Sau nhiều năm vắng bóng dáng “Kiều” trên sân khấu truyền thống, Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa ra kế hoạch ra mắt vở diễn “Kiều” với nhiều sự cách tân độc đáo, mới lạ, đặc biệt là sự kết hợp cùng yếu tố nhạc Jazz hiện đại.
“Kiều” là một vở diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội được dàn dựng ở khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đây là một vở diễn đạt tới kỷ lục đã biểu diễn 1500 đêm và chiếm được rất nhiều tình cảm của nhiều các thế hệ khán giả.
Trong một vài năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan như cảnh trí đạo cụ và một số các dữ liệu của vở bị mai một, các diễn viên từng diễn xuất vở “Kiều” đến tuổi nghỉ chế độ,… nhà hát phải tạm hoãn diễn. Với chủ trương giữ gìn và phát triển văn hoá dân tộc, đồng thời duy trì được tình yêu văn học và nghệ thuật sân khấu nói chung, ban lãnh đạo Nhà hát Cải lương Hà Nội dự kiến cho ra mắt vở diễn vô cùng độc đáo với nội dung: “Kiều” và âm nhạc Jazz.
Để thu hút khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà hát đã đưa ra những thay đổi và điểm thêm cho vở diễn các yếu tố như: thiết kế sân khấu, ánh sáng và đặc biệt là âm nhạc. Nhà hát đã mạnh dạn đưa âm nhạc có tính đương đại, cụ thể là chất liệu Jazz trên nền nhạc âm hưởng dân gian vào vở diễn.
“Tôi luôn mong muốn mang nghệ thuật sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ. Điều này giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và có tinh thần gìn giữ những nét đẹp trong văn hoá dân tộc. Để thực hiện được như vậy, chúng tôi cũng phải tiếp cận với một cách hoàn toàn mới nhưng vẫn không làm mai một đi giá trị cốt lõi của vở, thể hiện thông qua việc phá cách trong phong cách âm nhạc. Đây cũng được coi là bước thể nghiệm và đột phá của Nhà hát” - Giám đốc nhà hát Cải lương Hà Nội, N.S Phạm Chỉnh chia sẻ.
Đạo diễn vô cùng tỉ mỉ, khéo léo khi xây dựng từng hình tượng nhân vật gắn liền với một cá tính riêng, thể hiện rõ nét thông qua bối cảnh và ngôn ngữ âm nhạc. Thuý Kiều, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư,… là những hình tượng nhân vật vô cùng quen thuộc, được khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng ta thông qua những vần thơ nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Ở các phân cảnh đầu của vở diễn, từng nhân vật lần lượt xuất hiện trên nền nhạc âm hưởng dân gian, màu sắc cải lương trên sân khấu truyền thống được hiện lên rõ ràng, sắc nét. Đặc biệt, tính cách nhân vật Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà cùng những phân cách mang tính chất bi hài kịch, châm biếm được khắc hoạ sinh động, nổi bật hơn thông qua ngôn ngữ phóng khoáng, hiện đại của âm nhạc Jazz.
“Kiều” dự định được công diễn vào thời gian gần nhất tại Nhà hát Cải lương Hà Nội. Thông qua vở diễn, các nghệ sĩ và ban lãnh đạo Nhà hát mong muốn lan toả rộng rãi đến công chúng nét đẹp của văn học nghệ thuật và nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đồng thời nhấn mạnh tới cái “chất riêng” của người nghệ sĩ, đó là luôn làm mới mình trên tinh thần sáng tạo nghệ thuật vô biên giới. Tuy nhiên, sự cách tân, đổi mới ấy vẫn bám sát trên nền tảng của dân gian, truyền thống và giữ được hồn cốt dân tộc.