Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Đức Dân, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP Hồ Chí Minh, 1992) cho phăng (phiên từ hai từ: France – nước Pháp, français – thuộc về Pháp) có nghĩa là “kiểu Pháp, người Pháp”.
Vậy “quần phăng” là loại quần dài kiểu Pháp. Trong khi đó, Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) lại cho xuất xứ tiếng Pháp của phăng là “pantalon” và giải nghĩa, đây là “quần dài của phụ nữ, may theo kiểu Âu”.
Với phụ nữ, trang phục “mặc ngoài phía dưới” có thể là váy (đồ mặc của phụ nữ, phần thân dưới không chia thành hai ống) hoặc quần (đồ mặc từ thắt lưng trở xuống, có hai ống để xỏ chân vào). Như vậy, theo từ điển này thì “quần phăng” là một loại trang phục của phụ nữ (khác với “váy” – quần một ống).
Tiếng Việt lại còn một từ “phăng” nữa, cũng có gốc Pháp (là pensée – nhiều người đọc là păng-xê), chỉ một loại cây thân cỏ, lá mọc đối, hoa có cánh pha nhiều màu, cánh có răng cưa, trồng lấy hoa, làm cảnh. Hoa phăng chính là hoa “cẩm chướng” quen thuộc (có rất nhiều loại, nhiều màu) mà chúng ta từng mua để tặng người thân, bạn bè hay trang trí trong gia đình, công sở.
Và tiếng Việt lại còn có một từ “ngoại lai” cũng âm “phăng”. Từ này cũng bắt nguồn từ tiếng Pháp: fantaisie (phiên cách đọc là “phăng-te-di”). Nghĩa của phăng-te-di là “khác thường, lạ, đặc biệt”. Trong quá trình sử dụng, phăng-te-di còn được cấp thêm nét nghĩa “thoáng, phóng khoáng, cởi mở”, như chữ viết phăng-te-di, ăn mặc rất phăng-te-di, phong cách phăng-te-di… Đây cũng là tên bài viết của Lê Hoàng trên báo Thanh Niên, hài hước nói về sự sáng tạo của nhân vật Tèo trong việc cải tiến chiếc mũ bảo hiểm, sao cho lạ, bắt mắt, thời thượng ().
Như vậy, cũng là âm “phăng”, cũng xuất phát từ tiếng Pháp, ta thấy có ba từ “phăng” hoàn toàn khác nhau về ngữ nghĩa.
Hôm nay cô em diện “phăng"
Váy đầm gấp lại để sang mùa hè.