Yên Hòa từ xưa có 2 thôn một xóm là thôn thượng Yên Quyết gọi tắt là làng Thượng. Thôn Hạ Yên Quyết là làng Cót (làng Cót có 6 xóm Tre, Trại Chùa, Đình, Trường, Chợ) và có một xóm phía bên kia đường Cầu Giấy là xóm Quan Hoa. Làng Cót có 4 dòng họ chính là Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn, còn các họ Viết, Công, Kim thì phụ nữ lấy họ đúng (ví dụ Kim Thị Quý vợ cậu ruột Tôi) còn con trai lại là Nguyễn Kim Tùng (họ Viết họ Công cũng vậy ,sau này có một số gia đình con trai cũng lấy lại họ ví dụ Kim Ngọc Ảnh). Làm giấy là nghề của làng Thượng Yên Quyết dọc sông Tô Lịch xưa có 2 lò để xử lý dó nguyên liệu làm giấy bản, làm nước sông Tô đen ngòm hai khúc. Làng Cót chủ yếu là làm vàng giấy tiền và nhuộm giấy màu. Cống Cót thuở xưa là xây 3 vòm bằng gạch trên lát đá, không có lan can. Qua đường chính giữa làng Cót đông đúc các quầy hàng, đông đảo người xe qua lại, ồn ào mọi thức, Qua chùa Cót cuối làng chừng 250m, thì rẽ tay trái sẽ vào ngõ dài và sâu, vắng bóng người đi lại và yên tĩnh đến không ngờ. Đó là con đường gạch của xóm Trại Hạ Yên Quyết xưa, lát gạch rộng 1m chiều ngang, chạy ngoằn ngoèo dưới tán các luỹ tre, dọc ngõ là các khuôn viên nhà vườn đẹp u tịch đã trải qua một thời vàng son. Dân trong ngõ giao tiếp còn giữ lề lối cổ, nhẹ nhàng mọi thức.
Nhắc lại một chút Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn là bốn họ lớn tại Hạ Yên Quyết. Mẹ tôi bảo họ Hoàng còn có hai Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Văn Tiến, Hoàng Văn Lợi là người gốc cùng xóm với Ông nhưng các Cụ ấy ở nội thành Hà nội thi thoảng mới về quê Cót. Bề thế ở xóm Trại đó có ba nhà : Ông Phán Lãng (Nhà phía đối diện nhà ông Hoa Bằng) nhà cuối cùng là của Cụ Hoàng Quý Thông (ông nội mẹ tôi).
Nhà ông hai Bi sau rặng tre um tùm, mát đấy nhưng lá tre rụng rơi đầy đường ngõ. Có vài cái ao dài mà bèo tây nở tràn mặt nước. Sau đó là tới ngã ba đất của ông ba Thung phía nam, chỗ rẽ tay phải là nhà ông Hoa Băng, xế tay trái là nhà vườn ông Phán Lãng (Tết vào nhà ông Phán Lãng nhà cao cửa rộng, nhất ngõ xóm Trại này sân to trồng na và cây ăn quả, mà vắng vẻ do ít người ở).
Từ bé và 3 năm học cấp 3 Yên hoà Tôi hay lên Bà ngoại phải đi qua khu nhà của Ông Hoa Bằng nên nhớ rõ : Cụ Hoàng Thúc Hội (1870-1938), hiệu Cúc Hương, đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1906), nhưng không ra làm quan. Sinh thời, đạo đức và tài văn chương của cụ Hoàng Thúc Hội được nhiều sĩ phu kính trọng, Cụ Hội là bố Ông Hoàng Thúc Trâm (bút danh Hoa Bằng, Sơn Tùng, Song Cối) là nhà nghiên cứu văn học và sử học Việt Nam. Ông sinh năm Nhâm Dần (1902) mất Ngày 16 tháng giêng năm Đinh Tỵ (5 tháng 3 năm 1977), hưởng thọ 75 tuổi. Tiến sỹ toán học Hoàng Xuân Sính gọi ông bằng Bác
Ông Trâm giỏi tiếng Pháp và chữ Nho, hồi bé theo Mẹ sang nhà Ông chơi. Khu nhà ông ở trang nhã nhuốm màu u tịch, phía nam là cánh đồng Cót, nối với "làng Giàn lắm thóc" của Tôi. Ông nói ít, giọng từ tốn, thi thoảng chen vài câu tiếng Pháp (y như bác Tiến sỹ Toán học Hoàng Xuân Sính). Năm 1956 các cụ Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu ông Trâm tham gia Hội nhà văn Việt Nam, mãi đến năm 1964 ông mới được là hội viên chính thức, không dễ vào như bây giờ. Năm 2000, tác phẩm “Quang Trung anh hùng dân tộc” của ông Hoa Bằng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước 15.000.000 vnđ.
Cách đây đã lâu, Hoàng Mỹ Liên cháu nội cụ Trâm có nói "Em đã đọc nhật ký của ông Trâm, có mấy lần Ông ghi xuống làng Giàn 9/1970, chơi với mẹ anh và cho quà mừng anh Hải đỗ đại học đấy" (kèm theo bút tích ông kể xuống làng Giàn chơi với mẹ con chúng tôi).
Căn nhà 1 tầng đổ mái bằng hàng hiên xưa nằm trong tường cao có gắn mảnh chai vỡ nay vẫn còn. Lối bậc thang, kiểu xây lan can, các cánh cửa sổ, cửa ra vào y trang các nhà trên phố cổ thời đó, nom khác lạ với nhà ngói cây mít trong thôn. Nhà nhiều phòng, nội thất mỗi phòng khác nhau rất nhã, bức hoành phi nhỏ sơn ta màu đen, bước qua tam cấp vào cửa trông thấy ngay. Rất nhiều kệ sách ngoại ngữ Tây phương và chữ Nho của Tàu, một ít đôn sứ, lộc bình, lọ bút lông và nghiên mài mực Tàu, có lọ hoa hồng hái vườn nhà nho nhỏ. Phía tay phải nhà có ao to, xung quanh trồng na, bưởi. nhãn và dãy hoa hồng, bên ao có hàng râm bụt nối ra đồng (phía Mả Quang) Ông hay ngồi câu cá chơi chơi thời đó cá sin sít, cá rô là phần nhiều, Tay luôn cầm sách, lẩm nhẩm đọc thơ tiếng Pháp. Tính Ông họ Hoàng và người làng cho là hơi lập dị. không hay giao du ở làng, mà đi thiên hạ. Ông ăn mặc giản dị nhưng sạch sẽ lắm. Trước đây ông chủ yếu ở nhà số 50 Bà Triệu, trước đó là 96 Thuốc Bắc), về thói quen về thăm quê làng Cót thăm con cháu, họ hàng những ngày cuối tuần. Tôi cứ tò mò ko hiểu sao con người này viết tập sách dày "Quang Trung" hay đến thế. Cứ sờ sợ Ông đến lạ. Họ Hoàng nổi danh làng Cót từ xưa đến nay, nhưng toàn là Văn sỹ, Trí thức nổi tiếng mà thôi.
Trích bài của nhà văn Hà Nguyên Huyến; Có một lần nhà văn Đỗ Chu đến báo Văn nghệ, nhân lúc vắng vẻ ông kể cho tôi nghe: Sinh thời, Cụ Hoa Bằng-Hoàng Thúc Trâm sau khi “Hòa bình lập lại” (1954) vẫn thường xách điếu cày đi bộ từ Xóm Trại làng Cót (Kẻ Cót-Hạ Yên Quyết, Hà Nội), sang làng Láng (Hà Nội) để vào các nhà xuất bản. Công việc của cụ là hiệu đính phần chữ Hán cho các “Nhà” này. Nay trong nhà cụ vẫn còn giữ được một bức hoanh phi có bốn chữ “Kỳ nghiêm hồ”. Hiện nhiều người xem chẳng hiểu ý tứ ra làm sao cả. Tôi cũng coi câu chuyện nhà văn Đỗ Chu kể là thường tình! Một lần vô tình đụng đến một “thư” trong “tứ thư” của Mạnh Tử (vì không chuyên nên không ghi lại là “thư” nào) có câu: “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” (Tạm dịch: Mười cái mắt đang nhìn (mày), mười cái tay đang chỉ (mày), hãy coi chừng)!... Cứ như ý tứ trong bức hoành mà suy, có nghĩa là cụ Hoàng Thúc Trâm rất khiêm tốn dặn con cháu: chỉ có mười người quan tâm đến mình (mày) mà đã phải giữ gìn. Còn những người khác, nói theo “ngôn ngữ bây giờ” là “có số, có má” phải có hàng triệu người, nhiều triệu người quan tâm. Nếu có làm gì đừng tưởng người đời không biết!"
Ngõ cụt tại điểm cuối cùng hai cổng nhà đối diện nhau :
-Nhà ông ngoại Tôi phía tay trái (Ông ngoại Hoàng Xuân Hướng, bà ngoại Bùi Thị Đàm là anh em thúc bá ruột thịt với ông Hoàng Thúc Trâm). Khu đất cụ ngoại Hoàng Quý Thông rộng hơn nghìn mét vuông, có nhà gác rộng hơn trăm mét vuông lát sàn gỗ lim ở chính giữa khuôn viên, có mấy cây sấu cổ thụ phía nam, gần chục cây nhãn, 1 cây khế ngọt nằm phía đông của căn nhà 2 tầng, Có hai cái bể nước ở hai hông nhà, bể xây to đùng và bể sâu ngập đầu người lớn, trên miệng có xây mái cuốn vòm
-Nhà bà Hương Chanh bên phía phải có chị Hoà má lúm đồng tiền và cái ao sâu tít, nhà tranh cơ mà cầu ao xây gạch ở cuối vườn (chúng tôi hay tắm nhờ và nghịch các bụi cây xấu hổ, hái quả cây me đất..
Ghi nhận công lao của ông, ở quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) có phố Hoa Bằng, và quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) có con đường mang tên Hoàng Thúc Trâm. Cụ thể trên quê nhà phường Yên Hoà có phố Hoa Bằng từ ngã ba chùa Cót lên ngã ba cầu K84 (trường cấp 3 Yên hoà A cũ) tức ngõ 381 Nguyễn Khang đi vào ngày nay. Phố dài 550m đặt tên vào 7/1999
Tôi thích bài thơ của cháu nội ông Hoa Bằng
"Câu chuyện về ông của tôi
Bút danh mang nghĩa là người yêu hoa
Bằng hữu cùng những bông Hoa
Tâm hồn tĩnh lặng thái hoà con tim
Mỗi ngày tôi nhớ như in
Cụ dậy đón ánh bình minh ngoài vườn
Tán cây còn đọng giọt sương
Người lặng lẽ xới, rẽ đường, tưới cây
Vườn hoa rực rỡ nơi đây
Giữa phố cổ một vườn cây lạ thường
Hoa hồng, hoa huệ, đồng tiền
Thiên lý leo dậu bình yên hoa nhài
Rồi hái những bó hoa tươi
Cụ mang tặng những cuộc đời quạnh hiu
Vật chất không có bao nhiêu
Tinh thần thêm đẹp từ người yêu hoa
Yêu hoa không chỉ quanh nhà
Công viên, hồ nước, đồng xa vườn gần
Bên hoa cảm xúc tâm hồn
Tác phẩm lịch sử nhiều phần đẹp thay
Cuối tuần cụ lại khăn tay
Đạp xe rời phố thăm cây quê nhà
Khóm hoa chuối giữa vườn cà
Hoa nhãn, hoa ổi, hoa trà, hoa cau
Cây na xanh quả vườn sau
Cây mít soi bóng bờ ao trưa hè
Người xưa lặng lẽ đi về
Ngày ngày bận bịu nhiều bề lo toan
Một lòng bằng hữu bên hoa
Mong cho cuộc sống trên đà đẹp tươi"
Một ngõ nhỏ của làng Cót mà có bao nhiêu người xuất chúng tại cả hai chế độ, đó là hiếm có và đáng tự hào. Nói vui các nhóm fb mang tên Hà Nội ở đầu tít, có mấy vị Quản trị viên là con cháu xóm này (25/7/2021)
Tác phẩm của Ông Hoa Bằng (theo Wikipedia) -Về văn học (Tư tưởng đại đồng trong cổ học tinh hoa (1949). Gia Linh công chúa tiểu thuyết lịch sử (1949). Văn chương quốc âm đời Tây Sơn (biên khảo,1950). Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng (biên khảo 1950).Dân tộc tính trong ca dao (biên khảo,1952). Lý Văn Phức (biên khảo 1953). Khảo luận về truyện Thạch Sanh (biên khảo 1957). -Về sử học (Quang Trung-Anh hùng dân tộc (Lịch sử gowin99 Việt Nam (biên khảo 1950).Trần Hưng Đạo (biên khảo 1950). -Về dịch thuật (Lê quý kỷ sự (ghi chép những việc cuối đời Lê,1974). Lịch triều tạp kỷ (Ghi chép tản mạn về các triều đại, 2 tập, 1975). -Ngoài ra ông còn dịch chung với nhiều người khác trong các tập Thơ Đường, Thơ Lục Du, Thơ Tống, Thơ Cao Bá Quát; và các pho sử lớn: Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí...(biên khảo 1944). |
Theo Chuyện quê