Ra đồng. Ngày còn bé, theo mẹ, theo cha bắt cào cào châu chấu. Bây giờ, tuổi đã lớn, tôi về quê, ra đồng chia vui với bà con. Mùa vàng thực sự. Chưa bao giờ Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung được mùa như xuân hè 2021. Năng suất bình quân 61 tạ/ha. Những nhà còn làm nông ở cái thị trấn Nghèn xinh đang đến con đường tới phố này, chỉ còn lại chưa đầy 30%. Nhiều nhà còn ruộng nhưng cho hàng xóm làm. Làm nông chỉ như “mua thóc giá rẻ”. Lãi lời, không đáng kể. Tính ra một sào trong 4 tháng chăm sóc chỉ được 200 ngàn đồng, nên nông dân ít còn hào hứng. Người có vốn, có duyên chuyển nghề sang buôn bán, thương mại và trăm thứ dịch vụ khác.
Đồng ruộng, luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Con đường của cuộc đời, dù bất cứ ai, không vấp ngã hay có ít nhiều đều nhờ những cú vấp ngã đầu tiên trên cánh đồng.
Bây giờ nghề nông đã nhàn hơn. Không bận rộn với những thứ xa xưa như rạ, rơm. Ngày xưa rạ lợp mái nhà, rơm làm thức ăn cho trâu bò. Nhà nông nào đầu hồi cũng có một cây rơm. Thậm chí xa xưa nữa, rơm ủ nóc chạn, ngày đông ông cháu lên ngủ, tránh rét. Năm 2016, nhân về Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An cùng nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, tôi có viết bài thơ “Con đường rạ rơm”. Khổ đầu của bài thơ như sau:
Đường quê anh thơm nồng ra,̣ rơm
ngày xưa mẹ bảo rơm được nắng
rơm làm mũ tránh bom, tránh đạn
bọn trẻ tung tăng mỗi sớm đường làng
...
Hành trình đưa rạ từ ruộng về nhà không dễ. Sau khi gặt lúa, rạ được cắt tận gốc, chụm lên giữa ruộng. Chờ nắng gần khô thì bó mang về nhà. Ấy là vụ xuân hè, ruộng cao. Nếu vụ hè thu, thường ruộng nhiều nước, thời tiết mưa nhiều phải qua công đoạn hai là bốc rạ lên bờ ruộng. Khô rạ mới có thể bó, dùng đòn xóc, xóc thật sâu vào bó rạ gánh về nhà. Làng Nam Sơn bây giờ vẫn truyền tai nhau về cụ Ngô Mận, là người bó rạ và gánh rạ giỏi nhất. Tay cụ khỏe, bó được hai bó rạ rất lớn, khi gánh lên chỉ nhìn thấy hai bó rạ di động. Không thể thấy người, bởi cụ thấp.
Xem ngay:
Sau khi rạ được gánh về nhà, còn tiếp tục công đoạn phơi nắng và phân loại. Loại tốt, được xếp thành cây rạ, làm tranh lợp nhà. Loại rạ ngắn hơn, không làm tranh được thì làm chất đốt, nấu cơm, đun nước hàng ngày.
Thường mái nhà lợp bằng rạ chỉ có “tuổi thọ” khoảng hai năm, sau đó phải lợp lại. Ở nông thôn, tình làng nghĩa xóm, tương trợ, “tắt lửa tối đèn” có nhau nên một nhà lợp mái, thay mái, xóm đến giúp đỡ, cười nói râm ran. Thời còn hợp tác xã, làm chung, ăn chung; rạ trên đồng và rơm sau khi trục lúa/ tuốt lúa lấy hạt, cũng được chia cho những hộ gia đình được nuôi trâu cho hợp tác xã. Không phải nhà xã viên nào cũng có
.....
Đường quê anh thương thương rạ, rơm
rạ lợp mái nhà, rơm cất góc chạn
đêm mùa đông, rạ thay chăn ấm
ông cháu ôm nhau say ngả giấc nồng
....
(Con đường rạ rơm)
Nói về rơm. Nhiều tác dụng, ngoài thức ăn dự trữ cho trâu bò, lót ổ tránh rét mùa đông, như khổ thơ thứ hai tôi đã viết. Rơm được nắng, có lẽ là món “khoái khẩu” của trâu bò ngày mưa bão, ngày đông giá rét. Những rợi rơm óng vàng được dùng đan mũ cho trẻ em thời chiến tranh, “rơm làm mũ tránh bom, tránh đạn”. Rơm dùng trát vách nhà. Ngày xưa nông dân Việt Nam nghèo, mái nhà lợp bằng rạ, vách nhà được trát bằng rơm trộn với bùn non.
Tuổi thơ sau lũy tre làng, còn nấp sau các đống rơm trên sân kho hợp tác xã đánh trận giả. Tạch, đòm...những âm thanh náo động những đêm trăng sáng. Biết bao đôi lứa tự tình bên cây rơm mà nên vợ nên chồng. Biết bao kỷ niệm cùng rơm rạ. Nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Con đường quê” và NSUT. Tố Nga đã hát bài này. Con đường quê, có một phần của “con đường rạ rơm”.
Khác với ngày xưa, bây giờ rạ, rơm được đốt ngay trên đồng. Hôm tôi ra đồng, gặp nhiều người ở huyện Lộc Hà, lên tận cánh đồng quê tôi xin rơm.
- Xin về làm gì, ới các anh các chị?
- Về làm thức ăn cho bò!
Hóa ra huyện giáp ranh Lộc Hà, nhiều người nuôi bò. Cũng có thể họ mua về bán lại, hoặc làm việc khác. Họ bảo đi xa những 17 cây số lên chở rơm về, không phải gần. Có điều, những chiếc xe chở rơm bây giờ được cột chặt sau xe máy, phân khối lớn. Người nông dân đỡ cực. Bây giờ, nhiều nơi, rơm còn được sử dụng mà đồ thủ công mỹ nghệ. Sợi rơm vàng Việt Nam, biến hóa thành nhiều mặt hàng xuất khẩu.
“Con đường rạ, rơm nặng trĩu tâm hồn / "lúa đập rồi chỉ để lại rơm thơm"”. Câu thơ cuối cùng trong bài “Con đường rạ rơm” tôi mượn ca từ trong bài hát “Khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (lời thơ Lê Huy Mậu) làm kỷ niệm. Tuổi thơ tôi, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Huy Mậu và bao người sinh ra lớn lên từ cánh đồng đều gắn bó với rạ rơm. Trong hơi thở của chúng tôi, vị mồ hôi của chúng tôi có mùi thơm của rạ rơm được nắng. Vị nồng nã từ cánh đồng.
Hà Tĩnh, ngày 19/5/2021- NĐH