Mẹ anh từ dưới nhà đi lên, tôi mừng rỡ, ôm vai bà:
- Bác nhớ con không?
Bà vẫn nhớ tôi dù hàng chục năm mới gặp. Bà vui như thể con cái ở xa mới về.
Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu của chúng tôi, bà nhắc lại làm tôi thấy nao nao.
Bà cũng đã ngoài 70, dáng gầy gò khắc khổ, mắt có mờ đi nhưng trí nhớ thì vẫn tinh anh như xưa.
Bà trông 2 đứa cháu nội và phụ việc nhà cho con trai. Căn nhà sạch bong, ngăn nắp.
Hai đứa cháu nội đang chơi đùa, vất đồ chơi tung tóe cả ra sàn nhà.
Bà vừa hỏi chuyện tôi vừa gom chúng vào chiếc rổ nhựa.
Bà tâm sự:
- Vợ chồng nó đi làm suốt ngày, chuyện cơ quan ấy mà.
Hết nuôi tụi nó, giờ đến trông cháu, mệt lắm nhưng cũng là niềm vui tuổi già.
Nhìn bà tôi thương và nhớ mẹ tôi quá. Đúng là phụ nữ ai cũng vậy, một đời tần tảo hy sinh cho con cháu chẵng đòi hỏi gì cho mình.
Anh bạn bày đồ nhậu lên xong, chúng tôi hàn huyên tâm sự . Mẹ anh vừa trông cháu vừa hóng chuyện với chúng tôi.
Được mấy lon, anh cao giọng:
- Nhà có mấy anh em nhưng không ai chịu nuôi mẹ, chỉ mình anh thương và có trách nhiệm nhất. Anh đón mẹ về "nuôi" từ khi vợ mới sinh con đầu lòng đến nay.
Anh kể công đủ thứ chuyện với giọng tự hào xen lẫn ta thán.
Tôi nhìn qua bà, chẵng hề thấy bà trách lấy một câu. Từng tuổi này đáng ra phải được nghỉ ngơi, đằng này...
Đợi bà vào trong cho cháu ngủ, tôi không kìm được:
- Tôi thuê oshin gần chục triệu/tháng, trả cả tháng 13, xem như người nhà mà phải lạy lục, không dám trách họ một câu nhưng chẵng ai làm được lâu. Có người làm mà vợ chồng đi làm về phải phụ làm đủ thứ việc nhà mới xong đó. Bạn trả công mẹ bao nhiêu một tháng mà bảo rằng nuôi bà?
Anh cau mặt có vẻ không vui, lẫn tránh qua chuyện khác.
Tôi ra về mà mang theo nỗi buồn thương ray rức.
Đúng,
mẹ mãi là Oshin không công cho con cái mà còn mang ơn ngược là được chúng nuôi nữa.
Dẫu biết nước mắt chảy xuôi nhưng chạnh buồn khi mùa vu lan báo hiếu sắp về với bao nhiêu bản nhạc, thơ, status... trên fb:
Cõng mẹ,
Gánh cha
Lâm li,
Não nùng...
Nhưng thực thế được mấy phần.
Theo Chuyện quê