Ở miền Bắc xưa, chiêm mùa là hai vụ canh tác chính của nhà nông, một vụ vào chính tháng năm, một vụ vào chính tháng mười. Nhưng tháng năm và tháng mười cũng là hai khoảng thời gian liên quan trực tiếp tới công việc làm ăn của nhà nông (gặt vụ chiêm xong là làm đất, gieo mạ, chuẩn bị cấy lúa mùa). Người làm ruộng xưa luôn luôn phải trông đợi vào thời tiết, thời vụ:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.
Câu tục ngữ “Tháng năm khô bầu, tháng mười giàu rơm” chính là một kinh nghiệm quý báu rút ra từ việc “trông trời, trông đất, trông mây” đó.
Tháng năm là tháng chính hạ, là tháng nắng nóng nhiều. Chuyện này chúng ta đã quá quen. Nhưng nắng lắm mà mưa thuận gió hoà thì sẽ là điều thuận lợi cho cấy trồng, nhất là lúa (một cây lương thực quan trọng bậc nhất). Người ta nghiệm rằng, nếu tháng năm nóng nực quá đến mức bầu nước (quả bầu già, để khô bỏ ruột lấy vỏ, dùng đựng nước, người ta mang theo khi đi cày, cấy) mà cạn khô là điềm báo trước “mưa không thuận, gió không hoà” và do đó, vụ mùa (vào tháng mười) lúa sẽ ít hạt và nhiều hạt lép. Lúc đó, người nông dân thu về chỉ toàn rơm là rơm. “Giàu rơm” chính là cái ý đó. “Giàu của giàu cải”, “giàu tiền giàu thóc” thì ai cũng thích chứ “giàu rơm” thì đói to, thôi thì còn có cái cho trâu bò ăn. Với nhà nông, đó là vụ mùa thất bát (mùa màng mất mát, thu hoạch kém hơn nhiều so với mức bình thường - chỉ kém mất mùa).
Nhìn bầu nước cạn khô đi
Tháng mười chẳng biết lấy gì mà ăn.