Âm nhạc là một sản phẩm sáng tạo của con người và chúng mang theo mình rất nhiều chức năng. Để có một sản phẩm sáng tạo âm thanh, trước hết phải kể đến các nhạc sĩ, người đã dành những cảm xúc, cung bậc tình cảm cũng như các bối cảnh, hoàn cảnh để viết ra những tác phẩm. Bên cạnh đó, các tác phẩm âm nhạc hay có được tiếp cận đến người nghe, đến công chúng hay không còn phụ thuộc vào người nghệ sĩ biểu diễn. Nếu như nói tác phẩm âm nhạc là sự sáng tạo của nhạc sĩ, thì nghệ sĩ biểu diễn là người sáng tạo lần thứ hai. Vì không có sự bày tỏ tài tình về mặt kỹ thuật biểu diễn, sắc thái,.. của nguời nghệ sĩ, tác phẩm dù có hay đến mấy cũng có khó mà chạm đến trái tim những khán thính giả.
Khi nói đến tiểu sử của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, ta dễ thấy vì sao Opera lại là trọng tâm của Mozart, ca khúc lại là thể loại chủ đạo của Schubert. Với Tchaikovsky, tính chất trong các tác phẩm của ông nằm trong nhiều cách thức thể hiện về thế giới tưởng tượng được lý tưởng hoá của ballet cổ điển. Cảm xúc mạnh mẽ, phản ánh đa chiều và nhiều màu sắc về con người, cuộc sống đã lan toả trong hầu hết các tác phẩm âm nhạc của ông, kể cả trong những bản giao hưởng bất hủ.
Các sáng tác của Tchaikovsky không chỉ nổi bật với những thanh âm cho điệu nhảy mà còn thể hiện được chất Nga, nét tinh tế qua việc khai thác các kỹ thuật khó trong tác phẩm. So với các nhà soạn nhạc cùng thời, các tác phẩm của Brahms hay Mendenson đều mang những giai điệu rất hay, cuốn hút, nhưng cách chơi lại không quá khó và không phô bày ra được nhiều những kỹ thuật, biểu cảm tinh tế, thẩm mỹ của người nghệ sĩ biểu diễn. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do mà cuộc thi mang tầm cỡ thế giới được chọn là “Tchaikovsky Concert”.
Để làm nổi bật hơn về cách thể hiện tác phẩm của Tchaikovsky, tôi xin phép chọn 3 nghệ sĩ làm đối tượng phân tích, đó là: Suwannai, Dogadin và Repin. Cả ba người nghệ sĩ kể tên trên đều là những nghệ sĩ biểu diễn tài ba, họ đã rất xuất sắc đạt giải quán quân trong cuộc thi danh giá “Tchaikovsky Competition” qua các năm.
* Tác phẩm do Repin chơi
Vadim Repin sinh năm 1971, là một nghệ sĩ vĩ cầm người Nga. Ông đã chiến thắng cuộc thi Quốc tế Tchaikovsky. Sau khi nghe một trong những màn trình diễn của Repin, nghệ sĩ violin Yehudi Menuhin nói: “Vadim Repin đơn giản là nghế sĩ violin xuất sắc nhất và hoàn hảo nhất mà tôi từng có cơ hội được nghe”. Những gì mà khán giả dễ nhìn thấy khi thưởng thức tác phẩm của Repin chơi, đó là kỹ thuật cao, được thể hiện một cách rất xuất sắc.
* Tác phẩm do Suwannai chơi
Akiko Suwannai sinh năm 1972, là nghệ sĩ vĩ cầm cổ điển Nhật Bản. Cô đã giành chiến thắng tại cuộc thi Tchaikovky quốc tế năm 1990 và cũng trở thành người chiến thắng trẻ tuổi nhất trong số các nghệ sĩ đạt giải quân cuộc thi Tchaikovsky quốc tế nói chung và 3 nghệ sĩ được lựa chọn phân tích nói riêng.
Tác phẩm do Dogadin chơi
Sergei Dogadin sinh năm 1988, là một nghệ sĩ vĩ cầm người Nga. Ông sinh ra trong gia đình âm nhạc và bắt đầu học violin từ năm 6 tuổi. Ông đã đạt nhiều giải tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế. Sau 8 năm đạt giải nhì tại cuộc thi Tchaikovsky, Dogadin đã giành được giải nhất vào năm 2019. Là người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất Nga nên “chất Nga” được thấm nhuần trong các giai điệu, các nét nhạc ông chơi.
*
Trên thực tế, âm nhạc của Tchaikovsky mang đậm sắc thái Nga nhưng cũng thấm nhuần tinh thần của ông đối với Mozart và chịu ảnh hưởng từ những nhà soạn nhạc nổi tiếng ở Tây Âu khác, đặc biệt là âm nhạc Pháp của Bizet và Saint-Seans. “The violin concertto in Dmajor, Op.35” là bản concerto cho vĩ cầm duy nhất của Tchaikovky, sáng tác năm 1878 và là một trong những bản hoà tấu violin nổi tiếng nhất.
Tác phẩm mở đầu với Chương I, Allegro moderato được viết ở giọng rê trưởng. Nét nhạc nhẹ nhàng, tinh tế, lôi cuốn đã được các nghệ sĩ thể hiện theo nhiều cách sáng tạo khác nhau. Suwannai xử lý kỹ thuật khéo léo, tinh tế, với lợi thế của những ngón tay nhỏ thó. Repin lại chọn cách thể hiện sắc thái, cá tính riêng rất rõ rệt ngay từ những nét nhạc đầu tiên. Mặc dù chương mở đầu không có quá nhiều các phần âm thanh to dần - nhỏ dần hay các cặp âm thanh đối lập forte – piano, nhưng ông đã rất khéo léo để khiến đoạn nhạc trở nên êm ái và chuyện động mượt mà hơn. Cách thể hiện âm nhạc của Repin khiến người nghe cảm thấy sự chuyển động và có hơi thở. Tuy vậy, Dogadin cũng có cách chơi độc đáo so với hai nghệ sĩ tài năng kể trên. Ông đã chọn cách chơi chương 1 hơi chậm hơn một chút khiến âm nhạc trở nên da diết, sâu lắng hơn.
Tiếp đến là Chương II, Canzonet Andante, được viết ở giọng đô thứ. Đây là chương chậm trong tác phẩm. Suwannai thể hiện rõ nét âm nhạc sắc nét, tươi sáng, linh hoạt. Ở chương II này, cô cũng thể hiện những đường đi của Crescendo rõ ràng và nhiều hơn một chút so với hai nghệ sĩ nam. Dogadin lại có cách chơi sâu lắng bằng việc thể hiện rõ ràng hơn sự đối lập trong sắc thái. Những đoạn nhạc chơi nhẹ (p) đã được ông chơi nhẹ hơn, những đoạn forte (f) cũng được ông chơi mạnh hơn so với thông thường. Repin vẫn tiếp tục khẳng định cá tính và cách chơi ở tầm kỹ thuật cao. Chất trữ tình và hơi thở của âm nhạc được ông thể hiện rõ nét hơn nữa trong chương chậm này.
Kết thúc tác phẩm là Chương III, Finale: Allegro Vivacissim, được viết ở giọng rê trưởng. Chương cuối mang không khí của buổi lễ hội, tuy có nội dung âm nhạc khác với các chương trước nhưng giai điệu lại có phần liên kết với chương trước, chứ không tách rời như các bản concerto thông thường. Suwannai đã tạo cho người nghe cảm giác chỉn chu, chính xác nét giai điệu kịch tính bằng việc thể hiện tốt kỹ thuật non-legato, legato và pizzicato. Âm nhạc của cô phát triển và ngưng nghỉ rõ ràng, mạch lạc. Và có lẽ với một chương nhạc chứa đựng nội dung bi kịch, được thể hiện qua tiết tấu nhanh, giai điệu sáng, sắc nét, Suwannai đã khiến người nghe cảm nhận được sự dí dỏm trong chương III này. Dogadin vẫn chơi một cách sâu lắng, những nốt giữa và cuối của đoạn nhạc có phần dài hơn về mặt trường độ âm thanh. Điều này lại càng khiến chương cuối có được nét giai điệu có điểm nhấn và đọng lại nhiều hơn với khán giả. Tuy vậy, giai điệu của ông vẫn hoà quyện, hoà hợp với dàn nhạc chứ không hề bị phân tách. Repin vẫn là nhạc sĩ chơi tốt nhất và ở tầm cao so với hai nghệ sĩ còn lại. Ở chương cuối của tác phẩm, ông thể hiện tốt hơn thế nữa bằng việc chơi những đường nét giai điệu dày dặn, chắc nịch. Ông vẫn thể hiện xuất sắc cá tính và kỹ thuật trong cách chơi, nhưng có thể thấy, khả năng của Repin thực sự vượt trội so với quy mô của cuộc thi này.
Có thể nói, với cùng một tác phẩm âm nhạc, các nghệ sĩ khác nhau tuy biểu diễn đúng về mặt kỹ thuật, sắc thái trên bản nhạc, nhưng mỗi người lại tạo nên một âm hưởng, cá tính khác nhau. Đó là cái “tôi” của một người làm nghệ thuật nói chung và người nghệ sĩ nói riêng. Âm nhạc và nghệ thuật là sự sáng tạo vô biên giới, chúng không phải những điều máy móc, rập khuôn như các sản phẩm đại trà, công nghiệp. Cách cảm nhận của người nghe cũng không ai giống ai, nên lại tạo ra nhiều hơn nữa về sức tưởng tượng, sáng tạo đối với một tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, người nhạc sĩ sáng tác ra một tác phẩm là sự sáng tạo nghệ thuật lần thứ nhất; người nghệ sĩ thể hiện tác phẩm là sự sáng tạo lần thứ hai; và sự cảm nhận, đóng góp ý kiến cá nhân của người nghe là sự sáng tạo lần thứ ba.