Trước cửa một Win Mart mà chúng tôi ghé vào có một cây phượng cành lá sum suê, dưới tán lá râm mát sáng nào cũng thấy một người phụ nữ dáng nhỏ thó, khoảng ngoài sáu mươi tuổi đang ngồi khâu sửa chữa giày, dép.
Quan sát thấy đồ nghề làm việc của chị rất đơn giản: có một tủ kính nhỏ trong đó bày mấy đôi giày, dép đặt trên một chiếc xe nhỏ được bịt kín bốn xung quanh bằng sắt sơn màu xanh, kèm theo đó là mấy cái kim to nhỏ các loại, vài cuộn chỉ dùng khâu giày, vài cuộn nhám, một hộp keo, cái kìm, cái kéo, cái dùi nhỏ và cây đèn cầy.
Thấy chị thoăn thoắt khâu, sửa giày dép bằng kim khâu tay, mặc dù giày, dép có đế rất cứng, tôi khâm phục lắm và lân la làm quen. Rồi những sáng tiếp theo, tôi để cô bạn vào Win Mart mua đồ, còn mình thì ngồi tâm sự với chị.Thế là một quãng đời của chị được tái hiện.
Chị tên Phượng, ngày còn trẻ cũng đẹp gái vì bây giờ đã ở tuổi 65 mà da mặt chị vẫn trắng trẻo,nhẵn nhụi với cặp mắt đen sâu thẳm và gương mặt tròn. Chị lấy chồng và sinh được ba đứa con hai trái, một gái. Chồng chị là thợ sửa xe máy. Mới đầu cuộc sống của gia đình chị cũng vui vẻ, hạnh phúc như bao cặp vợ chồng bình dân khác ở cái thành phố náo nhiệt, đông đúc này.
Chị cũng đã từng có một mái nhà nhỏ rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ. Cuộc sống yên ấm của gia đình chị kéo dài được mười năm thì bắt đầu rạn nứt. Khi chồng chị làm được khá nhiều tiền bằng cái nghề sửa xe máy thì anh bắt đầu sinh tật. Những cuộc nhậu nhẹt kéo dài triền miên ngày này qua ngày khác, kèm theo là thói trăng hoa. Tiền làm ra chồng chị ném vào những cuộc nhậu, cờ bạc và cho nhân tình. Đêm nào anh ta cũng về nhà rất muộn trong tình trạng say khướt.
Sáng hôm sau khi các con đến hỏi xin tiền ăn sáng, trong tình trạng nửa say, nửa tỉnh anh ta chửi bới tục tĩu và đuổi các con ra ngoài. Chị lần hồi nuôi các con bằng cách bán chè tại nhà, nhưng mỗi lần chị đập đá làm chè cho khách là lại được nghe một câu chửi của chồng vì phá giấc ngủ của anh ta.
Rất nhiều lần đi nhậu say khướt về chồng chị lại kiếm cớ chửi mắng và đánh đập chị, rồi chê chị không bằng mấy ả nhân tình của hắn. Chị chấp nhận tất cả những thói hư, tật xấu của chồng và gắng sống như vậy để nuôi các con khôn lớn. Nhưng sức chịu đựng của chị cũng có hạn, đó là khi thằng con cả của chị lấy vợ và sinh được một đứa cháu nội, chồng chị không biết vì lý do gì mà cấm chị không được cho con trai, con dâu và cháu nội về chơi vì con trai chị đã thuê nhà ở riêng). “Con giun xéo mãi cũng quằn”, chị nghĩ: “máu mủ ruột thịt mà ông ấy còn nỡ chối bỏ thì không xứng đáng là người cha nữa”. Thêm vào đó là chồng chị liên tục đuổi chị ra khỏi nhà, chị quyết tâm dứt áo ra đi tay trắng cùng hai đứa con vẫn còn đi học. Chị thuê nhà ba mẹ con ở và làm nghề sửa chữa giày dép để mưu sinh.
Trời cũng thương mà phú cho chị có sức khỏe, chị không hay ốm vặt và đặc biệt là đôi mắt hết sức tinh tường, đến giờ mà vẫn xỏ kim khâu giày không cần phải đeo kính.Chị làm rất cẩn thận, lấy giá cả phải chăng nên lúc nào cũng đông khách, chị có rất nhiều hàng để làm. Cứ như vậy chị sống tằn tiện nuôi các con ăn học, mua được một căn nhà nhỏ ở trong hẻm và dựng vợ, gả chồng cho chúng. Đến nay ba con chị đều có gia đình và là những người lao động chân chính, thu nhập không cao.
Tôi hỏi: sao chị không nghỉ ngơi đi, cũng có tuổi rồi? Chị cười hiền: mình vẫn còn khỏe thì đi làm em ạ, dành dụm thêm ít tiền để mai mốt có bệnh thì đỡ phải nhờ con cái. Mà thi thoảng vẫn phải phụ giúp chúng nó đó em, đấy mấy tháng trước thằng Ba nhà chị bệnh vào viện nằm, viện phí hết năm triệu chị cũng cho ba triệu. Tôi lại hỏi: thế chị ở chung với chúng à? Chị trả lời: không em ạ, nhà nhỏ nên chị nhường cho vợ chồng chúng nó ở, chị đi thuê nhà ở.
Cuối thu trời Sài Gòn dịu mát, những cơn gió thổi nhẹ khiến tán cây phượng khẽ lay động, vài giọt nắng luồn qua kẽ lá nhảy nhót trên cái nón chị đang đội trên đầu, mấy lá phượng rớt nhẹ xuống đầu, vai tôi. Lòng chợt chùng xuống, thấy thương chị quá. Thật đúng với câu nói “không ai thương con bằng mẹ!”
Chị - một người phụ nữ bình thường cả đời tảo tần vì con cháu nhưng là một người mẹ vĩ đại trong tâm trí của các con chị!
Chuyện Quê