Trường Giang là dòng sông nối hai vùng hạ lưu của hai hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân và Thu Bồn - Vu Gia. Trên dòng sông này đã tồn tại lâu đời nghề rớ quay. Theo ghi chép trong nhiều bộ Vạn thuỷ điền ở Tam Tiến - Núi Thành, Tam Thanh - Tam Kỳ, Bình Nam, Bình Sa, Bình Dương, Bình Giang… Thăng Bình, Quảng Nam thì ngày xưa nhà nước phong kiến đã qui định rõ ràng ranh giới mặt nước cho chủ sở hữu của những sở nò, bãi rạo như đất ruộng trên cạn. Rớ quay và thuyền rớ là hai nghề chính trên mặt nước Trường Giang. Khác nhau là người hành nghề rớ quay có nhà định cư trên bờ còn rớ thuyền thì cả gia đình ngư dân sống trên thuyền rớ. Rớ quay có mặt nước sở hữu, chịu thuế sông nước còn thuyền rớ thì nay đây mai đó nên chỉ chịu thuế nghề nghiệp như thuế môn bài bây giờ.
Rớ quay có hai phần chính là chồ và rớ. Chồ được cố định cách mặt nước độ hai mét trên bốn cái trụ góc. Mỗi trụ gồm hai cây tre dài, một cây đứng vuông góc với mặt nước, một cây cắm xìa làm vai trò như dây néo để chồ đứng vững chãi. Phía sau chồ có một sợi dây néo rất chắc để chồ không bị giàn rớ nặng phía trước kéo ngã nhào tới. Sợi dây đó gọi là đuôi chệch.
Rớ được đặt chính diện trước chồ. Giàn rớ hình chữ nhật với chiều dài 16 sải, chiều rộng 10 sải tay. Mắt lưới có độ dày từ 5 ly đến 17 ly. Chính giữa đáy rớ mắt lưới dày và thưa dần ra bốn phía triên. Bốn góc giàn rớ được buộc vào đầu ngọn của bốn trụ rớ bằng tre dài độ sáu sải, đầu gốc của trụ được cố định dưới lòng sông. Hai trụ góc ngoài giàn rớ được giữ đứng trong lòng nước bằng hai sợi dây. Một sợi néo theo chiều chính diện chồ rớ (chiều dọc), khi rớ thả xuống thì sợi dây này dùn lại, khi kéo rớ lên thì căng ra kéo rớ theo chiều ngược lại, giữ giàn rớ không ngã ập về phía sau. Một sợi khác néo theo chiều ngang mặt chồ, sợi này có tác dụng kéo căng góc giàn rớ để nó luôn cố định theo hình chữ nhật trong khi thả cũng như lúc nhấc rớ. Ở hai góc trong của giàn rớ thì chỉ có hai sợi dây néo theo chiều ngang. Với cái thế chằn của sáu sợi giây buộc vào đầu ngọn của bốn trụ như vậy kéo bốn góc rớ vuông vức và thăng bằng cả lúc nhấc lên hoặc thả chìm xuống nước.
Bộ phận tời kéo rớ gồm có ống quay và hai sợi dây buộc từ ống quay đến đầu ngọn của hai trụ trong (trụ ở góc rớ gần chồ) của giàn rớ. Ống quay được làm bằng gỗ mù u hoặc gỗ mít có đường kính độ 20 cm. Chung quanh ống gỗ có tra nhiều chốt bằng tre dìa ra để ngư dân nắm, đạp quay tời kéo căng hai sợi dây bẫy cả giàn rớ lên khỏi mặt nước.
Cũng như rớ thuyền, rớ quay hành nghề chủ yếu vào ban đêm. Giàn rớ thả xuống nước độ 20 phút rồi nhấc lên. Khi thả rớ xuống nước ngư dân bơi ghe quanh rạo khua động cho cá bỏ gốc rạo chạy vào rớ. Khi rớ đã nhấc lên, người quay tời cột chặt cố định dây kéo rớ, ngồi giữ kỹ ống tời không để sụt dây kéo, đổ sập rớ tới phía trước. Một người khác bơi ghe luồn dưới đáy rớ đã được nhấc bổng lên, dùng “roi quét” dồn cá vào một chỗ rồi cho rơi xuống ghe qua một cái lỗ.
Khi bơi ghe rúc dưới đáy rớ để thu góp cá, ngư dân luôn chú ý lận theo một cái dao nhỏ, phòng sự cố đứt dây tời hoặc dây đuôi chệch, sập chồ, sập rớ nhận cả ghe lẫn người chìm xuống nước thì có phương tiện mà rạch rớ chui lên.
Ngày xưa sông Trường Giang rất nhiều cá. Trên mặt nước lợ dọc Trường Giang thường trông thấy những bầy cá đối cồi bơi lội hoặc đứng yên từng đám hàng trăm con; ở dưới những gốc cây rạo có nhiều cá dìa, cá tho, cá sặc, cá hanh... quần tụ. Người hành nghề rớ quay mỗi đêm có thể bắt được 5- 7 chục kg cá đủ loại. Trên mặt nước Trường Giang có ít giàn rớ quay nhưng đánh bắt khá hiệu quả. Một giàn rớ quay có thể nuôi sống cả gia đình đông con. Thời xưa các vạn ghe thực hiện tự quản sông nước tưởng như không chặt chẽ cho mấy nhưng thực ra rất hiệu quả. Ví dụ, thời đó có qui ước cấm không cho hành nghề lưới quét trên sông, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng vì nghề lưới quét vét sạch các loại cá cả to lẫn nhỏ.
Hiện nay lượng cá trên vùng nước lợ Quảng Nam giảm hẳn bởi nhiều nguyên nhân:
Lượng người đánh bắt tăng gấp bội. Đánh bắt lại rất bừa bãi. Vì lợi ích trước mắt, một số người dân dùng điện châm giết sạch tất cả trứng, cá con và các mầm phôi của các loài thuỷ sản khác. Có một chủ rớ quay tâm sự: “Làm nghề đánh bắt cá trên sông bây giờ quá khó. Hồi đời cha ông cả nhà chỉ có một giàn rớ quay mà đủ sống, bây giờ tôi có tới ba giàn rớ cũng không đủ ăn. Bởi cá trên sông không còn môi trường tốt để phát triển như ngày xưa. Bù vào đó con cháu chúng tôi được ăn học hơn cha ông ngày trước nhiều, chúng nó có điều kiện để ra đi khỏi gia đình làm việc cho nhà nước hoặc kinh doanh các nghề khác. Vì thế chúng vẫn từng bước đổi đời nhưng nghề cha ông để lại cũng từng bước nhạt phai. Đó là nỗi luyến tiếc hơi vô lý trong thời hiện đại…”.