Có những nỗi nhớ mà ta cứ tưởng nó sẽ chìm trong quên lãng, bị phôi pha trong cuộc đời quần quật với chén cơm manh áo, với sự bon chen của danh vọng, tiền tài… để rồi đến một lúc nào đó nó bùng lên dữ dội, da diết đến nao lòng người, nó thôi thúc ta tìm về với cội nguồn của quá khứ, quay về với mảnh đất đã từng là nơi mình cắt rốn chôn nhao. Cho dù nơi ấy chỉ là một miền quê nghèo hiu hắt, cuộc sống còn thiếu thốn nhiều điều …Song nơi ấy đã hằn sâu những kỷ niệm của một thời niên thiếu, đầy ăm ắp ký ức thân thương để mỗi khi mỏi gối chồn chân, mệt mỏi trên đường danh lợi, kẻ tha hương thường nhớ về nó đến quay quắc lòng người.
Quê hương ư!? Đó chỉ là giếng nước, bờ tre, những cánh đồng nổi chìm trong mùa mưa lũ… Một rẻo đất hình cánh buồm mà ngày xưa ông tôi thường kể rằng: Ngày ông “tuốt mùng vô thúng” trốn nợ địa chủ ở miệt Cần Thơ về đây lập nghiệp hãy còn đầy hùm beo rắn rết. Và thường sau khi kết thúc một câu chuyện dài về những ngày cơ cực, ông bao giờ cũng dặn chúng tôi: Xứ sở này đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa của biết bao người! Hãy nhớ lấy để mà sống con ạ!
Rồi chiến tranh như một cơn lốc thổi vào cái làng xóm bình yên này, tuổi thơ của tôi cũng bị giằng xé bởi tiếng bom rền đạn hú. Lũ bạn chăn trâu với tôi ngày trước mỗi đứa một nơi, tan tác khỏi mái ấm của mình. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thi thoảng cũng một đôi lần tôi về lại quê xưa. Những chuyến trở về trong vội vã ấy, không đủ thời gian để nghe, để xem ai còn ai mất, để rồi tự an ủi, tự biện hộ cho sự vô tâm của mình bằng cái tặc lưỡi: Thôi thì sang năm vậy!... Nhiều cái sang năm chồng lên nhau đã biến những kẻ ra đi như tôi trở thành người có lỗi, và cái lỗi ấy trở thành một nỗi ray rứt triền miên.
Cách đây vài hôm – Một người bạn chăn trâu thuở trước tình cờ gặp nhau ở Cà Mau nói như trách: Xứ mình bây giờ thay đổi nhiều lắm, hay là ông cố gắng thu xếp về một chuyến đi, ông về rồi sẽ thấy bà con mình họ vẫn như ngày xưa. Chú Hai Xứng, dì Năm Bền, cậu Tư Cơ, mỗi khi gặp mình đều nhắc… Ông về đi, để được sống lại những tháng ngày nặn đất bắn chim, cùng nghêu ngao trên cổ trâu đồng ngắm nhìn hoàng hôn tím thẫm…
Và bây giờ tôi đang ở đây, đang ngồi trong căn nhà của một bà má 83 tuổi ở Xóm Dừa ven dòng sông Bảy Háp– một địa danh khá nổi tiếng không phải vì trong chiến tranh nó chỉ nằm cách đồn Cái Keo chưa đầy 2 km mà vẫn tồn tại một điểm “nút” an toàn tuyệt đối của đường dây giao liên, tại Xóm Dừa này còn vang danh bởi nghề nấu rượu… Vâng! Rượu đế Xóm Dừa! Một loại rượu trong vắt, được truyền tụng như một huyền thoại mang nhiều bí quyết riêng của xứ này mà tôi dám cam đoan rằng trong ký ức của những kẻ tha hương viễn xứ như tôi, cho dù có đi đến cùng trời cuối đất, nếm đủ thứ món ngon vật lạ trên đời vẫn không thể nào quên được cái chất nồng, cay, ấm… của rượu đế được chưng cất từ những nguyên liệu tại một xóm nhỏ xa xôi ở tận xứ sở cuối đất cùng trời này.
Theo lời của bà Bảy Hưng thì cách đây gần một thế kỷ trước, ông bà ngoại của bà từ miệt Long Điền (Giá Rai), không sống nổi một kiếp tá điền cơ cực, xuống ghe vòm xuôi dòng kinh xáng về đây lập nghiệp, tay không, khoét rừng dựng chòi, lập xóm, trong cuộc mưu sinh ông bà chỉ đem theo được có mỗi nghề nấu rượu, và trong những ngày khai hoang đó, rượu đế được nấu để người tá điền uống giải sầu trong những buổi chiều tà nhớ về cố xứ. Dần dà tiếng rượu ngon đã vượt ra khỏi cái xóm nhỏ heo hút này, đến thời mẹ của bà lại tiếp tục nấu rượu, những chai rượu Xóm Dừa có một sức quyết rũ người kỳ lạ. Trong các dịp lễ, tết, hội, hè ngày kỵ cơm ngoài những thức ngon vật lạ, người ta bao giờ cũng tìm đến với nhau qua ly rượu Xóm Dừa.
Bà Bảy Hưng nói tiếp:
Năm “qua” (lối xưng gọi thân mật của người lớn với lớp trẻ của người Nam bộ) 19 tuổi về làm dâu nhà chồng, mẹ qua cứ dặn đi dặn lại những bí quyết để nấu chai rượu và từ đó đến nay đã 65 năm rồi, cái nghề ngày cứ đeo đẳng theo “qua”.
Thế bà có thể cho chúng cháu biết đôi điều về nghề nấu rượu này không? Chẳng hạn như có bí quyết nào đó để rượu Xóm Dừa sau một thế kỷ trước bao nhiêu thăng trầm vẫn vang danh khắp chốn?
Sau phút trầm ngâm bà chậm rãi nói:
Nghề nào cũng vậy, có những nguyên tắc của nó – với nghề nấu rượu này thì nguyên tắc đầu tiên của tôi là không nấu một cách tràn lan, nghĩa là nấu thật nhiều để kinh doanh thu lợi, “qua” chỉ nấu theo số lượng người đặt trước và tuân thủ các kinh nghiệm gia truyền một cách nghiêm ngặt.
Bà Bảy dẫn tôi xem “cái bộ đồ nghề” của bà đó là bộ nồi nhôm, một ống “chấm” bằng tre, một cái diệm đất… Bà nói:
Muốn nấu một mẻ rượu phải trải qua nhiều công đoạn như: bổ thuốc bắc, sau đó xay gạo trộn với đậu xanh, tỏi, lá trầu… vò viên rồi phơi nắng 7 ngày và xông khói mới hoàn thành được những viên men. Từ những viên men này, đem giả mịn trộn đều với nếp, vô khạp 3 ngày sau chan nước; đúng 7 ngày thì đặt rượu, (rượu được đặt bằng trã đất, để thau ở trên thay nước, cứ 1 lít rượu thay 2 lần nước). Trung bình 15kg gạo đặt được khoảng 10 lít rượu ngon (trong đó có 7 lít rượu trong và 3 lít rượu đục) pha đều.Bây giờ nồi đất không còn, chứ đúng ra rượu phải nấu từ trong nồi bằng đất thì mới đúng điệu và nếp phải là những bông “cái” mới gặt về, xay bằng cối tre sau đó xôi chín để nguội, vô men rồi đem ủ… nhất là men phải do chính tay mình làm (và có lẽ đây là một công đoạn cực kỳ quan trọng) bài thuốc để làm men thì “qua” không nói – mà có nói cũng khó làm được, bởi tất cả nó thuộc về sự cảm nhận của mỗi người…
Câu chuyện với bà cứ râm rang mãi, trong đôi mắt già nua đó thỉnh thoảng tôi bắt gặp một ánh nhìn đầy vẻ tự hào – mà cũng phải thôi, bởi trong thời buổi rượu tây, rượu ngoại tràn ngập thị trường, người uống thì nhiều, kẻ bán sẵn sàng trục lợi bằng nhiều cách, kể cả cách làm tồi tệ nhất là pha chế những thứ rượu dởm gây tổn hại cho sức khỏe con người, thì ở đây – một xóm nhỏ trong miền quê heo hút này còn đó nguyên vẹn một nghề với đầy đủ những đặc trưng độc đáo.
Trong chuyến về thăm quê lần này, bên cạnh những điều mắt thấy, tai nghe ở một nơi đang từng ngày thay da đổi thịt. Một xã Quách Phẩm anh hùng trong chiến tranh, ngọn cờ đầu trong xây dựng, một Quách Phẩm xã gowin99 đầu tiên của tỉnh Cà Mau… thì cái đọng lại đậm nét trong lòng tôi vẫn là hình ảnh một bà già 84 tuổi đang ngồi cạnh bếp lửa hồng cháy rực, canh từng giọt rượu trong vắt đang chậm rãi, thong thả chảy ra từ một ống tre già. Nhấp một ngụm rượu còn nồng ấm từ tay bà đưa tôi nghe như có cả sự ngọt ngào của quê hương trong đó…
Box:
Rượu đế xóm dừa không có bán tràn lan trên thị trường, tại TP Cà Mau chỉ duy nhất có ở nhà khách Minh Hải. Văn phòng tỉnh ủy đặt hàng rượu đế xóm dừa dùng để làm món quà biếu những đoàn khách phương xa trong những dịp về thăm Đất mũi Cà Mau.
Ông Phạm Trung, Nguyên phó văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nói rằng tên gọi “Rượu đế Xóm Dừa” tuy không phải là thương hiệu (vì không kinh doanh) nhưng nó đã thành một biểu tượng đẹp trong lòng bè bạn gần xa, bởi sau gần một thế kỷ nóvẫn còn giữ được vẹn nguyên những tinh túy của hồn quê xứ sở!