Đất nước trải qua bao năm tháng dài của các cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát nhưng thời hậu chiến với những với những di chứng, nỗi đau của người lính, người dân còn dài hơn rất nhiều. Thời chiến đã khốc liệt song thời hậu chiến cũng không kém phần khốc liệt, gian lao. Có những điều phi lý tưởng chỉ xảy ra trong chiến tranh nhưng không ngờ lại đầy rẫy ở thời bình.
Ở một cái làng nhỏ ven sông có năm người bạn cùng sinh một năm, cùng học với nhau cho đến hết lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc trước đây). Câu chuyện xoay quanh số phận của năm nhân vật ấy. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm là đều là những học trò nghịch như quỷ - nên còn gọi là nhóm "ngũ quỷ" làng Vực. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ba người lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, một người đi thanh niên xung phong, chỉ có một người xuất ngoại du học ở nước ngoài. Hết chiến tranh, một người lính (nhân vật Thưởng) và cô thanh niên xung phong (nhân vật Nhiên) từ mặt trận trở về làng. Nhân vật Hiến đi học nước ngoài cũng đã trở về và thành danh là một cán bộ nhà nước.
Câu chuyện bắt đầu khi một trong hai liệt sĩ làng Vực đột ngột trở về làng. Đó là Vũ Phương. Hóa ra anh vẫn còn sống. Anh chỉ bị thương sọ não, bị thất lạc đơn vị chứ không chết. Vũ Phương trở về với một câu hỏi luôn luôn thường trực trong đầu: "Tao chết rồi à! Tại sao tao lại chết?". Sự trở về của người "liệt sĩ" khiến nhiều chuyện ở làng xáo trộn. Trước tiên là việc đi tìm "chứng nhận là người còn sống" của Vũ Phương. Hóa ra là không đơn giản bởi một bộ máy chính quyền quan liêu, nhũng nhiễu, nhiều thủ tục nhiêu khê.
Hành trình để từ một "liệt sĩ" trở lại làm một người còn sống của Vũ Phương thật gian nan, phiền phức. Nhiều sự trớ trêu khác cũng xuất hiện kể từ khi “người chết” sống lại. Người mẹ già ốm yếu đã bao năm rồi nhận tiêu chuẩn tiền tuất hàng tháng của gia đình liệt sĩ, nhận vài viên thuốc giá rẻ miễn phí ở trạm y tế xã nay phải trở về làm một người dân bình thường, không còn những đãi ngộ ấy nữa. Một "liệt sĩ" từ cõi chết trở về luôn được đám trẻ tung hô là “anh hùng” như Vũ Phương giờ phải gian nan kiếm sống mưu sinh giống như số phận của bao nhiêu người lính thời hậu chiến. Nhưng dù gian nan, vất vả họ vẫn giữ gìn được phẩm giá và nhân cách của mình, không bao giờ sa ngã trước cám dỗ của tiền bạc. Nhân vật Thưởng trở về từ mặt trận B3-Tây Nguyên. Anh bị sốt rét và nhiễm chất độc da cam, không lấy vợ, thay mẹ chèo đò chở khách sang sông. Đứa con nuôi (cái Sương) chính là con đẻ của người yêu cũ lén bỏ lại trên thuyền cho anh nuôi để không vướng bận khi xuất ngoại với người chồng ngoại quốc. Anh Thưởng đã phải gian nan nuôi nấng cái Sương. Nhưng anh đã có được niềm vui hạnh phúc khi đứa con gái nuôi lớn khôn, học giỏi. Cái Sương suýt nữa bị ông chủ cưỡng hiếp và đẩy vào cạm bẫy của một đường dây buôn bán đưa người ra nước ngoài. Cái đường dây tội lỗi ấy do vợ chồng ông chủ doanh nghiệp trá hình mà người vợ lại chính là người yêu cũ của anh Thưởng, mẹ đẻ của cái Sương lập ra. Người mẹ buôn người ấy đã nhận ra con gái của mình khi cái Sương để lại giấy tờ trong túi xách khi chạy thoát ra khỏi động quỷ. Người gác cổng doanh nghiệp ấy cũng là một người lính cũ ở mặt trận B3 đã cứu cái Sương. Sau vụ ấy người cựu chiến binh gác cổng bị mất việc trong khi vợ ốm yếu, con nhiễm chất độc da cam. Nhưng bản lĩnh của người lính chiến vẫn thể hiện qua câu nói của ông: "Mất việc thì mất, tôi cóc cần! Hôm ấy, nếu biết thằng giám đốc định hại con bé thì tôi đã đạp cửa xông vào đâm luôn cho nó một nhát. Mẹ kiếp! Đi tù thì đi tù, chiến tranh, bom đạn còn chẳng sợ, sợ đéo gì nhà tù!".
Trong năm người cùng làng người thành đạt nhất là nhân vật Hiến. Hiến được ông chú ruột là cán bộ cấp to nâng đỡ. Hiến đã tích cực hỗ trợ ông chú trong việc loại bỏ nhiều "địch thủ" để vươn lên với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, hèn hạ. Trong đó có món "đòn văn nghệ", dùng văn nghệ để ám sát đối thủ chính trị của mình. Thằng Hiến thì tìm cách "bẫy" cấp trên trực tiếp của mình để đoạt chức trưởng phòng, vươn lên làm phó giám đốc sở công nghiệp tỉnh. Con đường công danh của nó rộng mở tưởng là thênh thang, mỹ mãn. Nhưng luật đời nhân quả. Bọn tham ô, tham nhũng, khó tránh khỏi lưới trời lồng lộng. Khi biết số mình đã tận, thằng Hiến đã lặng lẽ trở về làng Vực để gieo mình kết thúc cuộc đời ở dòng sông quê nhà, nơi nó từng vẫy vùng tắm mát một thời tuổi trẻ.
Các nhân vật khác trong tiểu thuyết “Năm người cùng làng” như mẹ con chị Hường bán rau, lão Vận quét chợ, ông Nghĩa, thằng Nhân "thợ xây", cụ thủ từ Đền Vực. Họ là những nhân vật phụ trong tiểu thuyết nhưng cũng có những số phận, những mối liên hệ gắn với các nhân vật chính trong nhóm "ngũ quỷ" làng Vực nơi vùng trung du nghèo khó…
Tôi xin được chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Văn học, cảm ơn những người làm công tác biên tập, làm sách đã giúp cho cuốn tiểu thuyết này ra đời. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tiểu thuyết “Năm người cùng làng” của Trọng Bảo.
Hà Nội, tháng 3-2022
Tr. B
Trần Đức Viên
12:08 09/05/2024
A/c gui tôi xin đc mua sách, đc ko ạ?