Nhà Tôi chỉ có cối xay, không có cối giã gạo, toàn phải đi giã nhờ. Nhà Tôi đông người, một tháng ăn hết 10 thúng thóc, nên việc xay thóc, giã gạo là thường xuyên. Nhà ai muốn giã gạo phải đặt trước, hoặc căn giờ mới tới lượt. Thật là khổ sở, chứ đâu được sướng như bây giờ, các cháu đưa ra máy sát mười phút, thì có gạo ăn cả tháng.
Lúc đó, gia đình nhà có cối, họ hay làm dựa vào trái bếp, thấp lè tè, đứng chạm vào mái. Mùa hè thì oi ả nóng bức như lửa, mồ hôi vã ra như tắm, khi mùa mưa tới, rơm rạ đều bị ẩm ướt, và mốc, họ nấu cơm, nấu cám lợn, khói mù mịt cả. Thì lúc đó ít người giã gạo nhờ, Tôi và Chị tôi cứ đi làm ngoài đồng, đến giờ đó lại về giã gạo, không phải xếp hàng chờ đợi. Chị em tôi giã một cối gạo nhanh cũng phải 30 phút. Trong thời gian ấy, tôi phải chịu trận, khói của mùi rơm rạ ẩm mốc, mới khó chịu làm sao? Làm cho mắt, mũi hai chị em cay xè, đỏ ngầu, nước mắt cứ chảy giàn giụa, hết đợt này đến đợt khác.Hai Chị em bảo nhau giã cho nhanh, mạnh, cho nhanh xong, để thoát ra khỏi cái hoả lò này. Giã xong cối gạo cũng là lúc chị em tôi hết nước mắt, chỉ còn lại đôi mắt đỏ hoe và cay xót, do mùi mốc của rạ tạo thành. Rồi cứ thế tiếp các lần sau, thật là khổ sở!
Hạt thóc kiếm được ngoài đồng đã đẫm mồ hôi bố mẹ rồi, vẫn còn lấy đi nước mắt của con trẻ! Một kỷ niệm tuổi thơ không sao quên được! Đánh dấu một thời khốn khổ, khi công nghiệp hoá chưa về tới nông thôi. Ông cha ta phải chịu cực quá nhiều!
Theo Chuyện làng quê