Đã trải qua nhiều thế kỷ (1558 - 2023) nghề làm ông táo đất ở làng Địa Linh, phường Hương Vinh, thành phố Huế vẫn giữ được nghề xưa. Đặc biệt, người dân sử dụng máy móc để đổi mới cách làm tạo ra sản phẩm độc đáo khiến nhiều người ưa thích. Vào cuối tháng Chạp, những ông táo đất đủ loại kích cỡ, mẫu mã được chở đi để cung cấp cho các địa phương trên cả nước.
Làng nghề xưa nằm sau phố cổ Bao Vinh ở Huế. Phía tây phố cổ là một cánh đồng phì nhiêu, đất sét ở đây mịn và chắc. Thời các vua nhà Nguyễn cho đặt một công xưởng để lấy đất tốt làm gạch, ngói xây dựng kinh thành Huế, tên gọi là “Nê ngoã tượng cục”. Theo sách “Ô châu cận lục” (tác giả Tiến sĩ Dương Văn An thế kỷ 16) cái tên làng “Địa Linh” là do vua thấy đất tốt mà ban cho.
Về Địa Linh đầu tháng Bảy âm lịch, vừa tới đầu làng đã thấy trong gió lồng lộng mùi trấu, củi cháy khét và mùi đất nung. Mặc cho thị trường gaz biến động, ba anh em “nhà họ Võ ông Táo” ở làng Địa Linh vẫn cần cù đốt những mẻ lò này đến mẻ lò khác, sẵn sàng đưa những ông Táo mới đến với mọi bếp lửa gia đình đón Tết.
Ông Võ Văn Đức là anh cả làm chủ một lò ông táo lớn, vừa xắn đất vừa nói chuyện với khách: “Do quan niệm coi trọng bộ tượng thờ ba ông Táo đất nung, hết một năm cũ nhà nào cũng cần phải mua lại bộ mới. Vì thế mà nghề làm ông Táo của chúng tôi chưa bị thất nghiệp”. Anh Võ Văn Nhật, Võ Văn Nam và chị Hoàng Thị Gái làm thợ đốt lò cho biết “Sản phẩm ông Táo làng Địa Linh theo truyền thống có hai hình thức. Thứ nhất là ba ông Táo rời, kích cỡ lớn và tầm trung bình có thể dùng thay kiềng nấu nướng hàng ngày. Nông dân ưa chuộng loại này để đun nấu bằng củi hay rơm rạ.”.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết: “phong tục tập quán lâu đời của người Việt là coi trọng giá trị phong thủy của cái bếp. Trong phong thuỷ phương Đông nó quan trọng không kém bàn thờ tổ tiên và cái cửa ngõ. Cả ba yếu tố này nếu tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự thịnh vượng - may mắn - hạnh phúc cho tất cả mọi thành viên trong gia đình”. Bởi vậy “xưa bày nay làm” dù sử dụng bếp gas, bếp hồng ngoại, bếp từ nhưng đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà đều làm lễ cúng đưa ông Táo cũ, thay bộ ông táo mới.
Mâm cỗ cúng ông Táo của người Huế đơn giản nhất cũng có một dĩa xôi trắng lớn, một miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, cau và trầu, rượu. Trong nhà có trẻ con thì cúng nguyên một con gà trống nữa. Người Huế ở dưới đò thì lại cúng một con vịt. Ở Huế không bao giờ cúng cá chép vì “kiêng” (đa số đi chùa và thờ Phật). Cá chép mua về chỉ để phóng sanh.
Khoảng 15 tháng Chạp âm lịch trở đi ông táo đất nung ra chợ. Hàng ông táo thường bán cả đất cát trắng thay bát nhang, hoa giấy Thanh Tiên và gương lược nước hoa thờ cúng. Các hàng mã bày bán bộ đồ giấy cúng Táo quân gồm có hai cái mũ “cánh chuồn” của 2 ông táo và một cái mũ không có hai cánh chuồn dành cho táo bà. Ngoài ra còn thêm ba cái áo thụng màu sắc sặc sỡ và ba đôi hia.
Thường thường lễ cúng ông táo diễn ra đêm 22 tháng Chạp hoặc tờ mờ sáng 23. Sau khi lễ cúng xong bộ ba ông bà Táo cũ được chủ nhà tiễn (đem bỏ) ở một gốc cây đa cổ thụ, góc đình miếu hoặc ngả ba đường nào đó.
Đã hơn 100 năm, bức tranh Hàng Trống vẽ tam vị táo quân để thờ thần bếp hiện đang lưu trữ ở trung tâm lưu trữ quốc gia 1 Hà Nội. Từ khi tiện nghi bếp núc xuất hiện như bếp ga, bếp từ, bếp hồng ngoại thì hết thời ba ông Táo to tướng (gọi là ông Đầu Rau).