Cuối thập niên bảy mươi và đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi tiếng súng đã vơi đi nhưng cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo đẳng. Nhớ lại thời ấy, những gia đình từng ăn gạo sổ của nhà nước hẳn vẫn chưa quên những bữa cơm gạo tấm hay gạo hoa khế độn với sắn ruôi hoặc trộn hạt mỳ (bo bo); những chiếc tem phân phối từng mét vải hay cân đường, lạng thịt và cả những miếng đậu phụ ngâm trong những xô với chậu chua loen loét của các cửa hàng mậu dịch quốc doanh… Ngày đó cuộc sống vất vả, áo quần hết vá lại bích kê năm tầng bảy lớp, thật khó quên. Bây giờ có kể lại thì cũng trở thành miền cổ tích đối với lớp trẻ. Nhưng hình như, cuộc sống khi ấy thấy hồn nhiên và thoải mái, ít bon chen. Con người sống chan hòa và vô tư hơn. Làng xóm cũng gần gũi hơn. Không có kín cổng cao tường mà chỉ có những dậu cúc tần giăng tơ hồng hay bờ tường đất cắm xương rồng. Đường làng không có bê tông mà phủ ngập rơm thơm trong những ngày mùa trĩu hạt.
Thời ấy, đồng ruộng và cây cỏ hiền hậu và bao dung. Trong làng mái rơm mái dạ ẩn hiện trong bóng cây xanh rợp, líu lo chim hót. Ngoài đồng, leo lẻo nước trong mát ngọt. Dòng mương, mặt đầm, trắng muốt bông trang hay tim tím bông súng, từng đám ngoi trên mặt nước xen cùng bụi lác ba cạnh sắc nhọn như những mũi lê dương thẳng lên trời xanh, ngả nghiêng trong những chiều lộng gió. Khi màn đêm buông xuống, tiếng côn trùng xao động, vang lên liên hồi, khi trầm khi bổng, râm ran hòng xóa đi không gian mịt mùng, tĩnh lặng để một lúc sau gọi về những trăng thanh gió mát với một bầu trời cao rộng rực rỡ sao đêm.
Nhớ về ngày ấy, những trưa tháng mùa hạ, mùa “nước như ai nấu” khiến cua bò lên lổm ngổm bám đầy trên các bờ ruộng, cuống rạ. Người trong làng ra đồng nhặt cua càng trưa càng đông.
Ngày ấy người ta chỉ bắt những con cua to, béo ngậy. Cua rất nhiều, có lúc bò lổm ngổm ngang đường, người ta chỉ việc cúi xuống nhặt và bỏ vào trong giỏ, trong xô. Người đi bắt cua chỉ một loáng xuống đồng là đến chiều có một bát canh cua mát ngọt nấu rau muống hay mùng tơi để giải nhiệt.
Hồi đó, nghỉ hè học sinh được nghỉ học, không phải lo nghĩ đến việc học, không phải đi học thêm như trẻ con bây giờ. Buổi trưa, tôi thường trốn ngủ theo bạn ra đồng, khi bắt cua lúc lại đi theo kéo vó bắt tôm hay rận trai, mò hến ở ngoài đầm, dưới mương. Cũng may, nhờ những buổi trưa theo chúng bạn lang thang trên những cánh đồng như thế mà tôi biết bơi, biết lội. Thời ấy, dù nhà không làm nông nhưng tôi cũng biết đủ trò của những đứa trẻ nhà nông trên khắp mọi nẻo ruộng đồng.
Nhớ lại, những ngày đi theo chúng bạn trên khắp nẻo đồng xa cua, cá mang về đến nỗi ăn phát chán. Cua hết nấu canh thì lại đem rang, đem làm mắm. Những con cua bé thường được đem rang với muối và lá chanh. Mẹ tôi thường ngâm rồi rửa sạch cua, sau đó bóc mai, bỏ yếm đem rang với muối, khi sắp chín thì rắc thêm một ít lá chanh thái nhỏ. Những chú cua nhìn cứ đỏ au, thơm mùi lá chanh, đưa lên miệng nhai thấy không quá cứng mà lại đặm đà, rất ngon. Những con cua to bà tôi đem ngâm, rửa cho sạch rồi lột mai, gỡ yếm xếp vào chum sành. Cứ một lớp cua bà lại rải một lớp muối, lớp thính bằng gạo rang thơm nức rồi đặt vỉ tre nên trên và dùng viên đá nặng nén xuống. Nén đá xong bà dùng miếng vải xô gấp đôi cho kín, phủ lên miệng chum buộc chặt lại và đậy nắp cẩn thận, đem ra sân dãi nắng.
Chỉ vài ngày sau, thịt cua, gạch cua hòa cùng với muối và thính gạo rang tạo thành một thứ nước màu vàng sóng sánh, thơm phưng phức.
Chum mắm cua để càng lâu thì càng ngấu. Khi ấy, ăn một lần, ta sẽ thấy vị mặn của muối, nước ngọt của cua và mùi thơm của thính hòa vào nhau làm thành hương vị đặm đà của mắm cua. Cái hương vị đồng quê ấy sẽ làm ta nhớ mãi, khó quên. Mắm cua mặn nhưng là vị mặn ngọt ngào, thơm phức chứ không mặn chát, mặn gắt, nặng mùi như kiểu mắm cá.
Bây giờ những cánh đồng cua bò lổm ngổm ngày xưa trở thành những sa mạc cát của đô thị hoặc cánh đồng để hoang mặc cho lau cỏ mọc lan ngút bờ. Những đầm, mương, ngòi thủa trước, một thời nước trong văn vắt, nếu không bị san lấp thì nay cũng đã trở thành những nơi chứa nước đọng, nước thải đen kịt. Bao nhiêu cá, tôm, cua, trai, ốc, hến, ếch, nhái ngày xưa bây giờ cũng biến đi đâu mất … Có lẽ cũng đang dần bị tuyệt diệt.
Ký ức một thủa thiếu thời của những ngày xưa hiện về sẽ không thể thiếu được những buổi đi câu. Tuy không phải là những cần thủ lão luyện nhưng thú vui câu cá tôi cũng đã từng trải qua những tháng năm của tuổi học trò. Mỗi kỳ nghỉ hè hoặc mỗi khi được nghỉ học, tôi thường có mặt ở giếng làng, giếng chùa hay những bờ ao, bờ chuôm để câu cá. Ngày ấy đi câu đơn giản vô cùng. Cầu kỳ lắm thì cũng chỉ là những chiếc cần trúc vàng óng thon thả, đều đặn từ gốc đến ngọn, dài độ gần ba mét với vài mét cước và mấy chiếc lưỡi câu nho nhỏ, xinh xinh.
Bây giờ đồ câu hiện đại, dân chơi mua sắm cầu kỳ cũng lên tới hàng chục triệu. Nhớ lại thủa xưa đi câu chỉ cần rang cám làm thính trộn cùng cục bùn rồi thả xuống chỗ câu để nhử cá. Mồi câu cũng tự kiếm rất đơn giản. Thường thì tôi tìm ra ruộng mạ, ruộng lúa xem chỗ nào có đất đùn lên thì lội xuống xắn bùn rũ ra là có ngay một đống run đồng để làm mồi câu. Cũng có khi tôi dùng tép thối làm mồi câu. Cầu kỳ hơn thì rang thính và hoa hồi nghiền nát vụn rồi đem luyện cùng với cơm. Làm mồi này phải nhào nặn thật dẻo để ve lại làm mồi.
Thời ấy tôi chỉ đi câu những loại cá rô, cá diếc… trong ao, trong đầm mà thôi. Cái thú câu ngày đó đơn giản nhưng cũng thích vô cùng. Cần câu tự làm, tự kiếm. Phao câu làm bằng cuống lông cánh của gà hoặc ngan, cắt một đoạn khoảng năm phân ở đầu cánh. Xuyên chỉ vào buộc vào cước câu, khi câu tùy độ nông sâu của ao mà để phao cho phù hợp. Cách chỗ buộc lưỡi câu khoảng một phân có kẹp cục chì nhỉnh hơn hạt gạo, nhằm cho lưỡi câu chìm xuống, giữ yên vị trí thả mồi nhằm dụ cá đến ăn. Đi câu thích nhất là câu cá diếc.
Những hôm mưa phùn cứ thả thính xuống ao một lúc là tăm cá hiện lên. Tăm cá diếc rất bé, sủi liên tục. Cá diếc, cá trôi cắn mồi thì phao câu sẽ nhấp nháy vài lần rồi nổi phềnh lên là giật cần. Nếu cá rô, cá chép cắn mồi, nhất là cá rô gộc thì kéo phao chìm xuống rất nhanh, tưởng như mất hút. Khi ấy chỉ cần vảy nhẹ cần câu ngược lên, rồi nhẹ nhàng nhâng cần ta sẽ thấy một chú cá móc vào lưỡi câu giãy giụa một cách điên loạn nhìn rất vui mắt. Đôi khi đi câu, nhiều lúc cũng phát bực vì lũ cá đòng đong, cân cấn hay mài mại. Lũ cá này kéo đến hàng đàn. Khi thấy mồi câu thì lao vào rỉa làm phao câu nháy liên tục. Bọn cá này giống như một lũ phá đám. Nhiều hôm tôi phải bỏ đi, tìm nơi khác để thả mồi.
Bây giờ giếng làng, ao làng bị lấp gần hết, chỉ còn lại mỗi một ao và một giếng của đình. Nhưng đường nước vào, nước ra của ao làng, giếng đình ấy hầu như đắp chặn tắc nghẽn, nước bẩn nên cũng giống như một ao tù. Cũng còn may vì đó là ao, giếng của đình, nằm trong khuôn viên khu di tích lịch sử nên vẫn còn được giữ gìn cẩn thận và ít bị ô nhiễm. Còn lại những ao làng, giếng làng khác thì hầu như đã bị tiệt diệt hết cả. Làng đang chuyển dần đô thị hóa nên tấc đất tấc vàng. Ao to, ao bé, giếng lớn, giếng nhỏ bị san lấp bằng hết. Thay vào những lũy tre thân thương bên những ao bèo cái rậm rịt, những giếng bèo ong trong vắt ngày xưa giờ đây là những nhà xưởng, nhà trọ mọc lên san sát, chen chúc như nêm.
Bao nhiêu tháng năm ta tất bật trên đường đời vốn có nhiều gập ghềnh để hối hả mưu sinh mà có lúc từng quên đi những tháng ngày tuổi thơ đẹp như một miền cổ tích và rồi trên con đường ấy đã có không ít lần ta lại ước ao được trở về những ngày xưa. Và cứ mỗi lần ao ước như thế ta không khỏi nhớ lại cũng có một thời ta từng oán trách thời gian sao đi chậm thế, làm cho ta mãi chưa được trở thành người lớn.
Bây giờ ngoái lại con đường ta đã đi qua mà thấy thấm thía nỗi khổ làm người lớn sao mà nhọc thế rồi mơ được trở về ngày xưa để lại được lang thang trên những đồng chiều cuống rạ. Nhưng ước mơ ấy mãi vẫn chỉ là mơ ước. Thời gian của đời người chỉ là lối đi một chiều. Ta chỉ có thể trở về ngày xưa qua miền ký ức trong niềm thương nỗi nhớ. Ước mơ một tấm vé trở về tuổi thơ trong hiên thực mãi vẫn chỉ là một câu chuyện cổ tích có thật trong đời.