Trong Chỉ thị ngày 8/6 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao, kêu gọi toàn dân tiết kiệm điện. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng.
Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.
Mỗi gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.
Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia); hết năm 2025 tất cả đèn đường sử dụng bóng LED.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện, trong đó kêu gọi việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các tỉnh, thành phố. Việc thực hiện tiết kiệm điện tại trụ sở, cơ quan làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm... những ngày qua đã góp phần giảm sử dụng điện hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày) và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới.
Hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội đã triển khai có hiệu quả biện pháp cấp bách tiết kiện điện. TP HCM tiết kiệm 2,4 tỷ đồng tiền điện mỗi ngày. Thống kê sơ bộ của Tổng công ty Điện lực TP HCM từ ngày 15/5 đến 4/6, thành phố tiết kiệm được gần 22,7 triệu kWh điện. Tổng công ty Điện lực TP HCM, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để vận động khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Song song, tổng công ty đã triển khai và yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp tiết kiệm điện cấp bách. Cụ thể, vào ban đêm, có các nhóm công tác đi kiểm tra và vận động khách hàng thực hiện việc giảm công suất hoặc tắt các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí. Làm việc với thành phố và các phường, xã tại địa phương để đề nghị phối hợp triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường tiết kiệm điện.
Các đơn vị phân nhóm đối tượng khách hàng theo danh sách cụ thể: Cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học và trung tâm đào tạo, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo và trang trí ngoài trời, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trung tâm thương mại và dịch vụ... để làm việc với khách hàng, vận động khách hàng cam kết thực hiện đúng các biện pháp cấp bách về tiết kiệm điện theo từng đối tượng.
Lập kế hoạch cụ thể và phân công, bố trí lực lượng tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện. Trong đó tập trung kiểm tra, nhắc nhở khách hàng tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu ngoài trời từ 22h.
Đến nay, tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và HEPZA (Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP HCM) đã triển khai chỉ đạo tới các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn quản lý.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết, toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng đã triển khai việc điều chỉnh thời gian mở đèn trễ và tắt đèn sớm 30 phút. Phần lớn hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí đã được giảm 50% công suất và tắt sau 22h. Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng đã đồng thuận thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện.
Tại Hà Nội, hưởng ứng chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ và Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng & thiết bị đô thị (Hapulico) đã thực hiện vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố theo chế độ tiết kiệm điện, giúp thành phố tiết giảm được 36,3% điện năng tiêu thụ.
Công ty đã thực hiện việc bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt đèn sớm hơn 30 phút so với chế độ vận hành thông thường; Đối với đèn chiếu sáng đường phố, ngõ xóm và khu vực ngoại thành: thực hiện cắt giảm 1/3 số đèn ngay từ đầu giờ vận hành, sau 23h đêm tiếp tục tiết giảm thêm 1/3 số đèn; Đối với các tuyến đường có 4 làn đèn, thực hiện cắt giảm 50% số đèn ngay từ đầu giờ, tắt hàng đèn ở giải giữa sau 23h (như đường Võ Chí Công, Hoàng Sa - Trường Sa, Đại lộ Thăng Long...).
Đối với hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa hở: vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ sau 23h; Đối với hệ thống trang trí thường xuyên vận hành thứ 7 và chủ nhật chỉ được vận hành đến 23h tại các khu vực trung tâm; Không vận hành toàn bộ 100% hệ thống trang trí chiếu sáng kiến trúc, số đèn trang trí trên dải phân cách và trên hè (dành cho người đi bộ); Trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng vận hành linh hoạt theo diễn biến thời tiết.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện đều giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện. Đồng thời, các nhà máy nhiệt điện cũng gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, sản xuất thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là giải pháp quan trọng, cấp bách hàng đầu nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững.
V.X