Trong 3 buổi sáng, từ 6 – 8/3, tại không gian “Ký ức Nhiếp ảnh”, Phạm Công Thắng đã giới thiệu với bạn bè trong giới nghệ thuật tập truyện ngắn “Bão đời”, (NXB Văn học năm 2024). Đây là tập truyện ngắn thứ 3 của anh, sau “Ngã rẽ”, (NXB Văn học năm 2019), “Tình yêu thời hậu chiến”, (NXB Hội Nhà văn năm 2022).
Vì sao Phạm Công Thắng tổ chức 3 cuộc ra mắt? Anh muốn dành sự chân tình, ấm áp cho các nhà văn, nhà thơ, nhà báo (lần 1, lần 2); các nghệ sỹ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (lần 3). Không gian “Ký ức Nhiếp ảnh” không diện tích đông người dự nhưng tấm chân tình của nhà văn Phạm Công Thắng mênh mông.
Có mặt tại buổi ra mắt đầu tiên có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo quen biết trên văn đàn như: Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự; nhà thơ, TS. Lê Tuấn Lộc; nhà thơ, TS. Phạm Đình Ân, nhà thơ Ngô Đức Hành, nhà thơ Đỗ Trung Lai, ....
“Bão đời” gồm 19 truyện ngắn, dày gần 180 trang. Tên tập truyện ngắn cũng là tên truyện ngắn “Bão đời”. Nhân vật “nàng” trong “Bão đời” có cuộc sống riêng tư vừa hạnh phúc vừa bi kịch. “Nàng” lấy chồng là kết quả của một cuộc “gả bán”, để cứu gia đình – người bố nợ nần vì cờ bạc. “Nàng” có bóng dáng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Chồng “nàng” Giám đốc một công ty xây dựng, là một kẻ trăng hoa, trước “nàng” đã có 2 đời vợ. “Nàng” chấp nhận làm lẽ như một sự “báo hiếu”. Và rồi, để thắng thầu trong một dự án xây dựng, chồng “nàng” – kẻ khốn nạn đã “dâng” vợ trẻ đẹp của mình cho một quan chức “háu gái” đầu tỉnh, kẻ có quyền định đoạt dự án thuộc về tay chồng “nàng”.
Và bi kịch đã xảy ra. Trong một lần uất vì tiếp tục bị cưỡng ép tình dục, “nàng” đã dùng dao mang theo đâm vị quan đầu tỉnh. “Nàng” vướng vào lao lý.
Truyện có vẻ vô lý, nhưng sự thực còn hơn thế. Trên thực tế, không phải chưa có kẻ vì tham vọng quyền lực chính trị mà đã tự nguyện “dâng” vợ mình cho lãnh đạo cấp trên. Phạm Công Thắng đã góp phần hé mở một phần sự thật mà không phải ai cũng nghĩ đã có trong cuộc sống. Đó cũng chính là sự băng hoại đạo đức, không kém phần đau lòng trong cuộc sống. Không có gì là không thể xảy ra khi con người ngày càng quay cuồng với “chủ nghĩa vật chất”. Biến thái đạo đức, biến thái nhân cách làm người từ sự “tôn thờ” đồng tiền. Ngòi bút Phạm Công Thắng đã “lạnh lùng” cảnh báo.
Ngòi bút Phạm Công Thắng, dường như muốn hướng về thân phận. Ngoài “Bão đời”, có thể nhận ra trong các truyện ngắn “Con sen”, “Mụ Bống”, “Mẹ kế”, “Cô hàng cá”, “Ổ chuột”....Bút pháp của nhà văn Phạm Công Thắng là bút pháp hiện thực, đi vào các “vỉa” tầng của đời sống, gửi đến những thông điệp nhân văn từ hỷ, nộ, ái, ố...Nhân vật bước vào tác phẩm của anh, gần gũi; do vậy lay thức người đọc. Không chỉ ở “Bão đời” mà “Ngã rẽ”, “Tình yêu thời hậu chiến” đều như vậy. Hay nói cách khác, “Bão đời” là tiếp nối những “mạch vỉa” đời sống mà Phạm Công Thắng nhận ra không viết “mình như mắc nợ”.
Ở tuổi 70, trong tâm hồn ông có cả một kho "tài nguyên" cuộc sống, cộng với tính người luôn trăn trở, dằn vặt, suy tư, ưu tư; khả năng quan sát....nên không viết, ông không chịu được.
Trước nhà ông (phố Đặng Tiến Đông) có một chị bán cá rong - chị ngồi đó từ lâu lắm rồi. Phạm Công Thắng quan sát, tìm hiểu và ông phát hiện ra sau nụ cười đon đả mời khách mua cá là 1 thân phận. Truyện ngắn "Cô hàng cá" ra đời - gần như nguyên mẫu.
Với văn xuôi, trước khi công bố tác phẩm, truyện ngắn Phạm Công Thắng đã được nhiều tờ báo có uy tín như Quân đội Nhân dân (số Cuối tuần), Công an Nhân dân (chuyên đề Văn nghệ Công an), Tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều tạp chí văn học nghệ thuật trong cả nước. “Rất mừng là cuốn Tình yêu thời hậu chiến được Thư viện Quân đội mua 700 cuốn”, anh chia sẻ. Đi được vào bạn đọc, vào các thư viện các đơn vị trong Quân đội là hạnh phúc của người viết.
Tác giả Phạm Công Thắng cho biết, anh không có ý định “phấn đấu” thành nhà văn, chỉ muốn thử sức mình trên lĩnh vực văn học nghệ thuật mới. Rất đông ý kiến của các nhà văn, nhà thơ đánh giá cao năng lượng sáng tạo của Phạm Công Thắng. Cứ có tác phẩm đi vào lòng bạn đọc là đủ tư cách nhà văn, và không phải cứ nhà văn “có thể” làm được như Phạm Công Thắng.
Bao giờ cũng vậy, viết phải bắt đầu từ tài năng, khổ luyện và sự hối thúc từ cuộc đời, từ thân phận. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nói: “Hãy viết khi còn muốn viết”.
Nhà văn Phạm Công Thắng là người chân thành, giàu cảm xúc, luôn suy tư, trăn trở. Anh cho biết, có thể không viết nữa, nhưng biết đâu sẽ viết tiếp, hay hơn. Bạn đọc tiếp tục chờ đón những tác phẩm mới của anh./.