Tác giả có lời dẫn cụ thể như sau:
Nguyên dẫn: "Vũ Đế nhà Hán đặt quận Từ Liêm, đến đời Ngô, Tấn đổi là thành Ô Diên, ở địa phận hai xã Tây Mỗ, Thiên Mỗ ngày nay. Triệu Việt Vương Quang Phục giữ thành này, chống nhau với Vương Sàn, tướng của Trần Bá Tiên. Sau chiếm cứ thành này xưng Vương được 30 năm. Lý Nam Đế chiếm cứ vùng thượng lưu sông Thao, sai con là Nhã Lang cưới con gái Quang Phục là Ngốc Nương làm vợ, lấy vùng Thượng hạ Cát làm ranh giới. Sau đó, Lý Nam Đế chiếm cả đất của Triệu Quang Phục, giữ thành Ô Diên 40 năm. Triệu Quang Phục chạy vào cửa biển Nghệ An, đâm đầu xuống nước tự tử. Ngốc Nương oán Nhã Lang, thắt cổ chết ở trong thành. Nhã Lang thương xót Ngốc Nương, chết theo vợ, được chôn ở cánh đồng làng Tây Mỗ, nay chỗ có bia đá, đó là di trủng, đời trước có đền thờ Nhã Lang, nay không còn, dân làng tương truyền gọi là bia mả Phúc Vương; lại ngoa truyền rằng ban đêm nghe có tiếng đàn. Bia đã mòn hết chữ, nay không còn tra khảo được".
Ở đây, chúng tôi cũng nói thêm cho rõ:
Sau khi thua trận thủy chiến ở Bạch Hạc, Lý Nam Đế rút quân về Tam Nông (Phú Thọ ngày nay). Rồi ngài ốm chết. Nhã Lang là con trai Lý Nam Đế, tiếp tục sự nghiệp của cha, chiếm cứ vùng núi phía Bắc.
Trong khi đó, Triệu Quang Phục, tướng tâm đắc của Lý Nam Đế rút quân vào đầm Dạ Trạch, lấy chiến tranh du kích để đánh giặc. Thành công, Triệu Quang Phục xưng Vương (Triệu Việt Vương), lấy Long Biên là đô Thành.
Thực ra, Long Biên nguyên gốc là Long Uyên, nay thuộc Thuận Thành, Kinh Bắc. Nhà Đường đô hộ nước ta, cho đổi thành Long Biên. Đơn giản vì họ kiêng húy Đường Thái Tổ Lý Uyên (cha lý Thế Dân).
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa Triệu Việt Vương với Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), vua nước Nam Việt của ta trước đó. Nhã Lang được Triệu Quang Phục gả con gái tên là Ngốc Nương, như Ngô Thì Nhậm đã dẫn.
Dầu vậy, Nhã Lang (tức Hậu Lý Nam Đế) có ý đồ xấu, đem quân đánh úp Triệu Quang Phục. Bị đánh bất ngờ, Triệu Việt Vương thua trận, theo Ngô Thì Nhậm thì chạy đến Nghệ An thì tự tử.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu gần đây chép rằng Triệu Việt Vương chạy đến cửa sông Đáy ở mạn Ý Yên, tỉnh Nam Định thì cùng đường, nhảy xuống biển chết. Đền thờ Triệu Quang Phục còn nhiều ở vùng này. Tôi ngờ rằng, xác Triệu Vũ Đế trôi dạt vào Nghệ An, dân vớt lên chôn.
Còn như thành Ô Diên, nơi Triệu Việt Vương từng đóng quân, như một trung tâm chính trị và quân sự lớn nhất đương thời, thì không còn thấy một tẹo dấu vết nào nữa.
Ngô Thì Nhậm có bài thơ và lời dẫn chu đáo, nhưng cũng chỉ thấy bia đá, mộ chí của người xưa. Bây giờ thì thành Ô Diên thuộc hai làng Tây Mỗ, Thiện Mỗ, quận Bắc Từ Liêm. Tôi nhiều lần đi xe máy qua đây, chẳng thấy thành Ô Diên lịch sử đâu nữa!
Than ôi! Bía đá chắc đã bị đập phá để nấu thành vôi. Tòa thành nổi tiếng của cha ông xưa, nay cũng chỉ còn trong cổ tích! Chẳng buồn lắm hay sao?