Nhớ lại, trừ những lần ăn Tết trong đơn vị, giữa rừng núi Hòa Bình hoặc sau trận đánh kéo nhau ra Hà Tĩnh, Quảng Bình, tôi hiếm khi không có Tết đoàn viên. Những năm còn bé thơ nhiều lần ăn Tết ở Cói Thái Đường, với bà Cả, bác Dư, cô Vũ và cô Đinh, được canh bên nồi bánh chưng suốt đêm đỏ lửa. Được ăn bánh em, nhỏ như bánh ngoài chợ, nhưng nóng hổi. Tôi biết gói bánh chưng từ ở đó, xem cả nhà rồi làm theo. Cuối năm, thấy bà Cả rửa lá, buộc vào cái cột tre giữa nhà. Bác Dư mua ống giang về, chẻ lạt, đều tăm tắp. Tôi cũng xà vào, dần cũng biết tước lá dong, chẻ lạt. Quê tôi có lối gói bánh bằng tay, không dùng khuôn, vẫn vuông chằn chặn. Ở đấy, tôi còn được nghe bà nhắc về bác Cảnh, ở tận Miền Nam, xưa bác gói đến chặt tay. Bác vào Nam từ bốn lăm, bặt tin từ đó.
Ăn Tết ở Hương Gia, bên quê ngoại mẹ cũng nhiều, được thưởng thức thứ bánh chưng lạ. Tròn dài, gọi là bánh tày, dễ cắt ra từng đoạn đem rán khi đã ra ngoài Tết. Muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Bánh tày cũng gói bằng lá dong, nhưng bên trong lót lá chít. Khác với bên làng Cói, người Hương Gia tự đi kiếm lá, tận chân núi Tam Đảo, cách nhà hơn chục cây. Đó là cái hồi chưa có sân bay Nội Bài, ngay bên kia đường số Hai. Nơi đây còn có một món ăn thuộc loại lạ. Đậu tương đãi vỏ, giã ra nặn thành miếng nho nhỏ đem rán. Dập dạp thôi, nhựa tiết ra, đặc quánh, bám dính hạt vỡ với nhau. Đó là một món chay, ngầy ngậy bùi bùi, ăn không biết chán. Có năm, mồng một ở Thái Đường, mồng hai đạp xe lên Hương Gia. Còn nhớ, năm ấy rét, gió bấc hun hút lùa qua những sợi dây điện thẳng căng, u u thành tiếng.
Nhà lại toàn con trai, nói đùa, mẹ mình lúc nào cũng đẹp nhất nhà. Mấy anh em đều biết tự lo bếp núc. Những năm chuẩn bị Tết tại nhà, tôi đã quen ngâm gạo nếp, đãi đậu xanh, rửa lá dong và tước cuộng. Dần cũng thạo việc chọn lá dong, lạt giang. Mẹ con cùng ngồi gói bánh chưng, buổi tối. Những việc ấy giúp tôi không ít trong đời lính. Gói bánh chưng, mỗi người mỗi kiểu, đúng điệu quê mình. Được cái, gạo được chia đứa nào cũng như nhau, nên nồi bánh vẫn đều tăm tắp. Nhớ quê nhà da diết. Một thằng buột miệng, bố khỉ, chả hiểu sao lúc gói bánh chưng tao chợt nhớ cô bạn cùng làng. Tôi thì mãi tận khi rời quân ngũ mới có bạn gái. Có lần cô hàng xóm qua, nhìn mẹ con gói bánh. Chả dám nói gì, dù hồi ấy đã biết nhấm nháy rủ nhau.
Cũng vì không có con gái, dịp nghỉ Tết tôi thường được mẹ giao đi chợ, sắm Tết. Một thời bao cấp, hàng Tết thành tiêu chuẩn, tem phiếu. Ngoài thịt tăng cường, đâu như còn có gói mứt, chai rượu chanh, ít miến, bóng bì, hạt tiêu… và lắm thứ linh tinh, không nhớ xuể. Tem phiếu như nhau nhưng dường như mỗi chợ, mỗi cửa hàng lại có một “đặc sản.” Muốn ngon phải chịu khó la cà. Tôi có anh bạn, mẹ làm mậu dịch nên biết, mọi hàng họ đều do thành phố lo, phải đặt mua từ nhiều nơi mang về. Phải đặt trước mới có. Vất vả lắm. Các cửa hàng cung cấp cũng đều có nguồn riêng như thế. Vậy mà giờ nói đến cái thời bao cấp ấy lắm người vẫn lắc đầu, thậm chí có bạn trẻ từng buột miệng, “căm thù(?!).” Thực ra, chỉ là người ta quá sợ, sợ đến phát ghét cái thời đói khổ thiếu thốn đó thôi. Cũng chưa dám, chưa quen tự lo lấy cho mình. Tất cả trông chờ nhà nước.
Năm ấy, bao cấp chưa hẳn đã lùi xa. Chỉ nhớ là đang ngụ tại phố Trần Khánh Dư, đã xa quân ngũ, làm sinh viên Bách khoa. Bình đang bộ đội, Dũng học tận Ba Lan. Nhà còn mỗi ba người, thế mà chả hiểu sao mẹ lại về Hương Gia. Đâu như bỏ về. Một mình. Chả nói. Thế là chỉ còn hai bố con. Không bánh chưng, rượu Tết, không mâm ngũ quả. Giao thừa thò mặt đến Nhà hát Lớn lại về. Một làn sương mù bàng bạc, vắng vẻ, buồn tênh.
Sáng mồng một, tôi lững thững qua chợ Hôm. Lèo tèo. Đâu thấy hàng thịt đông đúc mọi khi, còn mỗi lòng lợn, nào ai ghé. Người ta hết đi chợ từ chiều ba mươi. Nhớ những lần uống bia cùng chúng bạn, hay dùng thịt bò xào su hào. Tại hàng bia Nguyễn Công Trứ. Bạn lính Thảo chiêu đãi. Thường khi qua nhà, ông cụ Thảo cho ngay một Cụ mượt, tên gọi tờ 10 đồng khi đó. Thế mà đủ cho bốn lính, thoải mái cả bia lẫn mồi. Dạo ấy bia ít người đông, chen chúc xếp hàng, hàng tiếng. Nhưng mồi bự thế thì cứ việc lên gác hai, khỏi xếp.
Có nhẽ thay thịt bò bằng dạ dày cũng được. Nghĩ vậy, tôi tặc lưỡi bước vào hàng, lấy cả cái dạ dầy. Anh chủ nài, lấy thêm đôi bầu dục đi, bằng giá dạ dầy thôi. Rồi anh bảo, chịu khó thêm ít lòng non, mấy khi sẵn lòng xe điếu, tôi để rẻ, vội về. Ngần ngừ xòe tay, tiền còn mỗi ngần này. Cũng được, coi như mừng tuổi nhau. Đã tính mang về, nhưng lòng ở nhà cả đống, ăn sao nổi. Đưa thêm gói dưa muối, dưa xào lòng hơi bị vào đấy. Thế là tôi khuân tất tật. Tự trách, ai thương mình, còn đâu tiền chơi Tết. Tặc lưỡi, hẵng hay. Về nhà, lấy mấy củ su hào, cà rốt, tí cần tây… xào với dạ dầy. Nóng xốt. Thêm giò lụa, ít hành muối. Hai bố con làm bữa cơm năm mới. Ngon lành.
Hai hôm sau một bạn lính khác, An Thiết Cầm chợt ghé thăm. Chỉ còn ít lòng. Lại tặc lưỡi, làm món dưa xào lòng đãi bạn. Nó sáng mắt, Tết chả được xơi món này bao giờ, đang xót ruột. Vừa chuyện vừa gắp, rồi gật gù, cái món “long xào dừa” tuyệt cú mèo. Lấy cho anh bạn li nhỏ rượu cất kĩ trong tủ. Của bà bô tao, rượu cao hổ cốt. Chả phải ai cũng có, rượu cao tráng nồi. Anh bạn xuýt xoa, nhâm nhi xíu một. Đúng lúc ấy ông cụ tôi đâu về, nhăn mặt, sao lấy rượu thuốc của mẹ. Đang chữa bệnh đấy. Anh bạn chuồn vội, tôi theo chân xuống nhà, định xin lỗi. Cầm nói chỉ đủ nghe, đừng áy này, ông cụ làm thế phải rồi. Không cho ăn lươn là còn lịch sự đấy.
Không nhớ hôm nào mẹ mới trở lại nhà. Tết năm ấy của tôi nó thế.
Trái tim người lính