Phố xá vắng hẳn cũng một phần vì mưa lạnh, hàng cây ven đường rũ xuống ướt át nặng nề, lá vàng lả tả rơi trong gió rồi trôi xuôi cùng dòng nước mưa lạc mùa. Ngày nghỉ mà buồn hiu, lại nhớ...
Ngày xưa, chẳng mấy quan tâm quá đến nhiệt độ mùa đông. Chỉ cần sáng sớm nhìn ra thấy sương bàng bạc phủ trên ngọn xoan gầy guộc và nghe gió bấc rít từng cơn là biết có đợt rét dài lê thế đã đến. Lũ trẻ chúng tôi có rét mấy cũng chỉ thêm manh áo mỏng mặc lồng nên môi lúc nào cũng tím ngắt, chân tay phát cước vừa ngứa vừa nhức. Ấy vậy mà ngày nào cũng buổi đến trường, buổi ra đồng cùng cha mẹ phạt bờ, cuốc ải chờ vụ cấy chiêm. Bàn chân gầy guộc tê cóng bước nhanh trên con đường làng hun hút gió những mong mau về để sà vào bếp lửa nhà mình.
Còn nhớ, sau vụ gặt tháng 10, cha tôi chọn một ít rơm đủ nắng, khô vàng, thơm phức mùi mùa màng để dành cho ngày đông tháng giá. Khi gió bấc bắt đầu vi vút thổi, bố chọn góc sân có nắng để phơi lại mớ rơm. Bố còn dọn sạch một góc nhà rồi trải một lớp lá chuối khô xuống. Bố sai tôi dùng cái sào đập nhẹ lớp rơm vừa phơi cho hết bụi vụn. Rồi một tay ôm rơm, một tay bố rắc đều từng lượt rơm trên đám lá chuối khô đã trải. Những sợi rơm loè xoè được bố tém gọn, dàn phẳng. Người còn cẩn thận tết một khoanh rơm to bằng cổ chân người lớn như kiểu tết tóc để bao quanh cho rơm không tràn ra ngoài ổ. Sau cùng bố rũ manh chiếu sạch trải lên trên cùng. Chỉ chờ có thế, lũ trẻ con chúng tôi nhảy vào ổ rơm rồi lăn đùng ra cười thích thú. Bố đứng nhìn với ánh mắt bao dung, vui vẻ.
Có lẽ chẳng bao giờ quên cái cảm giác được nằm trên ổ rơm mới ngày đông về. Tối đến, sau bữa cơm đèn trong căn bếp nồng mùi khói, lũ trẻ chúng tôi lăn vào ổ rơm nô đùa chán chê rồi trùm cái chăn chiên màu xám có ba sọc đỏ ngủ say sưa. Vài đêm trôi qua, cái ổ rơm lồng phồng ấy xẹp hẳn xuống, bằng phẳng như có một chiếc bàn ủi vừa ủi qua. Có ổ rơm, gió bấc không còn len lỏi dưới lưng nên chúng tôi ngủ kĩ dưới lớp chăn mỏng trong mái nhà lợp rạ.
Ổ rơm ngày ấy không chỉ là chỗ ngủ đêm đêm mà còn là nơi chúng tôi làm văn, làm toán mỗi tối. Ổ rơm cũng là nơi cha mẹ cùng bà con hàng xóm trò chuyện về mùa màng, làng xóm bên ấm chè xanh vào mỗi buổi ban trưa. Ổ rơm ủ ấm chúng tôi một thời gian khó. Ổ rơm không chỉ đỡ lưng cho bà tôi lúc trái gió trở trời, mà còn là sới vật cho mấy đứa trẻ hiếu động đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuy chẳng được "no cơm tấm" nhưng đám trẻ nhà nghèo chúng tôi lại luôn được "ấm ổ rơm" bố trải. Ổ rơm là cái nôi ấm áp để chúng tôi chống chọi với mùa đông rét mướt, dần lớn khôn theo năm tháng.
Mùa đông lại về, căn nhà xưa đã lùi vào dĩ vãng nhưng hình bóng cha lúi húi cùng mớ rơm trong ngày đông trong góc sân nhỏ cứ đậm sâu trong trí nhớ. Giờ thì chăn ấm nệm êm, là áo khăn giày mũ. Mấy ai còn mặc lồng đôi áo mỏng, đầu trần chân đất lội ruộng như chúng tôi ngày xưa. Giờ, mùa đông có khi còn là niềm mong đợi của người trẻ để họ xúng xính thời trang đủ sắc màu. Giờ, đứa trẻ tím môi vì lạnh khi xưa cũng đủ đầy khăn áo giầy tất, cũng chăn nệm ấm êm vậy mà lòng cứ nao nao nỗi nhớ ổ rơm xưa. Mỗi khi đi qua cánh đồng mới gặt, rơm ra được vun gọn rồi đốt làm tro bón ruộng, nhìn làn khói xanh nhạt, gió rắc tàn tro bay lả tả, mắt lại cay cay.
Không biết mùa đông nầy có còn ông bố nào để dành rơm mới, rồi phơi nắng đem trải ổ cho lũ con hiếu động như xưa nữa không nhỉ...
Theo Chuyện làng quê