Liên Xô giờ không còn nữa, hơn thế những cựu thành viên của Liên bang Xô Viết đang choảng nhau chí tử. Nhưng trong bài này tôi viết về rượu chứ không chính trị chính em gì sất bạn nhé.
Thuở ấy, Liên Xô là thiêng liêng, vĩ đại lắm, là thành trì của hoà bình thế giới kia mà. Được đi Liên Xô chẳng khác được lên Thiên đường có thật trên mặt đất, háo hức lắm lắm.
Chúng tôi được đi Liên Xô năm 1989, khi công cuộc Cải tổ ở đất nước ấy đã diễn ra được 5 năm rồi. Hình ảnh đầu tiên về đất nước vĩ đại này chính là chiếc máy bay IL96 khổng lồ với những cô tiếp viên xinh như mộng. Chỉ có điều, tôi kiễng chân ngẩng lên nhìn thì cũng chỉ đến cái tý của nàng, một đùi của người đẹp đã to hơn cả người tôi.
Hình ảnh thứ hai chính là những viên cảnh sát ở cái sân bay choáng lộn. Mặt hằm hằm, nó vừa phẩy cái dùi cui, thẳng tay gõ vào đầu bất cứ ai đi lệch ra khỏi hành lang, vừa lầu bầu chửi lũ lao động xuất khẩu Việt Nam.
Và hình ảnh thứ ba tôi nhìn thấy ở xứ Thiên Đường chính là những hàng người mặc áo đen xì dài ngoằn nghèo. Gã nhân viên ngoại vụ của phía Liên Xô trả lời câu hỏi của chúng tôi với thái độ khinh khỉnh, bảo:
- Họ xếp hàng mua rượu!
Sau này tôi mới biết rượu là vấn đề lớn của xứ Thiên Đường. Khẩu hiệu do hàng nghìn người xếp hình tạo ra ở Đại hội thể thao Liên bang là “Pi-an-sờ-tờ-vơ nhét! Sờ-po-rờ-tờ đa” (Tiếng Nga đại ý là “Không say rượu, hãy thể thao”).
Đàn ông và đàn bà mặc những chiếc áo bông đen to sù sụ kiên nhẫn xếp hàng để được mua 3 gam rượu (3 cc) với giá 50 xu. Họ tợp một cái, mặt rạng rỡ hẳn, rồi vội vàng chạy xuống cuối hàng cách hơn 100 mét xếp hàng lại, đến hơn 2 tiếng sau họ mới được mua tiếp 3 gram nữa.
Người ta chỉ bán rượu vào chiều tối, thứ bảy và chủ nhật thôi. Các cửa hàng được thay phiên nhau bán rượu. Khi đến lượt mình, cửa hàng gọi điện cho cảnh sát để bố trí người đảm bảo trật tự. Người ta xếp hàng từ ba tiếng trước khi cửa hàng mở, chỉ cần một ai ló đầu lệch ra khỏi hàng là ăn cái dùi cui vào đầu một cách kiên quyết như hiến pháp Liên Xô ngay.
Thế nhưng, một gã đầu đen xuất thân từ xứ sở rượu nút lá chuối, chỉ cần dúi vào tay gã cảnh sát oai nghiêm 3 rubl thì sẽ được dẫn ra phía sau cửa hàng để lấy luôn một thùng 24 chai rượu Sờ-ta-lít-sờ-nai-a, sau khi dúi thêm cho nhân viên cửa hàng mấy rubl. Tên đầu đen mang thùng rượu ra cách chỗ xếp hàng mấy trăm mét, bán mỗi chai 25 rubl trong khi giá gốc có 7 rubl thôi.
Lần đầu thấy người say rượu ngoài đường, tôi ngạc nhiên lắm, hoá ra xứ Thiên Đường cứ tối đến là rất nhiều bợm nhậu. Thảo nào một nhân vật trong truyện của Pau-tốp-sờ-ki từng nói “Ở cái làng này cháy nhà cũng là ngày hội của toàn dân và hai giờ chiều mà còn một thằng đàn ông chưa say rượu thì hẳn nó bị bệnh tâm thần đấy”. Được cái bợm rượu xứ Thiên Đường không quậy như bợm rượu xứ rượu nút lá chuối.
Có hôm đang đi lùng mua hàng, tôi thấy một người đi dúi bên này rồi lại láng bên kia. Thấy tôi, gã đứng lại đu đưa như thể một con lật đật, nhìn chằm chằm vào thằng đầu đen rồi hét lên:
- Ôi Việt Nam, Việt Nam, HCM! Việt Nam – HCM!
Cảm động đến rơi lệ bà con ạ. Gã say rượu ôm chầm lấy tôi kể chuyện huyên thuyên rằng hắn từng làm chuyên gia xây dựng thuỷ điện Hoà Bình ở Việt Nam.
Rút từ túi áo ngực ra một be rượu, gã dứt khoát mời tôi uống. Nể tấm lòng với đất nước mình của người bạn Nga, tôi nhấp một chút thì ho sặc sụa. Ấy là thứ rượu bạn gọi là Sa-ma-gôn tức là tự làm hay người Việt Nam ta gọi là rượu nút lá chuối ấy. Biết tôi ở khách sạn mang tên “Năm mươi năm cách mạng tháng mười”, sau này gã đến tìm nhiều lần, tôi toàn phải trốn.
Sau này, việc chứng kiến bợm rượu nằm lăn lóc trên tuyết ven đường, tôi cũng lờ đi như người bản xứ. Họ hết say sẽ tự dậy mò về nhà. Khi say, họ thường đi bộ chứ không dám lên xe bus vì sợ bị phạt. Còn nếu say vừa vừa thì họ lẩn xuống tận phía đuôi xe, ở đó cánh bợm rượu toàn kể chuyện đàn bà với chơi .ái thôi. Những chuyện ấy nói ở đây các bà các chị phê bình chết, nên ai muốn nghe thì mua chai nút lá chuối đến rủ, tôi sẽ kể trực tiếp nhé.
Chuyện rượu ở xứ Thiên Đường có kể cả ngày cũng không hết được, nhưng sẽ làm bạn chán, nên hẹn khi khác vậy nhé. Lão bạn đang thập thò ngoài cửa với một chai nút lá chuối rồi.
Chuyện quê