... Ngày 14 tháng 8... (1978)
Mờ sáng cậu Hoài quê Hà Nam Ninh xách về quả bí đỏ, trên đường cùng anh Hồng tiểu đoàn trưởng đi kiểm tra các xê bố trí phòng thủ hái được đem ra nấu, mùi bí chín ngọt đậm, thơm lừng, nấu cùng bột canh chín nhừ sền sệt, bốc hơi nghi ngút... tranh thủ múc chia nhau mỗi thằng một bát cùng ăn, nóng bỏng lưỡi vừa ăn vừa thổi xuýt xoa, cùng lúc anh Thìn tiểu đội trưởng đi họp về vỗ vai tôi anh phân công:
- Cậu! Hôm nay đi với thủ trưởng Tân tiểu đoàn phó nhé...! Thủ trưởng dẫn C6 sang chốt giữ cao điểm 62, thay cho anh 31 (một đơn vị của sư 31).
- Nhanh lên thủ trưởng đang đợi đấy!
Lùa vội miếng bí nhưng nóng đành bỏ, nhét bát vào cóc ba lô xong vơ khẩu Ak tôi chạy ra chỗ tập trung. Mọi người đang vây quanh nghe anh Tân kể những mẩu chuyện vui gặp khi trên đường ra trận, tiếng cười rộ lên rôm rả... như chợt nhớ ra còn nhiệm vụ phía trước anh dừng lại:
- Thôi! Không kể nữa ta đi trên đường sẽ kể tiếp.
- Này Dũng! Anh quay qua nói với cậu thông tin - lát kể cho mọi người nghe chuyện giằng nhau chiếc máy 2w với thằng thám báo như thế nào nhé!
- Tuân lệnh thủ trưởng... cậu thông tin lên tiếng trả lời.
Mọi người vội xốc lại quân trang, súng ống rồi lần lượt lên đường. Đi trước là tổ trinh sát (trinh sát tiểu đoàn được tăng cường cùng đi). Vừa đi được một đoạn chúng tôi gặp một thằng Miên nằm phơi xác, bụng bắt đầu trương phềnh ruồi đang bu quanh trên chiếc võng dù dùng làm cáng mới chết đêm qua ở rệ đường, chắc khi cáng qua đây thấy tên này đã chết chúng bèn bỏ lại. Những xác Miên như vậy chúng tôi gặp thường xuyên.
Đường đi qua những trảng cỏ, cỏ gianh cao ngút xen lẫn những cây xấu hổ gai góc. Tự nhiên những giai điêu, ca từ, bài “hoa trinh nữ” của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cứ vang lên trong đầu:
Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai
Hái bông hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa trinh nữ...
Chuyện giằng máy thông tin 2w theo lời Dũng kể: mấy hôm trước khi cùng C7 đi tuần đêm trên đường thì gặp ổ phục kích, chúng phóng B40 rất dữ cậu ta bèn chạy dạt vào vệ đường, đang chúi người lom khom... từ trong lùm cây, một thằng thám báo Miên đen sì chồm tới, vồ lấy chiếc máy đang đeo lệch trên vai giật mạnh. Chiếc máy tuột qua vai trôi theo tay thằng Miên, theo phản xạ tự nhiên Dũng quay người dùng hết sức nhao người chộp lại, giây phút giằng co quyết liêt. Dưới luồng ánh sáng của vầng đạn đang ánh lên rất dữ dội, loé ra từ các loại súng của cả hai bên, bốn mắt trực diện nhìn nhau... như thấy sức vóc vạm vỡ của chàng trai Nghệ Tĩnh, thằng Miên khựng lại rồi liền sau đó bỏ chạy. Nghe Dũng kể đến đây mấy đàn anh lính cựu thêm vào cắt ngang, như đùa như mắng : - chắc mày định dùng để che đạn nên cởi máy đeo lệch, đúng là đồ nhát...
Sau khi bình tĩnh lại và lúc này bên ta cũng đang làm chủ thế trận, Dũng vội trườn người tìm về cạnh chỉ huy để nghe lệnh, rồi làm nhiệm vụ truyền tin.
Thật may mắn hôm ấy nếu để mất máy sự việc sẽ rất nghiêm trọng, cậu ta sẽ bị kỷ luật. Những câu chuyện như vậy của người lính chiến nó như một bài học và vẫn có thể xảy ra nhiều trường hợp khác nữa, nhưng không có trường hợp nào giống nhau. Tên lính Miên này cũng là kẻ ranh mãnh, biết lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiếp cận rồi bất ngờ ra tay.
Đội quân chuyên đánh đêm của Miên chúng được huấn luyện rất kỹ, được lựa chọn, có thể lực tốt và rất liều lĩnh. Hàng đêm chúng toả ra phục kích trên các con đường, mò vào các chốt lần theo đường dây thông tin hữu tuyến tìm đến hầm chỉ huy phóng B40 hoặc B41 rất nhanh lại lủi mất vào màn đêm, gây thương vong rất lớn cho bộ đội ta. Để đảm bảo cho tuyến đường và vùng hành lang vận tải, trung đoàn 28, đơn vị chuyên luồn sâu và đánh chặn của F10 đã thường xuyên đụng độ với đội quân này.
Sau hơn 2h hành quân khi tất cả đã thấm mệt chúng tôi tới một cánh rừng, lúc băng qua trước mặt xuất hiện một con suối, mấy cậu trinh sát đi trước khẽ reo: - suối... suối... khẩn trương lên...
Dòng suối lững lờ chảy trong vắt, hai bên bờ những bụi cây dại men theo mọc xanh tươi, lúp xúp. Anh Tân cho dừng lại nghỉ chân, rồi phân công mấy người trên bờ cảnh giới, còn lại tất cả tranh thủ ùa xuống, vài cậu không kìm được cởi phăng quần áo lao người ngụp lặn dưới dòng nước mát...thoả thê...
“... pằng...” tiếng đạn Ak xé nòng vang to, làm cho tất cả giật mình choàng lên vớ lấy vũ khí, mấy cậu tắm tiên đang thả hồn dưới suối, không kịp mặc quần áo ngơ ngác chạy lên ôm súng nhìn quanh...
- Thằng này... anh Tiến xê trưởng vừa gõ đầu cậu lính liên lạc của đại đội, vừa quát, thì ra cậu lính mới ngứa tay thử súng.
Sau ít phút định thần mọi người ồ lên vui vẻ, chỉnh đốn tư trang lại tiếp tục băng rừng.
Hành quân vác nặng mờ sương
Khí tài rảo bước khẩn trương bao ngày
Dừng quân nghỉ lại bên đồi
Suối reo nước chảy chim bầy vang ca
Đời lính trận mạc xông pha
Vẫn cười rộn rã... hoà nghe tiếng rừng.
Đoàn rời con suối... đi thêm khoảng thời gian gần 1h cắt rừng chúng tôi lên tới cao điểm, thời gian này là giữa tháng 8/ 1978 đã gần hết mùa mưa chuẩn bị sang mùa khô. Cao điểm 62 vị trí tiền tiêu của tổ quốc, trước kia có một đồn biên phòng của lực lượng CA vũ trang đồn trú ở đây. Theo lời kể của anh Tân: vào đêm 24/9/1977 Khơme đỏ bất ngờ đưa quân tấn công sang với quân số lên tới cả trung đoàn, đội quân mặc áo đen, cổ quấn khăn rằn, vai khoác súng cầm dao tràn lên xông vào chém giết không chút ghê tay... vì trong đêm lại bất ngờ nên ta không kịp đánh trả. 43 người trong số 44 chiến sỹ đã hy sinh, duy nhất còn một người chạy thoát được. Sau đó chúng tràn sang các xã của huyện Tân Biên tàn sát dân thường, gây ra vụ thảm sát “Xamat -Tân Biên” kinh hoàng trong lịch sử.
Nhảy qua dãy giao thông hào chúng tôi tiến vào... đơn vị bạn đang chờ đợi để bàn giao, nhìn thoáng chẳng thấy ai, đến thật gần mới thấy tất cả còn đang ở trong các căn hầm. Những người lính gương mặt hốc hác, áo quần nhuộn lem màu đất trông họ thật sự mệt mỏi sau nhiều ngày phải chiến đấu để bảo vệ cao điểm.
Những dãy hào bằng đất đào chạy ngang, dọc bọc lấy phía trước và sườn, vị trí trọng yếu của cao điểm, từng đoạn có các hầm chữ A, hầm âm được thông nằm ngay sát. Lùi về phía sau độ dốc thoai thoải đi lên, đám cỏ gianh cao ngút đầu xen lẫn những cây trinh nữ và cây chó đẻ, nhiều vạt bị cháy xém có vài cây gỗ cao nhưng cánh lá trơ trụi, thân vỏ bị đạn trầy xướt dấu tích một trận chiến mới xảy ra mùi khói súng như vẫn còn vương... phía dưới và xung quanh vẫn còn xác những tên lính Miên nằm gục chúng bị bỏ lại bên những hố đạn pháo, lính ta cũng không có thời gian thu dọn đành mặc kệ mưa nắng giúp tự phân huỷ, làm mồi cho bầy chim Lợn và những loài ăn xác thối khác.
Chim Lợn vùng này, mặc dù là loài chim đi kiếm ăn lẻ nhưng mỗi khi sà xuống rất đông như từng đàn, nhất vào những đêm có ánh trăng chúng bay rất nhiều. Tiếng kêu nghe rất rợn, não nề.... và khi màn đêm buông cũng đã lâu, trời về khuya là giờ hay hoạt động của lũ thám báo Miên, đứng gác nhìn về phía xa thỉnh thoảng tôi lại thấy đám chim Lợn bay loạn lên biết ngay bọn chúng đang đi ở phía ấy.
Phía sau cao điểm là những cánh rừng rậm địch thường vòng tập kích từ đây, chúng bí mật chuyển quân rồi đánh bất ngờ gây thương vong rất lớn cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng thủ, thường ta chỉ có một đại đội quân số luôn thiếu, chúng tập trung có khi cả trung đoàn. Như ngày hôm nay C6, K2 của E28 được giao nhiệm vụ sang thay cho một xê của F31 tiểu đoàn phải cử anh Tân phó tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ huy, cùng 3 trinh sát đã dày dạn kinh nghiệm chiến đấu thêm tôi là 5 người. Và chỉ khi nào chiến sự xảy ra quá ác liệt ta mới điều các đơn vị ở nơi khác đến chi viện.
Đang quan sát, tôi nghe có tiếng gọi...!!!... trong căn hầm chữ A, Nguyễn Hoàng An thằng bạn cùng học hồi học phô thông ló đầu ra... quay người lại nhận ra bạn, hai thằng ôm chặt lấy nhau. Nó và tôi cùng chơi với nhau từ bé mặc dù hơn tuổi nhưng vẫn xưng hô mày tao, nó đi lính trước nhập ngũ 1975 sau lại cùng trung đoàn 259 Bộ tư lệnh công binh và được bổ sung vào đây cùng đợt, nó về sư 31. Hôm nay gặp lại nhìn bạn vẫn khoẻ giờ đã là trung đội trưởng, những năm tháng khi tham gia tiễu phỉ lúc còn làm nhiệm vụ bên Lào, đã giúp An có nhiều kinh nghiệm nhanh chóng thích nghi với chiến trận nên được đề bạt ngay. Nắm chặt tay bạn tôi hỏi chuyện liên hồi nhưng thời gian không có, trời cũng đã về chiều đồng đội lại đang chờ.
Nhìn theo bạn cùng đồng đội đi khuất dần trong bóng chiều nghiêng đổ tiến sâu sang vùng đất địch. Những hình ảnh mờ ảo cứ ùa về hình ảnh tôi và nó ngày xưa đội mũ rơm, đeo cặp sách kèm túi cứu thương đựng cuộn băng, gói bông và lọ thuốc đỏ mỗi khi đi học bắt buộc phải có, đứng trong sân trường bên cạnh là dãy giao thông hào, hầm chữ A của những năm 67, 68, 72 thời bom Mỹ rất giống nơi đây bây giờ. Và rồi... mặc dù nơi đây cũng là vùng giao tranh ác liệt, nhưng cao điểm 62 thuộc phần đất của ta được đứng trên đất mẹ cảm giác như được về nhà lại trỗi dậy trong tôi... (còn nữa)
Ngày dần buông sương chiều như mờ xoá
Dáng ai đi thấp thoáng dưới tầng cây
Ở nơi đây đứng trông về đất mẹ
Bạn và tôi ta bước tiếp bao ngày
3. 10. 2019
Trích (Và Một Thời Chúng Tôi Là Thế)
Theo Trái tim người lính