Trải nghiệm tuyệt vời tại VinUni
Ngày 29/6, trường ĐH VinUni đã công nhận tốt nghiệp cho 145 sinh viên niên khóa đầu tiên (2020-2024) với thành tích đặc biệt vượt trội. Nhắc tới các thế hệ sinh viên Trường ĐH VinUni nói chung và lứa tân khoa đầu tiên này, GS Max J. Pfeffer, Giám đốc Học thuật Dự án Cornell-VinUniversity, hết lời khen ngợi. Ông gọi họ là “những bạn trẻ xuất sắc”.
“Đâu là cái tên ấn tượng nhất với ông?”. “Giap Vicky” - GS Max J. Pfeffer trả lời gần như ngay lập tức.
Giap Vicky, tên thật là Giáp Vũ Nam Dương, không chỉ là một sinh viên xuất sắc của Trường ĐH VinUni mà còn là một nữ sinh nổi bật trong thế hệ của cô, những người trẻ Việt Nam sinh ra trong những năm đầu thế kỷ 21. Bốn năm học Quản trị kinh doanh ở VinUni là quãng thời gian đầy sôi động của Nam Dương. Cũng chính thời gian đó đã “tạo nên” một Giáp Vũ Nam Dương tràn đầy năng lượng, ham học hỏi, dám dấn thân.
Năm học cuối cùng ở VinUni là thời gian vô cùng bận rộn của Nam Dương. Buổi ngày cô đi học, buổi tối cô làm việc trực tuyến với công ty của cô bên Mỹ, StoryCo. Đó là chưa kể rất nhiều hoạt động khác, chẳng hạn như phụ trách tiếp thị cho hội nghị Blockchain Cornell 2024. “Năm ngoái, trong học kỳ chuyển đổi ở ĐH Cornell, khi phụ trách tiếp thị cho hội nghị Blockchain Cornell 2023, tôi đã khiến cho nhiều người biết đến hội nghị hơn, số vé bán ra được gấp đôi so với kỳ hội nghị trước. Vì rất ấn tượng về điều đó nên năm nay ban tổ chức hội nghị đã mời tôi quay lại giúp họ”, Nam Dương kể.
Cách đây 4 năm, Trường ĐH VinUni là một cái tên vô cùng mới trong danh sách những trường đại học Việt Nam. Niềm tin vào khát vọng xây dựng cho Việt Nam một trường đại học xuất sắc của lãnh đạo Tập đoàn Vingroup là động lực khiến Nam Dương “dấn thân” trở thành sinh viên khóa đầu tiên của VinUni.
“Lúc đó tôi nhận được học bổng của 4 ĐH bên Mỹ. Nhưng tôi nói chuyện với bố, cả hai bố con đều nhận định rất lâu nữa Việt Nam mới sẽ có một dự án đại học tầm vóc như thế này. Vì thế đây là cơ hội để tôi được trở thành một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng một trường đại học tinh hoa”, nữ tân khoa khóa 1 VinUni chia sẻ.
Vào VinUni, Nam Dương như “cá gặp nước”. Trước khi được rung chuông ở sàn chứng khoán NASDAQ tại Times Square (nhờ việc phụ trách tiếp thị hội nghị Blockchain Cornell 2023), cô từng là người tiên phong trong nhiều hoạt động của sinh viên ở VinUni. Cô làm Tổng biên tập Tạp chí VinMagazine (một tạp chí của sinh viên Trường ĐH VinUni), phụ trách biên tập cuốn "Từ điển 202X" (một dự án sách giải thích đơn giản về những phát minh và công nghệ then chốt đương đại), viết kịch bản và dẫn chương trình Zlife của VTV Digital (một chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam)…
“Luôn có thể làm tốt hơn” là cách Nam Dương giải thích vì sao cô có thể làm tốt được rất nhiều công việc cùng một lúc như vậy. “Đó là cách suy nghĩ mà bố mẹ đã dạy cho tôi từ nhỏ”, Nam Dương chia sẻ, “Vào VinUni, các thầy cô lại tiếp tục giúp chúng tôi chuẩn bị đủ hành trang để chinh phục những thử thách mới. Tôi chưa từng một phút hối tiếc vì đã chọn VinUni, đó thật sự là quãng thời gian trải nghiệm tuyệt vời của tôi”.
Lan tỏa câu chuyện của Việt Nam ra thế giới
Theo cách mà Nam Dương chia sẻ, ngay từ thời điểm cô lựa chọn đi tiếp con đường nào sau khi tốt nghiệp THPT, du học ở Mỹ hay ở lại VinUni, thì câu hỏi “làm được gì cho đất nước” đã nằm sẵn trong tâm trí cô. Chẳng hạn, thoạt tiên cô muốn học giáo dục và văn học ở Mỹ, nhưng lại ngần ngại vì sợ khó áp dụng các kiến thức đã học vào môi trường gowin99 trong nước.
“Tôi là người thích kể chuyện, mà marketing chính là kể những câu chuyện về sản phẩm cho cộng đồng. Tôi chọn học marketing ở VinUni bởi đối tác của VinUni là ĐH Cornell, đó là nơi có những giáo sư là thiên tài của ngành marketing. VinUni là con đường giúp những sinh viên chúng tôi được đứng trên vai những người khổng lồ”, Nam Dương cho biết.
Hiện nay Nam Dương đang được làm công việc mà cô mơ ước tại StoryCo. Đó là một công ty khởi nghiệp với hình thức kinh doanh mới lạ, độc đáo. StoryCo tạo ra nền tảng truyền thông mở, giúp các họa sĩ, các nhà văn, và các cộng tác viên sáng tạo trên các sản phẩm đa phương tiện. Nam Dương rất hào hứng với công việc của mình, vì được tham gia lan tỏa sự sáng tạo của các nghệ sĩ thông qua các câu chuyện tiếp thị.
Theo Nam Dương, cô vẫn chưa có ý định dừng lại việc học. Nhưng Nam Dương muốn đi làm để có kinh nghiệm thực tế, việc này sẽ giúp cô tiếp thu kiến thức mới thật sự sâu sắc khi học lên cao hơn. Khi được hỏi về đích đến lâu dài trên hành trình tương lai, Nam Dương lại trở về nỗi trăn trở “làm được gì cho đất nước”!
Nam Dương tâm sự: “Tôi vẫn muốn làm một người kể chuyện xuất sắc, kể về những câu chuyện đẹp như cổ tích của Việt Nam theo một cách mới mẻ. Ra nước ngoài tôi nhận thấy sản phẩm made in Việt Nam rất ít ỏi. Nói đến Việt Nam, người ta vẫn chỉ nghĩ loanh quanh về chiến tranh, rồi phở, rồi cà phê… Tôi nhận thấy người Việt Nam chúng ta rất giỏi, chúng ta đã, đang và sẽ có nhiều sản phẩm đặc sắc. Chỉ có điều chúng ta chưa tìm ra được những người kể chuyện hay để lan tỏa các sản phẩm của chúng ta ra thế giới. Tôi tin tưởng thế hệ tôi sẽ bổ khuyết được thiếu sót này”.