Những năm tháng tuổi thơ của tôi, không có nhiều phương tiện truyền tải thông tin như bây giờ, để tôi hiểu được thời kỳ bao cấp là gì. Nhưng tôi phần nào mường tượng được, qua những lời kể nôm na của ông bà và bố mẹ, trong “nghìn lẻ một” câu chuyện tại những bữa cơm gia đình - Đó là một thời gian khó và thiếu thốn, không đầy đủ như bây giờ.
“Câu chuyện đói” trong những bữa cơm no
Tôi sinh ra tại một miền quê nghèo, ven ngoại thành Hà Nội. Những năm 90, là quãng thời gian thật đẹp đối với tôi. Tuy rằng đã được sống trong thời kỳ đổi mới, nhưng tàn dư của những năm bao cấp trước đó vẫn còn. Tôi thêm yêu, và luôn trân quý một thời gian khó của thế hệ đi trước.
Bố tôi kể: “Những năm bao cấp khổ lắm, cơm còn không đủ ăn, phải độn thêm ngô, khoai, sắn. Mỗi hộ gia đình sẽ được phát một quyển sổ lương thực (sổ gạo) - Là một quyển sổ in sẵn, trong đó có ghi rõ chỉ tiêu lượng lương thực mà một được mua hàng tháng. Nhà nước sẽ phân phối hàng hóa bằng tem phiếu.”
“Muốn mua thực phẩm như: Mắm, muối, đường,… thì phải mang tem phiếu đi và xếp hàng, chứ nào bán nhan nhản như bây giờ. Không ít lần phải tay không ra về, vì có quá nhiều người đợi trước. Đến lượt mình thì không còn hàng để bán. Thế là cả nhà phải nhịn mồm, đành đợi đợt sau. Nếu không thì có thể mua ở chợ đen (bán chui bên ngoài với giá cao so với nhà nước) – Bố tôi kể tiếp. Đến tận bây giờ, mọi người vẫn hay nói với nhau rằng: “Mặt làm sao mà như mất sổ gạo vậy?”. Đúng là mất sổ gạo thì đồng nghĩa với việc nhịn đói rồi, còn gì khổ hơn!.
Tao bao cà phê – Nơi chúng ta được sống chậm và lưu giữ “những điều cũ kỹ”
Một phần tuổi thơ của tôi như thế đó. Đến tận bây giờ thi thoảng bố, mẹ tôi vẫn nhắc lại. Mặc dù không được sống ở giai đoạn đó, nhưng tôi tin đấy là quãng thời gian đẹp và không bao giờ quên của thế hệ bấy giờ. Rồi cũng từ đó thói quen cóp nhặt, sưu tầm những đồ đạc cũ kỹ thời bao cấp của tôi được hình thành. Nào là: Ti-vi đen trắng, đài băng; nào là: chum, vại,.. cùng nhiều vật dụng khác. Đúng là “trẻ con lại thích chơi đồ cổ” đó mà! Nhưng tôi chưa là gì so với một bạn trẻ 9x. Đó là Trung – Ông chủ quán Cà phê bao cấp - “Tao Bao Cà phê” có địa chỉ tại xã Vĩnh Khúc (Văn Giang – Hưng Yên).
Một không gian tĩnh lặng, sâu lắng đậm chất bao cấp. Đồ uống ngon, đa dạng, cùng nhiều món đồ cũ được sưu tầm và bầy biện trong quán. Giúp thượng khách có được những trải nhiệm thú vị. Gợi nhớ hoặc thêm hiểu hơn, về thời kỳ đó. Dù thời bao cấp đã rời xa chúng ta hơn 30 năm, nhưng với những người đã từng được sống trong giai đoạn đó, thì đây là cả một miền ký ức không bao giờ quên. Đến với “Tao Bao” chúng ta được dạo bước, thả mình. Được sống trong một thời bao cấp thu nhỏ, được trở về quá khứ với một thời đầy gian khó.
Khi thấy mệt mỏi, phải chăng ta đã già? Đừng để tuổi xuân qua đi, như cơn gió ghé ngang qua cửa sổ, chợt bừng tỉnh rồi thấy gai người. Hãy để nó đọng lại với những ngọt ngào và đắng đót, như cách mà giọt cà phê phin vương lại khoé môi.
Bên tách cà phê nóng, trong bầu không khí ấm cúng của “Tao Bao Cà phê”, len lỏi giữa “cái giá lạnh của cuộc sống” ngoài kia. Tôi tạm gác lại những áp lực, bộn bề và lo toan của bản thân, để thả hồn vào hư không. Bỗng thấy mình thảnh thơi và biết cách sống chậm lại. Sống chậm, nghĩ khác, để thêm trân quý và yêu thương cuộc sống này nhiều hơn.