và NNƯT Đặng Ngọc Anh dày công xây dựng. Vì khi văn hoá còn, thì đất nước của chúng ta sẽ phồn vinh và thịnh vượng.”
Vào rạng sáng cùng ngày, lễ cung nghinh thỉnh rước ấn đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) về đền Đông A Hiển Thánh (Vân Phúc - Phúc Thọ - Sơn Tây – Hà Nội), đã diễn ra thập phần viên mãn, ban tài tiếp lộc, công danh thành đạt cho bách gia trăm họ.
Độc giả vẫn thường nghe đến cụm từ: “Hào Khí Đông A” tức Hào Khí nhà Trần. Và khi nhắc đến Đông A là nhắc đến nhà Trần. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như sự khách quan của dòng lịch sử: Xét những triều đại trước đây, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm. Dù đứng trước kẻ địch hung hãn, nhưng vẫn thể hiện được tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn.” và đó chính là tinh thần nhà Trần - “Tinh thần Đông A”.
Theo Nhà sử học, Nhà khảo cổ học - cố Giáo sư Trần Quốc Vượng chỉ ra: Thời nhà Trần có những đặc thù rất đặc biệt về tôn giáo. Đấy là thời kỳ mà bên cạnh Phật giáo và Nho giáo thì Đạo giáo cũng vô cùng phát triển. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ với triều đình trở về vùng Kiếp Bạc – Hải Dương (ngày nay) để sinh sống, thì Trần Hưng Đạo còn là một đạo sĩ. Ngài làm thuốc cứu dân và Ngài còn được nhân dân nhìn nhận như một thầy Phù thuỷ có thể trừ tà diệt quỷ, cứu độ chúng sinh tai qua nạn khỏi. Và có lẽ từ hình tượng của Trần Hưng Đạo anh hùng trong dòng lịch sử, đến một Trần Hưng Đạo đạo sĩ trong lòng dân gian, thì khi Trần Hưng Đạo mất, nhân dân tin rằng Ngài đã hiển Thánh.
Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy việc NNƯT Phùng Văn Thanh và NNƯT Đặng Ngọc Anh đặt tên “Đông A Hiển Thánh” cho đền là vô cùng ý nghĩa. “Đông A Hiển Thánh” không đơn thuần chỉ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, mà ở đây còn kết tinh tất thảy những tinh hoa thuần tuý của thời kỳ nhà Trần trải qua 175 năm (1225 -1400). Bên cạnh đó, “Đông A Hiển Thánh” còn chứa đựng tinh thần đoàn kết, đồng lòng trên dưới, quyết tâm cao độ trong việc bảo tồn đạo pháp cũng như quá trình xây dựng vất vả suốt 7 năm qua, đúng với tinh thần Đông A. Và tinh thần đó vẫn sẽ được lưu truyền mãi cho hậu thế.
Một số hình ảnh đền Đông A Hiển Thánh
Quang cảnh bên trong đền Đông A Hiển Thánh
NNƯT Đặng Ngọc Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam loan giá phụng hầu, cung nghinh chúc Thánh, nhân Đại lễ Khánh tán lạc thành đền Đông A Hiển Thánh.