Sáng sớm, ra khỏi sân bay lão đón taxi đến thẳng Bệnh viện, tối qua thằng cháu từ Thành phố gọi điện về báo tin mẹ nó phải nhập viện điều trị. Lão đặt vé bay ngay trong đêm để vào cho kịp. Xuống xe, đang hí hoáy bấm điện thoại gọi về nhà, lão vấp phải vỉa hè lao chúi về phía trước. Vừa lúc một cánh tay giang ra đỡ, lão vội cám ơn. Người đàn ông trước mặt không nói gì, bước nhanh ra ngoài cổng Bệnh viện. Lão nhìn theo, thoáng trong đầu lão một khuôn mặt. Giật mình, lão gọi với: “Khoa, thằng Khoa phải không?”. Người đàn ông tay xách cái phích vẫn cắm đầu bước thẳng. Lão dụi mắt. Không, không thể nhầm, cái dáng người ấy, khuôn mặt và ánh mắt ấy không thể lẫn với ai được. Chưa đến giờ vào thăm bệnh nhân, lão tìm đến ghế đá khuất sau cổng Bệnh viện và quyết định ngồi chờ. Lão chắc chắn người đàn ông kia sẽ quay trở lại.
Ngày xưa. Lão và hắn nhà cùng xóm, chơi với nhau từ khi hai đứa chưa biết mặc quần đùi. Cùng học từ lớp Một, đến hết cấp Hai thì lão được lên học tiếp cấp Ba trường Huyện, còn hắn phải ở nhà chờ năm sau thi lại. Rồi hắn xung phong đi lính, đơn vị hắn đóng quân ở mấy đồn Biên phòng dọc Biên giới Việt Lào. Thỉnh thoảng hắn viết thư kể chuyện lính cho lão, những chuyến luồn rừng, lội suối truy quét phỉ cùng đồng đội và dân bản. Nghe thì thích thật nhưng lão hiểu đời lính gian lao, hiểm nguy lắm. Hắn còn hứa sau này xuất ngũ sẽ dẫn lão trở lại thăm “chiến trường xưa” làm lão sướng mê ly.
Bẵng đi mấy năm, lão đang học Đại học thì nhận được thư hắn mời về dự đám cưới. Hắn mới ra quân được vài tháng. Vợ hắn là con gái của dì lão, chẳng biết hắn tăm tia từ khi nào mà không hề cho lão biết. Ngày cưới, chiều theo yêu cầu của hắn lão ôm đàn hát: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn…”. Lão nhớ, vì cả đời lão chỉ hát mừng đám cưới duy nhất một lần đó.
Hắn cưới được mấy tháng, vợ có bầu ốm nghén quặt quẹo, hắn thương lắm. Một hôm hắn nói với vợ đi thăm đơn vị cũ vài ngày, tiện thể lấy ít mật ong rừng về cho vợ dùng. Vậy mà hắn đi một mạch biệt tăm luôn, cả nhà nháo nhác tìm, hỏi thăm khắp nơi hắn vẫn biệt vô âm tín. Có đồng đội cũ cho rằng hắn đã bị bắt cóc, bị thủ tiêu…Vợ hắn khóc hết nước mắt, nhờ cả người sắm lễ “gọi hồn” cũng vô vọng, cuối cùng đành ở vậy nuôi con. Khoảng hơn chục năm sau, người làng buôn bán trên miền núi về kể rằng có gặp hắn vài lần lúc ở trên đường, lúc trên xe khách nhưng chưa kịp hỏi chuyện hắn đã lủi mất. Nghe kể vậy lão không tin, trên đời này thiếu gì người giống nhau, bạn lão không là người như vậy. Thằng cháu lão sinh ra hỏi cha, mẹ nó nói: “cha đã chết!” nhưng trên bàn thờ không có ảnh cha. Là vì vợ hắn không chịu tin là hắn đã chết, vẫn hy vọng có một ngày hắn sẽ trở về. Vợ hắn chịu thương chịu khó, hiếu nghĩa với cả hai bên nội, ngoại. Việc gì cũng làm, từ bán gánh rau vặt ngoài chợ đến làm ô sin giúp việc trong thành phố, ky cóp tiền gửi về nuôi con. Thằng bé sáng dạ, học giỏi, học xong Đại học, đi làm rồi đón mẹ về ở cùng.
Đến giờ vào thăm bệnh nhân, người đàn ông kia xuất hiện, tay xách cái phích nước và túi đựng hộp cơm. Lão vội đứng lên bước theo, cái dáng đi chúi về phía trước, gót chân không chạm đất thật quen. Ông ta vào phòng đầu tiên gần cầu thang tầng 3. Lão dừng lại ngó qua cửa sổ, một cô gái chừng 25 tuổi đang chăm chút đút cháo cho người phụ nữ, đoán là vợ con ông ta. Đứng bên giường bệnh, ông ta cúi xuống khẽ cười động viên, nụ cười không thành tiếng trông thật hiền. Lão thở dài rồi đi về phòng bệnh của cô em gái ở cuối hành lang.
Thằng Khôi cháu lão cũng vừa mới đến, nó đỡ mẹ ngồi dậy tựa vào đầu giường cho đỡ mỏi. Sắc mặt mẹ nó nhìn đã khá hơn, ánh mắt sáng lên ngạc nhiên khi nhìn thấy lão xuất hiện. Lão nắm tay nói: “Cô cứ ngồi yên cho khỏe, đừng hỏi nhiều, anh còn ở đây lâu, nhìn cô thế này là anh vui rồi”. Nói xong lão ngồi nhìn thằng Khôi loay hoay lo bữa ăn cho mẹ. Lão trầm ngâm: “Rõ khổ, hơn ba chục tuổi rồi mà vẫn một mình”. Nhiều lần lão giục, nó nhỏ nhẹ: “Để cháu lo xong chỗ ở ổn định, đưa mẹ vào rồi mới tính”. Nghe nói nơi nó làm toàn người nước ngoài, công việc phải đi nhiều nên ít có thời gian tìm hiểu yêu đương. Lão biết trong tâm nó sợ gặp phải cô vợ không hợp sẽ làm mẹ khổ thêm, mẹ nó chịu khổ đã nhiều rồi. Giá như…
Lão đứng dậy ra ngoài hành lang, ám ảnh về người đàn ông kia không dứt ra được. Thằng Khôi đến ngồi bên cạnh lúc nào lão không biết, nó nói:
- Mẹ cháu ngủ rồi, bác về nhà nằm nghỉ cho khỏe.
Lão ngập ngừng:
- Có chuyện này bác cần phải nói ngay…
Thằng Khôi nhìn lão, giọng nó trầm xuống dứt khoát mà rành mạch:
- Không cần đâu bác ạ, lúc nãy cháu thấy bác đứng trước cửa phòng kia khá lâu. Đúng, ông ấy là cha cháu, mấy người kia là vợ và con của ông. Cô gái tên Tâm đang làm ở một Nhà máy ngay trong thành phố này. Cháu chưa biết mặt cha nhưng ảnh cưới của cha mẹ thì cháu không bao giờ quên. Ngay từ hôm đầu đưa mẹ vào đây, vừa gặp ông ấy cháu nhận ra ngay. Cháu đã nói chuyện với Tâm và được nghe kể lại: Ngày xưa ông ngoại Tâm đi rừng, thấy cha nằm bất tỉnh bên vực suối nên cõng về nhà cứu chữa. Trên người cha khi ấy chỉ có cái Balo đựng bộ quần áo cũ và một tổ ong rừng đầy mật bọc kín, không có giấy tờ gì khác. Tỉnh dậy cha mất hoàn toàn trí nhớ, không biết mình là ai, từ đâu tới. Khi bình phục sức khỏe, ông ngoại đưa cha đi khắp nơi nhờ tìm nguồn cội mà không ai biết. Sáu năm sau cha trở thành con rể của ông ngoại. Mới gần đây, khi biết tin mẹ lâm bệnh nặng, Tâm về quê đưa cha mẹ xuống Thành phố để tiện điều trị, chăm sóc. Trước khi rời quê, cha đưa cho Tâm chiếc Balo cũ để đựng tư trang. Lúc giặt Balo, lộn mặt trong túi cóc Tâm thấy có hàng chữ viết mực đã mờ “Nguyễn Văn Khoa”. Đó là họ tên cha, chắc chắn là cha rồi. Trời đã sắp đặt cho con và cha gặp nhau ở đây.
Ngừng lại một lát để kìm nén cảm xúc, thằng Khôi nói tiếp: “Cháu đã bàn với Tâm tạm thời giữ kín mọi chuyện, trước mắt phải lo chăm sóc hai mẹ cho khỏe đã. Cháu chưa biết sẽ nói với mẹ như thế nào, việc này có lẽ cháu nhờ bác nhé”. Vừa nói nó vừa hướng đôi mắt về phòng bệnh đầu xa. Đúng lúc cha con cô gái đi về phía hai bác cháu. Cô gái cười nhẹ, cúi chào lão rồi quay sang thằng Khôi hỏi nhỏ: “Bác ăn được nhiều không anh?”. Lão bần thần dõi mắt nhìn theo hắn, cái dáng đi chúi về phía trước, hai gót chân tất bật không chạm đất.
Lão lẩm bẩm: “Đây rồi, hắn là thằng Khoa!”./.
T.V.Q. tháng 6.2016
Theo Chuyện làng quê