“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”.
Thực hiện xong nghi thức chào cờ ở đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) trên núi Rồng chúng tôi men theo con đường bê tông quanh co, nhỏ hẹp, gập ghềnh, khúc khuỷu, chênh vênh bên các sườn núi của thôn Cắng Tằng, đường chỉ vừa một làn xe, cách núi rồng khoảng chừng gần ba kilomet theo đường chim bay. Quả thật, trải nghiệm nơi địa đầu tổ quốc khiến ai nấy đều phải thót tim bởi ngay bên mép đường, sát lốp xe là vực sâu hun hút hoặc chân núi, chân đồi thăm thẳm. Con đường không có cọc tiêu, tường chắn nên mỗi khi gặp xe đi ngược chiều lại phải loay hoay tiến tiến lùi lùi tìm chỗ để nhường đường cho nhau thực sự khủng khiếp, khiến bao người lo sợ. Thế rồi sau khoảng hơn hai mươi phút, xe cũng đưa chúng tôi đến cột tọa độ điểm đầu cực Bắc. Từ xa chúng tôi đã trông thấy lầu vọng cảnh xinh xắn và cột tọa độ nằm trên đỉnh cao nhất, sừng sững hiên ngang giữa núi sông hùng vĩ. Leo qua mấy chục bậc cầu thang chúng tôi đến bên cột tọa độ chụp lấy một hình làm kỷ niệm. Lên lầu vọng cảnh chúng tôi thả hồn ngắm nhìn đất nước, giang sơn nơi địa đầu tổ quốc trong buổi hoàng hôn, giữa vi vu gió chiều dịu nhẹ mát rượi làm cho tâm hồn trở nên nhẹ nhõm mà quên đi nỗi sợ đường trường, nguy hiểm. Cứ thế cảnh vật hiện lên trong tầm mắt. Trước mắt, núi đồi Trung Hoa mênh mông, trập trùng, thăm thẳm. Phía dưới chân núi nơi bắt đầu đất mẹ, dòng Nho Quế biếc xanh uốn lượn qua các khe hẻm vừa hùng vĩ, tráng lệ vừa trữ tình, thơ mộng. Thiêng liêng quá! Tự hào quá! Nơi dòng sông Nho Quế chảy vào đất Việt là đây; cái chóp nón, nóc nhà của nước Việt là đây. Cảm xúc trào dâng, giữa mênh mang nơi hùng thiêng sông núi, bất giác trong lòng lại gọi về một khúc ca trong buổi chiều hôm biên viễn: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương” (Lò Ngân Sủn).
Và cứ vậy, trong bao nỗi niềm xúc động thiêng liêng ấy bất chợt tôi lại nghĩ về nơi tận cùng phương Nam, chót mũi Cà Mau để ngẫm suy về hai đầu đất nước. Ngẫu nhiên thôi nhưng tạo hóa đã tặng cho đất nước ở hai đầu xứ sở những dáng nét tương đồng trong đối cực. Những dáng nét ấy tương hỗ bên nhau để làm thành một giang sơn thống nhất trong những đa dạng, hùng vĩ và nên thơ.
Ta hãy đi đi và nhìn lại bản đồ rồi sẽ thấy. Điều dễ nhận ra khi nhìn trên tấm bản đồ hình chữ S là dạng hình cực Bắc và cực Nam của đất nước; nơi chót cùng cực Bắc là Lũng Cú (Hà Giang) và nơi tận cùng cực Nam là Đất Mũi (Cà Mau) có dáng hình tựa như hai chiếc nón úp ngược chiều nhau. Trên đỉnh cực Bắc chiếc nón để theo chiều thuận, chóp nón là Lũng Cú; một cạnh phía Tây là xã Sín Thầu (Điện Biên) - nơi con gà gáy ba nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc cùng nghe; một cạnh phía Đông là phường Trà Cổ (Quảng Ninh). Tận cùng cực Nam chiếc nón lật ngược, chóp nón ở Đất Mũi; một cạnh phía Tây là phường Mỹ Đức (Kiên Giang); một cạnh phía Đông là xã Thừa Đức (Bến Tre). Ở nơi chóp cùng cực Bắc chỉ có đá và đá, cao nguyên đá Đồng Văn, đá tai mèo nhấp nhô như sóng lượn. Nơi cực Bắc “Núi hoang rừng rậm tít mù viễn biên” (Lương Văn Can). Đường lên Lũng Cú ngàn trùng xa, ngàn trùng khó, kiểu như ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Ở nơi tận cùng cực Nam chỉ có bùn lầy phù xa, miệt rừng U Minh; đước chàm bao la vươn lên từ bùn đen giữ đất, vươn khơi. Nơi cực Nam “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” (Nguyễn Tuân). Đường xuống Đất Mũi xuôi theo Gành Hào, băng qua Bảy Hạp, đi vào Cửa Lớn, dặm dài sông nước mênh mông như ma trận. Hai đầu đất nước tựa như hai đối cực nhưng dù ngược Bắc hay xuôi Nam bất cứ ở nơi nào có cột mốc chủ quyền thì ở nơi đó đều gợi lên và tự hào bởi hai tiếng thiêng liêng: Việt Nam.
Đã không ít lần chúng tôi được đi trên các vành đai biên giới, men theo những con đường mòn để lên các cột mốc, đứng bên cạnh các cột mốc chủ quyền để được thỏa chí xê dịch và khám phá. Nhưng lần nào cũng vậy chúng tôi không khỏi có cái cảm giác bồi hồi, xúc động, thành kính, thiêng liêng ở nơi biên ải, địa đầu Tổ quốc. Dường như đây là một nét tâm lý chung, không phải chỉ riêng tôi, rất nhiều người cùng có tâm trạng ấy. Phải chăng những đường biên giới quốc gia và các cột mốc chủ quyền luôn là một miền đất thiêng với tất cả các thần dân của mỗi nước. Và trong đời ai chẳng ao ước ít nhất có một lần được đặt chân đến những nơi đó, nhất là nơi tột cùng mỏm Bắc hay chót cùng phương Nam để được ôm lá cờ thiêng liêng của đất mẹ ấp vào lồng ngực trên đỉnh Lũng Cú, nơi mũi con tàu hay ngồi bên cột ghi mốc định vị Kinh độ, Vĩ độ ở điểm Cực Bắc, cực Nam của hai đầu đất nước để rồi tự hào cất lên mấy tiếng “Việt Nam ơi ta mãi yêu người” giữa bao la đất trời sông núi.
Mỗi lần chạm tay lên cột mốc chủ quyền hay ấp tay lên lồng ngực chào cờ tổ quốc nơi biên ải có lẽ không ở đâu mà ý thức công dân về hai tiếng “Tổ quốc” lại được nhận thức một cách rõ ràng và sâu sắc như chính chỗ này. Bên này cột mốc và bên kia cột mốc, núi sông, cỏ cây, hoa lá, tiết trời … vẫn như nhau nhưng những nét riêng về con người và phong tục lại khác xa nhau đến vời vợi. Đúng là “núi sông bờ cõi đã chia phong tục Bắc Nam cũng khác”. Bên này cột mốc là nhà mình. Bên kia cột mốc là nước khác. Đã nhà mình thì dù người Kinh hay người H’Mông, người Lô Lô, người Pu Péo, người Tày … khi nhìn thấy nhau, trái tim chúng ta vẫn chung một nhịp rộn ràng trong cái nghĩa tình anh em máu mủ ruột rà bởi hai chữ đồng bào của con Lạc cháu Hồng. Còn một bước sang đất nhà người, dù có “núi liền núi sông liền sông” thì ai cũng phải “nhập gia tùy tục”. Ta là khách. Ta là tha hương.
Dõi về phương Nam, Đất Mũi xa xôi, nơi “Có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát/ Dòng sông Tam Giang nắng chải đưa người … Trời xanh năm căn gió lộng bốn bề/ Biển bao la sóng tung cánh chim hải âu …” (Phạm Minh Tuấn) gợi lên trong ta về một một vùng sóng nước bao la nên thơ và đẹp giàu. Ngước lên Lũng Cú, nơi “Có nơi nào như quê hương tôi?/ Nơi biên cương Ðồng Văn, Mèo Vạc/ Núi đá chập chùng ngàn năm trầm mặc/ Bức tường thành, biên ải xa xôi ...” (Đặng Quang Vượng) gọi lên miền đá hoang sơ nhưng gây nghiện và để lại bao thương nhớ. Đứng trên vọng hải đài giữa biển trời bao la nghe con sóng mấy ngàn năm còn vỗ, hít thở hương vị phù sa màu mỡ để nhớ về một thủa ông cha cầm gươm đi mở cõi, nhìn về những khu rừng ngập mặn theo những bóng chim mà thấy những chùm rễ tựa những bàn tay cào cấu, ôm bám đất mẹ đưa mũi thuyền Tổ quốc vươn sóng ra khơi. Ngồi trên đài vọng cảnh nghe gió thổi cờ đỏ bay phần phật từ thời phạt Tống trên núi rồng ngạo nghễ, mở toang lồng ngực đón hương rừng, đất nước hàng ngàn nắm vốc đất vun vào hốc đá, nhìn bốn phương trời điệp trùng sông núi hùng vĩ hiên ngang. Ta sẽ thấy “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Mà thiết tha “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”.