Tôi nghĩ ông ấy thật đúng. Để Chiến thắng, người lính không chỉ cần lòng dũng cảm, cần có (nhiều lắm) ước mơ.
Trong cuộc đời Bộ đội, tôi có ba giai đoạn.
1. 1966-1968 là Bộ binh C2 D9 E90 F324 chiến trường Quảng Trị.
2. 1968-1972 là Pháo binh phòng không C10 D15 E284 F367 chiến đấu ở Quảng Bình, Quảng Trị và Lào,
3. 1972-1977 là thời gian an, điều dưỡng vì bị thương nặng.
Tôi có thói quen ghi Nhật kí. Và khi qua cả ba giai đoạn quân ngũ, qua bao khó khăn thời hậu chiến của đất nước khi về với đời thường, giở trang Nhật kí úa vàng, tôi như được sống lại ước mơ tuổi trẻ.
Đầu tiên là giấc mơ ngày nhập ngũ, hoà trong đoàn quân tiến vào Nam, tay dâng cao lá cờ Mặt trận Giải phóng.
Ngày 24/11/1967 là dấu mốc đáng nhớ- Lễ kết nạp Đảng giữa trận đánh. Cùng trận ấy tôi bị thương, tôi phải rời đơn vị bộ binh. Sau hồi phục tôi được đơn vị pháo binh tiếp nhận. Từ chiến sĩ trong đơn vị, tôi được phong đến quân hàm Chuẩn úy phụ trách Đại đội phó, là Chi ủy viên. Ngày 1 tháng 10 năm 1971 Đại đội tôi được Đảng và Nhà nước Tuyên dương tập thể Anh hùng.
Lại dòng Nhật kí: "Hôm nay sau trận đánh, Chính uỷ gặp mình động viên "Cố lên Ngọc ơi, ở hậu phương đã thẩm tra tốt rồi, chỉ cần Ngọc lập công nữa là có thể tuyên dương cá nhân Anh hùng trong tập thể Anh hùng ấy". Mình tự hào là cán bộ chiến sỹ của tập thể Anh hùng, còn cá nhân, điều đó khó trả lời lắm, mình phải cố gắng nhiều, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên".
Mùa hè Quảng Trị đỏ lửa 1972, tôi bị thương lần cuối. Nói lần cuối vì tôi vĩnh viễn phải rời xa cuộc chiến, thương tật 81 phần trăm. Sau đó một thời gian cấp trên điều một cá nhân Anh hùng từ đơn vị bạn về thay tôi. Anh Lê Cấp Bằng quê Ngọc Lạc, Thanh Hoá.
Tôi luôn nhung nhớ dõi theo Đại đội yêu quý: Giải phóng Sài Gòn, cùng Quân đoàn 2 sang Campuchia, rồi ra Biên giới phía Bắc.
Một ngày cuối tháng 7/2011. Có người đàn ông tìm tôi. Đầu đội mũ giải phóng, quần áo lính bạc màu, lưng đeo ba lô cóc cũ.
- Có phải anh là Ngọc – Đại đội phó C10 D15... trước đây?
Tôi trả lời:
- Đúng rồi, mình là Ngọc.
Anh reo lên vui sướng ôm chầm lấy tôi như anh em ruột thịt xa nhau lâu ngày rồi khóc như đứa trẻ: "Anh Ngọc ơi… em là Hải đây", làm những người bên đường dừng lại chú ý.
Quả thực lúc này, tôi vẫn chưa nhận ra Hải. Đã trên 40 năm tôi nhớ như in từng nét mặt của tất cả anh em, kể cả những đồng chí đã hy sinh, nhưng Hải này thì lại không nhớ.
Hải kể tôi mới biết, cuối tháng 7/1972 khi tôi bị thương nặng phải rời đơn vị, 5 tháng sau Lê Thanh Hải mới được bổ sung vào. Anh em trong đơn vị lúc ấy kể về tôi cho Hải nghe. Hải nói, anh em đã xem tôi như chỉ đi công tác xa vài ngày rồi về đơn vị chiến đấu... Cảm giác vẫn được sống cùng đơn vị Anh hùng ấy làm tôi xúc động vô vàn.
Tôi chẳng được như kì vọng của tập thể Anh hùng, không được đi trong đoàn quân Kiêu Hùng ngày Giải phóng, nhưng tôi tự hào đã sống, cống hiến như ước mơ thôi thúc.
Tập thể lớn những ước mơ Anh hùng làm nên Chiến thắng. Đó là Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chuyện Làng Quê