Nhà Phật răn dạy con người: “Có Phúc ắt có Phần”. Bà Tâm không phải là phật tử, nhưng tấm lòng bà luôn từ bi, hỷ xả. Tôi nghĩ, bà sống cuộc đời chỉ gieo “phúc”, gieo “đức".
Cái tên bố mẹ đặt cho bà Tâm như vận vào số phận. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, có hai vấn đề ảnh hưởng đến con người là tâm lý và tâm linh. Về tâm lý, một đứa trẻ có tên đẹp sẽ thích thú, tự tin, dễ thành đạt. Ngược lại đứa trẻ có tên xấu thường ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý và các mối quan hệ của trẻ. Về tâm linh, dường như số mệnh của con người đã quyết định cái tên như vậy - điều này đã được Lê Quý Đôn khẳng định trong “Vân đoài loại ngữ” là có một mối quan hệ giữa tên và tính cách của đứa trẻ.
“Tên hay thời vận tốt”, đó là câu nói trong tử vi của người Phương Đông. Với những người phương Tây vốn coi trọng lý lẽ và thống kê thì sao? Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng theo thuật phong thủy thì cái tên cũng có ảnh hưởng tới thành công của trẻ đấy. Chả thế mà “Tính Danh Học”, là một môn khoa học lâu đời được lưu truyền rộng rãi ở các nước ở châu Á như Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan), Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.
Tôi cứ nghĩ mãi về bà Tâm, bà thông gia. Em trai tôi là con rể bà.
Vườn nhà bà có nhõn một cây vải. Năm nay là mùa thứ hai có quả. Khi em trai tôi hái xuống, bà nhắc: “Con để phần, chia cho hàng xóm mỗi nhà một ít”. Khổ. Em trai tôi bảo đại ý, bây giờ có ai ăn đâu bà. Nhà ai cũng hoa quả đầy vườn.
Đúng thật, cái làng Nam Sơn này ngày xưa nghèo khó. Tuổi chúng tôi lớn lên, đói khổ. Vườn nhà ai cũng là vườn tạp. Cây Thị, cây Khế, cây Dứa....mọc tự nhiên trong bụi bờ. Đói nên lũ trẻ chui từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia, vặt trộm, bẻ trộm. Miễn là cho được vào mồm vì cái bụng đang sôi.
Cuộc sống thay đổi, từ dạo xóa vườn tạp, ai cũng trồng cây ăn quả trong vườn. Nhiều nhất ở làng tôi, có lẽ là Xoài. Xoài ê hề, chính rụng đầy gốc. Không còn ai để ý, ngó ngàng. Trẻ con chỉ thích bim bim. Sữa, kem đầy tủ lạnh chúng chẳng ngó ngàng nữa là hoa quả, loại muốn ăn phải đi rửa, gọt vỏ. Mắt đứa nào cũng muốn dán vào màn hình điện thoại.
Bà Tâm biết vậy, hiểu vậy, nhưng không mang sang biếu hàng xóm, bà áy náy. Trưa bà đội mê nón, lội bộ giữa trưa hè, bà đến từng nhà. Bà vui khi “hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhà bà Tâm khá rộng rãi, thoáng mát. Vợ chồng con trai và một con gái út làm ăn, lập nghiệp ở phía Nam. Bà đi theo nuôi cháu gần 15 năm nay. Đây là năm đầu tiên bà trở lại quê nhà. Ngôi nhà, chỉ có một mình bà. Vì nhà bà và gia đình con rể “cách nhau chỉ dậu mùng tơi” nên sinh hoạt gần như một nơi. Nhà bà thừa “công năng”.
Cách đây mấy tháng, mấy chú công tác một đơn vị khảo sát đo đạc ngoài Bắc vào thực hiện dự án ở địa phương. Bà cho 5 anh em thuê ở, mỗi tháng chỉ lấy “gọi là” 1 triệu đồng. Trong nhà có thứ gì, bà mang cho “nhắc phần” các chú. Con gái thấy mẹ vất vả, mới nhắc: “Mẹ cứ đối xử với người thuê nhà như đối xử với khách rứa? Tiền thì chỉ lấy có 1 triệu bạc/tháng?”.
Bà không vui. Bà mắng: “Thế ngày xưa bộ đội ở nhà dân, ai lấy tiền?”. “Chịu bà luôn! Bà nói đúng nhưng không hợp hoàn cảnh bây giờ?!”, con rể lắc đầu. Nói với mẹ vậy, như em trai tôi và con gái bà thống nhất: “Bà thích làm gì kệ. Sướng rọt bà là được”.
Bà Tâm vốn là một sỹ quan quân y. Chồng bà cũng là bộ đội, tham gia đánh Mỹ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông mất sớm, sau khi nghỉ hưu, chừng chục năm. Môi trường quân ngũ và gia phong của một gia đình, hình thành nên tính cách bà. Bà luôn hướng đến sự “đủ đầy” trong quan hệ với hàng xóm, láng giềng, người đời; không riêng với ruột thịt.
Tiếp xúc với bà gần 2 tháng, trong thời gian đợt dịch thứ 4 bùng phát hiện nay, tôi cứ nghĩ mãi về bà. Liệu bà có phải là “người xưa”, phương ngữ Nghệ gọi là “người đời sơ”? Tức là tốt, thánh thiện, không hề nghĩ xấu về ai, càng không bao giờ làm việc xấu.
Tôi cứ nghĩ mãi, liệu tên người có ảnh hưởng tới số mệnh không? Rõ ràng, số mạng của một con người không phụ thuộc vào cái tên. Biết bao nhiêu người tên đẹp, chói sáng lại “vào tù, ra tội” đấy thôi. Kể cả bây giờ có “phong trào” Tây hóa danh tính con cái, có phải lũ trẻ đứa nào được đặt “tên Tây” cũng trở thành công dân nước ngoài như bố mẹ chúng ao ước đâu. Chắc chắn triết lý nhà Phật đúng. Tâm và Tài mới quyết định.
Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân.
(Dạ bán, thơ Hồ Chí Minh)
Lãnh tụ và là “nhà giáo dục” Hồ Chí Minh có bài thơ “Dạ bán” đậm triết lý. Dịch nghĩa ra là “Nửa đêm” như sau: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, / Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; / Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, / Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Nếu mang một cái tên đẹp, hay mạnh mẽ mà không được học hành, giáo dục tử tế thì hậu quả khó lường, thậm chí trở thành bi kịch. Rành rành ra là, muốn thành đạt và có cái tâm trong sáng, người ấy phải sống trong một môi trường giáo dục tốt. Trong cuộc sống, quy luật nhân quả luôn hiện hữu. Vì vậy, mà phải “thờ phụng” bình đẳng, bác ái với con người, cộng đồng và môi trường xung quanh.
Nhà Phật răn dạy con người: “Có Phúc ắt có Phần”. Bà Tâm không phải là phật tử, nhưng tấm lòng bà luôn từ bi, hỷ xả. Tôi nghĩ, bà sống cuộc đời chỉ nhằm gieo “phúc”, gieo “đức” cho đời sau. Tất nhiên, bà Tâm không nghĩ thế, cứ làm điều gì tốt, bà làm. Bà nêu gương, ngay cả việc ham đọc sách hàng ngày. Bà Tâm vừa “khuất núi” nhưng cái “tâm” của để lại, hẳn sống mãi trong lòng cháu con và thôn xóm. “Phúc đức tại mẫu” có thể hiểu là “phúc đức từ người mẹ mà ra”. Phúc đức, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) là “điều tốt lành để lại do con cháu do ăn ở tốt, theo quan niệm truyền thống”. Câu nói thật giản dị của cổ nhân, nhưng đó là một trong muôn giá trị Việt.
Tôi cứ suy nghĩ về bà Tâm và quẩn quanh với câu hỏi: Cõi nhân sinh làm sao để lại cho đời tiếng thơm?