Trời mưa lâm thâm, gió lành lạnh lùa vào phên nứa nhà ngoại, mấy chị em con dì, con mự, cháu mụ ngồi chụm đầu nhau trên phản gỗ để chằm nón lá, đứa nào cũng mặc những chiếc áo phong phanh tưởng chừng như không thấy mùa đông. Chúng cắm mắt vào những chiếc nón, tay vừa cầm kim chằm vào lá thoăn thoắt nghe rích rắc đều đặn vừa nói cười rôm rả. Cũng chẳng biết con bé kia nói gì, tôi chỉ nghe lỏm bõm mấy tiếng “làm rọn, sẩy rơm, bứt rạ nhọt lắm…”. Bỗng con Xí cắt ngang lời: “Nói nghe rộn bụng. Thôi, Sịa lắm mi ơi!”. Không rõ con bé nói láo, nói sai lệch hay sao mà Xí đã chê bai em mình như vậy. Nghe Xí nói đến từ “Sịa” khiến tôi mãi bâng khuâng. Tôi tưởng tượng “Sịa” chắc là một vùng quê xa lắc xa lơ ở cuối sông, bợt phá; nơi khỉ ho cò gáy, vùng đầm lầy nước đọng, cỏ lác um tùm đi lại khó khăn dể sỉa chân sỉa cẳng, đó là một xứ quê mùa mà ở đó con người chắc “Quê rích quê rang, quê cả làng, lý trưởng cũng quê” của cái thời xa xưa lắm. Ngoại tôi ở Hương Cần là vùng quê đã quê mùa lắm rồi, sao lại có cái xứ sở nào còn quê hơn thế nữa trên quê hương này?
Tôi vặn hỏi:
- Rứa Sịa là nơi nào mà Xí mỉa mai em là “Sịa lắm!”.
Xí chỉ tay về phía bên kia sông Bồ mà bảo:
- Ở chỗ xa tít bên kia sông.
Tôi nhìn sang bên ấy chỉ thấy mưa trắng trời trắng đất, mây một màu trắng bạc, chẳng thấy nơi đâu làng mạc, ruộng vườn.
Hồi nhỏ, thuở tôi đang còn bé tý, tuổi thơ nửa biết nửa không, lắm mơ hồ. Lúc nhỏ ở Truồi cũng là vùng quê phía nam của xứ Huế, tôi đã thường nghe người ta nói luôn vần, luôn điệu: “Láo thiên, láo địa, láo từ ngoài Sịa láo vô, láo từ Lăng cô láo ra…”, thế là nguồn gốc của nói láo xuất phát từ Sịa kéo dài đến Hải Vân quan. Nghe mà ớn! Sau có người bạn đã chữa lại rằng: “Trạng thiên, trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về…” nghe cũng mềm tai hơn. Hú hồn, phải thế chứ, ai lại là “láo” nghe nó khó nghe làm sao. Từ “Trạng” nghe có vẻ thanh nhã, trang trọng hơn nhưng xét cho cùng thì “ nói trạng” hay “nói láo” gần cùng một ý, cũng một ma chứ mấy mồ.
Vốn sinh ra ở cái rốn của vùng quê nên lắm lúc tôi cũng xổ cái giọng quê mùa chất phác của mình ra thì đã bị các bạn đùa tôi là “quê một cục”, là người tối dạ, quê mùa, chỉ biết “cục bắt hòn” chả biết sáng tạo gì thêm nữa, có khi gán tôi là “Sịa”, ở xứ An-lô Si-a. Thì cứ cho rằng mình lai Chăm-pa, Cơ-tu, Pa-cô hay Vân kiều gì cũng được, đều là dân Việt mình cả, có sao đâu. Những lần nghe bạn bè đùa, tôi cũng chẳng hiểu bạn nói mô, tê gì cả và chỉ biết cười xuề cho xong chuyện.
Nhớ ngày xưa mỗi lần Tết đến, mạ tôi thường dẫn tôi về ngoại. Khi đến bến xe Nguyễn Hoàng-Huế để lên xe đò về Hương Cần tôi thường thấy có mấy chiếc xe đò hiệu Rờ-nôn cũ kỷ thời Pháp đậu gần kề. Chiếc xe có đầu dài, dẹp; thân dài, thon, màu xanh lơ, sơn đã bạc màu. Cứ mỗi lần xe cập bến, trên xe thấy chất đầy rau trái; heo ca, gà, vịt; tôm, cua, rùa, ếch; đam đồng, rạm phá; trìa, sò, ốc, hến đủ cả các loài thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn; rồi nào là nón lá, chổi rơm, có khi chất đầy om, nồi, trách đất hoặc thúng, mủng, rổ, rá, sàng, nia bằng tre… ớn nhất là trên xe nhét đầy người dân quê bán buôn lam lũ khiến tôi thấy lạ, trí tò mò. Cái làm cho tôi ấn tượng nhất là mấy chữ to đùng bên hông xe đã đập vào mắt mình: Huế-An lỗ-Sịa. À, thì ra là thế, gốc cái từ “an lô si a” mà mấy bạn hay chọc quê tôi giờ tôi mới hiểu. Nghe thấy thì nhiều nhưng hồi đó tôi vẫn chưa biết An lỗ và Sịa là chốn nảo chốn nao ở trên quê mình.
Xuân sớm, khi mặt trời sắp hừng đông tôi theo chân ngoại chạy men theo con hói nhỏ ra chợ Cần. Ngoại thường ra chợ sớm bán cau trầu, ớt ướp, cà muối. Ngoại hay nói chuyện với mấy người bạn hàng về hàng hóa: Nào là thuốc lá Phồng lai, ớt ướp La vân, gạo nếp núp La Vân Hạ, ruộng Cung, gạo Hểu rằng ruộng Quan, bánh tráng, bánh ướt Sịa…Tôi chỉ nghe mệ nói vậy chứ thuở ấy còn bé chưa chú ý đến mấy địa danh này.
Sớm tinh mơ sương mờ xóm chợ, người lưa thưa chưa trông rõ mặt người, chỉ nhận nhau qua mặt bằng lời, chỉ nghe thấy tiếng cười và lời chào năm mới. Tôi nhìn về phía bên kia sông Bồ cũng chỉ một màu sương trắng đục như mây trời sà xuống xóm chợ lang thang. Khi mặt trời ló dạng, sương tan, thôn Giáp Kiền ẩn hiện trong sương mai, nơi có làng quê nội của Mạ. Phía ngoài xa nữa, xa mờ thăm thẳm hơn, nghe ngoại bảo đó là Quảng Thọ, Quảng Thành rồi Tiến Thành, Thành Trung…là Niêm phò, La Vân hạ, La Vân trung…và cứ là Vân, Vân… Thành, Thành chi đó nữa… như vầng mây trắng vần quanh thành quách mà tôi không nhớ hết, tôi chỉ nhìn ra đằng Bắc thấy con đường đất chạy băng qua cánh đồng lúa xanh rờn dài hun hút, một màu xanh bạt ngàn của lúa đang thì con gái, cuối tít chân đồng lúa ẩn hiện một dải sương màu trắng bạc, mỏng manh vắt ngang qua cánh đồng như dải lụa bạch khoác trên thảo nguyên mênh mông, như đồng cỏ chân mây xứ bồng lai tiên cảnh. Tôi tò mò chỉ tay về phía ấy hỏi mệ, ngoại lại bảo ở ngoài xa xa hơn nữa là Sịa, là mấy làng Điền.., Điền…Bao la…
Bao la nghe sao mà xa xăm vời vợi. Sịa, nghe sao mà thiên cổ, quê mùa.
Sịa, cái tên tôi đã nghe quen nhưng chưa một lần đặt chân đến đó nhưng những tên làng, tên đất nghe ngoại nói ngày xưa đã hằn sâu trong trí nhớ. Sịa đối với tôi là xứ lạ mà quen, nơi nghe quen mà thấy lạ. Lời truyền khẩu nghe có vẻ hơi ngoa “Nhất Huế, nhì Sịa” không đơn thuần mà có được, phải chăng ngày xưa phía bên kia sông Bồ đã tồn tại một thành cổ Hóa Châu sừng sững giữa đầm lầy sông nước hoành tráng, uy nghi mà Sịa vẫn là chốn giao lưu sầm uất của quan, dân thành cổ. E cách đây gần năm trăm năm Tiến sĩ Dương Văn An cũng đã từng đứng ở chợ Cần, thôn giáp Đông để nhìn sang phía bên kia sông Bồ mà thấy thành Hóa Châu ngày ấy: “Thành ở địa phận huyện Đan Điền,… Thành cao trăm trĩ, sừng sững như đám mây dài. Thế đất tụ tập, thợ trời tạo ra nơi hiểm yếu vậy…” (tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” của Dương văn An).
Ngày tôi về Sịa, xe đi trên đường quốc lộ 1 qua khỏi cầu An Lỗ thì rẽ phải dọc bờ sông Sịa. Quê Sịa cũng làng mạc tre pheo, cũng đồng lúa xanh rì, cũng dân quê một nắng hai sương mộc mạc, tôi chẳng thấy đâu là phố phường huyên náo của phố thị ngày xưa. Đường về làng xa kia rẽ phải là con đường đất băng qua cánh đồng sâu hun hút, nơi có cây vông đồng lẻ loi đơn độc (Mắt Biếc) đứng trơ trọi giữa ruộng xanh bát ngát mênh mông, như đội mây, hứng nắng chống trời che dân suốt cả thời lam lũ. Chân bước đi trên thị tứ Sịa cổ xưa mà nghe đâu đây như còn vang vọng tiếng chân của tiền nhân lưu dấu. Đâu là dấu chân của Huyền Trân công chúa, của Trương Hán Siêu, của Đỗ Tử Bình còn giữ lại, rồi cả các vua quan đời Trần, thời Lê, họ Mạc, cả Dương văn An, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Du… Tiếng xưa vọng về trên từng bước chân mà tôi đang cảm nhận: “Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi” (chỗ ta ngồi bây giờ thì người xưa đã ngồi rồi). Nếu Huế là dinh, là cố đô, là dấu tích xưa trên từng viên gạch rêu phong thì Đan Điền, Sịa là cố dinh, là dấu tích trên từng nắm bùn, nắm đất ở đầm lầy, gò hoang hóa cũ. Huế một thời là chốn kinh kì phồn hoa thì Sịa cũng một thời là nơi đô hội, bởi vậy câu truyền khẩu “nhất Huế, nhì Sịa” thì có gì là ngoa? Sịa không rộng nhưng chẳng hẹp tí nào, không bao la mà thật bao la. Thị tứ thì nhỏ hẹp nhưng bao la ruộng đồng, bao la sông nước, bao la đầm phá, bao la mây trời. Thử một lần từ bến đò Cồn Tộc vượt phá Tam Giang sang bến đò Vĩnh Tu bên kia bờ phá thì mới biết thế nào là bao la dữ dội. Có lần tôi đã sang bên ấy trên một chiếc đò ngang, gặp lúc gió vần nghe đâu sắp có bão, thuyền chao chạnh, có lúc quay vòng. Lúc đó tôi chỉ biết cầu trời và cầu trời, tái mặt. Lần ấy tôi mới thấm thía câu ca thuở nào:
- “Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”.
Thành Hóa Châu ở Đan Điền, sau này nhà Nguyễn đổi lại thành Quảng Điền, chắc thuở ấy mấy ông ở xứ Bắc kỳ vào làm quan và phải lòng nhiều O thôn nữ ở Sịa lắm hay sao mà truyền lại câu ca ấy vậy? Phá Tam Giang ngày ấy không phải cạn đâu, mà tên nó xưa kia đã gọi là Biển Cạn đó rồi. Câu ca chỉ là lời ẩm ờ, vờ vĩnh tỏ tình xa xăm bâng quơ mà thôi.
Nói thật ra là cho đến nay nếu không có cây cầu Ca Cút như vị cứu tinh nối hai bên bờ phá Tam Giang mà vẫn đi trên chiếc đò ngang, chèo chèo, chống chống thì không chỉ là sợ mà là khiếp vía chớ chơi. Xưa đi đò Cà Cút mà kêu đò sang bên kia bờ phá là đã kêu như “kêu đò Ca Cút” đó rồi. Còn như đò Cồn Tộc thì khỏi gọi luôn. Nó xa vời vợi, xa thăm thẳm. Đứng bên này nhìn về bên kia biển phía Quảng Công, Quảng Ngạn chẳng thấy đâu dải cồn cát trắng mà chỉ thấy như là một bức tường mây ở cuối chân trời chắn sóng, chắn gió, chắn cả biển Đông. Nơi nước, mây, trời giao thoa. Gặp hôm động trời thì mây đen tối om như tối… mịt mờ mây đen!
Con đường ngày xưa ngoại tôi chỉ cho tôi: “Sịa ở bên ấy”, bây giờ là đường nhựa thênh thang. Từ chợ Hương Cần về chợ Sịa không còn bao xa, chưa đầy mươi cây số. Nhưng rồi cũng phải qua sông Bồ, sông Sịa; phải băng qua mấy cái cồn mồ hiu hắt, mới đến Cồn Tộc nơi bợt phá có bến đò quê; phải qua mấy cánh đồng cò bay thẳng cánh, có mây trời đùn quanh. Chợ Sịa nay khác xa chợ Sịa xưa, là trung tâm thương mại nên hàng hóa gì cũng có như những trung tâm thương mại khác. Tôi cố tìm kiếm đặc sản nhưng chẳng mua được đặc sản gì và có lẽ chỉ biết thưởng thức một món bánh ướt Sịa mà thôi. Thôi thì không tìm ra cái đặc sản, cái quà quê gì để làm kỉ niệm thì chí ít cũng nghe thoảng thoảng hương vị Sịa của ngày xưa.
Nhẹ bước chân mình trên thị trấn Sịa hôm nay mà thấy lòng thổn thức nỗi xa xưa. Từ trong quán cà phê nhỏ ven đường văng vẳng bài nhạc tiếng xưa “Sương trắng miền quê ngoại” của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ người Khuôn Phò, xã Quảng Phước, Quảng Lợi, Sịa của cái thời miền Nam Việt Nam mà nghe lòng nhung nhớ trào dâng:
“Mỗi khi con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm.
Đường làng cũ năm nào, khi con còn bé nhỏ theo mẹ đến trường.
Giờ đây con đường xưa còn đó, tóc liễu vờn gió ru buồn…”
Huế, 15.10.2023 – NV