Ký Ức Ngày Khởi Nghĩa
"Quê Hương của những câu chuyện làm ta rưng rưng nước mắt
Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
Trên mỗi con đường mỗi thôn xóm ta qua "
Đi qua những năm tháng đấu tranh kiên cường quê hương này có biết bao nhiêu câu chuyện làm xúc động lòng người mỗi khi nhắc nhớ. Hai ngôi làng Lư Ngư và Phú Lãnh so với những làng khác trong xã thì phong trào cách mạng đến muộn hơn nhưng cũng không gọi lại trễ, từ năm 1941 phong trào cách mạng tại làng bắt đầu xuất hiện khi người con của làng là Phạm Phú Giá được đứng chân trong hàng ngũ của Đảng bắt đầu tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng xây dựng các cơ sở, các tổ chức đoàn thể và được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng. Đến đầu năm 1945 mặc dầu dưới ách kìm kẹp của thực dân phong kiến nhưng Uỷ Ban Việt Minh Lư Ngư - Phú Lãnh đã được thành lập do đồng chí Trần Thế Thiệu làm Chủ Nhiệm ( sau này là Phó Giám Đốc Công An tỉnh Hà Tuyên) đã tích cực vận động, tuyên truyền kết nạp nhiều hội viên như Trần Thế Kỷ, Trần Huynh,...Đến tháng 8 năm 1945 Uỷ Ban Bạo Động được thành lập tại đình làng Phú Lãnh do đồng chí Trần Thế Thiệu làm chủ nhiệm và Trần Thế Kỷ làm ủy viên đã đôn đốc nhân dân chuẩn bị gậy gộc, giáo, mác, băng, cờ,... Trong ký ức của đồng chí Cách Mạng Lão Thành Trần Huynh ( năm nay đã 73 năm tuổi đảng) nhớ lại rằng: " nhân dân hai làng cả 2 đêm không ngủ tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, nhà nhà đều có người tham gia vào đội bạo động, đêm khuya ngày 17 rạng sáng ngày 18 đội bạo động tập hợp tại đình làng Phú Lãnh và Lư Ngư sau đó kéo về huyện đường để giành chính quyền. Những người dân còn lại ở nhà thay phiên nhau gõ mõ, đánh trống cổ vũ đội khởi nghĩa". Ngày 18 tháng 8 năm 1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đình 2 làng Lư Ngư và Phú Lãnh đánh dấu khởi nghĩa thành công, sau đó Uỷ Ban Cách Mạng xã Phú Lãnh được thành lập và đã tiến hành thực hiện nhiều chủ trương chính sách cho nhân dân và cũng để hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ nhân dân hai làng đã đóng góp ủng hộ nhiều tiền, vàng vào "quỹ độc lập".
Hai Cuộc Trường Chinh
Ba mươi kháng chiến trường kỳ của dân tộc (1945-1975) là ba mươi năm mà nhân dân 2 làng đã chịu bao nhiêu mất mát, đau thương nhưng vẫn một lòng bền gan theo cách mạng. Trong suốt chặng đường dài của cuộc kháng chiến nơi đây đã chở che cho biết bao nhiêu là các bộ, bộ đội các cấp, các ngành về hoạt động và cũng chính mảnh đất thân thương này đã tiễn hàng trăm người con ra đi giải phóng dân tộc, quê hương này còn ghi dấu những trận đánh lại hùng làm quân thù bạt vía. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có những trận đánh kiên cường như ngày 20/8/1947 du kích thôn đã phục kích tiêu diệt nhiều tên địch và bắt sống 13 tên tại ngõ ông Bác Dinh. Hay trận đánh vào hè năm 1949 bộ đội huyện cùng quân và dân chiến đấu diệt hàng chục tên địch thu nhiều súng các loại và phá hủy xe quân sự, cùng với chiến thắng đó quân và dân của làng đã tiếp tục tấn công vào các tháp canh tại Tây Hà, Lư Ngư làm tan rã mâm hội đồng và các tiểu đội dân vệ,... Góp phần cùng với cả nước đánh thắng quân Pháp xâm lược.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua nhân dân của làng Lư Ngư và Phú Lãnh tiếp tục đấu tranh chống ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm, trong những năm tháng "Luật 10/59" mảnh đất này đã trở thành một cơ sở cách mạng vững chắc cho Mặt Trận Tổ Quốc huyện Điện Bàn về hoạt động và cũng chính vì vậy mà những người con quê hương phải gánh chịu những trận đòn tra tấn dữ dội nhưng vẫn một lòng trung thành với cách mạng như: Huỳnh Thị Hường, Lê Thị Kiểm, Nguyễn Khoa, Lâm Thị Tích, Trần Thị Hạo,... Và cũng có đồng chí hy sinh anh dũng như: Nguyễn Long, Hồ Ngọc Anh,... Tháng 1 năm 1965 quê hương trở thành vùng giải phóng, từ đây mảnh đất này trở thành cơ sở chở che cho nhiều cán bộ, đơn vị về hoạt động như: Bộ Chỉ Huy và cán bộ Cụm Tình Báo Miền Trung H32( nay là Cục 11 Tổng Cục 2 ), Tiểu Đoàn V25, Tiểu Đoàn R20, Biệt Động Thành, Huyện Đoàn, cán bộ Huyện Uỷ, Đoàn Văn Công Khu 5,.. Đã có những cơ sở cách mạng trung kiên như:bà Nguyễn Thị Hoài, Trần Hoàn, Phạm Phú Hoàng, bà Xã Dương,... Và ngôi đình làng đã trở thành một cơ sở trung kiên khi là nơi họp hội, mittinh, rèn đúc vũ khí, chế chở cán bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mảnh đất này đã phải hứng chịu hàng tấn bom đạn nhưng lòng dân vẫn son sắc với cách mạng cho đến ngày thắng lợi.
Hai cuộc kháng chiến đi qua một thôn có diện tích nhỏ và dân số khoảng 100 hộ dân trong chiến tranh đã phải hứng chịu hàng tấn bom đạn và có đến hơn 200 người con của quê hương đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong đó có hơn 100 người được công nhận là liệt sĩ và có tới 21 bà mẹ được tặng thưởng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng cùng với đó là hàng trăm cá nhân được tặng thưởng Huân Huy Chương các loại, hàng chục thương bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học và tù đày tra tấn. Những con số đã dường như biết nói khi hơn 90% người con của quê hương tham gia cách mạng nhưng không bao giờ trở lại, một cuộc chiến khốc liệt đã để lại những nỗi đau trên vùng quê hiền hoà này nhưng nó cũng là niềm tự hào để cho thế hệ mai sau luôn ghi nhớ rằng hoà bình mà chúng ta được thụ hưởng hôm nay là máu xương của hàng triệu người con quê hương đã ngã xuống và cống hiến cuộc đời của mình cho hai chữ độc lập. Và thế hệ trẻ chúng ta hãy luôn phấn đấu và bảo vệ nền hòa bình này.