“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”
Chúng tôi rời khách sạn “Thảo Nguyên” sau khi ăn sáng để tới thăm đồi Tây Tiến, còn được gọi là “Khu di tích lịch sử Tây Tiến”. Trước năm 2015, tôi thường xuyên lên Sơn La công tác. Chuyến công tác nào cũng phải đi qua Mộc Châu hai lần và thường dừng xe ăn trưa tại Mộc Châu.
Tuy nhiên, vào thời gian đó, Khu di tích lịch sử Tây Tiến cũng như nhiều khu du lịch khác của Mộc Châu chưa được quy hoạch, xây dựng. Thác Dải Yếm cũng chưa phải trả phí vào thăm. Khách du lịch chỉ cần dừng xe bên đường, xuống suối theo đường mòn vệ đường là đến thác nguyên sơ. Có thế thì cô người mẫu nào đó mới có thể chụp ảnh nuy bên thác để quảng bá bảo vệ môi trường. Bây giờ khung cảnh Mộc Châu đã đổi khác rất nhiều, các khu du lịch theo chuyên đề đã mọc lên như nấm. Khách du lịch có nhiều lựa chọn khi đến với Mộc Châu bất cứ mùa nào. Nhưng với tôi và chắc với nhiều người đã từng đến với Mộc Châu cách đây hơn mười năm thì có đôi chút luyến tiếc với cảnh cũ, người cũ của Mộc Châu.
“Khu di tích lịch sử Tây Tiến” được khởi động từ 2006 và hoàn thiện xây dựng trên đồi Tây Tiến năm 2016. Bảy hạng mục, với 3 hạng mục chính và 4 hạng mục phụ của Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên diện tích 5.000m2 của “Lâm viên Tây Tiến”. Ba hạng mục chính là “Khu tưởng niệm”; “Đài vọng tưởng” và “Bia ghi danh”. Đoạn đường lên khu tưởng niệm được thiết kế với 52 bậc thang theo hình zic zắc, hai bên trồng cỏ lau để khách tham quan cảm nhận được con đường hành quân gian truân, đầy gian khó của những người lính Trung đoàn 52 Tây Tiến. Đài tưởng niệm được thiết kế như hình dạng những lưỡi lê đâm thẳng lên bầu trời, tượng trưng cho sự bất khuất của những chiến sỹ Tây Tiến – rất độc đáo.
Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng theo kiểu mẫu nhà sàn thường thấy ở các dân tộc miền núi Tây Bắc. Bên trong nhà được chia làm các phần khác nhau, bao gồm: tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu trưng bày vật kỷ niệm của trung đoàn Tây Tiến, và đặc biệt nhất là không gian tái dựng lại hình ảnh của những chiến sỹ Tây Tiến. Bức tượng bán thân của nhà thơ Quang Dũng (tên thật của ông là Bùi Đình Diệm, Quang Dũng là bút danh) được điêu khắc khá đẹp theo hình tượng một vệ quốc quân với áo trấn thủ và mũ ca lô đội lệch. Bức tượng của nhà thơ được đặt bên dưới bài thơ “Tây Tiến” của ông được lồng khung treo trang trọng trên tường.
Bài thơ “Tây Tiến” có lẽ là bài thơ xuất thần, bài thơ hay nhất trong các sáng tác thơ văn của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 12 từ 2007. Tuy nhiên trước năm 1975, bài thơ “Tây Tiến” đã được lưu hành khá rộng khắp ở miền Nam nước ta. Có nhiều giai thoại khá thú vị về nhà thơ Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến” của ông:
Sau giải phóng có một tỷ phú ở TP. Hồ Chí Minh mời nhà thơ vào miền Nam chơi, nhà tỷ phú sẽ tài trợ toàn bộ chi phí chuyến đi và ngỏ ý nếu nhà thơ đề tặng bài thơ cho mình thì ông ấy sẽ tặng nhà thơ một chiếc xe máy Honda. Quang Dũng đã từ chối lời mời bởi lẽ “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?”.
Trong một buổi giảng bài về bài thơ “Tây Tiến”, thầy dạy văn lớp học đó đã thông tin với học sinh trong lớp học là mình mới ngồi nói chuyện với nhà thơ Quang Dũng cách đó mấy ngày. Học sinh trong lớp có vẻ ngưỡng mộ thày dạy của mình lắm vì nghĩ thày là bạn của nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng mà bài thơ “Tây Tiến” của ông thì rất nhiều học trò đã thuộc làu chỉ sau một vài buổi học. Trong lớp học đó không may lại có cháu nội của nhà thơ Quang Dũng cũng đang ngồi học. Vốn khiêm nhường nên các bạn cùng lớp cũng như thày dạy văn không hề biết có cháu gái của nhà thơ trong lớp học. Nhà thơ Quang Dũng đã mất trước buổi học đó cả mười năm. Cháu gái nhà thơ chỉ biết tròn mắt ngạc nhiên nghe lời thầy giảng, để rồi mang câu chuyện được nghe về kể cho bố mẹ mình nghe – cả nhà cười vui và tự hào về cha, ông mình.
Nếu tra trên mạng, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều bài phân tích hay về bài thơ “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng bởi cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng từ bài thơ tỏa ra. Bài thơ có 34 câu, mỗi câu bảy chữ và chia thành chín khổ miêu tả cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ và dữ dội. Chân dung người chiến sỹ Tây Tiến, nỗi nhớ Hà Nội và lời thề gắn bó với Tây Tiến cũng được khắc đậm trong các ý thơ. Năm 2001, nhà thơ Quang Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhạc sỹ Quý Lăng đọc đi đọc lại và luôn miệng khen bài thơ “Tây Tiến” là bài thơ tuyệt hay của nhà thơ Quang Dũng. Trên đường về Hà Nội tôi thấy nhạc sỹ có vẻ suy tư và trao đổi với đồng đội Tấn Lộc:
- Bài hát được phát đi phát lại tại khu tưởng niệm “Tây Tiến” chưa diễn tả được hết sự bi hùng của trung đoàn Tây Tiến cũng như sự hào sảng của bài thơ “Tây Tiến” - Hình như nhạc sỹ của bài hành khúc “Mãi mãi tuổi hai mươi” đang nung nấu sáng tác một bản nhạc, một bài hát cho xứng tầm với bài thơ “Tây Tiến”. Tôi và các đồng đội của tôi cũng mong sớm được thưởng thức ca khúc “Tây Tiến” của nhạc sỹ Quý Lăng. Tôi xin kết bài viết bằng trích đoạn thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến, ngày 1 tháng 2 năm 1947 và bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Cám ơn các bạn đã đọc.
“…Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng.
Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hi sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí.
Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Nhưng sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc..." - Võ Nguyên Giáp.
TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Quang Dũng – Bùi Đình Diệm
Phù Lưu Chanh, 1948
Hà Nội, 12/12/2023
N.V.N.