Chiến tranh đã tàn phá đất nước Việt Nam mấy chục năm, nên đời sống của bộ đội và nhân dân Việt Nam ngày đó cũng còn bao khó khăn cơ cực. Mặc chưa đủ ấm, ăn chưa đủ no, bữa cơm thường nhật của các gia đình đều phải dùng thứ độn nhiều hơn gạo; nhưng vẫn cùng nhau thắt lưng buộc bụng và gồng mình, dồn sức cho chiến trường đánh giặc...
Ông Lê Việt Tiến, nguyên Phó trưởng Ty Công an Hà Tây nhớ lại: Mỗi tù binh Phi công Mỹ ở trại “Hy Vọng” của Sơn Tây hồi đó vẫn được hưởng mức ăn tới 7 đồng mỗi ngày. (Đây thực sự là một cố gắng rất lớn của Chính phủ ta, nếu bạn đọc biết rằng một cán bộ của Ty Công an Hà Tây hồi đó ăn bếp tập thể chỉ với chế độ... 0,5 đồng một ngày; còn ông Trưởng Ty Công an tỉnh thì lĩnh lương tháng cộng tất tật các khoản cũng chỉ vẻn vẹn có... 115 đồng!). Tuy nhiên, dù đã cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện chính sách nhân đạo đối với tù binh Mỹ, thì nơi đây vẫn là thiếu thốn đủ thứ tiện nghi sinh hoạt đối với họ.
Ước mơ lớn nhất của các tù binh ở trại "Hy Vọng" là sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Họ tự hiểu rằng việc “vượt ngục trốn trại" ở đây chỉ là chuyện điên rồ và vô vọng!
Một lần, đại uý Richard Brenneman lợi dụng việc chôn cột bóng chuyền đã trèo lên cao để nhìn ra ngoài qua bức tường rào. Anh ta phát hiện ra vị trí của trại “Hy Vọng” nằm biệt lập giữa cánh đồng, rất xa khu vực dân cư.
Một số tù binh khác cũng nhân lúc bộ đội ta canh gác sơ hở đã trèo lên tường rào nhìn vội ra ngoài... Rồi họ đã cùng chắp nối lại những gì quan sát được. Họ đã hình dung ra nơi họ bị giam nằm giữa cánh đồng lúa, có đê điều bao quanh và rất gần một dòng sông; cách vài trăm mét về phía nam còn có cả một trạm biến thế điện, xa hơn nữa là một khu nhà có vẻ như bệnh xá, trường học hay một trại an dưỡng gì đó. Và ngoài tường rào phía tây của trại là một trạm bơm nhỏ...
Một tù binh bỗng nêu lên ý nghĩ: Giá như có một lực lượng “giải thoát”? Đúng, chỉ có cách giải thoát là biện pháp tốt nhất! Nhưng làm cách nào để có được lực lượng đến giải thoát nơi đây?
Các tù binh Mỹ đều biết rằng, hầu như tuần nào cũng có máy bay trinh sát bay qua vùng trời này để chụp ảnh, phát hiện các mục tiêu cần đánh phá trên miền Bắc Việt Nam. Vậy thì phải tìm cách báo hiệu cho các chuyên viên nghiên cứu ảnh biết nơi đây là trại giam tù binh Mỹ... Bởi vì nếu nhìn từ trên không xuống, với những dãy nhà nhỏ có tường bao quanh, Trại giam “Hy Vọng” cũng chỉ giống như một trường học, một nhà kho, hay một nông trại dùng để nhốt gà vịt bình thường khác.
Hy vọng “có thể được giải thoát” đã loé lên trong đầu mỗi tù binh, và họ đã bàn nhau tìm mọi cách để báo cho các máy bay trinh sát của quân đội Mỹ chụp ảnh được tín hiệu cấp cứu và lời khẩn cầu của họ.
Lợi dụng những khi lao động đào giếng, đào rãnh và chuyển đất đá, các tù binh Phi công Mỹ đã cố tình đổ đất mới tạo nên những hình ảnh khác thường.
Thậm chí khi phơi quần áo sau lúc tắm giặt họ cũng nghĩ cách làm sao để tạo thành các chữ viết tắt như SOS (cấp cứu), K (hãy đến cứu chúng tôi), hay SAR (tìm và giải thoát), để các chuyên gia nghiên cứu ảnh chụp từ máy bay dễ nhận thấy nhất...
Và tất cả những sự cố gắng nỗ lực đó đã không phải không có tác dụng!
Tháng 10 năm 1966, sau hơn hai năm tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, lực lượng Không quân Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề. Phía Mỹ cho rằng họ đã có tới 264 Phi công bị bắn rơi. Nhưng một điều rất đáng lo ngại là trong số 264 Phi công đó, chỉ có một số người “may mắn” được phía Việt Nam bắt sống. Số còn lại được coi như đã mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ.
THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẶC NHIỆM NGHIÊN CỨU GIẢI THOÁT TÙ BINH MỸ
Trước sự thúc ép của dư luận, nhất là của gia đình các Phi công, một cuộc họp bất thường đã được Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức với thành phần gồm một số chuyên viên tình báo và chuyên viên giải thoát tù binh của nhiều đơn vị hữu quan. Mục đích của cuộc họp là tìm ra được phương pháp hữu hiệu thu thập thông tin về tù binh Phi công Mỹ bị bắt và bị mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ. Trước mắt, có hai việc cần phải tiến hành ngay: Thứ nhất, xác định danh sách những Phi công sau khi bị bắn rơi đã bị bắt làm tù binh, để mối quan tâm lo lắng của gia đình họ được vơi đi phần nào. Thứ hai, xác định được vị trí của những trại tù binh Phi công để đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom bắn phá của quân đội Mỹ. Họ rất sợ vì “dư thừa bom đạn”, nên không khéo sẽ xảy ra chuyện “gậy ông lại đập lưng ông”!
Và sau này, chính điều sợ hãi của người Mỹ ấy đã được phía Việt Nam tận dụng để “tương kế, tựu kế”: dùng nơi giam giữ Phi công Mỹ để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu nhất: Ví dụ trại giam khu vực Fafim cạnh Ngã Tư Sở rất sơ sài (Phi công Mỹ gọi hài hước là “Sở Thú”) có tác dụng bảo vệ Khu công nghiệp lớn Cao-Xà-Lá cùng Nhà máy Công cụ số 1, lớn nhất của Hà Nội hồi đó. Còn trại giam ở phố Lý Nam Đế thì để bảo vệ khu vực “Nhà Con Rồng” - Cơ quan đầu não của Bộ Quốc phòng…
Kể từ đó, những cuộc họp có nội dung như trên đã được thường xuyên tổ chức hàng tuần tại Trung tâm không quân của Lầu Năm Góc. Chủ tọa các phiên họp này do CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) và DIA (Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ) phối hợp; tham gia còn có đại diện các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, FBI (Cục Điều tra Liên bang), Cơ quan Mật vụ và cả đại diện của Bưu điện Liên bang Mỹ...
Đồng thời với những cuộc họp được thường xuyên tổ chức đó là một chiến dịch săn lùng, kiếm tìm ráo riết của các lực lượng tình báo và kỹ thuật Mỹ, được huy động với hết khả năng và điều kiện cho phép. Và trong cuộc chạy đua này, một đơn vị tình báo hoạt động trên mặt đất của Không quân Mỹ mang bí số 1127 đã về đích đầu tiên.
Trụ sở của đơn vị 1127 nằm tại căn cứ Fort Belvoir, cách Nhà Trắng chỉ khoảng 20 km và được bảo vệ hết sức cẩn mật. Làm việc cho đơn vị đặc nhiệm 1127 là những chuyên gia sừng sỏ, dày dạn kinh nghiệm trong số các nhân viên tình báo nhà nghề Mỹ. Họ có nhiệm vụ khai thác tin tức từ các binh sĩ của Liên Xô (cũ) cùng các nước Đông Âu đào ngũ và cả các tù binh bị quân Mỹ bắt được trong chiến tranh Việt Nam...
Trong đơn vị 1127, có một bộ phận làm nhiệm vụ chuyên nghiên cứu việc giải thoát các tù binh, trong đó có tù binh Phi công Mỹ bị đối phương bắn rơi, kể cả việc soạn thảo kế hoạch đột kích giúp tù binh Mỹ thoát khỏi trại tù... Tại đơn vị đặc nhiệm 1127, trong khoảng thời gian những năm 1966 - 1970, các chuyên gia đã xử lý, phân tích hàng núi tài liệu tình báo, được thu thập bằng rất nhiều nguồn, từ khắp nơi trên thế giới gửi về.
Vào khoảng cuối năm 1968, qua sàng lọc các nguồn tin, các chuyên gia Mỹ cho rằng có một Trại Tù binh Phi công được giam trong một căn cứ có tường kín bao quanh, cách Hà Nội vài chục cây số về phía tây. Tuy nhiên, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng họ vẫn không xác định được chính xác vị trí cụ thể của trại tù binh ấy.
Ngày 9 tháng 5 năm 1970, một chuyên viên kỹ thuật tình báo tên là Collinsbell, một tay già dặn trong nghề, đã có nhiều năm làm việc tại Lào, vốn nổi tiếng là người kiên nhẫn tìm tòi... bằng việc tổng hợp suy đoán từ các tin tức tình báo cộng với việc phân tích các bức không ảnh do máy bay trinh sát chụp được, ông ta đã quả quyết khám phá ra điều nóng hổi mà cả cơ quan tình báo Mỹ đang mong chờ: Có ít nhất hai trại giam tù binh Phi công Mỹ tại phía tây Hà Nội. Một trong hai trại đó nằm ở thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40 km!
Cũng cần phải nói thêm rằng trước đó, Collinsbell đã báo cáo những dấu hiệu nghi vấn này cho đại tá George J. Iles, người đặc trách bộ phận “Vượt ngục và trốn thoát” của đơn vị đặc nhiệm 1127. Đại tá George J. Iles cũng đã kiên trì dày công tìm tòi, đồng thời so sánh các bức không ảnh chụp vùng thị xã Sơn Tây. Và ông ta cũng đi đến kết luận giống hệt và gần như cùng một thời điểm với Collinsbell.
Vậy là người Mỹ đã có cớ để ăn mừng thành công bước đầu! Họ lập tức huy động các chuyên gia giỏi nhất tập trung nghiên cứu vùng Sơn Tây. Sau khi phân tích, so sánh rất nhiều các bức không ảnh cũ và mới do máy bay trinh sát chụp được, họ đều có kết luận giống nhau: Các dấu hiệu của trại giam tù binh Phi công rất rõ. Trong nhiều bức không ảnh, các chuyên gia đã chẳng khó khăn gì, đọc được rất rõ các ký hiệu cầu cứu giải thoát SOS, K và SAR... do các tù binh Phi công tạo nên. Các bức ảnh chụp kiểu phơi quần áo, cách đổ đất đá... với những hình thù kỳ lạ đều chứa đựng những thông tin cần thiết.
Chắp nối và tổng hợp lại, các chuyên gia tình báo quân sự Mỹ đã có cả một sơ đồ thực sự để nhận biết và có kế hoạch giải thoát cho tù binh. Để chắc chắn hơn, họ đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ tình báo nhằm xác minh độ chính xác của trại tù binh Sơn Tây. Ví dụ, qua các thông tin mà một số đoàn khách quốc tế được phép vào Việt Nam vì mục đích hòa bình tiết lộ, qua lời kể của một số tù binh Phi công được phía Việt Nam trao trả sớm, qua thư từ mà các tù binh Phi công vẫn gửi về cho gia đình họ và thậm chí thông qua cả một số sỹ quan của quân đội nguỵ Sài Gòn có quê gốc ở vùng Sơn Tây nhớ lại, vẽ thành sơ đồ...
Vấn đề còn lại chỉ là tìm cách thuyết trình, báo cáo để Lầu Năm Góc có kế hoạch quyết định cho số phận của các Phi công Mỹ đang được giam giữ ở trại "Hy Vọng" thị xã Sơn Tây!
Đây là kết quả sau nhiều ngày làm việc của Nhóm công tác theo dõi và xét duyệt vấn đề tù binh, thuộc thành phần đặc biệt của Bộ Tham mưu. Để có buổi thuyết trình với sự có mặt của rất nhiều tướng lĩnh chóp bu của Lầu Năm Góc, Nhóm công tác đã phải lần lượt tìm cách “mở khóa từng cửa" một.
Trước hết, họ liên lạc qua điện thoại để xin được thuyết trình bản kế hoạch của mình cho Trung tướng Rossky, Phụ tá Tham mưu trưởng Không quân. Rất may là ông này đã sốt sắng ủng hộ và cả quyết rằng: Kế hoạch giải thoát cho tù binh nhất định sẽ được thi hành! Và ông ta giao cho Thiếu tướng James Allen Phó giám đốc Kế hoạch - Chính sách của phòng 4D-1062 lo việc này.
Tuy nhiên, không phải là đã hết những ý kiến nghi ngờ. Thậm chí đã xảy ra những cuộc tranh luận quyết liệt giữa các chuyên gia phân tích tình báo của Không quân Mỹ và giữa các thành viên của nhóm IPWIC (Uỷ ban Tình báo Tù binh Liên cơ quan) do DIA cầm đầu.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao phía Việt Nam không giam giữ tù binh ngay tại Hà Nội cho dễ quản lý? Tại sao họ lại đưa các tù binh Phi công lên mãi Sơn Tây, ở một nơi hẻo lánh như vậy? Phải chăng đây chỉ là sự vô tình hay một cái bẫy cố ý?...
Song, dù có cãi nhau hăng thế nào thì người ta vẫn không thể phủ nhận một điều: Tù binh Phi công Mỹ đang được giam giữ tại thị xã Sơn Tây là có thật! Và việc xác định, tìm kiếm đã thành công! Vấn đề còn lại là tìm cách giải thoát cho họ ra khỏi trại giam đó...
(Còn nữa)
Đ.V.H
______
Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...
Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.
Theo Trái tim người lính