VH&PT - Sau thời gian gián đoạn vì Covid 19, Nhà hát Tuổi trẻ đã trở lại với những lịch diễn dày đặc, liên tiếp, đặc biệt là các vở kịch dành cho thiếu nhi trong dịp 1/6 này. Một trong những vở nổi tiếng đó chính là “Bầy chim thiên nga”.
“Bầy chim thiên nga” là tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Andersen, xuất hiện lần đầu năm 1838. Câu truyện tập trung xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật nàng công chúa Li-dơ xinh đẹp, với một trái tim ấm áp, nhân hậu, vị tha. Nàng công chúa nhỏ bé với sự hy sinh lớn lao đã không ngại khó khăn, khổ cực về cả thể xác lẫn tinh thần để đan những chiếc áo làm từ sợi cây tầm ma, nhằm hóa giải lời nguyền của mụ phù thủy độc ác, đưa các anh đã bị biến thành thiên nga trở lại làm người.
Với một cốt truyện hết sức nhân văn và mang tính giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ đã thể hiện thành công một tác phẩm văn học được chuyển thể thành tác phẩm nhạc kịch, sân khấu, dưới sự chỉ đạo của Biên kịch, nhà thơ, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến và Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết.
Ở mỗi một câu truyện cổ tích có chứa các yếu tố thần thoại, phép màu, sự biến hóa, hay xây dựng hình ảnh đối lập giữa thiện và ác - công chúa, hoàng tử, bà tiên với mụ phù đều mang lại sức hút và sự bất ngờ cho trẻ em. Nếu như tác phẩm văn học dùng thật nhiều những tính từ để miêu tả chi tiết về khung cảnh, nét tâm trạng nhân vật, thì khi chuyển thể sang tác phẩm sân khấu, các yếu tố như: diễn xuất, sắc thái, giọng nói, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng,… lại đóng góp phần lớn trong việc đem lại thành công cho tác phẩm.
Yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định sự thành công của các tác phẩm nhạc kịch kinh điển nói chung và “Bầy chim thiên nga” nói riêng chính là âm nhạc. Âm nhạc trong “Bầy chim thiên nga” được thể hiện hết sức tinh tế, khéo léo khi kết hợp giữa nhạc cổ điển và đương đại, giữa thanh nhạc và khí nhạc, sự đa dạng về cách phối khí cũng như phong cách thể hiện. Ta bắt gặp rất nhiều những giai điệu “cổ điển” quen thuộc như Hồ thiên nga của Tchaikovsky; những giai điệu hiện đại như “I see the light”,… nay đã được viết thêm lời tiếng Việt và phối lại nhạc mang màu sắc tươi trẻ, mới lạ, hợp trend, nhằm tiếp cận các khán giả nhí dễ dàng hơn. Thậm chí, còn có những tác phẩm được sáng tác riêng cho vở nhạc kịch, như “khúc ca cuộc đời” (Trần Lệ Chiến),… khiến việc khắc họa bối cảnh, nhân vật, truyền tải thông điệp được rõ ràng, sắc nét hơn.
Nghệ thuật trình diễn cũng là yếu tố quyết định không hề nhỏ trong tác phẩm. Các nghệ sĩ không chỉ thể hiện xuất sắc giọng hát, giọng nói của mình với màu sắc đặc trưng, cá tính riêng của từng nhân vật, mà còn thực hiện rất thành công các vũ đạo múa, nhảy. Đây cũng là điểm mạnh của ekip Nhà hát tuổi trẻ khi có đầy đủ các yếu tố Ca – Múa – Nhạc – Kịch.
Sân khấu được dàn dựng với những tấm phông lớn hai lớp, màn hình chiếu điện tử, các đạo cụ và phần chuyển cảnh nhịp nhàng, đã khiến cho bối cảnh trở nên sinh động, chân thực, dễ xem, dễ hiểu và có chiều sâu hơn. Kịch bản ánh sáng cũng hết sức công phu tỉ mỉ khiến các khán giả hò reo, háo hức với những màn trình diễn vui nhộn, sinh động. Hay cả những cảm xúc bất ngờ khi đèn sân khấu tắt hết lúc chuyển cảnh, sự tập trung cao độ với một chiếc đèn lớn rọi vào nhân vật, nhằm khắc họa chi tiết tâm trạng, cảm xúc nhân vật.
Tất cả những yếu tố đó đã khiến người xem đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, từ vui vẻ, phấn khởi, háo hức cho đến những cảm xúc lo lắng, hồi hộp, thậm chí là căm ghét khi nhân vật chính – nàng công chúa Li dơ bị người xấu hãm hại, vu oan. Các tình tiết được đẩy lên cao trào khi công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu, âm nhạc mang tính chất kịch tính, màu sắc u tối. Nhưng sau đó cái thiện đã chiến thắng cái ác, phân cảnh Li dơ xinh đẹp có được một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên vua cha và các anh đã tạo ra “nút mở” cho câu chuyện. Đến đây, âm nhạc lại trở nên tươi sáng, nhí nhảnh trở lại.
Tác phẩm nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” không chỉ mang lại niềm vui vẻ, hứng khởi, sự đa dạng về cảm xúc, mà còn mang tính giáo dục, nhân văn cao. Cụ thể là sự giáo dục về nhân cách sống, tiếp cận nền giáo dục âm nhạc chuyện nghiệp sớm, khả năng quan sát, phán đoán, cũng như cách thể hiện cảm xúc cá nhân. Tính nhân văn trong tác phẩm cũng được thể hiện tinh tế khi Li-dơ tha thứ do mụ phù thủy độc ác đã từng hãm hại cô và gia đình. Lấy lao động để làm hình phạt chứ không chọn sự chết chóc. Và có lẽ, câu nói cuối cùng kết lại vở nhạc kịch khiến các khán giả nói chung và các em nhỏ nói riêng phải ghi nhớ mãi, đó chính là: “Điều bất hạnh nhất của con người không phải là không có quyền lực hay ăn sung mặc sướng, mà điều bất hạnh nhất là không được mọi người yêu thương, ghi nhận”
Có thể nói, ekip thực hiện “Bầy chim thiên nga” với hơn 40 nghệ sĩ đã thể hiện hết sức thành công tác phẩm nhạc kịch được chuyển thể từ thể loại văn học. Nhạc kịch là một thể loại chưa thực sự phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, cũng như khó tiếp cận, ngay cả với người lớn, nhưng các biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ đã cháy hết mình, nhằm gửi gắm thông điệp cũng như nỗi niềm trăn trở với thế hệ trẻ: “Các con xứng đáng được thừa hưởng sự phát triển về thể chất, nhân cách. Không chỉ vui vẻ, yêu đời mà còn phải học cách sống, cách làm người có ích cho gowin99 ”.
Thiết kế & Concept: Bình An