Tôi mượn tên bài hát đó để kể về một câu chuyện của hắn.
Hắn với tôi cũng khá thân nhau, hay cặp kè với nhau mặc dù trông 2 đứa như một đôi đũa lệch. Hắn to lớn kềnh càng, còn tôi thì gầy gò xương xẩu. Bình thường hắn ồn ào, hay gây tranh cãi, nhưng khi chỉ có một mình thì hắn lại như một con người khác, sống thu mình, trầm ngâm nghĩ ngợi, cặp mắt lúc nào cũng như chìm đắm xa xăm. Còn tôi lại như một thằng lanh chanh, bắng nhắng, lúc nào cũng lắm mồm và vô tích sự.
Một hôm hắn chìa ra một tấm ảnh và bảo:
- Ông ạ, mỗi một tấm ảnh đều có một câu chuyện của nó nên tôi rất ngại giở ảnh cũ ra xem hoặc xắp xếp lại, sợ rằng lại phải đối mặt với một kỷ niệm nào đó. Kỷ niệm vui thì chẳng sao, nhưng nếu là một câu chuyện buồn thì lại phải nghĩ ngợi, đôi khi đến mấy ngày liền mất ăn mất ngủ. Đấy như bức ảnh này, cậu xem đi và thấy có gì không?
Tôi nhìn bức ảnh trong tay hắn. Nước ảnh mờ, khá cũ, có một đôi trai gái đang đứng trò chuyện bên cạnh một chiếc xe buýt có cái biển 24 Hxxxx Chỉ khác là cô gái hình như không phải là người Việt.
- Bức này vợ tôi chụp đấy, nàng chụp lúc nào không biết, chỉ biết là khi mang cả cuộn phim đi rửa thì mới thấy ảnh này. Nàng đã cười bí hiểm, nụ cười đó cho đến giờ thỉnh thoảng vẫn ám ảnh tôi, ngay cả giờ này nàng đã đi về một nơi xa lắm.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, hắn kể:
Hồi đó tôi mới về VN và xin vào làm ở một Công ty Nhà nước. Công việc cũng chưa có gì ngoài chuyện rỗi rãi và lương thì còm, mỗi kỳ lương chỉ đủ trả cho một bữa nhậu cùng bạn bè. Những lúc ấy, tôi nhớ Nước Nga vô cùng nhưng tuyệt nhiên không có ý định quay sang.
Hè năm ấy, cơ quan vợ tổ chức cho các gia đình đi nghỉ ở SaPa. Thấy tôi buồn bã, nàng bảo “Anh cứ đi đi, nước mình cũng lắm nơi đáng đi lắm”.
- Ừ thì đi.
Thế là tôi lên đường .
Lúc trên tàu, thấy mọi người kháo nhau về những thứ được coi là thổ ngơi của SAPA nhưng chả lọt tai tí nào. Tôi đã quá quen những đặc sản ở các khu du lịch của Nga rồi nên về VN đi đâu cũng thấy na ná giống nhau. Nhưng khi thấy họ nói về các phiên Chợ Tình thì tôi lại thấy có vẻ háo hức vì thấy có nét gì đó rất độc đáo, nguyên sơ và hoang dã.
Hôm đấy là thứ 7, lúc đang leo núi Hàm Rồng, cánh đàn ông đã kháo nhau “Đêm nay có phiên Chợ Tình đấy, có ông nào đi xem không”. Không thấy có tiếng trả lời nhưng tôi đã đọc thấy nhiều tia mắt hấp háy.
Ăn cơm chiều xong, cánh đàn bà có vẻ thấm mệt nên giục nhau đi ngủ sớm để đến đêm còn đi xem Chợ Tình. Nhưng đến 11 giờ đêm, bị thức dậy thì bà nào cũng lầu bầu ngái ngủ. Chỉ chờ có thế, cánh đàn ông hí hửng ùa đi.
Nhưng trước tiên, mỗi thằng phải vào Cửa hàng bán đồ Thổ cẩm sắm cho mình một bộ cánh “tông giật”, tức là một các áo gilet và một cái mũ. Trông xa ông nào cũng giống thổ dân, chỉ mỗi tội ánh mắt thì ranh mãnh.
Gần nửa đêm rồi, Chợ Tình chả thấy đâu, người nọ chỉ cho người kia, cuối cùng dẫn đến khu chợ bán hàng hóa. Trong chợ tối om, thoạt nhìn chẳng thấy ma nào nhưng nhìn kỹ thì cũng thấy vài đôi đang ôm nhau thủ thỉ. Họ thỉnh thoảng ném ra những tia căm hờn như oán trách đám du khách đứng nhìn, chỉ trỏ, thậm chí còn lia ánh đèn pin phá đám.
Tôi thở dài thất vọng “Chả nhẽ nơi gặp gỡ Đất- Trời chỉ có vậy sao”?
Bỗng thấy có một dòng người hối hả đổ về một bãi đất trống có đốt 3 đống lửa gồm nhiều thanh củi to chụm vào nhau. Tiếng khèn bè réo rắt, bóng người đang chuyển động bên ánh lửa bập bùng. Trong vòng tròn người đang xoay vòng đó, có một đôi trai gái người Mông đang nhảy một điệu gì đó, thỉnh thoảng bàn tay họ chạm nhau, bàn chân ngoặc vào nhau, họ đổi bên theo đủ 4 hướng. Rồi có một tiếng hô to “Nhẩy đi”, một chàng trai người Mông cầm cái mũ đi xung quanh như xin tiền, rất nhiều người ném vào những đồng bạc lẻ. Kết thúc vòng, chiếc mũ cũng lưng lửng tiền thì tiếng khèn bè nhất loạt lại nổi lên dặt dìu, réo rắt và 3 chàng trai ôm khèn bè vừa thổi vừa nhảy những động tác kỳ quái. Tôi cứ tưởng tượng đó là 3 gã gà trống khổng lồ đang xã cánh xàng xê, đạp xoành xoach những ả gà mái. Thỉnh thoảng họ lại co chân bật tanh tách những cú thật xa, thật khỏe trong khi vẫn ngậm khèn bè mà rủ rê, gạ gẫm “thóc thật, thóc thật”.
Trong lúc mải mê xem họ diễn, rất vô thức, tôi bật lên “Mơlađiet” (nghĩa là cừ lắm), đó là một thán từ bằng tiếng Nga vốn đã quen sử dụng ở bên ấy khi xem những tiết mục đường phố.
- Anh là người Nga à? Một giọng nữ cất lên, một giọng đặc Nga La Tư. Tôi giật mình nhìn sang thấy ngay bên cạnh mình là một cô Tây, còn khá trẻ. Qua ánh lửa bập bùng, tôi kịp nhận ra những nét khá quyến rũ, đang mỉm cười nhìn tôi.
- Ồ không, tôi là người VN, còn chị là người Nga?
- Tôi là người Airơlen. Anh biết nói tiếng Nga?
- Vâng, còn chị?
- Tôi cũng biết tiếng Nga, vì tôi đã tu nghiệp tại Moscow!
- Rất hân hạnh được làm quen, Boris!
- Tôi cũng thế, Magaret, rất hân hạnh!
Và thế là chúng tôi hỏi chuyện nhau đã ở Nga thời gian nào, làm những công việc gì, hiện nay đang làm gì ở VN, nghĩa là rấtnhiều chuyện linh tinh khác. Magaret nói tiếng Nga rất sõi, đúng ngữ điệu còn tôi thì kém hơn. Tôi thầm trách mình hồi bên ấy chỉ mải kiếm tiền mà không chịu trau dồi ngôn ngữ nhất là thứ ngôn ngữ để tán gái để đến bây giờ tỏ ra lép vế. Mỗi khi phải diễn đạt một điều gì đó thì tôi tỏ ra rất khó khăn, đôi khi phải dùng cả ngôn ngữ cơ thể. Nhưng có vẻ Magaret không để ý, nàng ta có vẻ khoái trá khi có thể trò chuyện bằng một thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ ở một đất nước xa lạ, nhất là trong một khung cảnh khiến tình người dễ bị lay động như thế này
Nhưng rồi tôi đã nhận được tín hiệu của những người trong đoàn báo đã đến lúc phải quay trở về khách sạn. Chúng tôi hẹn ngày mai sẽ gặp lại nhau, tôi trao số phòng và địa chỉ khách sạn. Dọc đường về những người đi cùng đã thi nhau trêu tôi và dọa sẽ mách với vợ nhưng tôi như một kẻ đang bị ngấm men, bất chấp tất cả.
Sáng hôm sau, khi vẫn còn ngủ mê mệt thì có tiếng bấm chuông. Tôi choàng dậy nhìn đồng hồ đã 9 giờ sáng. Lễ tân báo “có một cô Tây đang hỏi một người VN tên là Boris ở trong phòng này, cháu trả lời là không có nhưng cô ấy cứ quả quyết là có nên cháu phải lên hỏi” . Bất giác câu chuyện đêm qua vụt hiện. May quá, vợ không còn ở trong phòng, chỉ thấy một mảnh giấy để lại trên bàn “Anh dậy và tự ăn sáng nhé, em đi chợ đây”. Tôi bảo lễ tân xuống báo là sẽ xuống ngay rồi lao vào phòng vệ sinh hối hả đánh răng, tắm qua loa, chải đầu và không quên phun tí nước hoa, một cử chỉ chưa có bao giờ. “À mình phải khoác bộ đồ tối qua để cho nàng dễ nhận” tôi nghĩ vậy và mặc đồ y như một ông dân tộc.
Chạy xuống cầu thang 2 bậc một, vui vẻ huýt sáo rồi lao ra khỏi cửa, bỗng tôi khựng lại vì thấy Magaret đang đứng trước cửa khách sạn trong bộ đồ của một cuarơ xe đạp, tay cầm vào ghi đông một chiếc xe... và nhìn tôi nhoẻn cười rất tươi. Trong ánh nắng của một buổi bình minh trên rẻo cao, hình ảnh nàng còn trẻ trung, xinh đẹp hơn cả tối qua. Tôi nhận ra đôi mắt sâu màu hạt dẻ, làn da rám nắng với lớp lông tơ mịn như nhung và gương mặt khả ái. Lúng túng một chút rồi tôi cũng bật ra được câu chào bằng tiếng Nga:
- Chào buổi sáng, Magaret!
- Boris, chào buổi sáng!
Thế rồi nàng tíu rít hỏi tôi đêm qua ngủ có ngon không, nàng cũng cho biết đã tranh thủ đạp 1 vòng quanh thị trấn và bây giờ sắp sửa cùng lũ bạn phượt vào một bản người Mông gần đó rồi tối sẽ trở về HN để sáng mai kịp đi làm, nên cũng coi như đây là đến chào tạm biệt. Nghe xong tôi có cảm giác một nỗi buồn thoáng qua. Nàng dúi vào tay tôi một mảnh giấy ghi số điện thoại cơ quan ở HN (thuở đó chưa có điện thoại di động) và nhẹ nhàng lên xe, vút đi như một cơn lốc để lại sự hẫng hụt nơi tôi.
Nhưng rồi sự hẫng hụt ấy cũng qua đi rất nhanh, mặc dù cũng thực sự khó cắt nghĩa tình cảnh mình lúc này. Tôi chỉ quan niệm rằng đây chỉ là một chút xao xuyến lòng khi bất chợt bắt gặp lại một hình ảnh thân quen mà mình đã chôn sâu trong ký ức. Và hình ảnh thân quen ấy chính là Nước Nga.
Về Hà Nội, tôi cũng quên khuấy câu chuyện này. Mãi cho đến hôm đi làm ảnh mới thấy xuất hiện tấm ảnh tôi và nàng đứng nói chuyện với nhau trước cửa Khách sạn. Lúc ấy vợ tôi mới tủm tỉm và thủng thẳng nói :
- Em chụp đấy, hôm ấy em không đi chợ mà muốn đợi anh để cùng đi. Ngồi trong phòng ăn, thấy anh hối hả lao đi làm em tò mò và thế là em đã chụp được hình ảnh của anh với cô Tây. Thế nào, quen lúc nào thế? Còn số điện thoại nào đây?
- Á à, Em làm anh bất ngờ đấy!
Và thế là tôi kể lại câu chuyện đó cho em. Còn bức ảnh, tôi cũng chẳng để ý nữa, cho đến hôm nay thì tình cờ tìm thấy. Chắc ông tò mò muốn hỏi phần sau câu chuyện thế nào chứ gì? Thế thì ông nghe tôi kể tiếp đây:
Sau đấy mấy hôm, tôi đánh liều gọi lại theo số mà Magaret đã cho. Ở đầu dây kia có giọng đàn ông đáp lại bằng tiếng Anh mà tôi một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Tôi phải nhờ một cô bé cùng phòng nói hộ. Chờ đợi khoảng chừng 2 phút sau thì nàng nghe máy, 2 phút đó lâu như 2 thế kỷ. Nàng như reo lên trong máy (tất nhiên là bằng tiếng Nga):
- Boris, anh tệ thế, sao bây giờ mới gọi cho tôi? Tôi đã đợi đến mức đã quên anh rồi đấy!
Nghe giọng nàng vui vẻ, tôi biết là nàng vờ trách vậy thôi. Tôi lúng túng giải thích là công việc bận quá nên đã làm thất lạc số điện thoại, hôm nay mới tìm được. Hỏi thăm một hồi thì nàng bảo:
- Boris, anh có muốn uống coffee với tôi không?
- Ồ có chứ, chị để tôi mời, ngay bây giờ nhé!
- Đồng ý!
- Chị đang ở đâu, Margaret?
- Tôi đang ở phố Bà Huyện Thanh Quan.
- Chị ra ngoài phố chờ tôi nhé, tôi sẽ đến đón.
- OK, tôi sẽ chờ.
Tôi băng ngay ra đường, vẫy một cái Taxi rồi chui vào. Cơ quan tôi lúc đó đóng trên đường Nghi Tàm nên tới chỗ nàng cũng gần. Trên xe, tôi điểm mặt những quán Coffee nào có thể đưa nàng tới? “Ok! ở đầu đường Thanh niên” tôi vui mừng vì đã nhớ ra quán đó có Wiew đẹp, trông ra Hồ Trúc Bạch.
Từ xa đã trông thấy Margaret, nàng mặc chiếc váy hoa xanh rộng, vai đeo túi khoác màu trắng, một cái áo vét đã gấp gọn gàng vắt vẻo trên tay. Tôi nhảy ra khỏi xe, tiến đến, chào và bắt tay. Nàng nở nụ cười thật tươi đáp lại. Tôi lại gần xe, mở cửa sau chìa tay đỡ nàng bước lên (tôi đã học được thói galang này bao giờ không biết) và cũng nhanh chóng chui vào ngồi cạnh. Sau khi nói địa điểm cho lái xe, tôi mới ngắm kỹ nàng. Dưới lớp trang điểm có phần hơi đậm, với hàng mi giả, đôi mắt sâu màu hạt dẻ lại càng thêm huyền ảo. Margaret hôm nay trông có phần lộng lẫy, yểu điệu chứ không rắn rỏi giống như phượt thủ trên miền đất SaPa. Bất giác tôi mỉm cười, rất kín đáo nhưng vẫn không qua được mắt nàng
- Boris, anh cười gì đấy?
- Ồ không, trời hôm nay đẹp quá! Tôi ngừng lại một tí rồi lấy hơi nói thật nhanh:
- Và Margaret cũng rất đẹp!
Bây giờ thì đến lượt nàng mỉm cười, liếc tôi thật nhanh và nói:
- Tôi hiểu nụ cười của anh mà, anh ranh mãnh lắm!
Thế là chúng tôi cùng cười phá lên.
Quán coffee tôi đến có một người quen, đó là cô cháu gái đã tốt ngiệp trường Thương Mại nhưng chưa xin được việc làm nên đang làm tạm. Nó nhìn thấy tôi từ xa, định chào nhưng tôi đã lừ mắt ra hiệu nên nó chỉ giả vờ đi qua và nói nhỏ đủ để tôi nghe “bác đừng ngồi bàn trong góc nhé, bàn ấy bị gài máy ghi âm đấy” “Tao cứ ngồi, sợ gì”. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn tránh cái bàn đấy, “Chả tội gì rước lấy phiền phức”. Tôi biết những kẻ lọc lõi hay chọn những chỗ kín đáo để ngồi.
Tôi đã chọn một cái bàn sát cửa sổ, tuy không đẹp lắm nhưng cũng trông ra hồ được. Hồi đó hồ Trúc Bạch chưa được kè, còn nham nhở lắm, giữa hồ bãi pháo vẫn để hoang, cỏ dại mọc um tùm, phía xa bãi xỉ than của Nhà máy Điện Yên phụ vẫn để lại dấu tích. Từng cơn gió từ hồ thổi vào mát rượi làm những lọn tóc Margaret phấp phới bay. Một số ánh mắt tò mò đang tập trung nhìn về phía chúng tôi nhưng tôi cứ mặc kệ. Margaret gọi một cốc trà Đimat dâu lạnh còn tôi gọi một tách coffee phin (đàn ông mà) để câu giờ.
Bây giờ chẳng còn nhớ hôm đấy đã luyên thuyên những gì, chỉ biết là nàng đã rất vui còn tôi thì khá “nổ”. Bằng vốn tiếng Nga có được, tôi đã kể cho nàng nghe về tuổi thơ của tôi gắn bó với 2 cái Hồ này, từ chuyện tắm truồng Hồ Tây, mò đầu đạn dưới hồ Trúc Bạch đến chuyện đi sơ tán, chuyện phi công Mỹ nhảy dù xuống hồ bị bắt... Nàng chăm chú nghe, thỉnh thoảng phá lên cười. Mãi sau chúng tôi mới hỏi về công việc của nhau. Margaret đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về hậu quả bom mìn, đã sang VN được 2 năm rưỡi và cũng sắp sửa hết nhiệm kỳ.
- Thế sau khi hết nhiệm kỳ ở VN thì em đi đâu? Tôi hỏi (Lúc này chúng tôi đã chuyển sang gọi nhau là anh em, tức là ngôi 2 số ít, không còn là ngôi 2 số nhiều như hồi mới quen nữa. Đó là cách gọi lịch sự của người Nga). Mắt nàng bỗng đượm buồn:
- Em cũng không biết nữa, theo sự phân công, có thể sang Iraq, ở đó đang có chiến tranh.
Câu chuyện chùng hẳn xuống, tôi bỗng thấy buồn, không biết có phải do chiến tranh xen vào câu chuyện không, hay là vì sắp sửa phải xa em, xa một người bạn mới quen, bí ẩn và thú vị.
- Em muốn ở VN, em mến đất nước và con người ở đây, họ rất thân thiện.
“Không phải em muốn nói là trong đó có cả anh đấy chứ, Margaret”? Tôi đã rất muốn hỏi nàng một câu như thế!
Đêm ấy, tôi rất khó ngủ, cứ trằn trọc mãi. Nằm bên cạnh, vợ tôi hỏi:
- Anh sao thế, có chuyện gì à? Hôm nay em thấy anh có vẻ lo âu chuyện gì ấy?
- Không có gì đâu, chỉ là chiều nay anh uống coffee đặc quá, lâu rồi anh ko uống đặc như thế !
Có tiếng thở dài nhè nhẹ, nàng trở mình, xoay lưng về phía tôi, hồi sau hơi thở đã đều đều. Mãi đến gần sáng tôi mới chợp mắt.
*
Sáng hôm sau và nhiều hôm sau nữa, tôi muốn kể lại cho vợ nghe cuộc hẹn hò của tôi với Margaret vì tôi không muốn làm việc gì có lỗi thêm với vợ, ở bên Nga tội lỗi của tôi đã cao ngất trời rồi. Nhưng tôi lại nghĩ “Đã có gì đâu nhỉ, tại sao lại nghĩ đấy là có tội, mình hoàn toàn trong sáng cơ mà”? Để ý thấy thái độ của vợ không có gì khác, nàng vẫn vui vẻ chăm lo cho chồng nên tôi hoàn toàn yên tâm.
Độ vài lần đi coffee nữa thì Margaret ngỏ ý muốn mời tôi đến thăm nơi làm việc của nàng.
- Có tiện không? tôi hỏi
- Sao lại không? Nàng hỏi lại
- Anh e là sẽ không có lợi cho em.
- Boris, anh nghe này, sẽ không có gì là có lợi hay không có lợi cả. Bởi lẽ em không quan tâm điều ấy.
Tôi biết là đã làm cho nàng tự ái.
Hôm tôi đến, nàng đã ra đón tận ngoài đường và nói gì đó với anh Cảnh vệ trong chòi gác, rồi dẫn tôi vào.
Đó là một ngôi Biệt thự màu vàng với những ô cửa màu xanh xẫm xen lẫn xanh nhạt, rất đẹp được xây từ thời Pháp trên phố Bà Huyện Thanh Quan. Khu vườn có những cây cọ Malayxia và cây Bách tán cổ thụ, cỏ và hàng rào thấp bao quanh được xén tỉa gọn gàng.
- Hôm nay chỗ em ít người làm việc lắm. Các chuyên viên đều đã xuống hiện trường. Chỗ này Cộng tác viên người Việt vẫn thỉnh thoảng tới làm việc, họ là các chuyên gia về rà phá bom mìn. Em làm việc trên gác.
Nói xong, nàng kéo tôi đi lên lầu.
Phòng làm việc rộng rãi, sáng sủa, một chiếc bàn kê ở giữa như là bàn họp, mấy cái bàn máy vi tính lùi vào góc trong. Cửa sổ mở, những luồng gió liên tục thổi vào từng cơn mát rượi. Đứng trên Bao lơn nhìn xuống khu vườn thì thật là tuyệt, "Người Pháp khôn thật, kiến trúc mới tinh tế làm sao" tôi đã thoáng nghĩ trong đầu như vậy.
Mải ngắm nên tôi không để ý 2 cốc trà đen nóng hổi và mấy lát chanh đã được mang ra từ lúc nào. Liếc nhìn vỏ hộp, thì ra là trà đen của Nga nhưng có xuất xứ Xrilanka. Những viên đường vuông vắn nằm trong một chiếc khay thủy tinh đã mở nắp. Margaret liếc nhìn tôi và hỏi:
- Mấy?
- 2 viên.
- Hơi nhiều đấy!
Nói xong nàng nhón đường thả vào cốc của tôi, những ngón tay mới thon thả và duyên dáng làm sao!
Đúng là phong cách uống trà kiểu Nga, kể cả cái cách hỏi nhau về số lượng đường viên mà bấy lâu tôi đã gần như đã quên. Vừa uống tôi vừa ngẫm nghĩ "Điều gì đã khiến cô gái này gắn bó với nước Nga đậm sâu như vậy"?
Bỗng tôi thấy trên bàn làm việc của nàng có một tấm hình, mà người trong hình hình như lại là tôi. "Quái lạ, nàng này đã kịp chụp mình lúc nào mà mình ko biết nhỉ"?
Tiến về phía ấy định cầm lên xem thì nàng đã kịp ào đến, che lên bằng một quyển tạp chí và nói:
- Boris, điều này là không thể.
Ngạc nhiên, ngước nhìn lên như một câu hỏi nhưng thấy đôi lông mày của nàng hơi nhíu lại, tôi biết là tôi đã phạm phải một điều cấm kỵ. Bỗng nàng reo lên:
- Lại đằng kia, tôi sẽ cho anh xem cái này nhưng cấm được cười đấy.
Hóa ra cái điều nàng muốn cho xem là cuốn Alboom gia đình, trong đó có ảnh Margaret qua năm tháng, ngộ nghĩnh, đáng yêu nhưng thú thực tôi không thích thú, dường như tâm trí tôi đang bị hút vào tấm ảnh để trên bàn làm việc của nàng. Tôi cố làm bộ vui vẻ để nàng khỏi phật ý. Sau đó lấy cớ có việc bận ở cơ quan nên tôi xin phép ra về. Margaret hình như không vui.
Ra khỏi cổng cơ quan nàng một thôi dài mà vẫn không thấy chiếc Taxi nào ngang qua, tôi đang định băng sang bên kia đường thì 1 chiếc xitđơca chạy tới, 1 người mặc thường phục bước xuống chìa cho tôi xem tấm thẻ Ngành rồi mời tôi lên thùng xe để về cơ quan CA làm việc.
Tại đây, tôi đã xuất trình Hộ chiếu, Thẻ nhân viên của Công ty và được hỏi về lý do và nội dung những việc vừa làm của tôi ở chỗ Margaret.
Tôi thành thực kể hết. Nghe xong, sau khi gọi điện đến các nơi cần thiết để xác minh, các anh ấy nói:
- Chúng tôi hỏi anh cũng vì nhiệm vụ. Rất may đối với anh, đó chỉ là những quan hệ xã giao bình thường, chuyên môn của anh lại không có gì liên quan và cô gái đó cũng là người tốt. Trong số những người Việt vào đấy làm việc, cũng có người đã cung cấp cho họ những thông tin quan trọng. Bây giờ anh có thể về.
- Lần sau, tôi có được vào đấy nữa không? Tôi cố hỏi
- Anh vẫn có thể vào nhưng tránh đi thì hơn.
Dọc đường trở về cơ quan, tôi như người mất hồn. Những câu hỏi về con người Margaret, về tấm ảnh trên bàn luôn xuất hiện đã khiến tôi bước đi như kẻ mộng du. Bỗng tôi toát mồ hôi hột khi một ý nghĩ luẩn quất trong đầu rằng "Mình đã bị cơ quan tình báo nước ngoài để ý, kiến thức về bom mìn mình đâu có xoàng, CA có thể không biết nhưng Tình báo nước ngoài thì không, có khi nào Margaret lại là cấp trên của mình..."? Đêm hôm đó và nhiều đêm sau đó, tôi trằn trọc và vô cùng khó ngủ.
Suốt 2 tuần liền, tôi không gọi cho Margaret và đã 2 lần từ chối đi coffee với nàng với lý do bận làm thầu. Quả thật tôi cũng rất nhớ nàng nhưng mỗi khi nhớ tới lời khuyên của anh cán bộ An ninh thì tôi lại muốn "tránh đi thì hơn". Phải đến lần mời thứ 3 thì tôi nhận lời, khi đó cũng là lúc tôi nhớ nàng quá rồi.
Gặp nhau ở chỗ cũ, Margaret mừng ra mặt. Nàng ùa tới, nắm chặt tay tôi lắc lắc, rồi nhẩy chân sáo dẫn tôi về chỗ ngồi. Tôi cũng vui nhưng ánh mắt có lúc đượm buồn khiến nàng thắc mắc. Bất chợt nàng hỏi:
- Boris, nói thật với em đi, anh bị CA tới hỏi phải không?
Tôi lắc đầu nhưng chính sự buồn bã của cái lắc đầu ấy đã nói lên tất cả. Nàng cất tiếng thở dài:
- Em biết, không ít người cũng đã bị hỏi như anh.
Nói xong, nàng nhún vai, lắc đầu vẻ khó hiểu.
- Boris, cho em xin lỗi vì đã làm anh khó xử?
- Thôi ta nói chuyện khác đi.
Sau đó, chúng tôi lại ríu rít, dường như trước đó chưa có chuyện gì xẩy ra. Chính vẻ thành thực của nàng đã làm tôi thêm vững dạ.
Coffee với nhau mấy lần nữa thì Margaret ngỏ ý muốn đi dã ngoại cùng tôi.
- Nhưng gần gần thôi nhé!
Khi Margaret nói “Nhưng gần gần thôi nhé” là tôi đã hiểu nàng vẫn còn giữ ý. Nghĩ mãi mà chưa tìm ra được địa điểm nào vừa ý, tôi điểm qua mấy nơi, nơi thì có ý nghĩa về kiến trúc nhưng kiến trúc VN đọ làm sao được với Tây? Nơi thì có ý nghĩa về tôn giáo nhưng tôn giáo là chủ đề mà tôi dị ứng và kém hiểu biết nhất. Nơi thì là chỗ du hý của bọn trẻ nhưng mình đến đấy làm gì? Mà Tây chỉ thích được hòa mình với thiên nhiên, càng hoang sơ càng thú vị. Nhưng gần gần thôi thì khó thật!
Trong 1 lần coffee, thấy tôi trầm ngâm và có vẻ lo lắng, Margaret hỏi:
- Anh còn bị CA hỏi thăm lần nào nữa không?
- Không, em ạ!
- Em rất buồn khi để anh phải lo lắng. Anh biết không, cơ quan em tuy là 1 tổ chức phi chính phủ nhưng chi tiêu cũng rất dè sẻn. Chúng em cố gắng để cho các dòng tiền đi đúng chỗ và hợp lý. Đáng tiếc là có những nơi đã cung cấp các số liệu không thật, nơi thì khai vống số bom mìn bị phá, mỗi khi Đoàn xuống hiện trường thì họ vận chuyển xác bom mìn gỡ được từ nơi khác về chất đống để kiểm đếm, cũng có nơi còn khai khống nhằm tranh thủ các dòng tiền viện trợ, còn có nơi các nạn nhân về bom mìn không được hưởng đúng chế độ. Một số người tốt đã bí mật báo cho chúng em nên đôi khi cũng bị phiền phức, nhưng trường hợp của anh thì lại không liên quan gì cả.
- Nhưng còn tấm ảnh trên bàn làm việc của em, phải chăng anh đã bị vướng vào một chuyện gì?
- À, đó là cả một câu chuyện dài, thế nào rồi anh cũng được biết.
Nàng nói và nhìn tôi với một ánh mắt trong veo. Vẻ căng thẳng của tôi vì thế cũng dần tan biến, chúng tôi lại ríu rít, líu lo!
Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra được một chỗ để Dã ngoại gọi là tương đối hơn cả, đó là Bãi Giữa sông Hồng.
Ngày xưa, khi còn bé tí, khi nào chúng tôi được bố mẹ cho phép đi chơi cầu Long Biên thì ngày hôm đó coi như là Đại Lễ. Với số tiền ít ỏi để mấy anh em đi tàu điện, chúng tôi chỉ còn lại mấy xu mua ổi ở Ngọc Thụy hoặc mua mấy quả thị về để hít hà. Nhưng bãi Giữa thì lại luôn là một thế giới đầy mê hoặc. Tôi vẫn còn nhớ ở giữa cầu có một trụ cầu thang dẫn xuống bãi Giữa, chẳng biết bây giờ còn không?
Có một đứa quân cũ, rất ngoan, sai gì cũng làm. Chiều thứ 7 trước ngày đi Picnic, tôi phóng xe đến bảo nó:
- Mày chuẩn bị cho anh 1 cái bánh mì gối, 1 gói bơ, 1 lọ dưa chuột muối và mấy quả dưa chuột, nhớ làm cho anh mấy lạng thịt sa síu thật ngon, chuẩn bị thêm mấy tờ báo, kiếm cái phích con đựng coffee pha sẵn đường nhé, sáng sớm mai anh đến lấy.
- Vâng ạ! Nó nói rồi mở to mắt nhìn như muốn hỏi lại. Mặc kệ, tôi cứ vù ga phóng đi.
Sáng hôm sau là chủ nhật, tôi nói với vợ là phải đến trực cơ quan. Vợ tôi biết quá rõ cơ quan tôi nên hỏi “Sao lại phải trực”. Tôi nói liều “Bảo vệ cơ quan anh đi tập huấn nghiệp vụ ở Quận hết nên mỗi phòng phải cắt cử người trực, hôm nay đến lượt anh”. Chả biết nàng có tin hay không nhưng tôi cứ dắt xe đi.
Sau khi lấy đủ các thứ đặt từ hôm trước, dúi cho đứa quân ít tiền, tôi hối hả đến đón Margaret. Hôm nay nàng diện quần bò, giầy thể thao, tóc búi cao khiến gương mặt càng thêm thanh tú. Bộ ngực căng đầy dưới lần áo phông trông nàng quyến rũ lạ thường.
Do đã nói từ hôm trước là sẽ picnic ở một nơi bí mật, rất gần mà thú vị nên dọc đường Margaret không hỏi lời nào, nàng ngoan ngoãn ngồi sau xe, thỉnh thoảng lại áp vào tôi tin cậy, tôi cảm nhận được hơi ấm và cả cái gì đó nhột nhột sau lưng.
Gửi xe ở Đầu cầu rồi khoác túi đồ cùng nàng rảo bước lên cầu, đến lúc này tôi mới nói địa điểm Picnic ở Bãi Giữa nên nàng mới ồ lên và rằng, đã đi qua cầu Long Biên rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên được đi bộ trên cầu, ngắm cảnh và thưởng ngoạn gió Sông Hồng, khiến bây giờ cảm giác cứ lâng lâng. Khách bộ hành trên cầu ai cũng cứ ngoái lại nhìn, dường như điều này lại khiến nàng thêm phấn khích, có lúc nàng giơ cả 2 tay lên trời hét rất to, quay lại thấy tôi chỉ cười mỉm, nàng ngạc nhiên hỏi:
- Boris, sao anh không hét? Anh không thấy vui à?
- Ồ có, anh có vui, nhưng anh không thể hét, anh đã qua tuổi đó rồi .
- Boris, anh già khi nào thế? Em không thích anh nói thế đâu!
- Em phải nhớ là anh gần gấp đôi tuổi em đấy, Margaret ạ!
May quá, cái cầu thang dẫn xuống Bãi Giữa vẫn còn, chúng tôi thong thả lần xuống, từng bậc một.
Chẳng biết bây giờ Bãi Giữa thế nào chứ hồi ấy Bãi Giữa vẫn còn hoang vu lắm. Mùa nước cạn, Bãi Giữa là cả một mầu xanh ngắt toàn ngô với khoai, thi thoảng có vài ruộng mía. Ngô ở đây đang độ phun râu, cao ngập đầu người, đi lạc vào ruộng ngô thì coi như mất dạng. Có một cái bàu cạn, ai đó đã thả vịt và dựng một cái lều gần đó. Đứng ở đó nhìn lên thấy cầu chỉ còn thấp thoáng.
Chúng tôi “hạ trại” ở gần cái lều vịt. Margaret rất lạ lùng với đám ruộng khoai lang, tôi đã giải thích về sự giống nhau giữa khoai lang và khoai Tây. Để cho nàng tin, tôi đã bới luống tìm khoai, nhưng mùa này khoai còn non, củ bé tí, đầy rễ. Tôi moi được một củ bằng ngón tay, lấy tay vuốt cho rụng hết rễ rồi đưa lên miệng cắn, nghe ròn khâng khấc. Tò mò, nàng xin cắn thử, song vừa mới đưa lên miệng đã vội nhả ra ngay kêu chát. Nàng đâu hiểu được ngoài vị chát ra, vị ngọt như sữa của giống củ đã nuôi dưỡng bao thế hệ tuổi thơ của đất nước đau thương này!
Nhìn thấy đất của một tổ dế đùn lên, tôi kêu “Margaret, nhìn này”. Mở nắp 1 chai nước đổ vào tổ dế, một lát sau chú dế đen trũi bằng ngón tay út trồi lên, tôi nhanh tay bắt lấy rồi đưa cho nàng. Bỗng nàng kêu ối một tiếng rồi buông tay ra, con dế đã vọt đi, nàng đã chỉ cho tôi xem vết răng con dế vẫn in hằn trên ngón tay.
Ngồi nghỉ một lát, rồi Margaret rủ tôi chạy thi, lẽ nào lại từ chối, tôi nhận lời ngay. Mới xuất phát được chục mét, tôi biết là mình đã thua. Margaret guồng chân nhanh thoăn thoắt, mạnh mẽ băng lên phía trước, tôi lạch bạch chạy theo sau và chiếc áo phông màu vàng của nàng cứ dần dần bỏ xa đến khi chỉ còn thấp thoáng. Chạy được khoảng 200m nàng ngoái nhìn chắc không thấy tôi nên dừng lại. Mãi sau tôi mới hổn hển chạy đến, chỉ xuống đôi “giầy lười” dưới chân phàn nàn “Tại hôm nay anh không đi giày thể thao”, nàng gật đầu có vẻ tin vào lời giải thích của tôi nhưng nàng đâu biết dù tôi có đi giày của kiện tướng điền kinh, dù tôi có trẻ lại vài chục tuổi... thì cũng không bao giờ có thể chạy nhanh bằng nàng. Lúc còn sinh viên tôi đã chạy 100m hết 16 giây, đó là một kỷ lục đáng xấu hổ!
Sau khi tháo giầy lội xuống sông, vục nước lên mặt, Margaret hỏi:
- Tại sao con sông nào ở VN cũng ngầu đục, nước không trong vắt như ở Châu Âu?
- Do địa hình bằng phẳng nên trừ mùa lũ, các con sông ở châu Âu đều không chảy xiết nên đã không cuốn theo nhiều bùn đất như sông ở VN, nhưng em biết không, bùn đất của dòng sông cũng là tài nguyên của chúng tôi đấy! Nàng ngơ ngác có vẻ không hiểu.
Lúc này trời đã xế trưa, chúng tôi quay trở về nơi “hạ trại’. Nàng thực sự kinh ngạc khi nhìn các đồ ăn mang theo của tôi “Thật là một bữa tiệc thịnh soạn” nàng thốt lên. “Đàn ông VN thật chu đáo, anh xem này, em chỉ có đơn giản thế này thôi”. Tôi nhìn sang, thấy nàng chỉ chuẩn bị một lọ mứt quả và mấy lát bánh mỳ, so với sự chuẩn bị của tôi thì quả là khiêm tốn. Trong bữa ăn dã chiến đó, nàng thích nhất món thịt sasíu, nàng bảo “Phương Đông huyền bí, có những thứ gia vị đặc biệt khiến ẩm thực vô cùng độc đáo” tôi nghe mà như muốn nổ cánh mũi.
Khi coffee được rót ra, nhấp một ngụm, nàng lim dim mắt nói:
- Coffee ngon tuyệt, Người VN nhỏ bé nhưng cái gì cũng mạnh mẽ, ăn thì cay, uống trà thì đặc, ngay cả coffee cũng rất đặc. Hồi mới sang em không thể nào uống được, cứ phải đổ thêm nước sôi, mãi rồi cũng thành quen.
- Thì cũng như người châu Âu, thích uống rượu mạnh. Hồi bên Nga anh cũng đã chứng kiến người ta còn uống cả cồn tuyệt đối đấy!
Bỗng Margaret xoay lưng ngồi dựa hẳn vào tôi, tay vẫn cầm cái nắp phích thay cốc đựng coffee, nàng hỏi:
- Boris, đã bao giờ anh thắc mắc tại sao em lại thích nói chuyện với anh không?
- Biết chứ! Đó là vì tình yêu đối với nước Nga.
- Với anh thì có thể thế, nhưng với em chỉ đúng một nửa.
Như có luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi ngạc nhiên và có vẻ hân hoan chờ đợi điều nàng sẽ nói, có thể sẽ là điều vô cùng hệ trọng, nhưng vẫn giả đò im lặng.
- Anh rất giống và giống một cách kỳ lạ người con trai đầu tiên mà em đã yêu trong đời, anh ấy là Xenđơ, lưu học sinh người Mông Cổ cùng học với em, anh ta rất khéo tay và học rất giỏi. Chúng em yêu nhau từ năm thứ 2 cho đến khi ra trường. Anh ấy là con một nên không thể xa gia đình, còn em cũng không thể đến đất nước xa lạ ấy, sự khác nhau giữa 2 nền gowin99 đã khiến chúng em phải chia tay. Cuộc chia tay đã để lại trong em những dấu ấn rất nặng nề.
- Tiếc nhỉ? Tôi đế vào. Lúc này vẻ hân hoan đã không còn nữa.
- Anh có biết không, Những lúc bắt gặp ánh mắt anh nhìn xuống, hay nhìn ra xa xăm nghĩ ngợi thì em cảm thấy như gặp được Xenđơ của em mỗi khi anh ấy nhớ về quê hương. Tình yêu quê hương của Xenđơ mãnh liệt đến nỗi vào những ngày nghỉ cuối tuần, chúng em ra chơi ở ngoại ô thì bao giờ anh ấy cũng mặc bộ đồ dân tộc và đội chiếc mũ lông cừu có chóp nhọn, vai khoác cái kèn có đoạn phình ra như qua táo ở giữa mà mỗi khi cất lên thì âm thanh buồn, ảo não vô cùng, khiến chim chóc cũng không thể cất lên tiếng hót.
Đúng cái lúc tưởng như đã quên được Xenđơ thì em lại gặp anh vào cái tối hôm ấy trên SaPa. Mà anh giống anh ấy kỳ lạ, giống cả cách phát âm một số từ, hay là người châu Á dầy lưỡi nên có cách phát âm như vậy? Anh có nhớ bức ảnh trên bàn làm việc của em không? Ảnh của Xenđơ đấy chứ không phải của anh đâu. Bức ảnh ấy đây này, anh hãy xem đi.
Nàng cẩn thận lấy tấm ảnh được kẹp giữa một cuốn sách rồi đưa cho tôi. Quả thực, người đàn ông trong ảnh đã giống tôi kỳ lạ, chỉ khác là anh ta trẻ hơn. Bức ảnh đã cũ, một số chỗ đã nhuốm màu thời gian, ố vàng.
Giữ bức ảnh trong tay hồi lâu, tôi thẫn thờ nói:
- Margaret ạ, không phải bây giờ em nói mà anh mới nói điều này đâu, ngay từ lâu anh cũng đã ngờ ngợ có một điều gì đó giữa anh và em mà anh không thể đặt tên. Nhiều lúc anh cứ tự hỏi “Tại sao anh và em ngay từ đầu đã có sự đồng cảm như vậy, mà anh có gì đặc biệt đâu, anh cũng như những người Việt Nam khác, thậm chí anh đã có vợ và cũng không còn trẻ nữa”? Chỉ có một cách lý giải đó là tình yêu đối với nước Nga và có thể em đã có một niềm vui đặc biệt khi được nói chuyện bằng tiếng Nga ở một đất nước xa lạ. Nào ngờ em lại có Xenđơ, “Ôi Xenđơ ơi là Xenđơ, cậu đã đánh rơi một mối tình vĩ đại mà không biết”. Margaret, anh hỏi thật, liệu sau này ta có nên gặp nhau nữa không, anh không muốn em lại buồn khi nhớ tới Xenđơ.
- Em cũng không biết nữa, có thể em sẽ vẫn gọi cho anh.
Margaret đã quay mặt lại, cầm lấy tay tôi và nói:
- Boris, anh hứa với em, mình sẽ vẫn là bạn tốt của nhau nhé!
Tôi bóp nhẹ vào tay em, buồn bã.
Câu chuyện giữa chúng tôi chùng hẳn xuống, ai cũng mải suy nghĩ về mình và từ lúc đấy cho đến khi đưa nàng về, chúng tôi đã không ai nói với ai một câu nào nữa.
Thực lòng mà nói, ngay từ đầu tôi đã biết “câu chuyện này rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu”, nhưng vì hiếu kỳ xen lẫn một xúc cảm mơ hồ nào đó mà cố nuôi dưỡng nó . “Rồi sẽ đến lúc phải kết thúc thôi” tôi đã nhiều lần tự nhủ như vậy.
Nhưng Margaret thì giữ lời hứa, nàng vẫn gọi cho tôi, chúng tôi còn đi coffee vài lần nữa. Những lần ấy, cả hai đều tránh nhắc tới Xenđơ hoặc lúc nào thấy Margaret nhìn tôi với anh mắt buồn bã thì tôi đều chủ động đứng lên ra về. Những cuộc đi chơi như thế thưa dần, thưa dần và suốt 1 tháng, chúng tôi không hề gặp nhau.
Cho đến một buổi sáng, đó là ngày chủ nhật, tôi còn đang ngủ nướng thì một hồi chuông điện thoại reo vang. Vợ tôi nhấc máy, đầu dây bên kia có giọng người con gái, vợ tôi nghe và quay sang “Hình như là điện thoại của anh, em nghe thấy cái gì như Boris ấy”, tôi vội vồ lấy ống nghe, đầu dây bên kia là Margaret:
- Boris, em đang gọi cho anh từ sân bay, em sắp lên máy bay về nước. Đáng ra em phải báo cho anh từ tuần trước nhưng em đã không làm thế, em thực có lỗi với anh. Biết nói gì với anh vào lúc này khi lòng em rất buồn, em sắp phải chia tay một đất nước mà em yêu tha thiết, phải chia tay những đồng nghiệp thân thương và sắp phải chia tay anh, Xen đơ của em! Em cám ơn anh về những buổi chuyện trò bên tách coffee, cám ơn anh những chuyến đi Picnic, anh đã khiến em sống lại những cảm giác yêu đương muộn màng. Boris anh nghe này, từ nay Xenđơ trong lòng em đã chết, em không thể níu giữ mãi những gì không thuộc về mình, em sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới. Em sẽ mãi nhớ về anh, Vĩnh biệt anh, Boris, Xenđơ của em!
- Margaret, Margaret, nghe anh nói này... tôi cuống quýt gào lên nhưng đầu dây bên kia đã buông máy, chỉ còn lại những tiếng kêu bíp bíp.
Tôi thẫn thờ bỏ máy. Yên lặng hồi lâu rồi vợ tôi khẽ hỏi:
- Có chuyện gì mà anh hốt hoảng thế? Margaret là ai? Có thể kể cho em nghe được không?
- Em ạ! Anh không muốn giấu em đâu, em có nhớ cô Tây mà em đã chụp được với anh ở SAPA dạo nào không? Đó là Margaret đấy, cô ta là người Airơlen đã từng du học ở Nga...
Và thế là tôi đã kể cho nàng toàn bộ câu chuyện đã xẩy ra như tôi đang kể với ông, không giấu một tẹo nào. Nàng nghe mà thái độ bình thản đến lạ lùng. Chờ cho tôi qua cơn xúc động, nàng bảo:
- Thôi anh rửa mặt đi rồi vợ chồng mình đi ăn sáng, lâu rồi mình đã không đi ăn cùng nhau, em cũng có lỗi là ít để ý chăm sóc anh. Rất mừng là anh đã không làm gì để em phải xấu hổ. Anh biết không, em đã có linh cảm ngay từ hôm anh mất ngủ và đổ cho là uống coffee đặc nhưng em không nói ra mà thôi.
Nghe nàng nói mà tôi toát cả mồ hôi. Đúng thật, cũng may là tôi vẫn chưa làm gì nên chuyện phải không ông? Cho đến bây giờ, Mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh này là tôi lại nhớ tới vẻ mặt bình thản và ánh mắt vị tha của cô ấy, nó ám ảnh vô cùng, làm tôi rất sợ phải đối mặt với chính mình.
Im lặng hồi lâu, hắn thốt lên, vẻ đau khổ:
- Nhưng còn Margaret, suốt bao năm trôi qua tôi đã không có tin tức gì. Liệu nàng có quên hẳn được Xenđơ, nàng có tìm được tình yêu đích thực? Và còn cả vợ tôi nữa, có thật là nàng đã hoàn toàn tha thứ cho tôi không?
Ông có thể viết thành truyện nhưng khi đăng nhớ đừng nêu tên thật. Hãy cứ để những gì cần im lặng thì sẽ được im lặng và Margaret nếu lỡ đọc được thì cũng sẽ mỉm cười.
Margaret, Giờ này em ở đâu?
P/S: Tôi chỉ là người kể lại câu chuyện này của hắn mà không phải chịu trách nhiệm gì. Tôi đã “Việt hóa” những câu đối thoại bằng tiếng Nga giữa hắn với Margaret và thổi hơi văn vào cho dễ đọc. Ảnh trong bài chỉ có tính minh họa.
20/9/2021- DCB
Theo Chuyện làng quê