Kỳ 2.
Đăng nhân kỷ niệm 36 năm Sự kiện Gạc Ma.
Bài viết theo lời kể của Thuyền trưởng Tầu không số Phạm Văn Phí. Báo vụ Hà Trọng Bân trên tầu V121 đã ở Trường Sa tháng 8 năm 1971.
Có rất nhiều câu chuyện của CCB mà sử sách, văn chương không tiếp cận được. Những người trong cuộc đã lớn tuổi, họ đều ngoài 80. Một số cán bộ thủy thủ, thuyền trưởng lớp đầu đã ngoài 90. Họ kể lại, tôi xin viết để lưu giữ cho con cháu chúng ta biết:
- Cha ông họ đã chiến đấu vì tổ quốc như thế nào ?.
Nguyên Thuyền Trưởng Phạm Văn Phí năm nay 80 tuổi, (năm 1971 anh là thuyền phó tầu V121) vô cùng xúc động, bất ngờ khi xem một tấm hình của nhóm cán bộ thủy thủ tầu mũi nhọn V121 tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa tháng 8 năm 1971.
Ông nhớ lại những người trong tấm ảnh gồm:
1- Nguyễn Văn Quang
2- Lưu Biên Thùy
3- Phạm Văn Phí đội mũ lá ( là ông)
4- Nguyễn Văn Khuông
Bức ảnh nằm trong hàng trăm bức ảnh khác chụp trong chuyến đi trinh sát để BTLHQ nghiên cứu tìm ra sách lược nhưng nó là kỷ niệm vô giá đối với người Thuyền trưởng này.
Chuyến đi trinh sát ấy do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch chỉ huy. Ba thuyền phó là Phạm Văn Phí, Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Dung. Chính trị viên là Lê Kim Danh, Thủy thủ trưởng Tư Chanh. Máy trưởng Nguyễn Quyết. họ đều là cán bộ người Nam bộ, chỉ duy nhất ông Phạm Văn Phí là người miền Bắc.
Tầu được Bộ Tư Lệnh Hải Quân( BTLHQ ) cấp cho một máy ảnh. Tấm hình do Thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm chụp. Đó là tài liệu bí mật để báo cáo với BTLHQ nên những người trong ảnh cũng không được phát, thậm chí còn không biết mình được chụp. Bây giờ ông mới nhìn thấy.
Do tính chất đặc biệt của chuyến đi nên BTLHQ cử
một cán bộ tên là Đấu, Trưởng ban Quân báo BTL. Ông Đào, Trưởng phòng Hàng hải đi cùng.
Ngoài ra còn một tiểu đội đặc công nước đoàn 126 để chốt lại khi đổ bộ lên đảo.
Mục đích của chuyến đi là trinh sát, mở tuyến ở khu vực quần đảo Trường Sa, thực hiện ý đồ của Bộ Quốc Phòng và Bộ tư lệnh Hải Quân dùng Trường Sa làm nơi tập kết, trung chuyển vũ khí đạn dược chi viện cho miền Nam. Tìm ra phương án mới cho con đường bí mật, vận chuyển hàng vào miền Nam của ta đã bị lộ. Cụ thể là tầu trinh sát phải tìm ra đảo nào, vịnh nào, eo biển nào kín đáo, không có tầu bè qua lại để đổ hàng lên đảo hoặc thả hàng xuống biển. Đánh dấu và báo cho Bộ đội miền Nam giả tầu đánh cá ra vớt hàng mang vào đất liền.
Trước khi lên đường, Thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm đã vào Phòng Hàng Hải BTL HQ tìm được một tấm Hải đồ (bản đồ đi biển) của Pháp. Các anh nhờ dịch và ghi chữ Việt Nam lên. Nhờ có hải đồ này mà con tầu đã đến được quần đảo Trường Sa.
Hành trình của tầu V121 bắt đầu từ cảng K20 của đoàn 125 ở làng Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Rạng sáng ngày 16 tháng 8 năm 1971, tầu lặng lẽ rời cảng. Màn đêm buông phủ bến cảng, chỉ còn dăm ngọn đèn báo độ cao trên đỉnh các cần cẩu tháp trên cầu cảng hải phòng tỏa ánh sáng vàng ệch, buồn bã xuống mặt sông Cấm. Đến sáng tầu cập vào vách núi đá vịnh Lan Hạ của đảo Cát Bà. Biển số V121 được tháo ra, cờ Việt Nam thu lại, con tàu trở thành vô danh. Có thể vì vậy sau này tầu của đoàn 125 trước 30/4/1975 được gọi là Tầu không số?
Tầu rẽ sóng đi ngược về luồng Hải Khẩu, qua hòn Bảy Sư của Trung Quốc rồi ra đường hàng hải Quốc tế. Theo đường chì kẻ trên Hải đồ, tầu tiến dần đến quần đảo Trường Sa.
Sau gần một tuần lênh đênh, vật vã với sóng gió, chiều ngày 19/8/1971 Thuyền trưởng nhìn thấy dải đất mờ đen, càng đến gần càng thấy rõ. Đối chiếu với hải đồ và tọa độ thì đó là quần đảo Trường Sa. Có lẽ cái tên "Trường Sa" nói rằng đây là quần đảo rất to, rất dài, rất nhiều đảo lớn nhỏ và ở rất xa đất liền.
Nhờ tọa độ trên Hải đồ, bằng các tính toán hàng hải Thuyền trưởng xác định đây là đảo Song Tử Tây. Cách đó vài hải lý là đảo Song Tử Đông.
Hoàng hôn xuống, mặt trời tụt xuống rất nhanh sau dãy núi trên đảo. Hải âu hối hả bay về. Đây chắc là quê hương của Hải âu, dễ có đến hàng vạn con. Chúng lượn lên xuống, xà xuống mặt biển, bơi, ngụp lặn rồi vút bay lên, đậu vào dây ăng ten nối từ cột thu tín hiệu xuống mũi tầu. Chúng ngơ ngác nhưng bạo dạn, có lẽ lần đầu tiên chúng nhìn thấy con người. Chúng chấp chới cánh như giữ thăng bằng rồi bay vọt qua cột ăng ten tầu, miệng kêu dáo dác tìm chồng tìm con. Trời sẫm lại, chúng ào ào bay về đảo.
Tầu neo ven đảo, Thủy thủ lên bờ tìm củi, tìm rau, nhặt trứng chim, bắt rùa biển. Vài anh thả mồi câu cá. Chỉ vài phút đã thấy tiếng reo vui mừng vì đã câu được cá. Bữa cơm tối trên đảo thật vui vì có đầy cá tươi, trứng chim, thịt rùa biển nhắm với bia lấy từ hầm tầu. Thủy thủ trưởng cắt cử người canh gác. Giấc ngủ bình yên trên tầu sau mấy ngày vất vả thật là ngon.
Hôm sau một tổ trinh sát do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch dẫn đầu đổ bộ lên đảo. Đoàn đi sâu vào đảo, đi vòng quanh đảo để trinh sát. Thuyền phó Phạm Văn Phí phụ trách hậu cần có nhiệm vụ tìm hang trên đảo. Hang phải đủ rộng để chứa nhiều chuyến tầu hàng. Phải gần bờ để bốc hàng lên, bốc xuống nhanh, thuận lợi. Tìm vũng, eo biển đủ sâu để thả hàng v.v... các thông số, vị trí được ghi lại và chụp ảnh. Các bức ảnh là tài liệu mật. Không hiểu sao nó lại được đưa vào tốp 10 ảnh của đoàn tầu không số. Chính vì vậy mà ông mới có cái ảnh này.
Lấy xong số liệu cần thiết ở đảo Song Tử Tây, tầu nhổ neo đi trinh sát tiếp về hướng Nam tới đảo Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa lớn, Bắc Bình rồi đến đảo NaTu Na của Malaysia. Quanh các đảo là những bãi san hô màu sắc rực rỡ. Khi thủy triều xuống sóng dềnh lên dềnh xuống nhìn rất rõ rặng san hô này.
Tầu đè lên dải san hô. Tiếng sẹt sẹt nghe rất rõ. Thủy thủ trưởng Quang hô:
- Cẩn thận mắc cạn. Thuyền trưởng hét vào loa truyền xuống hầm máy:
- Dừng máy.
Thuyền phó Phạm Văn Phí chạy ra mặt boong nhìn xuống nước. Hàng đàn cá nhám còn gọi là cá mập con bơi quanh tầu. Thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm lao vào buồng lái mở hải đồ xem lại vị trí tàu. Báo động. Tất cả cán bộ thủy thủ đều về vị trí chiến đấu. Thủy thủ lăm lăm sào đo sâu. Các chiến sỹ đặc công cũng ra hết boong tầu xem có việc gì? Cán bộ Phòng Hàng hải BTL HQ lao lên ca bin chụm đầu cùng thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm tác nghiệp hải đồ.
Tiếng Thuyền trưởng:
- Thả thuốc phòng cá mập! Buồng dây( thủy thủ ngành mặt boong ) xuống kiểm tra! Thủy thủ trên boong thả thuốc đuổi cá mập. Lũ cá bỏ tầu bơi đi mất. Ba thủy thủ nhảy ùm xuống biển, hai người hai bên mạn tầu, một người phía đuôi tầu. Họ lặn xuống xem tình trạng tầu kẹt vào dải san hô thế nào? Lát sau các thủy thủ báo cáo:
- Toàn bộ con tầu nằm ghếch lên dải san hô! Bánh lái, chân vịt không sao!
Do bãi san hô cụm cao, cụm thấp nên tầu bị nghiêng về một phía.
Trên buồng lái, Hàng hải số 1 báo cáo:
- Tầu nghiêng 32 độ. Anh quay vô lăng lái định cho mũi tàu xoay ra nhưng không được. Tầu đã bị mắc cạn trên dải san hô ven bờ đảo Nam Yết.
Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch hô:
- Trừ thợ máy, hàng hải còn tất cả lên bờ cho nhẹ tầu và chặt cây về chống tầu.
Thủy thủ lên đảo chặt cây bàng vuông. Cây dừa và những cây cau ở đâu trôi về mang về chống tầu. Mỗi một đợt sóng ào đến, con tầu nghiêng rạp hẳn về một bên. Nước trên sàn boong chảy ào ào sang phía đối diện. Hàng cây bàng vuông, thân cây dừa, thân cau chống tầu lại gãy toang toác bởi sức nặng của con tầu. Thủy thủ ai cũng vã mồ hôi trước cái nắng của Trường Sa. Cấp ủy hội ý và gửi điện về xin chỉ thị:
- Xin xả bớt dầu, nước cho tầu nhẹ.
Được cấp trên chuẩn y. Hơn chục tấn dầu được múc ra, đổ xuống biển ngày đó chưa có bơm để bơm dầu ra. Hơn nửa ngày sau, tầu nhẹ dần nổi lên. Thủy triều lên, sóng đánh vào be tầu, con tầu rùng rình rồi trôi lạng ra phía ngoài.
Thoát rồi!
Thuyền trưởng quát trên buồng chỉ huy:
- Lùi 1!
Chân vịt quạt nước sùng sục phía đuôi, con tầu lừ lừ lùi ra khỏi bãi san hô.
Trên ca bin thuyền phó Phạm Văn Phí ôm chầm lấy thuyền trưởng. Thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm lấy bút đánh dấu trên hải đồ tọa độ của bãi san hô tầu V121 vừa mắc cạn.
Thật hú vía!
Mắc cạn đối với tầu biển không phải hiếm nhưng lần này mắc cạn ở rặng san hô lại ở một vùng biển, đảo xa lạ mới đáng sợ.
Tầu vòng về đảo Song Tử Tây chuẩn bị ra về. Thủy thủ bơi xuồng vào đảo nhặt trứng chim hải âu. Một xuồng đầy trứng chim được mang lên tầu. Trứng chim hải âu to như trứng gà, màu trắng điểm đen, ăn ngon nhưng không thơm bằng trứng gà. Sau hơn chục ngày khảo sát quần đảo Trường Sa tầu V121 đã tìm được những vị trí rất thuận lợi cho việc dấu hàng, thả hàng. Các số liệu mang về sẽ được BTLHQ xử lý.
Trên đường về một số trứng chim hải âu đã ấp sắp đến ngày nở đã nở. Những chú chim hải âu mổ vỏ trứng chui ra, chập chững, loạng choạng miệng chíp chíp đi đầy boong, phòng ăn, phòng ngủ trên tầu. Thủy thủ mang một số con ra boong tầu, câu cá cho chúng ăn. Trên tầu có những sinh linh bé nhỏ thật là vui. Một điều vô cùng ngạc nhiên là không hiểu vì sao mà có nhiều chim mẹ xuất hiện, đậu trên ca bin, trên dây ăng ten ríu rít tìm con. Đúng là tình mẫu tử của loài chim chẳng khác gì con người.
Chuyến đi trinh sát thành công, tầu về bến được cán bộ cấp trên biểu dương khen thưởng. Biết đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nghỉ ở Đồ Sơn, Ban chỉ huy tầu đã đến thăm và tặng đại tướng một hộp trứng chim hải âu.
Thuyền phó Phạm Văn Phí sau được phong trung úy và điều động sang làm thuyền trưởng tàu V603, V609, V685, V674. Mới nhận V674 vài ngày anh bị thương do kiểm tra mìn gắn trên tầu. Kíp mìn nổ, ông bị thương vào mắt, được đưa về bệnh viện 5/8 cấp cứu. Năm 1978 ông ra quân với quân hàm trung úy.
Nhiều năm qua đi nhưng kỷ niệm về chuyến đi trinh sát ở quần đảo Trường Sa sống mãi trong lòng ông.
Năm 1988 tầu HQ505, HQ604, HQ605 đã hy sinh anh dũng cùng 64 chiến sỹ trên đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Họ đã trở thành bất tử.
Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các anh.
Thuyền trưởng phạm Văn Phí và tập thể tầu V121 năm xưa rất vinh dự là những chiến sỹ HQ.NDVN đầu tiên đến quần đảo Trường Sa, mở đường cho các con tầu Hải quân khác đến chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc năm 1988.
Hà Nội ngày 14/3/2024
Tống Hồng Quân