Giải thích thế nào cũng không được, cực chẳng đã, Mayer đành trở lại văn phòng đặc biệt, mở két hồ sơ mật để lấy ra bản kế hoạch truyền tin của kế hoạch Kingpin cho Vogt xem. Lúc đó ông ta mới chịu ký bức điện để trình lên Đô đốc Moorer. Ông này ký bức điện xong lại trình tiếp lên Laird... Và bức điện đó được Bộ tổng Tham mưu hỗn hợp chuyển đi lúc 17 giờ 30 phút, qua hệ thống hỏa tốc đặc biệt...
Lúc 18 giờ 00 phút, trên đường từ Lầu Năm Góc về nhà, Blackburn lo lắng nghĩ tới tin tức của cơn bão Patsy rất mạnh với sức gió trên 100 dặm một giờ đang đổ bộ vào Manila và có khả năng sẽ chuyển hướng Tây, ảnh hưởng tới vùng Đông Dương. Các bức ảnh chụp của các vệ tinh cho thấy một bộ phận không khí lạnh đang từ Trung Quốc tràn về miền Bắc Việt Nam... các yếu tố đó có thể tạo nên một vùng thời tiết xấu, gây bất lợi cho cuộc tập kích.
Vừa về đến nhà chưa ngồi ấm chỗ, Blackburn đã nhận được điện thoại nóng từ Lầu Năm Góc do Phó Đô đốc James C. Donaldson gọi đến thông báo về việc có một cú điện thoại từ Bộ chỉ huy chiến lược Không quân (SAC) ở Đông Nam Á gọi về hỏi thêm thông tin về Một cuộc hành quân nào đó sẽ được tiến hành sớm và kế hoạch tiếp liệu cũng như đường bay trinh sát cần phải lập lại... mà họ chưa hiểu. Blackburn kinh ngạc, vội lao ra xe phóng trở lại Lầu Năm Góc để chấn chỉnh lại hệ thống truyền tin cực kỳ sơ hở, rất dễ bại lộ này...
Trở về nhà lúc quá nửa đêm, nhưng Blackburn chỉ ngủ được vài tiếng. Tới 4 giờ 11 phút sáng ngày 19 tháng 11 năm 1970, ông ta đã bị dựng dậy bởi công điện của Manor gửi về thông báo là toán của Simons đã sẵn sàng, nhưng thời tiết vùng trời Đông Dương đang xấu đi một cách đáng lo ngại!
Tới 16 giờ 30 phút cùng ngày, Tướng Bennett của DIA điện cho Blackburn đến ngay văn phòng của Đô đốc Moorer. Lầu Năm Góc vừa nhận được một tin tình báo từ Hà Nội đưa về: Hình như tất cả tù binh Mỹ ở trại “Hy vọng” Sơn Tây đã được chuyển đi nơi khác? Cả Moorer và Blackburn cùng chết lặng người đi khi nghe thông báo này.
- Lạy Chúa! - Moorer thốt lên - Họ nói với chúng ta chuyện vớ vẩn gì vậy!
- Một lũ điên khùng! Đừng tin họ!
Blackburn cũng không tin điều này, hay nói chính xác hơn là ông ta không muốn tin! Lệnh thi hành đã được gửi đi 24 giờ trước đó. Chiến dịch Bờ biển Ngà nhất định phải được thi hành, cho dù khó khăn đến đâu!
Nguồn tin xấu nói trên là do các chuyên viên DIA lấy từ bao thuốc lá Điện Biên của một người tên là Nguyễn Văn Hoàng chuyển cho Alfred -một thành viên của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát đình chiến (ICC) kiêm gián điệp thuê của Mỹ, mang từ Hà Nội về. Khi gói thuốc lá này được các chuyên gia DIA ở Washington phân tích, họ đã nhận thấy nó được dùng mã khóa của các tù binh để thông báo số lượng tù binh trong các trại. Điều đặc biệt là họ đã không thấy “Hy vọng” Sơn Tây trong danh sách các trại giam, mà khoảng 150 tù binh đã xuất hiện trong một trại giam mới, có tên là “Đông Hồi”.
Blackburn đã không tin vào kết luận này. Ông ta đề nghị Moorer cho phép báo cáo lại vào lúc 6 giờ 00 phút ngày hôm sau, trước khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ có quyết định nên hoãn cuộc tập kích hay không.
Để kiểm tra các kết quả phân tích nguồn tin, Blackburn điện cho Mayer yêu cầu làm lại từ đầu. Nhưng lúc đó đã là 17 giờ 30 phút, tất cả các chuyên viên thuộc phòng 2D 921 của DIA đã về nhà hết...
- Gọi tất cả bọn họ quay trở lại văn phòng làm việc! - Blackburn gào lên trong máy - Ngay trong đêm nay tôi phải có kết quả!
3 giờ 56 phút ngày 20 tháng 11 năm 1970, một công điện của Manor từ Đà Nẵng gửi về Lầu Năm Góc với nội dung: Cuộc tập kích sẽ được tiến hành sớm hơn 24 giờ so với kế hoạch. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã được thông báo. Simons và đơn vị của ông ta đã sẵn sàng lên máy bay!
Mặc dù đang ngái ngủ và trời còn tối đen, Blackburn và Mayer vẫn lên xe ô tô phóng như bay đến ngay phòng làm việc ở Lầu Năm Góc.
Việc đầu tiên Tướng Blackburn làm là lệnh cho Mayer gọi tất cả các sĩ quan trực trong Trung tâm chỉ huy đến để thông báo cho họ biết kế hoạch Kingpin sẽ được thi hành ngày hôm đó.
5 giờ 00 phút sáng, Blackburn đẩy mạnh cửa bước vào phòng làm việc của nhóm chuyên viên phân tích của DIA. Tất cả bọn họ đều lộ rõ sự mệt mỏi vì thiếu ngủ.
- Tôi không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa! - Giọng Blackburn gay gắt - Các anh hãy trả lời ngắn gọn: “Có” hoặc là “không”?
Một số người lúng túng. Họ ú ớ trả lời bừa:
- Có... Nhưng mà...
- Sao đã “có”, lại còn “nhưng mà” - Blackburn cắt ngang - Thật là vớ vẩn! Các anh có biết rằng mình đang tham dự vào một trò chơi nguy hiểm không? Mỗi giây phút này đều ảnh hưởng tới sinh mạng của hàng trăm con người ở bên kia Thái Bình Dương đấy!
Đã đến giờ Blackburn phải đi gặp Moorer. Tướng Bennett cũng đến với hai cặp tài liệu kè kè trên tay. Khi được hỏi ý kiến trước, chính ông này đã ngập ngừng, trả lời nước đôi:
- Cặp tài liệu bên tay trái tôi khẳng định rằng các tù binh của chúng ta đã được chuyển khỏi Sơn Tây; nhưng cặp tài liệu bên tay phải tôi thì chứng minh ngược lại...
- Thế theo anh, chúng ta sẽ làm gì?
- Tôi đề nghị cho thi hành chiến dịch!
Blackburn cảm thấy nhẹ cả người.
Trong bữa ăn sáng, Moorer đã báo cáo với Laird về các tin xấu đối với kế hoạch Kingpin. Tuy nhiên, ông ta cũng nhấn mạnh là vẫn còn 50% hy vọng...
Laird đã phải cân nhắc một cách khó khăn đối với hai quyết định hệ trọng về kế hoạch Kingpin đang đặt trên bàn ông ta. Nếu quyết định thi hành thì phải gửi đi trước 09 giờ 18 phút (giờ Washington), còn nếu quyết định hoãn thi hành, thì chậm nhất là 10 giờ 08 phút phải gửi đi.
Không thể đừng được nữa, Laird dùng đường dây đặc biệt gọi đến Nhà Trắng xin được nói chuyện với Richard Nixon. Ông ta trình báo với Tổng thống Mỹ về những tin tức bi quan vừa nhận được...
Nhưng Laird cũng nhấn mạnh những điều thúc bách cần phải giải cứu tù binh và chưa phải đã hết hy vọng về sự thành công.
Richard Nixon đồng ý tiếp tục cho thực hiện kế hoạch Kingpin, với yêu cầu là thường xuyên thông báo diễn biến cho ông ta nắm được.
BÍ MẬT ĐẾN PHÚT CUỐI CÙNG VÀ CUỘC TẬP KÍCH ĐÃ MỞ MÀN NHƯ THẾ!
Đúng 3 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 1970 (tức hơn 12 giờ trưa, giờ Washington), tại Thái Lan, Manor và Simons đã cùng có mặt tại phi trường Takhli - Một căn cứ không quân khá hiện đại hồi ấy - để đón các toán tập kích. Họ vừa phải vượt qua một chặng đường dài hơn 9.500 dặm với 23 giờ bay mệt mỏi. Sau khi bước xuống cửa sau của chiếc C-141, cả đơn vị biệt kích Mỹ được dồn vào hai chiếc xe buýt bịt kín mít, chạy thẳng về một doanh trại vắng vẻ nhưng kín đáo và được bảo vệ chặt chẽ.
Cho đến thời điểm này, ngoài Manor và Simons ra, trong cả đơn vị biệt kích chỉ có 3 người nữa là Cataldo, Sydnor và Meadows được biết mục tiêu của cuộc tập kích. Những người khác chỉ mơ hồ phỏng đoán là mình đang có mặt tại một địa điểm nào đó ở vùng Đông Nam Á.
Theo lệnh của chỉ huy, họ được ngủ đúng 6 tiếng đồng hồ cho lại sức. Không ai được hỏi và không được phép tò mò bất cứ chuyện gì! Thời gian còn lại họ được nhắc nhở về kỷ luật, sau đó là ôn luyện các bài tập chiến đấu và chuẩn bị vũ khí, trang bị... nghĩa là họ không được quyền lãng phí thời gian dù chỉ một phút.
Lúc 03 giờ 30 phút sáng 19 tháng 11 năm 1970, tướng Manor bị đánh thức để trao một bức điện hỏa tốc tối quan trọng. Đó chính là bức điện thông báo Tổng thống Mỹ chấp thuận cho tiến hành cuộc tập kích Sơn Tây.
Manor hiểu rằng kể từ giờ phút này, ông ta đóng vai trò quyết định sự thành bại của kế hoạch Kingpin!
Lúc 06 giờ 25 phút sáng cùng ngày, Manor điện cho Đô đốc Bardshar trên tàu sân bay Oriskany: NCA đã chấp thuận… Có nghĩa là lực lượng máy bay nghi binh của Hải quân sắp vào cuộc chơi! Cách đó ít ngày, nhiều Phi công trong đơn vị thuộc quyền của Bardshar đã nhận được lệnh đặc biệt với nội dung kỳ quặc: Những máy bay đi oanh tạc Hải Phòng, Quảng Ninh... lần này không được phép dùng đạn đối đất, mà chỉ dùng... pháo sáng và... tên lửa gây nhiễu!
Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, kể từ ngày 31 tháng 10 năm 1968, mới lại có những hoạt động quy mô lớn đến thế của Hải quân Mỹ trên vùng trời miền Bắc Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia thời tiết: Đến tối thứ Bảy, 21 tháng 11 năm 1970, cơn bão Patsy chỉ còn cách Việt Nam khoảng 100 dặm. Nó đang kéo theo một trận cuồng phong dữ dội càn quét vùng trời phía Nam của Đông Nam Á; cộng thêm một bộ phận không khí lạnh có khả năng tràn về miền Bắc Việt Nam... Nếu đợi đến ngày ấy mới xuất phát thì các chuyến bay sẽ không thể cất cánh được vì trời đầy mây, gió lớn, đêm không có ánh trăng... Và tình trạng thời tiết xấu này sẽ kéo dài suốt cả tuần sau đó. Chỉ còn đêm 20, rạng ngày 21 tháng 11 năm 1970 là thời điểm duy nhất. Và Manor đã quyết định chọn thời điểm đó cho cuộc xuất kích.
15 giờ 56 phút ngày 20 tháng 11 năm 1970, Manor gửi công điện cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Trung tâm chỉ huy của Lầu Năm Góc thông báo về ngày giờ thi hành kế hoạch Kingpin. Ngay sau đó, ông ta đáp máy bay về Bộ chỉ huy cuộc tập kích đặt tại Đà Nẵng...
Cùng ngày hôm đó, sau bữa cơm trưa, bác sĩ Cataldo đã bắt tất cả mọi người lính trong đơn vị biệt kích đều phải uống một liều thuốc ngủ nhẹ và... lên giường nhắm mắt lại. Đến 17 giờ, họ được đánh thức dậy ăn bữa tối. Cataldo đã khuyên tất cả ăn thật nhiều để có đủ sức khỏe xuất kích trong đêm. 18 giờ, toàn đơn vị tập trung nghe phổ biến mệnh lệnh hành quân. Lần đầu tiên những lính Mỹ trong đơn vị biệt kích này được biết sự thật: Chúng ta sẽ trực tiếp tham gia giải cứu khoảng 70 tù binh Phi công Mỹ ở trại giam Sơn Tây, mục tiêu nằm trong lãnh thổ Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 40 km về hướng Tây... Sau khi đọc mệnh lệnh và giải thích nhưng điều cần thiết, Simons nói hết sức ngắn gọn như thế.
Những người lính tập kích theo lệnh buộc phải gửi lại toàn bộ tiền bạc, giấy tờ và vật dụng cá nhân... Họ lại được chiếc xe buýt bịt kín, đưa ra phi trường trong im lặng. Trước khi bước lên chiếc máy bay vận tải C-130 loại 4 máy đã chờ sẵn, mọi người được lệnh kiểm tra lại vũ khí trang bị lần cuối.
Chiếc C-130 lăn bánh ra đường băng lúc 22 giờ 32 phút để bay đến Udon. Tại đây, dưới sự chỉ huy của Manor, các toán tập kích được chuyển sang 3 trong 5 chiếc trực thăng HH-53 đang chờ sẵn. Cạnh đó là 2 chiếc tải thương C-141 sẽ được sử dụng để chở tù binh khi đến Sơn Tây.
23 giờ 25 phút, từ Đà Nẵng, tướng Manor báo cáo về Lầu Năm Góc: Chiếc trực thăng HH53 cuối cùng mang theo các toán xung kích rời sân bay Udon lúc 23 giờ 18 phút... Kế hoạch Kingpin đã mở màn!
(Còn nữa)
Đ.V.H
______
Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...
Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.
Theo Trái tim người lính