Trận đánh Dinh Độc Lập của biệt động thành diễn ra đêm mùng Một kéo dài tới sáng mùng Ba Tết Mậu Thân 1968 dù không giành thắng lợi nhưng để lại dấu ấn, khẳng định bản lĩnh và tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường của những chiến sĩ biệt động giữa lòng thành phố. Một ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp gặp các nhân chứng, nghe kể về trận đánh ác liệt ngay trước Dinh Độc Lập. CCB Nguyễn Đức Hòa nhớ lại:
- Giáp Tết Mậu Thân, chúng tôi tập trung về xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) để học tập chính trị và ăn Tết sớm chuẩn bị cho những trận đánh mới. Không khí Tết năm ấy có vẻ khác thường, bởi chúng tôi cảm nhận được điều hệ trọng sắp diễn ra. Sáng mùng Một, sau khi ăn lót dạ chút khẩu phần Tết ít ỏi, từng người chúng tôi nhận lệnh bí mật về cơ sở tại Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ. Ngay lập tức, chúng tôi xuất phát riêng lẻ, đi bộ ra Trảng Bàng, bắt xe lam về Sài Gòn. Suốt chặng đường, nghe tiếng pháo nổ đì đùng, cảm giác nhớ nhà dâng lên nhưng với bản lĩnh của chiến sĩ biệt động, tôi tự nhủ phải giữ cho tinh thần thật thoải mái để xử lý mọi tình huống, giành thắng lợi. Gần trưa, các bộ phận đã tập trung đông đủ tại nhà đồng chí Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai, Năm U-SOM - một chiến sĩ trong Đội 159 biệt động khu Sài Gòn-Gia Định, trong vỏ bọc nhà tư sản Mai Hồng Quế) ở quận 3. Lúc này, chúng tôi mới biết, 15 người trong đội cùng thực hiện một nhiệm vụ.
Khoảng 13 giờ chiều mùng Một Tết, cả đội bắt đầu vận chuyển súng, đạn, thuốc nổ từ căn hầm bí mật trong nhà đồng chí Năm Lai đưa lên chiếc xe bán tải mang biển số EC-6045. Để có được gần 3 tấn vũ khí, thuốc nổ, với “vỏ bọc” doanh nhân thầu khoán Dinh Độc Lập, đồng chí Năm Lai đã tự tay đào hầm bí mật trong nhà mình suốt 7 tháng trời, rồi chạy xe ô tô chở đất ra tận ngoại thành đổ và nhận vũ khí, đạn dược về hầm cất giấu mà không hề bị địch nghi ngờ. Công việc hoàn thành, Đội trưởng Ba Thanh phổ biến nhiệm vụ đánh Dinh Độc Lập từ phía cổng phụ, phát triển sang đánh chiếm cổng chính chờ lực lượng của ta tiến vào. Mặc dù nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi tụi lính bảo vệ Dinh vòng trong, vòng ngoài, hỏa lực mạnh nhưng các chiến sĩ vẫn hừng hực quyết tâm, làm lễ tuyên thệ và bắt đầu xuất phát lúc 1 giờ sáng mùng Hai Tết. Đường sá vắng vẻ, cả 3 chiếc xe ô tô cơ động áp sát cổng sau Dinh Độc Lập. Cựu chiến sĩ biệt động Nguyễn Đức Hòa, nhớ lại:
- Theo phương án, tôi được giao nhiệm vụ, nếu cổng mở thì nổ súng tiêu diệt tụi lính gác để xe thuốc nổ chạy thẳng vào bên trong; nếu cổng đóng thì diệt lính gác xong đặt thuốc nổ phá cổng rồi sẵn sàng đánh địch từ bên trong ra. Bởi vậy, tôi cùng anh Ba Thanh đi xe đầu. Khi gần tới nơi, thấy cổng phía Nam đóng kín, tôi liền nổ súng tiêu diệt hai tên lính gác, rồi lao xuống đặt thuốc nổ phá cánh cổng sắt. Điểm hỏa xong mà khối thuốc vẫn không nổ. Địch đã phát hiện ý đồ của ta. Tình huống nguy cấp, nhóm ở xe thứ hai được lệnh trèo qua cánh cổng nhỏ vào chiến đấu bên trong với ý định phá cổng sắt cho xe lao vào, tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Thế nhưng, tụi lính trong Dinh bắn ra dữ dội. Anh Ba Thanh bị trúng đạn, hy sinh. Địch ở xung quanh kéo đến mỗi lúc một đông, đèn pha quét sáng rực, chặn đường rút lui của chúng tôi… Địa hình trống trải, địch lại quá đông, 7 đồng chí đã vào bên trong đều bị trúng đạn. Tình thế vô cùng bất lợi, mấy anh em chúng tôi ở phía ngoài lợi dụng gốc cây để chiến đấu. Đúng lúc đó, một chiếc xe quân cảnh chạy thẳng tới chỗ chúng tôi, bên trên có một khẩu đại liên. Tôi liền rút quả lựu đạn, ném vào chiếc xe. Tụi lính thương vong hết. Đồng chí Trương Văn Rồi cùng tôi lao lên cướp khẩu đại liên của địch. Trong lúc vác súng tìm vị trí thuận tiện để nhả đạn, tôi phát hiện tòa nhà gần đó đang xây dở, không có người, liền cùng đồng đội chiếm lĩnh tòa nhà, cố thủ.
Suốt đêm hôm ấy, 7 chiến sĩ biệt động còn lại phân công nhau án ngữ cầu thang, ban công…, dựa vào tường nhà, dụ địch vào thật gần để tiêu diệt, rồi lấy súng đạn của chúng chiến đấu, đánh bật hàng chục đợt tiến công của địch. Tụi quân cảnh nã ĐKZ phá vỡ nhiều mảng tường khiến ngôi nhà rung, lắc. Khi trời gần sáng, chúng huy động thêm lực lượng, liên tục tổ chức các đợt tiến công, dùng xe thang đưa quân lên tầng lầu của ngôi nhà nhưng đều bị các chiến sĩ tiêu diệt. CCB Nguyễn Văn Đực, ngụ tại quận 8 (TP Hồ Chí Minh) kể:
- Chúng tôi cố gắng không để địch tiếp cận chân tường đặt bộc phá đánh sập tòa nhà. Với lại, chúng cũng sợ ảnh hưởng tới Dinh Độc Lập nên không dùng mìn, pháo lớn tấn công chúng tôi. Trong khi đó, mệnh lệnh chiến đấu không được rút khi chưa có lực lượng đến tiếp viện nên dù lựu đạn, thủ pháo và sức lực đã cạn kiệt, mấy đồng chí bị thương nhưng chúng tôi vẫn bám trụ đánh địch đến rạng sáng mùng Ba Tết. Khi tất cả không còn viên đạn nào, thời gian chờ đợi lực lượng của ta đến tiếp ứng theo hiệp đồng đã trễ hơn 1 ngày, chúng tôi quyết định lợi dụng những lỗ thủng lớn trên tường do hỏa lực của địch bắn phá, dìu nhau thoát ra ngoài. Từng người lần mò trên nóc dãy nhà, nhưng đi được một đoạn thì bị chắn bởi một tòa nhà rất lớn. Chúng tôi không còn sức để trèo tường đi tiếp, đành trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ khoa Huân, bí mật ẩn ấp. Đến sáng, địch truy theo dấu máu phát hiện, đổ quân bao vây và bắt được chúng tôi, đưa về Nha đô thành tạm giam, tra tấn. Ít ngày sau, chúng tách chúng tôi ra, người thì bị đày đi Côn Đảo, người thì bị giam ở khám Chí Hòa…
Sau ngày đất nước thống nhất, những chiến sĩ biệt động Đội 5 mới gặp lại nhau. Đến nay, do thời gian và bệnh tật, 7 người chỉ còn lại 4. Cuộc sống hiện tại của họ đều rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng dù vất vả đến đâu, cứ vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm họ lại sum họp, thăm hỏi, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Cựu biệt động thành Phan Văn Hôn, ngụ tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, chia sẻ: Suốt gần 2 ngày chiến đấu trong hiểm nguy, đói khát, đạn địch bắn như mưa còn không khuất phục được chúng tôi thì vất vả bây giờ có đáng là gì…
Xuân này, “bộ tứ” hẹn nhau gặp mặt tại nhà ông Hòa, rồi cùng ra miếu thờ nhỏ phía sau Dinh Độc Lập để thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cái đêm ác liệt tròn 54 năm trước. Ông Hòa chùng giọng: Họ ra đi đúng ngày Xuân, khi tuổi đang xuân để đổi lấy mùa Xuân cho đất nước.
Trái tim người lính