Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, vì những biến cố lớn của gia đình cùng với tai nạn về thơ mà cả gia đình ông đã chuyển về TP. Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu.
Cuộc đời vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên là hiện tượng lạ - đặc biệt chưa từng có ở Việt Nam. Đời người và đời thơ của họ như duyên nợ trời định dù đã trải qua biết bao sóng gió nghiệt ngã nhất, có lúc những tưởng bế tắc, không lối thoát. Bằng đức tin và sự kiên trì, chịu khó, không đầu hàng số phận nên vợ chồng ông đã từng bước vượt qua mọi bất trắc.
Hai con người, một số phận
Người ta biết đến Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên từ những năm 60 của thế kỉ trước. Lúc ấy, Nguyễn Nguyên Bảy công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lý Phương Liên - cô gái mồ côi, nhà nghèo, xinh đẹp - phải một mình cáng đáng nuôi cả đàn em thơ. Với số tiền kiếm được từ công nhân ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo lo không xuể cho gia đình.
Và rồi, trong một lần gặp nhau, chính những “vẻ đẹp” của Lý Phương Liên đã hút hồn chàng trai Nguyễn Nguyên Bảy. Đó cũng là cơ duyên và cũng là lẽ trời định, Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên nên nghĩa “phu thê”. Từ đây, hai con người ấy đã phải trải qua những sóng gió, tai ương, chìm nổi; những va đập “bất thường” của thời cuộc.
Đời thơ và đời người ở họ có nhiều mối lương duyên. Nếu Lý Phương Liên nổi đình nổi đám sự nghiệp thơ với bài thơ “Trò chuyện với Thúy Kiều” (Đăng trên Báo Nhân Dân, 1970); thì Nguyễn Nguyên Bảy với phát ngôn: “Thơ là thơ. Thơ không phải địa vị gowin99 của người làm thơ”. Và rồi cũng từ chính bài thơ Lý Phương Liên và phát ngôn về thơ mà Nguyễn Nguyên Bảy đã gây nên “tâm bão” lúc bấy giờ. Số phận và thời cuộc đã đưa đẩy hai người nghệ sĩ - thi sĩ ấy trôi dạt về phương Nam. Những năm tháng đầu tiên khi ly hương vợ chồng ông phải sống một cuộc đời khó khăn, chật vật ở nơi đất khách. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm tin Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên đã vượt qua tất cả để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Nhưng có lẽ, điều đáng quý ở họ là dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời nhưng họ chưa bao giờ tự tin nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Nguyễn Nguyên Bảy bộc bạch: “Tôi không phải nhà văn, nhà thơ. Tôi chỉ là người chép chữ xuôi rồi bảo là văn. Chép chữ vần rồi bảo là thơ. Chép từ hồi tiểu học Lương Yên những năm đầu tiếp quản Thủ đô, bạn “lớp chúng mình” gọi đùa Trương Chi. Chép chữ suốt từ ấy đến giờ, ngày nào ít nhiều cũng chép. Tôi là một nghiệp dư thơ”.
Đây chính là những lời giãi bày gan ruột của Nguyễn Nguyên Bảy về nghiệp cầm bút, như là một phong cách nghệ thuật của ông về thơ. Nguyễn Nguyên Bảy còn ý thức sâu sắc rằng: “Thơ ca hiện diện như một chiếc gương, soi vào đấy hiện lên vẹn toàn gương mặt thi nhân. Hồng mặt gương hay xám ngoét mặt gương, thi nhân tự thức”.
Trong khi đó, Lý Phương Liên rất kiệm lời khi nói quan điểm về thơ. Lý Phương Liên cho rằng: “Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao nhiêu người tài hoa thời ấy, được học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh với họ”.
Sau những biến cố xảy ra đối với gia đình vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy, tưởng những vợ chồng ông sẽ “cự tuyệt” với văn chương nhưng hình như máu văn chương đã ăn vào huyết mạch của họ. Họ sinh ra là để sống với văn chương. Số phận cuộc đời họ đã vận vào văn chương như trời định trước. Nguyễn Nguyên Bảy vẫn lặng lẽ viết, viết đều đặn và viết nhiều đến kinh khủng. Có lẽ đếm không sao hết, đủ thể loại ngoài những tập thơ, còn là tập truyện, tiểu thuyết và tản văn đã in hay còn đâu đó hàng chục tập bản thảo đã ố màu theo thời gian mà chưa in. Nguyễn Nguyên Bảy cất giữ cẩn thận và xem như vật thiêng của gia đình mình. Còn Lý Phương Liên, có lẽ đã ở tuổi “toan về già”, cuộc sống và vướng bận gia đình nên cũng thi thoảng “gác bút”: “Em đơn chiếc một cánh cò/ Mà trời bao la quá/ Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ/ Chỉ để nhớ để thương thơ”.
Với Lý Phương Liên, khi nói đến thơ bà thường giở ngăn cửa tủ lấy cho tôi xem những bài thơ của bà đã được đăng báo từ những năm 60 của thế kỉ trước. Dù được cất giữ cẩn thận nhưng theo thời gian những tờ báo cũng đã nát nhàu, bà xúc động bảo nói: “Đó là vật kỉ niệm, nó liên quan đến cuộc đời mình nên cần phải được lưu giữ”.
Ở hai con người này trân quý vẫn là sự “câm nín”, không đổ lỗi cho bất cứ ai, trong bất kì hoàn cảnh nào. Năm 2011, Lý Phương Liên xuất hiện trở lại với việc in tập “Ca bình minh”. Sự xuất hiện trở lại của Lý Phương Liên trên thi đàn sau 40 năm vắng bóng đã là một điều đáng quý và đáng trân trọng.
Tâm niệm cuộc đời
Nhưng điều đặc biệt không thể không nhắc đến khi nói về Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên đó là việc thực hiện ước nguyện xuất bản những tập thơ thiện nguyện cuối đời của mình. Họ đã lấy số tiền tích góp gửi tiết kiệm trong 20 năm qua để tập hợp in sách cho bạn bè văn chương. Hiện thực hóa ước nguyện này là việc cho ra đời Bộ sách “Thơ Bạn Thơ” và “Văn Bạn Văn” bắt đầu từ năm 2012.
Hai dự án sách đồ sộ này ra đời đã tập hợp những tác phẩm bị bỏ quên, bỏ sót hay vì lý do nào đó chưa công bố; những tác phẩm gắn liền với những tên tuổi khá nổi tiếng, nó đã sống được trong lòng bạn đọc theo cùng thời gian và năm tháng, đến những tác phẩm của những tác giả mới xuất hiện (dù họ chưa thành danh, bạn đọc có thể chưa từng đọc thơ họ) nhưng miễn là bài hay thì được chọn. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang giá trị thời đại của vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy. Một việc làm, một nghĩa cử đáng quý, đáng trân trọng cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Vì rằng, họ đã tự nguyện bỏ tiền túi, bỏ thời gian và công sức bằng tất cả sự nhiệt huyết, niềm hăng say hết mình để tạo ra một sân chơi cho chính những người yêu văn chương chân chính; tập hợp những tác phẩm của bạn bè văn chương cả nước chứ không phải là làm riêng cho cá nhân mình.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu dần nhưng bằng niềm tin, sự đam mê, “cháy” hết mình với văn chương mà vợ chồng bà hình như đã quên đi tuổi tác, bệnh tật. Mỗi lần sách in xong, ông bà đều khẩn trương gửi sách cho bạn đọc, cho các thư viện, đồng thời tổ chức ra mắt, giới thiệu với bạn đọc cả nước…
Ấn tượng của sự đam mê hơn nữa là sự nhiệt thành của họ. Gặp vợ chồng ông, dù nói công việc gì đi nữa, ông bà vẫn luôn dành thời gian để nói về thơ, nói với tất cả bằng sự đam mê, thích thú; kể về những kỷ niệm, những dấu mốc, những bài thơ của ông bà lần đầu đăng báo và cả những hệ lụy của gia đình có liên quan đến thơ … Vì bạn hữu, vì tâm huyết với thơ mà hai vợ chồng phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để thực hiện tâm nguyện tha thiết đau đáu cả một đời. Với gia đình ông, thơ có lẽ là duyên nợ, là người bạn tâm giao, là những gì máu thịt, là hơi thở, là những điều thiêng liêng nhất đối với cuộc đời mình.
Theo Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên, vì đam mê và trân quý với nền văn chương, tâm niệm những ngày còn lại là hiện thực hóa các đầu sách (“Thơ Bạn Thơ”, “Văn Bạn Văn”, “Vườn Năm nhà”, “Chém gió muôn mầu”) với tư cách là Chủ biên. Các đầu sách trên được khởi động từ năm 2012 và cho đến nay đã in xong 20 tập. Đây là dự án văn chương khá hoành tráng về quy mô, đa dạng về thể loại, đông đảo về tác giả, đồ sộ về tác phẩm…
Trong năm 2018, vợ chồng ông đã cho ra thêm một số đầu sách mới nằm trong Dự án Sách “Thơ Bạn Thơ” và “Văn Bạn Văn”. Trước khi lâm trọng bệnh, Nguyễn Nguyên Bảy cho biết sẽ thực hiện Dự án sách này trọn bộ là 50 tập. Đây sẽ là bộ sách về văn chương đồ sộ nhất từ trước đến nay trong nền văn học Việt Nam. Tâm nguyện cuối đời của ông đã được thực hiện; dù chưa về đến đích như mong muốn nhưng tất cả những gì ông đã làm đó là điều đáng để chúng ta ngưỡng mộ và trân trọng.
Giữa lúc thơ có phần “lạm phát”, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, trong suy nghĩ của nhiều người thơ đã mất đi giá trị đích thực của nó. Ở một khía cạnh nào đó, suy nghĩ của họ cũng có phần đúng, bởi dưới tác động của nền kinh tế thị trường thời mở cửa, bao giá trị, chuẩn mực bị biến tướng. Giá trị đích thực của văn nghệ nói chung, thơ nói riêng cũng không tránh khỏi những lệch chuẩn ấy. Trong bối cảnh như vậy mà có người bỏ tiền túi lặng lẽ làm công việc tập hợp thơ của bạn đọc cả trong và người nước, không biệt đẳng cấp, địa vị gowin99 , tuổi tác, vùng miền… miễn là thơ hay thì được chọn để in vào Tuyển tập. Đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng trong đời sống văn học hiện nay.
Những gì vợ chồng Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy đã làm trong khoảng 12 năm nay cho công trình văn chương đồ sộ này với những sản phẩm là Bộ Tuyển tập: Thơ Bạn Thơ (10 tập), Văn Bạn Văn (2 tập) và các đầu sách bổ trợ như Vườn Năm Nhà (3 tập), Chém gió muôn mầu (4 tập), Tình Thơ Bạn Thơ (1 tập)… là một minh chứng đầy thuyết phục về công sức, tiền bạc và cách tổ chức sắp xếp, làm việc rất đáng nể phục của vợ chồng người Chủ biên Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy. Công việc dù nhọc nhằn và phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ nhưng tôi tin đó là niềm vui, sự hạnh phúc của cặp vợ chồng thi sĩ đặc biệt trong nền văn chương Việt này.
Điều đó cho thấy rõ ràng rằng hạnh phúc đối với mỗi người là không bao giờ giống nhau. Bởi trong đời sống, có người lấy sự cống hiến làm hạnh phúc, có người lại lấy việc thu vén cho cá nhân mình làm hạnh phúc, có người thiên về vật chất, có người nghiêng hẳn về tinh thần nhưng không phải tất cả đều là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực và có giá trị lâu bền khi con người hướng đến những giá trị tinh thần, nhân văn sâu sắc, đem đến niềm tin và sự yêu mến của mọi người, vì ở đó họ làm việc là vì tình yêu, sự công tâm, vô tư, không hề toan tính hay vụ lợi. Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên là người hạnh phúc vì đã làm được điều mình tâm huyết và đau đau cả một đời với văn chương. Càng hạnh phúc hơn là vợ chồng ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ, phong phú và rất có giá trị.