link tải gowin99 mới nhất

Sông quê

Sông Dinh là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho quê tôi, nói đến sông Dinh các thế hệ lớn lên từ xóm Phường xưa và xóm Độc Lập bây giờ không ai mà không có ít nhiều kỉ niệm trên dòng sông xanh trong thơ mộng này, lũ trẻ con chúng tôi đều gắn tuổi thơ của mình với dòng sông của tuổi thơ này.
chuye-q1q-1631523378.jpg
Ảnh minh hoa do tác giả tuyển chọn.

Không ngày nào là ngày không lặn ngụp thỏa thích trên dòng. Hễ bắt đầu nắng nóng trào lên khoảng từ 10 giờ trưa là cả người lớn, đàn ông , đàn bà, bộ đội, công nhân và TNXP… đóng quân trong xóm ai cũng ra bến Ồ Ồ tắm, giặt, ngâm mình trong làn nước trong xanh mát rượi, bơi lội, lặn ngụp thỏa thích. Bến sông nơi cả xóm sử dụng hồi đó có tên gọi ò ồ, bởi cạnh cái thác đá nằm chình ình giửa dòng tại dòng nước chảy xiết, qua rất nhiều khe đá, nước sông chui lòn qua nhiều lớp các tảng đá tung bọt trắng xóa, tạo ra tiếng ô ồ nghe rất vui tai. Thác ồ ồ với nhiều phiến đá to, nhỏ xen lẫn, có tảng đá to tròn như những con voi chiến đang nằm phục nghỉ ngơi, đen trui trũi, lũ trẽ chúng tôi leo lên các con voi đá cao to, lao mình xuống khúc sông đầy cát dưới đáy dòng sông. Được cái sông Dinh khu vực thác ồ ồ nước trong suốt, không có bùn chỉ có đá cuội hay cát ở đáy sông, đứng trong nước nhìn thấy cả chân mình và thậm chí thấy cá bơi tung tăng, về mùa hè nhiệt độ ngoài trời 32-35 độ C được ngâm mình trên dòng sông Dinh cảm giác mát mẽ như ngồi trong phòng lạnh bây giờ, không muốn về, cứ muốn thả mình mãi trong làn nước trong xanh mát rượi.

Thật đúng với câu tục ngữ cao dao “sông có khúc, người có lúc” sông Dinh có đoạn to nhỏ khác nhau, chỗ chỉ rộng từ 15-20 m, có khúc rộng đến 200-300m, có nơi sâu chỉ ngang đầu gối có nơi sâu 5-7m mà nghe nói ở vực ông Hai còn không có đáy. Nhân chuyện nói về vực ông Hai, nơi mà ít người dám cả gan xuống tắm hay bơi lội, sông đoạn này khá rộng, sâu, nước chảy lững lờ, trong suốt, lũ trẻ chúng tôi được ba mẹ căn dặn là không được tắm ở đấy vì có vợ chồng đôi thuồng luồng sinh sống ở đáy sông, xuống tắm là nó bắt ngay...eo ôi lủ trẻ chả ai dám bén mảng bởi nó lại càng thêm huyền bí. Vực ông Hai là một bụng hồ nói như thành ngữ của dân khảo sát thủy lợi bây giờ, bờ sông phía Bắc địa phận xóm tôi là một bờ thành bằng đất cao vút, thẳng đứng khoảng 15-20m, dưới mép nước là cây buôi, cây đót lúp xúp trông xa lại càng huyền bí, rất nhiều tổ chim khoét đất làm tổ khá chi chít trên thành bờ vực nhưng cũng không ai dám xuống bờ vực để bắt chim sa sả hay chin sáo con chưa ra ràng về nuôi nhưng đành ngậm ngùi nhìn chim con bay đi theo bố mẹ. Nghe đầu trong CCRĐ làng tôi có bà vợ ông Thỉnh không biết nguyên cớ tại sao lại tự trầm mình tại vực ông Hai và có một ông người Nhân Trạch dân sông nước chài lưới đi bè gỗ qua khúc sông này bị nạn nên càng tăng sự huyền bí đến rợn người của vực này nhất là đối vởi lủ trẻ con chúng tôi.

Hai bên bờ sông Dinh đoạn chảy qua địa phận xóm Độc Lập ngày ấy cây cối um tùm, chủ yếu là lùm bụi loại cây ưa nước như buôi, sung, bún... và phía xa mép nước là mấy rặng tre là ngà. Phía bên bờ Nam thuộc xóm Chánh Hòa rú thuộc xã Nam Trạch, hai phía bờ sống có những khu đất bằng bãi bồi giàu phù sa trồng ngô, đậu, dưa... rất tốt. Địa phận thuộc xóm tôi có một bãi cát khá rộng, chiều dài trên 1km, chiều rộng khoản 500m, điều đặc biệt là bãi cát khá bằng, rất sạch, nằm lăn lê trên cát cả ngày, đứng dậy phủi phủi là sạch như không. Bãi cát này cũng đầy kỉ niện tuổi thơ, dạo ấy lũ chăn bò chúng tôi gồm tôi, thằng Chúng, thằng Khôi, thằng Hòa, thằng Huệ, thằng Lộc, thằng Thiện…cứ khi mặt trời xế bóng là bắt đầu trận chiến, mỗi thằng cưỡi một con bò, tay cầm kiếm gỗ, chia thành hai phe đánh nhau theo kiểu kỵ binh hồng quân Liên Xô đánh nhau với Bạch vệ theo phim Liên Xô nổi tiếng hồi đó “Kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” lúc đó ai cũng muốn làm Hồng quân không ai muốn làm Bạch vệ…Chỉ tội lũ bò ăn được bao nhiêu cỏ không biết đánh nhau phi nước đại mấy lần, tối về con nào con nấy bụng cứ xép lẹp. Có lần thằng Thiện con ông Xá do tôi không cho nó làm Hồng quân LX nó mách bố là chủ nhiệm HTX lúa đó, chúng tôi đã bị ông xuống bãi cát tóm gọn tại trận cả lũ. ông tập hợp cả đám hồng quân và bạch vệ đánh đến lằn cả đít mới thôi. Một bầy vừa Hồng quân Liên xô, vừa lính Bạch vệ Sa hoàng…không kể gì chức tước bị ông đánh nhưng ai nấy đều dũng cảm không chịu khai tôi là đưa chủ mưu.Chỉ thương lũ “ngựa chiến” của lính kỵ binh thảo nguyên đói cỏ trơ cả xương hông…Từ đó chúng tôi tổ chức đánh trận kỵ binh không báo cho thằng Thiện biết và tham gia…bò vẫn bị biến thành ngựa chiến một thời gian nữa và chỉ chấm dứt thân phận ngựa chiến sau khi tôi học lên cấp 2.

Bãi cát nơi diễn ra nhiều sự kiện các trận đánh của “ Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” mang đầy dấu ấn kỷ niệm nhớ đời, lũ chăn bò chúng tôi từ đấy thường bơi qua sông bẻ trộm ngô non về bên này nướng ăn, có một lần chủ ngô theo dấu chân sang sông để tìm bắt người ăn trộm ngô non, đi khắp mà chẳng biết ai, tuy ông ta ngồi lại hỏi chuyện với chúng tôi có thấy ai bẻ ngô không? Cả bọn rất sợ nếu ông ấy thò que gạt đống lửa thì nguy cả nút, vì dưới đống lửa ấy là cái hố chứa ngô non, được lấp cát lên một lớp mỏng để nướng ngô như kiểu luộc trên bếp…Sau khi ông đi cả lũ mới bái phục mẹo kế của tôi: ngô vừa chín ngon lại an toàn tuyệt đối. Bên sông có một vạt dưa hấu khá tốt, dưa hấu mà được trồng trên đất phù sa thì cực kỳ tốt và quả rất ngọt, Mấy lần xin nhưng chủ vườn không bao giờ cho một quả, tôi liền hiến kế, vào mùa dưa ra hoa, đâm trái tôi và mấy đứa bơi sang sông, chọn mấy quả xanh to hơn quả trứng vịt một tý, đào hố, đặt quả dưa non và một phần thân cây dưa xuống hố, chừa lại một đoạn ngọn dưa để cho nó quang hợp ánh sáng mặt trời, lát que lên hố, lấy lá phủ dầy lên rồi lấp đất lại, ngụy trang cho giống môi trường xung quanh…Đến vụ dưa chín đỏ chủ vườn thu hái xong xuôi, để mấy ngày sau chúng tôi sang dỡ hầm bí mật thu sản phẩm, ôi chao quả nào quả nấy rất to, toàn thân vỏ trắng muốt, (bây gời mới biết là do thiếu ánh sáng quang hợp) cứ tưởng như vứt đi, nhưng khi bổ ra ruột dưa vẫn đỏ au, rất ngọt…Thật đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” như dân gian thường nói.

Sông Dinh hình như cũng có tình cảm của con người, cũng có khi hiền hòa, cũng có lần giận dữ, sau này tôi mới hiểu đặc tính đó của các dòng sông quê tôi. Các sông vùng Bắc Trung Bộ đa số có chiều dài ngắn, nhưng độ dốc lòng sông cao, về mùa khô lượng sinh thủy hạn chế nên sông ít nước, chảy từ tốn và hiền hòa, khoan thai chở nước ra biển Đông, nhưng về mùa mưa, với lượng mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn trên một lưu vực có hướng dốc nghiêng về phía đông đã tạo thành dòng chảy kinh khủng, mực nước dâng cao, đôi khi vào đến mấp mé đường 15B cạnh xóm, những ngày đó đứng từ trên đường 15B nhìn nước sông đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy, cuốn theo tất cả cái gì nó gặp trên đường đi từ cây cối mục, các vật cản trên đường đi của dòng chảy trông thật khủng khiếp…Từ đường 15B đến khu Hà Bống đến khu đồng Dinh như một biển nước mênh mông. Nhưng cũng vì đặc điểm đó nên lũ lụt chỉ kéo dài 1 đến 2 ngày là trở về trạng thái cũ. Sông Dinh khá sạch, nước trong veo là vì nó cuốn tất cả đất đai, phù sa ra biển mỗi mùa mưa bão, chỉ để lại cát sạn dưới lòng sông mà không mang theo ra biển cả.

Sông Dinh cũng theo quy luật bên lở bên bồi, nhưng thỉnh thoảng thay đổi dòng chảy do tác động của tự nhiên. Các cụ quê tôi bảo rằng mỗi lần đoạn sông chảy qua địa bàn xóm tôi thay đổi dòng chảy sau mùa lũ lớn là sẽ kèm theo một biến cố nào đó, tuy không tin nhưng tôi cũng chứng kiến hai lần, lần một vào năm 67-68 gì đấy dòng sông chuyển hướng dòng chảy chính, thay vì đổ theo hướng về phía các tảng đá ồ ồ phía tả để tạo nên thác nước ồ ồ quen thuộc thì sau lũ lại tạo dòng chảy chính vòng sang bên bờ hữu, chia dòng sông thành 2 dòng nhỏ, hòa với nhau sau thác ồ ồ. Thác ồ ồ mất đi dòng chảy chính nên không còn tiếng nước reo ồ ồ to như trước nữa. Và sau đó là Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế trên miền Bắc. Lần hai không biết trận lũ xảy ra năm nào. nhưng sau khi trở lại quê hương năm 1982 dòng sông lại thay đổi, sông bây giờ không rộng như ngày trước, dòng chính chuyển hẳn sang bờ trái, đẩy bãi cát trước đây về phía địa giới xã Nam Trạch…Biến động gì tôi không biết nhưng có lẽ là sự kiện giải phóng miền Nam năm 1975 chăng?, tôi sẽ tìm hiểu thêm vấn đề này.

Số phận con sông Dinh cũng khá gian truân như con người vậy, ngày xưa sông rộng và tràn trề nước, hàng ngày âm thầm chảy ra biển mang độ ẩm và không khí mát mẻ cho khu vực hai bên bờ sông, khiến cây cối rậm rạp, chim muông các loại hót suốt ngày, sông có khá nhiều cá. Dạo đó thỉnh thoảng tôi vẩn thấy một vài chiếc đò, nốc, hay bè mảng đi lại giao thông trên sông, giao thương buôn bán, đổi chác lương thực, đường ăn, mè, kiên đậu đỗ sản phẩm của miệt rừng với cá mắm, ruốc đặc sản của vùng biển lên đến tận Thôn Sao Sa, Đông Tây Thành. Người dân trao đổi với nhau rất sòng phẳng, dân kẻ lái ( từ gọi phụ nữ là vợ con của ngư dân) đem sản phẩm cá tôm của một ngày ra khơi của chồng đem trao đổi lấy nông sản các loại với người làm nông. Thời ấy sao mà người ta tin tưởng nhau đến thế, bất kể chủ nhà có mặt hay không, họ cứ để lại khi thì nồi cá kho, khi thì mấy khúc cá nướng nhưng nhiều nhất là ruốc, nước mắm hay ít cá khô, khuếc khô, đến mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai sắn thì đến lấy các nông sản mà mình cần, giá cả không là vấn đề, xứng đáng giá trị bao nhiêu thì lấy bấy nhiều nông sản, hầu như đa phần người ta không giao dịch bằng tiền mặt, mà ít người có được một vài đồng bạc lẻ trong cất túi. Đấy là sự phát triển theo hướng tự sản, tự tiêu, theo quy luật từ bao đời nay của dân quê tôi, chính nhờ vậy mà trong giai đoạn khó khăn, cuộc sống vẫn bình thường, con người vẫn lớn lên và trưởng thành. Ngày nay cứ theo mô hình kinh tế đó chắc là đói nghèo sẽ luôn là người bạn đồng hành chung thủy.

Sông Dinh xưa có rất nhiều cá, cá buôi, cá chép, cá mát, cá leo, cá bống, tôm càng, ốc vặn, từ bé tôi đã nghe câu thơ của một ai đó : “Sông Dinh nước chảy bãi bồi, chiều chiều ông Dĩnh vác mồi ra câu” ông Dĩnh làm nghề hớt tóc tại cầu Chánh Hòa, thường ra khúc sông có bãi bồi câu cá. Lũ trẻ xóm tôi vẫn thường đi câu cá tại thác ồ ồ, tôi thì không sát cá, nhưng anh Xoan lớn hơn tôi vài tuổi và thằng Trực rất sát cá, lần nào đi câu hắn cũng được một hai cân, chủ yếu là cá leo và cá bống. Cá leo sống ở thác ồ ồ rất nhiều, chắc là do môi trường nước trong, giàu ô xi nên thịt ăn rất ngon, cá leo thân dẹp, đen trũi, là một trong loại cá da trơn có giá trên thị trường như cá chình suối. Cũng làm mồi câu bằng các con tôm tép nhỏ bắt ngay tại thác nhưng tại sao hai người đó câu được nhiều mà mình không câu được, thỉnh thoảng chỉ được một vài con. Có lẽ phải có kinh nghiệm gì đấy hay số sát cá, nhưng mà số sát cá các cụ bảo khổ lắm. Sau này thằng Trực đi bội đội rồi hy sinh, nghe đồng đội của nó nói lại thằng Trực hy sinh trong một lần cùng đồng đội xông lên cứ điểm, tay súng tay cờ đỏ - xanh sao vàng của Mặt Trận DânTộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam xông lên đầu tiên, với tính cách của nó hành động như vậy là thường tình, anh dũng, vô tư chả sợ gì cả, thật đúng là không hổ danh công dân xóm Độc Lập. Anh Xoan sau này đi học trung cấp nông nghiệp về công tác tại phòng nông nghiệp huyện đến khi về hưu. Thú đi câu cá vẫn theo anh đến bây giờ, có lần tôi hỏi chuyện anh bảo bây giờ tau đi câu trên thượng nguồn sông Dinh, phía trên đập Đá Mài mới có nhiều cá đem bán là chính, vì toàn là cá tự nhiên không có thuốc tăng trọng và toàn loại đặc sản như cá chình, cá leo. Một lần tôi về quê được dịp anh mang cho tôi con cá chình tự nhiên khoảng 3-4 cân, năm vừa rồi hỏi anh, anh nói dạo này già rồi lười đi câu. Con người dù có đam mê cái gì đến đâu đi nữa khi về già tuổi tác cao đều đành phải từ bỏ hết.

Sông Dinh bị bức tử từ từng bước, đầu tiên trên thượng nguồn người ta xây dựng đập Đá Mài để chuyển hướng dòng chảy của sông dẫn 80-90% lưu lượng nước phục vụ tưới cho hơn 2000 ha lúa các xã phía Bắc bờ sông Dinh từ xã Đông Trạch, đến xã Đại Trạch, xã Trung trạch và xã Đồng Trạch, nhờ hệ thống đại thủy nông Đá Mài đã ổn định diện tích lúa nước và sản lượng lúa của huyện ngày tăng cao. Đổi lại là mất đi sự sống của con sông thơ mộng, làm suy thoái môi trường sinh thái tự nhiên hai bờ sông Dinh, đôi bờ sông trơ trụi, ngổn ngang đá sạn, những bãi bồi xanh mướt trước đây giờ là bãi cỏ khô cháy trong mùa gió Lào hoạt động…Khu vực hạ lưu rêu mọc đầy cửa sông, nước lợ dâng cao hơn trước mấy km. Không chỉ có thế bãi cát và sạn dưới lòng sông bị khai thác triệt để, hàng chục chuyến xe chở cát phục vụ xây dựng đi lại hàng ngày để cho những tòa nhà đồ sộ mọc lên của thành phố Đồng Hới sau chiến tranh, các hòn đá mồ côi, các tảng đá to đẹp như những con voi lớn ở thác ồ ồ bị đục lỗ, nổ mìn khai thác cho xây dựng, tiếng mìn phá đá nổ hàng ngày vào dịp giữa trưa yên tĩnh làm đinh tai nhức óc…Nhìn những khối đá hiền tư như chú voi rừng lừng lững lần lượt bị xẻ thịt dần dần có lẽ những người yêu thiên nhiên, tự nhiên sẽ rất đau đớn, hẩng hụt như chính xẻ vào thân thể mình.

Chỉ đem lại niềm sung sướng các đầu nậu kinh doanh cát sạn, đá và những người có thẩm quyền cấp phép khai thác tận dụng tài nguyên, họ hả hê vì sự giàu có trên nổi đau của dòng sông quê tôi. Nghe đâu bây giờ chính quyền xã đã cấm, nhưng còn gì nữa đâu mà cấm với đoán, tất cả bị khai thác đến kiệt quệ như kiểu tận khai đến từng tảng đá, bãi sạn đến mét khối cát cuối cùng… Cái gì phá đi có thể xây dựng lại đẹp hơn to hơn nhưng tài nguyên thiên nhiên thì không, phá bỏ đi là mất vĩnh viễn, không bao giờ gặp lại.

Mỗi lần về quê, tôi đứng trên đường 15B đoạn trước nhà thằng Chúng bạn tôi hướng tầm nhìn về phía sông Dinh cứ tưởng đây là nơi nào đó chứ không phải quê mình, trước mặt hà Su, trước là ruộng lúa, phía cuối bàu có một khe nước chảy róc rách suốt ngày đêm ra sông Dinh, người ta còn be bờ tát nước bắt cá, bắt tôm tép ở khúc khe này để cải thiện bữa ăn hàng ngày, bây giờ làm gì còn khe suối, tất cả như một sa mạc khô cằn, cây keo lá tràm được trồng thay thế lúa, khoai..thỉnh thoảng một đám lau lách mọc tự nhiên trong rất hoang dã trong như phim Thủy Hữ Lương Sơn Bạc...lùi về phía Hà Bóng là khu keo, sậy xen với nghĩa địa trông như ở chốn bồng lai tiên cảnh.

Bây giờ sông Dinh giống như một cái khe lạch hơn là dòng sông, nước róc rách chảy, rêu mọc đầy trên các tảng đá sát mép nước ở khắp nơi, khó mà tìm được một đoạn hay khúc sông đủ sâu, đủ rộng để bơi lặn thỏa thích như thủa bé.

Bạn tôi, Lê Minh Khôi sau gần 40 năm bôn ba khắp nơi, học hành, lập nghiệp, lấy vợ và đã xây nhà riêng tại Huế, phấn đấu lên đến chức phó khoa quản lý đất đai trường đại học Nông Lâm Huế, rồi cuối đời khi về hưu đã dẫn vợ bỏ Huế để về quê sinh sống. Có lẽ vì ký ức về sông Dinh chăng đã thôi thúc nó chọn mua đất gần thác ồ ồ để làm nhà ở dưỡng già, đứng trên khuôn viên nhà Khôi có thể nhìn thấy những gì còn lại của thác ô ồ năm xưa, hôm tôi ra chơi nó chỉ tay nói với tôi rằng, đây thác ô ồ đấy… Khôi bảo thỉnh thoảng rảnh rỗi hứng chí vẫn xuống thác bắt ốc vặn và bắt tôm càng đá về luộc ăn chơi, nhâm nhi con ốc vặn với chén rượu để hồi tưởng lại ngày xửa ngày xưa…

Cuộc đời là thế, có làm ông to mụ nậy ở đâu, dù trước đây một bước đều lên xe xuống ngựa nhưng về già sống kiểu vui thú điền viên ở quê nhà, sáng ra vườn cuốc đất trồng rau, chiều xuống khe bắt ốc bắt tôm...nó bảo thỉnh thoảng đi nhặt phân bò về bón rau...thật là không gì hợp cảnh hơn của người già xa quê hàng chục năm nay trở về quê cha đất tổ. Nhưng nhìn cảnh chỉ có hai ta với “một túp lều tranh hai trái tim vàng”của nó khiến tôi cảm thấy nao nao lòng...Chắc là Cúc vợ nó, cô gái Huế mộng mơ rất yêu chồng và quê chồng mới can đảm được như thế.

Nói vậy nhưng tôi vẫn cho mình không bằng nó, không có dũng cảm như nó để cuối đời về với quê hương, để được sống lại với bao kỉ niêm một thời thơ ấu, một thời gian lao mà anh dũng, một thời khó khăn nhưng đã tôi luyện cho chúng tôi có sức mạnh tinh thần để có những bước đi vững chải trong những tháng năm đi tìm tương lai và sự nghiệp cho chính mình.

Trong thâm tâm tôi cũng muốn có một ngày về sống trên mãnh đất quê hương để được ngâm mình trên dòng sông Dinh dù chỉ một lúc trên một khúc sông còn lại để rồi hồi tưởng lại quá khứ xa xăm ngày xửa ngày xưa...

Hà Nội 8/2021. Những ngày dãn cách chống dịch covid 19.

Theo Chuyện quê

程序发生错误,错误消息:System.IO.IOException: 文件或目录损坏且无法读取。 在 System.IO.__Error.WinIOError(Int32 errorCode, String maybeFullPath) 在 System.IO.FileStream.Init(String path, FileMode mode, FileAccess access, Int32 rights, Boolean useRights, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options, SECURITY_ATTRIBUTES secAttrs, String msgPath, Boolean bFromProxy, Boolean useLongPath, Boolean checkHost) 在 System.IO.FileStream..ctor(String path, FileMode mode, FileAccess access, FileShare share, Int32 bufferSize, FileOptions options) 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__2.＀⬀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Start.FileNotFoundHandle.d__1.＀伀() --- 引发异常的上一位置中堆栈跟踪的末尾 --- 在 System.Runtime.ExceptionServices.ExceptionDispatchInfo.Throw() 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.HandleNonSuccessAndDebuggerNotification(Task task) 在 System.Runtime.CompilerServices.TaskAwaiter.GetResult() 在 SuperGroup.Core.Bootstrapper.d__18.＀ꠀ()