Những ngày tháng Hai Xuân Nhâm Dần, nhân nói về việc Phở Hà Nội vượt trùng xa đến với bộ đội Trường Sa, mới vỡ lẽ việc tổ chức cho một doanh nhân mang quà úy lạo bộ đội nơi tuyến đầu đâu có dễ. Cả một núi công việc đến với lực lượng an ninh quân đội.
Doanh nhân đó là ai và họ là người như thế nào? Hàng úy lạo đó là gì, có vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng hay không? Việc đón tiếp doanh nhân trên đảo tiền tiêu có làm lộ bí mật quân sự ở các điểm đảo hay không? Phương án bảo vệ doanh nhân trên đảo? Số hàng đó có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tinh thần chiến sĩ hay không? Nói dại, bộ đội ăn phở xong bị ngộ độc, dễ bị ra Tòa án binh như không.
Vân vân và vân vân. Rất nhiều thứ phải đưa vào kế hoạch, vào các phương án ứng phó hệt như phương án tác chiến.
Lãnh đạo Quân chủng khi giao nhiệm vụ cười xòa : “Các đồng chí cứ xác minh thẩm tra và lên kế hoạch. Theo tôi biết, ông chủ quán phở này đã đoạt giải nhất một cuộc Liên hoan về phở tại Việt Nam. Hồi Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Tiến Thọ đã can thiệp với công an phường sở tại, đề nghị cho phép quán phở Ngọc Vượng được mở đến 1 giờ đêm để phục vụ những thành viên phục vụ chuẩn bị cho Hội nghị APEC làm việc khuya. Cả Tây cả ta vào ăn phở rất an toàn”.
Vậy là việc khó nhất khi xác minh lại trở thành quá đơn giản : Ông chủ quán đã được người trong nghề tôn vinh. Doanh nghiệp này phát triển ổn định và bản thân ông chủ đã được chấp nhận cho phục vụ.
Ông chủ quán phở sẽ tham gia cùng Đoàn đại biểu Hà Nội ra thăm hải đảo. Các thành viên trong đoàn tuân theo quy định thế nào thì ông chủ quán phở này cũng thế. Không có ngoại lệ.
Khởi xướng việc mang phở Hà Nội ra Trường Sa bắt nguồn từ câu chuyện kể của nhà báo Thông tấn xã Việt Nam Hồng Kỳ cho chú em kết nghĩa Ngọc Vượng.
Nhà báo Hồng Kỳ ra đảo làm bộ sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Chứng kiến gian khổ của những người lính nơi đảo xa, nhà báo Hồng Kỳ kể cho chú em nghe. Ngọc Vượng nghe và bày tỏ ý nguyện nhờ nhà báo Hồng Kỳ xin phép cho mình mang phở phục vụ bộ đội Trường Sa.
Xin phép xong, đến lượt Ngọc Vượng bắt đầu lo giải quyết khâu kỹ thuật và bảo quản nguyên vật liệu nấu phở, trong điều kiện thời tiết nắng nóng và dài ngày trên tàu hải quân.
Việc chuẩn bị được tiến hành ở cơ sở Ngọc Vượng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện bí mật. Ngọc Vượng không dám thông báo cho gia đình và với các nhân viên, Ngọc Vượng nói rằng chuẩn bị cho chuyến từ thiện ở vùng sâu vùng xa miền biên giới. Đến tận khi xe quân đội đến chở những kiện hàng ra khỏi quán phở, các nhân viên vẫn không biết ông chủ mình mang phở đi đâu.
Thông thường, bánh phở được tráng theo cách truyền thống chỉ có thể bảo quản trong 24 giờ. Ông chủ Vượng phải tự tay tráng bánh, cho dày hơn, đậm hơn rồi hong quạt cho se từng cái mới xếp lớp trong túi bảo quản. Làm đi làm lại nhiều lần mới ra bí quyết giữ bánh phở tươi lâu trong kho hàng đông lạnh của tàu. Vậy mà cũng có lần bánh phở đông cứng, phải mang ra ngâm nước rồi “nâng như nâng trứng”, gỡ từng cái bánh phở rồi lại hong cho se mặt. Lúc đó, mới xếp lớp để thái ra từng sợi.
Nước dùng (nước xương ninh với hoa hồi, thảo quả, quế, gừng, hành..) được cấp đông từng khối như những cây nước đá.
Gia vị được sơ chế trước. Các loại rau thơm, hành tươi được rửa sạch, hong khô rồi bọc trong giấy báo, đóng kiện.
Vậy mà có lần chuyến đi dài ngày hơn dự kiến, hành bắt đầu héo rũ và vàng úa. Hồng Kỳ và Ngọc Vượng lại nhờ cậy các thành viên trên tàu nhặt lại hành. Cả đống hành to, nhặt lại chỉ còn một góc con con.
Nhà báo Hồng Kỳ và Ngọc Vượng ngồi tính trong boong tàu chỉ huy, phân chia các nguyên liệu, gia vị theo từng kiện nhỏ. Việc phân chia dựa theo số liệu chiến sĩ trên từng đảo nên vì giữ bí mật quân sự, chỉ hai “ông hàng phở” mới được biết để chuẩn bị cho chính xác.
Nhà báo Hồng Kỳ như thổ dân ở quần đảo Trường Sa, ông biết ở đảo nào đặt được bếp ninh số xương mang theo và đảo nào phải sử dụng nước dùng đã được đóng đá; Đảo nào phải sơ chế ngay trên tàu và đảo nào có thể sử dụng bếp ăn trên đảo để tác nghiệp.
Phở Hà Nội đi theo Đoàn khách ra thăm cán bộ chiến sĩ trên đảo, đông đảo phóng viên báo chí cũng trong thành phần Đoàn đại biểu. Khi đặt vấn đề nhà bếp trên đảo hỗ trợ nhân công, bếp trưởng bếp ăn cứ ngỡ việc nấu phở trên đảo chỉ phục vụ mục đích quay phim chứ không ngờ phở mang ra chỉ nhằm phục vụ người trên đảo. Cậu bếp trưởng thì thầm với Ngọc Vượng : “Em xin lỗi. Em cứ tưởng làm màu”.
Cũng ghi nhận lòng thành của ông chủ quán phở Ngọc Vượng. Với mỗi điểm đảo, ông thường mang gấp đôi “cơ số phở” nên khi các chàng lính trẻ ăn xong bát phở vẫn thòm thèm, liền có ngay bát thứ 2 kế tiếp. Ngọc Vượng nhớ một chàng lính trẻ, ăn xong bát thứ 2 mà vẫn chưa đã liền gọi vào khu vực bếp ăn, bảo em cứ ngồi đây, ăn cho no rồi ra với anh em.
Có lần phở mang ra nhà giàn. Trong lúc các chiến sĩ đang sì sụp bát phở, Ngọc Vượng tha thẩn quanh nhà giàn, nhìn thấy một hộp nhựa đựng một thứ gì màu vừa đen vừa trắng. Hỏi ra, Ngọc Vượng mới biết Đoàn trước khi ra thăm, tặng nhà giàn quả dưa hấu. Ăn xong, chiến sỹ giữ lại vỏ để muối dưa.
Trên đảo chìm đảo nổi hoặc nhà giàn trên biển, chiến sĩ rất chăm trồng rau, nhưng rau chỉ xanh tốt trong vài tháng. Những tháng còn lại, rau chết hết vì gió táp mưa sa. Gió biển, đến các linh kiện điện tử trên đảo còn hỏng nữa là rau. Tàu vận tải cũng thường xuyên ra đảo nhưng rau xanh thuộc loại khó bảo quản nên các chiến sĩ bị đứt bữa rau xanh là chuyện thường.
Cả mấy chuyến ra biển, Ngọc Vượng đều chu đáo mang ra từ cái bát, cái xoong, con dao, cái thớt và lần nào về tới đất liền, Ngọc Vượng đều về tay không. Thấy các chiến sĩ kham khổ trên đảo, Ngọc Vượng chỉ tiếc không thể mang ra nhiều hơn nữa cho lính đảo.
Nhà báo Hồng Kỳ đang làm đại diện thường trú của TTXVN bên Cộng hòa Séc. Chiều nay nói chuyện với ông, được biết khoảng tháng 3 hoặc tháng 5 ông về nước. Tôi chứng kiến Hồng Kỳ và Ngọc Vượng lại hẹn nhau cho chuyến thăm bộ đội Trường Sa trong năm nay.
Xin chúc hai ông hoàn thành tâm nguyện.