Câu thơ nổi tiếng của Puskin (Пушкин-1799-1837) đã nói khá đủ về những bức tranh miêu tả mùa thu ở làng quê vùng nông thôn hay những cánh rừng bạch dương vào mùa xuân đều là những tuyệt tác mà nước Nga tự hào. Cái yên tĩnh vĩnh hằng của thiên nhiên trong tranh của Levitan đến nay sống mãi với thời gian.
Nhà danh hoạ Levitan (sinh 1860-mất 1900) tên đầy đủ là Isaac Ilyich Levitan, người Nga, là họa sĩ tốt nghiệp trường Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc Moskva (1885). Những tuyệt tác để đời của Levitan như Mùa thu vàng (1895), Rừng bạch dương (1885-1889), Đường Vladimir (1892)… mang dấu ấn rõ nét của trường phái hiện thực (realism) sở hữu những nét độc đáo về kỹ thuật và tinh tế về phong cách, sắc màu. Ông được bầu vào Hàn Lâm viện Nghệ thuật Nga (1897).
Cha mẹ Levitan mất sớm. Levitan quá cô đơn, đôi lúc trở nên ngớ ngẩn vô hồn. Không còn nơi nương tựa, Levitan âm thầm bỏ nhà ra đi, sống trong cảnh nghèo túng. Levitan phải nhịn đói hoặc xin ngủ lại ở nhà để xe, có khi trong xưởng họa nhà trường để tiếp tục việc học.
Mùa xuân năm 1977, trong một cuộc triển lãm lưu động tại Moskva có kèm theo cuộc triển lãm của học sinh trong đó có Levitan. Hai bức tranh “Mùa thu” và “Cái sân bỏ hoang” của Levitan, được giới thưởng ngoạn nghệ thuật đánh giá cao và các nhà phê bình nồng nhiệt viết bài khen ngợi tác giả trên tạp chí mỹ thuật. Khi ấy Levitan mới 17 tuổi.
Cuộc sống khổ cực, khiến Levitan tự ty xa lánh mọi người chung quanh nhưng càng làm cho chàng gần gũi với thiên nhiên. Levitan thường ẩn mình trong những cánh rừng thưa hay ngồi vẽ một mình trên thuyền. Trong nỗi cô đơn của thân phận Levitan có cơ hội cảm nhận sâu sắc hoàn cảnh khắc nghiệt những con người cùng khổ trong cảnh mùa đông giá buốt. Bức tranh “Làng quê mùa đông” (1877-1878) đã thể hiện những nỗi niềm đó.
Những năm 1880 tài năng phát tiết cực điểm, Levitan vẽ hàng loạt bức tranh về phong cảnh làng quê nước Nga từ vùng ngoại ô Moskva: “Làng quê”, “Liễu rủ quanh nhà”, “Bờ sông”, “Hoa anh đào”, “Làng ven sông”… Dù không hề có bóng dáng người, nhưng tất cả những bức tranh đó mô tả cuộc sống, tâm trạng của con người sống trong những làng quê ấy. Riêng bức tranh “Ngày thu Sokolniki” của Levitan được nhà sưu tập tranh nổi tiếng của nước Nga là P.M. Tretyakov mua lại.
Chịu đựng sự buồn chán vì bệnh tật, nỗi bất hạnh và bao sự đố kỵ của những kẻ bất tài vô tướng, Levitan đã phải sống suốt cuộc đời trong cảnh đói nghèo, bệnh tật. Levitan mất khi mới 40 tuổi. Mộ phần Levitan đặt tại Dorogomilovo, sau được cải táng về nghĩa trang Novodevichy (Moskva) bên mộ người bạn thân là nhà văn Chekhov. Họa sĩ tài hoa Levitan để lại một sự nghiệp phong phú và đặc biệt về mãng tranh phong cảnh trữ tình với các tuyệt tác “Mùa Thu Vàng” và “Rừng Bạch Dương”.. trong di sản nghệ thuật thế giới!.