Trần Quang Đẩu là cái tên đã không còn xa lạ với bạn nghe đài khi nhiều bài thơ của anh đã được chuyển soạn thành các bài hát chèo, chầu văn, xẩm, ca cải lương, ca Huế... Anh đã xuất bản ba tập thơ (“Giọt nước Trường Sa”-2017, “Quà quê”-2018, “Ký ức tuổi thơ”-2021) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. Khi đất nước “căng mình” trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, anh là một trong những tác giả có nhiều sáng tác để cổ vũ, động viên, tinh thần của quân và dân ta. Đặc biệt bài hát văn “Tự hào người lính Cụ Hồ” của anh do Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo Quân đội) thể hiện đã là 1 trong 8 tác phẩm nhận Bằng khen của trong Lễ trao giải “Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch Covid-19” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức.
Hướng đến Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không thể về trường cũ chúc mừng thầy cô, anh đã gửi gắm tâm tình của mình trong bài hát chèo “Trường tôi”. Bài hát ngay sau đó đã được Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Linh thể hiện qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện lên sóng phát thanh với MC Thanh Phong, soạn giả Trần Quang Đẩu xúc động cho biết: “Cứ mỗi dịp này, tôi lại nhớ về ngôi trường cấp 3 Mê Linh, khi ấy mang tên vừa học vừa làm. Nếu ngày ấy không có ngôi trường này được xây dựng ở xã tôi thì tôi và các bạn có lẽ đã thất học”.
Bài hát chèo “Trường tôi” bắt đầu với tứ thơ: “Đi xa luôn nhớ quê nhà/ Nhớ ngôi trường cũ rất xa của mình/ Nắng lên đẹp những công trình/ 40 năm trọn nghĩa tình trước sau…”. Nối tiếp là điệu đào liễu: “Cái thủa ban đầu/ Biết bao khó khăn người ơi/ Nhớ thủa ban đầu, nhà tạm dựng lên/ Tranh, tre, nứa, lá/ Bắc những nhịp cầu, ơn đức thầy cô/Tuổi học trò đẹp những ước mơ…”. Đoạn kết, tác giả viết: “Tình nghĩa đậm đà/ Đi xa Mê Linh người ơi, luôn nhớ quê nhà/ Ngôi trường cấp ba, thầy cô, bè bạn/ Mưa nắng không nhòa/ Tình nghĩa trước sau, cho dù có ở nơi đâu”. Có thể nói bài hát đã sơ lược cả quá trình phát triển của ngôi ở làng quê Đông Hưng (Thái Bình) từ trong gian khó đến hôm nay, ở đó chất chứa tình thầy trò, tình bè bạn thật sâu sắc, nghĩa tình.
Cũng nhân dịp này, soạn giả Trần Quang Đẩu còn viết lá thư tay gửi đến các thầy cô giáo cũ ở trường cấp 3 Mê Linh. Bài viết có một số đoạn trích gây cảm động với nhiều người khi anh đưa lên trang Facebook cá nhân: “Em viết lá thư này gửi tới các thầy cô giáo, em hy vọng các thầy cô giáo vẫn còn nhớ đến nét chữ của cậu học trò nghèo cách đây vừa tròn 40 năm được mẹ đưa đến nhập học tại trường vừa học – vừa làm cấp 3 xã Mê Linh. 40 năm đã đi qua với biết bao thăng trầm của cuộc sống nhưng trong tâm khảm của em thì hình ảnh ngôi trường làng với các thế hệ thầy cô đầy nhiệt huyết trách nhiệm vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi chặng đường công tác của chúng em. Mỗi dịp chuẩn bị đến ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam chúng em lại bồi hồi xúc động nhớ về ngôi tường và các thầy giáo, cô giáo, những người chèo lái con đò tri thức để đưa biết bao lứa học trò nghèo chúng em được đến bến bờ vinh quang”.
Trước đó, hướng đến ngày 20-11, bài thơ “Ước mơ em được đến trường” của anh đã được nhạc sĩ Vũ Hường phổ nhạc. Bài hát sau đó đã được tốp ca thiếu nhi Nhà Văn hoá thành phố Vũng Tàu và ca sĩ Thanh Hoa thể hiện là món quà gửi tới các thế thầy cô giáo trên cả nước nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Anh chia sẻ, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường trên toàn thế giới, ước mong lớn nhất của các em học sinh và các bậc phụ huynh là con em được tung tăng cắp sách đến trường. Và để dịch bệnh được đẩy lùi thì văn học nghệ thuật cũng đóng một vai trò quan trọng như một loại “vắc xin tinh thần”. Chính tâm niệm đó mà soạn giả Trần Quang Đẩu say sưa viết và đã gây dấu ấn được với nhiều người.